Nhiếp ảnh gia Phạm Thành Long và Hà Nội màu đỏ
Phạm Thành Long (hay còn gọi là "Lựợm") là một người chụp ảnh ở Hà Nội. Ngoài việc chụp ảnh tư liệu như một sở thích, Long kiếm sống chủ yếu bằng việc chụp ảnh chân dung và ảnh truyền thông doanh nghiệp.
Các bộ ảnh tư liệu của anh thường hướng tới các vấn đề xã hội (giao thông, môi trường), văn hoá truyền thống và cuộc sống thường nhật.
Ảnh của Long thường không cầu kì về bố cục và ánh sáng mà chú tâm nhiều hơn về khoảnh khắc và sự thân thuộc. Đối với anh, chụp ảnh, nhất là ảnh tư liệu, không hẳn là một hoạt động sáng tác nghệ thuật. Anh chụp ảnh để lưu giữ quá khứ và dùng ảnh để kể chuyện với tinh thần "trăm nghe không bằng một thấy" ("A picture is worth a thousand words").
1. Nếu phải chọn một tác phẩm để gửi cho người ngoài hành tinh, bạn sẽ chọn tác phẩm nào?
Bất kì bức ảnh nào về đại dịch COVID-19. Chưa bao giờ số phận con người trên Trái Đất lại bị uy hiếp một cách nghiêm trọng đến như vậy.
2. Thời tiết nào là lý tưởng nhất để bạn chụp ảnh?
Có lẽ là những ngày cuối thu đầu đông với trời xanh, nắng vàng và không khí mát mẻ có lẽ là lí tưởng nhất để ra đường chụp ảnh. Những ngày như vậy, bạn chỉ cần giơ máy lên chụp là có ảnh đẹp rồi.
3. Bạn tham khảo kiến thức nhiếp ảnh từ nguồn nào?
Cuối 2007, tôi bắt đầu tự học những bài vỡ lòng về nhiếp ảnh qua các tài liệu trên internet: diễn đàn, website. Còn bây giờ tôi chủ yếu xem YouTube hoặc mua một số khoá học trực tuyến. Nhưng nguồn kiến thức lớn nhất vẫn là từ việc xem ảnh của người khác chụp.
4. Nếu có khả năng tàng hình, bạn sẽ đi đâu?
Khả năng tiếp cận và sự can thiệp vào bối cảnh luôn là rào cản đối với người chụp ảnh. Vì thế, nếu tàng hình được thì tôi vẫn ra đường chụp ảnh thôi. Đỡ bị lo những bà bán vé số xua đuổi hay bị các anh xăm trổ "hỏi thăm".
5. Chọn một màu sắc để tả thành phố bạn sống?
Đỏ. Khi nhìn trên cao xuống, bạn sẽ thấy tôn đỏ nóc nhà. Đi trên đường, bạn thấy đèn hậu đỏ rực giờ cao điểm. Và nhìn vào các ứng dụng như AirVisual thì đỏ cũng là màu chủ đạo.
6. Lời khuyên sự nghiệp giá trị nhất bạn từng nghe là gì?
“Việc hôm nay chớ để ngày mai”.
Nếu bạn đang đi mà thấy một món đồ hấp dẫn đang bày bán, khả năng cao là hôm sau quay lại bạn vẫn có thể mua được. Nhưng nếu nghĩ rằng lúc khác sẽ quay lại chụp thì bạn phải hiểu rằng mình đã đánh mất cơ hội mãi mãi. Trong nhiếp ảnh, cơ hội không bao giờ lặp lại.
7. Một bức ảnh làm bạn rung động nhất khi chụp? Vì sao?
Với tôi, khi chụp ảnh, thái độ trung hoà sẽ giúp mình làm việc chính xác hơn.