Phong sát - Khi nghệ sĩ bị chặn mọi “đường sống”

Có thật là khi một nghệ sĩ bị phong sát, sự nghiệp của họ sẽ bị chấm dứt hoàn toàn?
Đông Hà
Nguồn: k.sina.cn

Nguồn: k.sina.cn

1. Phong sát là gì?

Phong sát (封杀 - fēng shā) là ngăn không cho các nhân vật như ca sĩ, diễn viên tham gia hoạt động nghệ thuật hoặc làm một số công việc nhất định, đồng thời cấm các phương tiện truyền thông phát sóng chương trình của họ. Theo Baidu, phong sát thường là một lệnh cấm vĩnh viễn.

Phong (封 - fēng) có thể tạm hiểu là phong tỏa, bao vây. Sát (杀 - shā) nghĩa là giết hại.

2. Nguồn gốc của phong sát?

Phong sát thực ra không phải là từ vựng tiếng Việt mà được phiên âm theo từ tiếng Trung 封杀 (fēng shā). Trong từ điển Tiếng Trung Hiện Đại (Modern Chinese Dictionary 6th Edition), phong sát được dịch là “dùng lệnh cấm hoặc phong tỏa để ngăn một người tiếp tục xuất hiện trong một lĩnh vực nhất định”.

Tại Việt Nam, từ phong sát bắt đầu được dùng trong giới giải trí từ khoảng năm 2016. Theo một bài viết trên fanpage của diễn viên Trần Kiều Ân năm 2016, có tin đồn cho rằng, các sao hoa ngữ không ra mặt ủng hộ chính quyền Trung Quốc có thể bị “dính” lệnh phong sát.

3. Phong sát phổ biến khi nào?

Phong sát được nhắc đến chủ yếu trong giới giải trí Hoa ngữ. Trịnh Sảng là nghệ sĩ Trung Quốc bị phong sát nặng nề nhất trong những năm trở lại đây. Do vướng phải scandal nhờ mang thai hộ, cô bị quay lưng bởi công chúng và các thương hiệu lớn. Tệ hơn, cô còn bị cấm xuất hiện trên sóng.

Trước khi đưa ra lệnh cấm sóng vĩnh viễn, các cơ quan thẩm quyền đã phải cân nhắc nhiều yếu tố, như yếu tố văn hóa, đạo đức, pháp luật hay chính trị. Lấy ví dụ như vụ Jung Suk Won của đài KBS hay Kha Chấn Đông đều dính phải scandal sử dụng ma túy. Minh tinh Phạm Băng Băng thì vướng phải scandal trốn thuế. Mức độ vi phạm của sự việc trên khá nghiêm trọng, và đều là vi phạm pháp luật.

Ở Việt Nam, lệnh phong sát không phổ biến mà chỉ có lệnh cấm diễn tạm thời. Năm 2014, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội đã phạt ca sĩ Hương Tràm vì ăn mặc phản cảm khi biểu diễn tại một quán bar. Cô bị cấm diễn ba tháng và nộp phạt hành chính 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, không cần đến lệnh cấm từ cơ quan thẩm quyền, dư luận Việt Nam vẫn có khả năng đưa một người nổi tiếng vào danh sách đen. Trường hợp nghệ sĩ Việt bị tẩy chay nặng nề nhất phải kể đến Minh Béo. Từ sau scandal quấy rối tình dục trẻ em của Minh Béo, khán giả đều cảm thấy không thoải mái khi xem anh biểu diễn.

Mặc dù Minh Béo chưa nhận lệnh cấm diễn từ nhà đài, nhưng chỉ cần bị công chúng quay lưng, anh đã mất cơ hội xuất hiện trên sân khấu lớn hoặc nhận hợp đồng quảng cáo.

Tại một số nước châu Á như Trung Quốc hay Hàn Quốc, sức ảnh hưởng của công chúng, các nhãn hàng và các cơ quan thẩm quyền diễn ra rất “quyết liệt”. Nếu như nhận được lệnh cấm sóng, nghệ sĩ gần như không thể tìm lại ánh hào quang, thậm chí sự nghiệp sụp đổ hoàn toàn.

4. Phong sát được dùng như nào?

Phong sát thực chất là một phần của văn hóa tẩy chay - bài trừ các nhân vật nổi tiếng khi họ làm điều gì đó được coi là phản cảm. Các từ hoặc cụm từ đồng nghĩa với phong sát là: tẩy chay, cấm sóng hoặc đưa vào danh sách đen. Trong bối cảnh giao tiếp thông thường, phong sát có thể được dùng như sau:

A: Cậu đọc vụ mới nhất về Trịnh Sảng chưa?

B: Đọc rồi, Trịnh Sảng sẽ bị phong sát hoàn toàn, còn phim chị ấy đóng thì chắc bị ngưng chiếu.

A: Không ngưng đâu, người ta sẽ xài công nghệ để xóa mặt Trịnh Sảng đi.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục