Saigon Swagger: Tuổi trẻ trong những chiếc balo

5 năm trước, khi đang còn ngồi trên giảng đường đại học, Thu Hà và Phương Uyên đã bắt đầu khởi nghiệp bằng những chiếc balo tự thiết kế và gia công, lấy tên là Saigon Swagger. Ngày nay, Saigon Swagger đã trở thành thương hiệu túi xách, phụ kiện phổ biến và nhận được sự ưa chuộng của giới trẻ.

Minh Ng
Saigon Swagger: Tuổi trẻ trong những chiếc balo

Tại Vietcetera, tôi có anh đồng nghiệp người nước ngoài mê mẩn sản phẩm của Saigon Swagger đến mức năn nỉ tôi tìm gặp cho được những người sáng lập. Anh thậm chí còn chủ động nhắn tin mời họ đến văn phòng để chúng tôi có dịp trò chuyện trực tiếp. Nhưng khác xa so với tưởng tượng của tôi, đằng sau thương hiệu balo, túi xách vô cùng cá tính này lại là hai cô bạn với tuổi đời còn rất trẻ – Thu HàPhương Uyên.

5 năm trước, khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học, Thu Hà và Phương Uyên đã bắt đầu khởi nghiệp bằng những chiếc balo, túi xách tự mày mò thiết kế và gia công. Nhưng lúc bấy giờ, có lẽ không ai trong số họ có thể ngờ rằng, sẽ có một ngày sản phẩm mà mình làm ra lại trở nên phổ biến với giới trẻ như vậy. Đến độ, trên đoạn đường từ nhà đến văn phòng mỗi sáng, tôi luôn luôn bắt gặp một vài sản phẩm gắn logo SGS trên vai người đi đường, bất kể đó là các bạn học sinh, sinh viên, hay nhân viên văn phòng.

Cùng chúng tôi tìm hiểu về hành trình 5 năm của Saigon Swagger qua chia sẻ của Thu Hà và Phương Uyên qua bài viết dưới đây.

Đầu tiên, hai bạn có thể chia sẻ lý do khiến hai bạn quyết định thành lập Saigon Swagger được không?

Đó là thời điểm cuối năm 2013, khi hai chúng mình vẫn còn đang theo học tại trường Đai học Kinh tế – Luật. Tuy theo học kinh doanh nhưng vì đam mê thời trang và có chút năng khiếu về hội họa và óc thẩm mỹ nên chúng mình cũng tự tìm tòi, học hỏi thêm về các khóa học thiết kế.

Còn nhớ tại thời điểm đó, rất khó để có thể tìm được một chiếc balo có mẫu mã đẹp, hiện đại với chất lượng cao và giá thành vừa túi tiền. Trên thị trường lúc bấy giờ có rất nhiều sản phẩm đến từ thương hiệu nổi tiếng quốc tế, nhưng được bán với giá quá cao so với mức chi tiêu của người Việt. Đối với chúng mình, đây thật sự là một nghịch lý vì Việt Nam vốn dĩ là một trong các nước đứng đầu về ngành gia công dệt may trên thế giới. Vì vậy, cả hai quyết định phải làm ra một loại balo dành riêng cho giới trẻ Việt, và 100% “made in Vietnam” – từ thiết kế, chất liệu sử dụng đến quá trình sản xuất.

Những ngày đầu xây dựng thương hiệu đã diễn ra như thế nào?

Chúng mình may mắn quen biết một người chị từng làm thợ may tại xưởng gia công balo, phụ kiện cho nước ngoài. Tuy nhiên, trong các xưởng như thế, do chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về và sản xuất theo mô hình chuyền may, nên thợ may không thể nắm bắt hết các bước để may hoàn thiện một sản phẩm. Vì thế khi về làm việc chung, cả ba đều phải tự mày mò, nhìn bản vẽ thiết kế và suy nghĩ cách cắt rập, cách may. Cứ thế cũng mất vài tháng ròng mới hoàn thiện cho sản phẩm đầu tiên của Saigon Swagger.

Những ngày đầu, ngoài việc bán hàng trực tuyến qua các kênh mạng xã hội, chúng mình cũng chăm chỉ có mặt tại các chợ phiên cuối tuần như Hello Weekend Market để quảng bá sản phẩm và cho khách hàng được trực tiếp trải nghiệm với mẫu mã và chất lượng vải. Những ngày như vậy, chúng mình phải lặn lội từ tận ký túc xá Đại học ở quận Thủ Đức lên quận 1, bán xong lại quay về, băng băng trên đường lúc 11-12 giờ đêm mà vui khấp khởi – vui vì biết sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng, vui vì bắt gặp ai đó đeo balo của Saigon Swagger.

Đó là chưa kể, thời gian trong tuần, chúng mình còn kiêm luôn vai trò của shipper (người chuyển hàng) vì lúc bấy giờ dịch vụ chuyển phát khan hiếm và cũng không ai chịu đến quận Thủ Đức nhận hàng. Có hôm học xong là bắt xe bus đi 2 tiếng đồng hồ qua các quận Gò Vấp, Tân Phú chỉ để giao một chiếc balo. Cứ thế đến tháng 5/2015, chúng mình mở được cửa hàng đầu tiên ở chung cư 42 Tôn Thất Thiệp, quận 1.

Những ngày đầu, khách hàng phản hồi như thế nào về sản phẩm của Saigon Swagger?

Từ những ngày đầu, sản phẩm của Saigon Swagger đã nhận được tín hiệu đón nhận từ phía khách hàng, cả về kiểu dáng, chất lượng lẫn giá thành hợp lý của sản phẩm, đặc biệt là chiếc Rolltop Backpack – chiếc balo với phần miệng túi cuộn lên cuộn xuống, tiện dụng và phù hợp với mọi hoàn cảnh.

Tuy nhiên, cũng có một số kiểu dáng mất nhiều thời gian hơn mới được phổ biến rộng rãi. Ví dụ như chiếc Bumbag, ra mắt từ năm 2014 nhưng mãi đến 2016 mới trở thành xu hướng và được ưa chuộng.

Hãy dùng ba từ để miêu tả về Saigon Swagger và giải thích ý nghĩa của ba từ đó.

Tiên phong. Sáng tạo. Chất lượng.

Tiên phong và sáng tạo là bởi vì ở thời điểm năm 2013-2014, tại Việt Nam không có thương hiệu balo nào mang kiểu dáng hiện đại, hầu hết đều là mẫu balo truyền thống, gia công thiếu chỉnh chu, và không có sự đầu tư trong thiết kế, chi tiết. Để làm ra được mẫu balo có phom cứng cáp, kiểu dáng hiện đại, trẻ trung như thế này, chúng mình đã phải thử đi thử lại rất nhiều lần.

Về chất lượng, chúng mình luôn chọn loại vải trượt nước và chống thấm, cho cả vải ngoài và vải lót. Loại vải này bền và may chắc, không bị xù lông như các loại canvas. Ngoài ra, gần đây chúng mình còn phát triển dòng balo cao cấp được làm bằng da thật.

Sản phẩm của Saigon Swagger hướng đến những đối tượng khách hàng nào?

Đa phần là các bạn trẻ với nguồn năng lượng tích cực, dồi dào và yêu thích thời trang, đặc biệt là streetwear. Về sau, chúng mình còn ra mắt những dòng sản phẩm có thiết kế ứng dụng cao để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Đến thời điểm hiện tại, tệp khách hàng của Saigon Swagger không chỉ có các bạn học sinh, sinh viên mà còn có các nhân viên văn phòng và khách nước ngoài.

Vai trò chính của các bạn hiện giờ là gì?

Hiện tại, người điều hành kinh doanh là Thu Hà, còn Phương Uyên là người thiết kế. Chúng mình cùng phối hợp để lên ý tưởng, phát triển mẫu và hỗ trợ bổ sung cho nhau trong các công việc này.

Cả hai có thể chia sẻ về tính cách người cộng sự của mình cũng như cách mà hai bạn giải quyết mâu thuẫn trong công việc?

Phần việc mà mỗi người đảm nhận dường như cũng phản ánh tính cách của mỗi người – Thu Hà giỏi thương thảo và rất tháo vát, Phương Uyên thì thích những công việc thiên về sáng tạo và kiệm lời hơn.

Trong công việc, chuyện bất đồng quan điểm là khó tránh khỏi, và cũng có lúc chúng mình tranh cãi nhiều. Nhưng sau 5 năm làm việc cùng nhau, chúng mình đã học được cách kiềm chế cái tôi để cùng suy nghĩ về hướng đi tốt nhất cho thương hiệu của mình.

Thị trường ngày càng xuất hiện những tên tuổi mới, các bạn có cảm thấy áp lực không?

Khi nhận thấy nhiều người cố tình sao chép kiểu dáng của Saigon Swagger và bán với giá thành thấp hơn, chúng mình cũng có chút phiền lòng. Nhưng rồi chúng mình ý thức được việc cần phải xây dựng thương hiệu vững chắc hơn và cho ra mắt nhiều sản phẩm chất lượng tốt hơn. Chúng mình tin rằng khách hàng có thể hiểu được những giá trị mà Saigon Swagger đang cố gắng tạo ra.

Vậy còn hướng đi cho Saigon Swagger trong thời gian sắp tới?

Hiện Saigon Swagger đã có 3 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng mình vẫn đang tìm kiếm địa điểm để mở thêm một showroom trưng bày sản phẩm tại đây trước khi mở rộng ra các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng.

Tháng vừa qua, chúng mình cũng chuyển giao thành công đơn hàng đầu tiên sang Canada. Đây là lời đề nghị từ một khách hàng người nước ngoài yêu thích sản phẩm của Saigon Swagger và ngỏ ý muốn xuất sang thị trường Bắc Mỹ, cũng như bán trên Amazon và Shopify. Ngoài ra cũng có rất nhiều người đối tác ngỏ lời mời hợp tác, nhưng chúng mình cần thêm thời gian để củng cố thương hiệu rồi sẽ tự chủ động tìm kiếm đối tác.

Trước đây, Saigon Swagger cũng từng ra mắt các bộ sưu tập hợp tác với Bobapop, Cheese Coffee và Pepsi. Vậy đâu là yếu tố mà các bạn cân nhắc trước khi bắt tay hợp tác với một thương hiệu nào đó?

Đầu tiên, chúng mình sẽ xem xét liệu định hướng của hai thương hiệu có tương đồng với nhau không. Sau đó sẽ là tính nhất quán của thương hiệu đó. Với chúng mình, giữ gìn tính nhất quán của một thương hiệu là việc không hề dễ dàng. Còn lại chúng mình hoan nghênh lời mời hợp tác từ cả các thương hiệu trong nước lẫn quốc tế.

Xem thêm:

[Bài viết] Quang Minh: “Headless là để thỏa mãn trí tưởng tượng của tôi!”

[Bài viết] Biti’s Hunter – Cú lội ngược dòng của đế chế giày dép Việt


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục