25 Thg 12, 2020Cuộc SốngThương

Nỗi sợ cam kết: Tại sao người ta lại trốn chạy trong tình cảm?

Trong mối quan hệ, sự cam kết là một thành phần thiết yếu để duy trì hạnh phúc và tính lâu dài. Nhưng đối với nhiều người, chúng lại là một nỗi sợ.
Trà Nhữ
An Ho @meaptopia cho Vietcetera

An Ho @meaptopia cho Vietcetera

Chúng ta thường hay ngưỡng mộ những cặp đôi yêu nhau lâu dài. Tuy nhiên với một số người, mối quan hệ nghiêm túc khiến họ cảm thấy bị mất đi tự do.

“Sợ bị ràng buộc”, “cần không gian riêng” hoặc “chưa sẵn sàng” là lý do họ đưa ra mỗi khi từ chối ai đó hoặc chấm dứt một mối quan hệ.

Hành động né tránh này có thể là kết quả của nỗi sợ cam kết trong tình cảm (fear of commitment) - một hiện tượng không hề hiếm gặp.

Nỗi sợ cam kết trong tình cảm là gì?

Nỗi sợ cam kết thường được dùng để mô tả những người gặp khó khăn khi bước vào một mối quan hệ hoặc duy trì nó trong khoảng thời gian dài.

Trải nghiệm của nỗi sợ này rất đa dạng và mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào cách mà mỗi người định nghĩa thế nào là cam kết. Ví dụ, có người chỉ nghe tới yêu đương là “bỏ chạy”. Có người lại không thể duy trì mối quan hệ nghiêm túc trong thời gian dài. Số khác dù đang hạnh phúc với nửa kia nhưng lại tránh né việc sống chung hoặc kết hôn.

Nỗi sợ cam kết có thể bị nhầm lẫn với cảm xúc khác

Những người có nỗi sợ cam kết vẫn yêu thương và mong muốn những mối quan hệ lâu dài, nhưng bị nỗi sợ cản trở.

Tuy nhiên, nỗi sợ cam kết là một cảm xúc dễ bị nhầm lẫn. Khi mới yêu, người có nỗi sợ này có thể ngộ nhận giữa cảm giác phấn khích và lo âu.

Đồng thời, mối quan hệ yêu đương thường hay tồn tại những mâu thuẫn cố hữu mà chính người trong cuộc cũng không hiểu được. Nhiều người khao khát sự thân mật, nhưng đồng thời mong muốn bảo toàn cá tính và sự tự do cá nhân. Chính sự bất hòa nhận thức này tạo nên cảm giác lo lắng, điều thường bị nhầm với sự sợ hãi.

Một số dấu hiệu của người mắc nỗi sợ cam kết

Dưới đây là những dấu hiệu của nỗi sợ cam kết thường gặp mà bạn có thể thấy đối phương (hoặc chính mình) mắc phải:

  • Không muốn hẹn hò nghiêm túc, thường dừng mối quan hệ khi qua giai đoạn tìm hiểu, kể cả khi họ thật sự thích người kia. “Hãy cứ tận hưởng và đừng định nghĩa mối quan hệ này” là câu nói kinh điển của họ.
  • Hiếm khi nghĩ đến chuyện tương lai. Họ thường sẽ tỏ ra lảng tránh khi đối phương đề cập tới giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ.
  • Thường xuyên tự chất vấn mối quan hệ với những câu hỏi như “Liệu (hai người) có thật sự đang yêu?”, “Liệu tôi có thật sự sẵn sàng?”.
  • Không cảm thấy kết nối với đối phương, dẫn đến việc khó mở lòng cho những cuộc hội thoại sâu sắc.
  • Cảm thấy bị trói buộc khi đối phương bắt đầu đặt kỳ vọng. Ví dụ, họ tìm cách trốn tránh khi người còn lại muốn giới thiệu họ với bạn bè và người thân.
  • Thậm chí, có những người rất hạnh phúc trong mối quan hệ, nhưng sợ rằng sẽ không thể duy trì niềm vui này mãi, nên sẽ cố ý khiêu khích đối phương hoặc tìm cớ để chia tay. Với họ, chí ít họ có quyền tự chủ với cách mà mối quan hệ kết thúc.

Nguyên nhân của nỗi sợ cam kết rất đa dạng

Nhiều người gặp nỗi sợ cam kết sau những biến cố tình cảm, từ cá nhân họ hoặc qua những người thân thiết:

  • Đã trải qua mối quan hệ độc hại (được định hình bởi cảm giác bị bỏ rơi, sự thiếu chung thủy hoặc hành vi bạo hành). Họ né tránh các mối quan hệ gắn bó vì sợ bị tổn thương.
  • Sợ rằng mình không ở mối quan hệ “đúng”, mong chờ “người trong mộng” (the one) hoặc “tri kỷ” (soulmate) xuất hiện.
  • Sợ mình không đáp ứng được kỳ vọng của đối phương.
  • Từng trải qua cuộc chia tay đột ngột mà không có lời giải thích.
  • Tổn thương từ thời thơ ấu, ví dụ như gia đình độc hại hoặc bố mẹ không hạnh phúc.
  • Thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu, dẫn đến trở ngại trong đời sống cảm xúc ở tuổi trưởng thành.
  • Kiểu gắn bó không an toàn. Ví dụ, người có kiểu gắn bó né tránh đánh đồng sự thân mật với việc đánh mất tự do cá nhân. Còn người có kiểu gắn bó lo âu - né tránh luôn khao khát sự thân mật nhưng lại chối bỏ nó, một phần vì sợ bị tổn thương khi quá gần gũi đối phương.

Nỗi sợ cam kết không tệ đến vậy

Tình yêu luôn là một thử thách bởi để nuôi dưỡng nó đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư cả về thời gian, công sức lẫn cảm xúc. Vì thế, nỗi sợ cam kết trong tình cảm là hoàn toàn bình thường và xác đáng.

Nếu bạn sợ cam kết trong tình cảm, cũng đừng quá lo âu. Nỗi sợ cam kết là một trải nghiệm có thể đến và đi, chứ không phải một “lời nguyền” đeo bám. Miễn là bạn nhận thức được việc mình có nỗi sợ này và học cách trao đổi nó với đối phương.

Và cuối cùng, sự cam kết không phải là lựa chọn duy nhất. Bạn hoàn toàn có thể chọn sống độc thân lâu dài hoặc mối quan hệ mở (open relationship). Những cam kết như tình yêu và hôn nhân không bao giờ nên đến từ sự miễn cưỡng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục