Ồn ào rồi cũng qua đi - Doanh thu trăm tỷ mới là thành công?
1. Chuyện gì vừa xảy ra?
Sau nhiều ngày chiếu sớm, chiếu đúng ngày công chiếu, chiếu bản chỉnh sửa (từ 16/10) khi có ý kiến của Hội đồng Duyệt phim Quốc gia thì bộ phim Đất Rừng Phương Nam chính thức đạt doanh thu 100 tỷ.
Bộ phim Đất Rừng Phương Nam do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn và đồng sản xuất, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Đoàn Giỏi và bản phim truyền hình Đất Phương Nam (Nguyễn Vinh Sơn đạo diễn). Kịch bản của Đất Rừng Phương Nam do Nguyễn Khánh Hoàng đảm nhiệm.
Phim có sự tham gia của các diễn viên nhí gồm Hạo Khang, Bảo Ngọc, Kỳ Phong cùng các diễn viên nổi tiếng như Tuấn Trần, Tiến Luật, Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Trấn Thành…
2. 100 tỷ thì có ý nghĩa gì với nhà làm phim?
Nếu nhìn ở góc độ đầu tư, làm phim chiếu rạp vừa tốn kém chi phí lại vừa không dễ thu hồi vốn. Thực hiện tác phẩm điện ảnh vì thế là một sự phiêu lưu, rủi ro cao. Vì thế, phim đạt doanh thu trăm tỉ cũng mang đến một ý nghĩa nào đó.
Chia sẻ với tờ Lao Động sau khi Đất Rừng Phương Nam cán mốc doanh thu 100 tỷ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói: “Tôi chỉ lo làm nghề, không lo về doanh thu. Nhưng tất nhiên phim có doanh thu tốt, có lãi, tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn.”
Trong ngày ra mắt phim Đất Rừng Phương Nam, Trấn Thành từng chia sẻ, “Chúng tôi lo vì không biết có lấy lại được tiền, không rõ khán giả có chịu đi xem hay không. Phim này ít nhất trên 100 tỉ đồng mới hòa vốn và Trấn Thành lời được khoảng 6 triệu đồng, song công chúng hiện ra rạp rất ít vì đã quen xem ở nhà.”
3. Công thức phim trăm tỷ ở đây là gì?
Nền điện ảnh Việt Nam có những phim “chết yểu” khi ra rạp nhưng cũng có không ít phim đạt doanh thu trên 100 tỷ. Chưa bàn đến tính nghệ thuật hay chất lượng bộ phim, việc một tác phẩm “trụ rạp” cũng có thể xem như là một thành công.
Có nhiều yếu tố để một bộ phim có thể đoạt doanh thu phòng vé cao hay thấp; và cũng không có một công thức cụ thể nào để tạo ra phim doanh thu trăm tỷ. Nếu lấy Đất Rừng Phương Nam làm ví dụ, thì công thức để phim đạt trăm tỷ có thể là:
Phim phải có Trấn Thành
Dù xuất hiện với vai trò gì, sản xuất hay đạo diễn, diễn viên hay nhà đầu tư, Trấn Thành là “bảo chứng” doanh thu phòng vé. Những bộ phim có doanh thu khủng khiếp nhất những năm gần đây đều có bóng hình Trấn Thành, từ Nhà Bà Nữ (hơn 475 tỷ tương đương với 5,8 triệu vé), đến Bố Già (hơn 427 tỷ) và mới nhất là Đất Rừng Phương Nam.
Nói rộng ra, những phim có các ngôi sao hút phòng vé thời điểm hiện tại sẽ đảm bảo cho việc phim có khả năng thu hút khán giả ra rạp. Một trong những vì sao đó là Trấn Thành. Nhưng Đất Rừng Phương Nam dù đạt trăm tỷ thì Trấn Thành mới chỉ lãi 6 triệu đồng.
Mạnh vì gạo, bạo vì suất chiếu
Đất Rừng Phương Nam có số suất chiếu không thể nhiều hơn, 4000 suất mỗi ngày. Con số này đè bẹp tất cả những bộ phim ra rạp trong cùng khoảng thời gian. Khán giả có thể ra rạp xem Đất Rừng Phương Nam từ khi mở quầy vé đến khi đóng quầy vé nhưng các bộ phim khác có thời điểm chỉ lèo tèo vài suất chiếu giờ không đẹp lắm. Tất nhiên, không có chuyện chèn ép suất chiếu ở đây.
Nói đi cũng phải nói lại, các rạp sắp xếp suất chiếu cũng là vì nhu cầu của đại chúng; họ chỉ muốn được phục vụ khán giả tốt nhất có thể mà thôi.
Phim phải giải trí, thương mại (phim chuyển thể tác phẩm nổi tiếng hoặc re-make càng tốt)
Nếu Hollywood có công thức làm phim “bom tấn” thường đi kèm với doanh thu cao thì Việt Nam hẳn có công thức làm phim giải trí, nhắm vào thương mại. Những bộ phim như thế này thường nhắm đến khán giả đại chúng, đề cao tính giải trí nghe nhìn của công chúng.
Đạo diễn Võ Thanh Hoà cho rằng, “Bất kỳ tác phẩm nào ra rạp thì điều quan trọng nhất là cần hướng đến cảm xúc của khán giả. Phim hay thì có nhiều cảm xúc; phim dở thì ít hơn.”
Nhà văn Hồ Anh Thái chia sẻ trên Văn Học Sài Gòn khi nói về Đất Rừng Phương Nam, đó là một cách “mua chuộc công chúng.” Công thức nằm ở chỗ: Phim không thể thiếu chất lâm li; không thể thiếu vài gia vị gây cười; phải gãi ngứa và giải toả bức xúc (cho khán giả và nhà làm phim.)
Hành vi ra rạp xem phim có thể đến từ sự hứng thú, tò mò, kiểm chứng, review, phê bình… nhưng quan trọng vẫn là khán giả phải bỏ tiền ra rạp. 100 tỷ hay doanh thu cao thấp bao nhiêu đều đến từ hầu bao của khán giả.
4. Đất Rừng Phương Nam như thế nào?
Những bàn luận về Đất Rừng Phương Nam từ khi phim ra rạp (chiếu sớm) xoay quanh giữa việc chuyện thể tác phẩm văn chương sang điện ảnh; những phóng tác hay sai khác yếu tố lịch sử… Tuy nhiên, như mọi tác phẩm điện ảnh khác, những đánh giá phải/nên dựa trên chính tác phẩm đó. Cốt truyện, hình ảnh, diễn xuất, âm thanh, phục trang, góc quay… là những yếu tố đầu tiên để đánh giá một bộ phim.
Đất Rừng Phương Nam có thể là ví dụ tốt cho một bộ phim thành công về mặt doanh thu nhưng là một tác phẩm vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần được khắc phục (cho phần tiếp theo).
5. Điện ảnh chết dần chỉ còn lại nội dung?
“Yên nghỉ nhé điện ảnh, 1894 - 2016.” Đạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese, người có phim Killers of the Flower Moon đang có suất chiếu hẻo lánh ở rạp Việt từng chia sẻ như vậy từ nhiều năm trước. Theo Scorsese, điện ảnh mà ông lớn lên và đang làm đã thực sự không còn nữa.
Đạo diễn Ridley Scott cũng chia sẻ quan điểm với màu sắc bi quan tương tự vào năm 2017, “Điện ảnh về cơ bản là tệ hại.” Hai "cây đa" nhìn trước “ngày tàn” của điện ảnh với sự xâm chiếm của phim bom tấn, phim siêu anh hùng cùng với cái nhìn chua chát khi nghĩ về nền điện ảnh ngày hôm nay. Đó là chưa kể bức thư tay mà Martin Scorsese viết cho con gái, dự đoán về sự xâm lăng của công nghệ sẽ tạo ra sự thay đổi lớn (và tệ hại) hơn của nền điện ảnh.
Những dự báo của Martin Scorsese không hẳn chỉ là cái nhìn bi quan vì nó đang diễn ra. Hai nghiệp đoàn lớn nhất của Hollywood về biên kịch, và diễn viên đã có cuộc đình công kéo dài nhất lịch sử trước những điều mà đạo diễn Goodfellas đã thấy.
Điện ảnh có thể chưa “hết thời” nhưng nó đang bị hạ thấp. Việc thuật ngữ nội dung (content) được cho là mang tính xúc phạm với những người đang làm điện ảnh. Nữ diễn viên Emma Thompson đã chia sẻ điều này vào trung tuần tháng 9 vừa qua.
Theo Emma Thompson, điện ảnh là cách kể chuyện và “nghe chuyện” khiến mọi người cảm thấy khác biệt, an toàn và mạnh mẽ hơn.
Tất nhiên, điện ảnh có thể làm được nhiều điều hơn Emma Thompson nói; và nó phải đến từ trải nghiệm nghe nhìn và chuyển hoá của khán giả. Liệu một bộ phim hay nền điện ảnh khoẻ mạnh chỉ đến từ doanh thu khủng hay những ồn ào mà một, hai tác phẩm có thể tạo ra? Điều này chắc chắn là không.