Sailor Moon: Cơn sốt 30 năm chưa hạ nhiệt

Sailor Moon hay Thủy thủ Mặt Trăng vừa qua mới ra mắt bản phim Sailor Moon Eternal. Tại sao sau 30 năm tác phẩm này vẫn giữ vị trí quan trọng trong lòng nhiều người?
Minh Anh
Bộ phim Sailor Moon Eternal vừa ra mắt trên Netflix

Bộ phim Sailor Moon Eternal vừa ra mắt trên Netflix

Trong lòng mỗi đứa trẻ luôn có vị trí đặc biệt của một anh hùng, một hình mẫu rất ngầu mà chúng muốn noi theo. Với những cậu trai có hình ảnh nam tính và đầy mạnh mẽ của Goku trong Dragon Ball Z, còn với đa phần các bé gái đó chính là nữ thủy thủ Sailor Moon.

Ra đời từ năm 1991, tới nay ngót nghét cũng gần 30 năm, Sailor Moon chưa từng hết "sốt". Bản phim Sailor Moon Eternal được ra mắt gần đây trên Netflix một lần nữa khẳng định rằng Sailor Moon vẫn luôn là một phần trong hành trình trưởng thành của nhiều người.

Vậy điều gì đã làm ký ức tuổi thơ này cứ mãi gắn bó với nhiều thế hệ?

Sự hoài niệm của thế hệ cuối 8x đầu 9x

Năm 1994, Sailormoon được chiếu tại Việt Nam trên kênh VTV3. Cũng như mọi quốc gia khác mà bộ phim này đặt chân tới, nó sớm tạo ra một làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt.

Nhân vật chính của phim là Usagi, một nữ sinh hậu đậu, siêng ăn và lười học. Cuộc sống của Usagi thay đổi hoàn toàn khi mèo Luna đánh thức chiến binh thủy thủ trong cô. Từ đó cô tìm ra những người bạn thủy thủ tiếp tục đồng hành với mình, giải cứu thế giới.

Xuyên suốt bộ phim là hành trình khám phá về tình bạn, sự trưởng thành của nhân vật cùng những mối quan hệ tình cảm lãng mạn lành mạnh.

Hiện tại, không khó để tìm những bộ phim có chung chủ đề với Sailor Moon. Nhưng khi đó, sự đột phá trong việc xây dựng hình ảnh mạnh mẽ, đầy nữ tính của những chiến binh thủy thủ đã chinh phục nhiều khán giả trên toàn thế giới.

Sớm nhận ra sức hút từ tác phẩm này, đến năm 1997, bộ truyện Sailor Moon đã được xuất bản (lậu), với nhiều chỉnh sửa và phóng tác của những người dịch. Tới tận sau này Sailormoon còn được xuất bản lại tới 2 - 3 lần, với những thay đổi trong dịch thuật, tạo ra không ít sự bối rối cho những độc giả thời tiền-Internet.

Bản thân bộ phim Sailor Moon cũng có nhiều phiên bản. Bản được chiếu ở Việt Nam là 2 phần đầu Sailor Moon R và S. Thời đó, băng đĩa lậu phát triển, những đĩa Sailor Moon cũng được bán lộn xộn với những cái tên chung chung như “Chiến binh thủy thủ", “Thủy thủ mặt trăng”, “Nữ chiến binh xinh đẹp". Người xem gặp gì xem nấy, không rõ đâu là phần nào.

Chính một phần cái sự không rõ ràng đó đã tạo ra nét bí ẩn và hấp dẫn cho những khán giả thời đầu của Sailor Moon, tiếp tục “ôm tương tư" tới khi lớn.

Sự hiện diện rõ nét của cộng đồng LGBTQ+

Sailor Moon đã đem tới nhiều khái niệm mới cho độc giả, giới thiệu một loại tình cảm giữa nữ và nữ, hay một cô gái vừa là nam vừa là nữ.

Trong phần phim Sailor Moon S, ngay những phút đầu xuất hiện, Haruka được khắc họa như một nhân vật nam. Haruka cũng thường thể hiện những khoảnh khắc thân mật bên cạnh bạn mình, Michiru.

Mọi chuyện trở nên rõ ràng khi Haruka thực ra là một nữ chiến binh thủy thủ, hợp thức hóa cho mối quan hệ đồng tính nữ với Michiru.

Trong phiên bản gốc, Haruka - Thủy thủ sao Uranus - cũng có khả năng biến đổi giới tính linh hoạt. Với những khái niệm hiện đại, bản dạng giới của Haruka được xếp vào non-binary.

Đây không phải cặp đôi đồng tính duy nhất khi còn có cặp đôi nam phản diện Kunzite và Zoisite. Bấy giờ, vấn đề kiểm duyệt gắt gao khiến cho phiên bản này bị cắt khi công chiếu ở Mỹ. Ở một số phiên bản, mối quan hệ của Haruka và Michiru còn biến thành tình “anh em họ". Trong các bản lồng tiếng chiếu ở nước ngoài, nhân vật Haruka cũng thường bị lồng tiếng nam. Và rõ ràng, tác giả chưa bao giờ hài lòng với sự thay đổi này.

Chủ đề giới tính linh hoạt cũng được tác giả sử dụng một lần nữa cho bộ ba Sailor Stars. Bình thường họ xuất hiện trong hình hài nam giới. Tuy nhiên khi biến hình, họ trở thành những nữ thủy thủ.

Trong câu chuyện, các chiến binh thủy thủ xung quanh đều thể hiện sự tôn trọng và chấp nhận với những nhân vật này, qua cách họ dùng những đại từ nhân xưng để nói chuyện với nhau.

Phá bỏ khuôn mẫu trong xây dựng tính cách

Các nhân vật trong Sailor Moon đều được miêu tả kỹ càng với nhiều nét tính cách và chiều sâu nội tâm.

Để hiểu rõ điều này, ta có thể phân tích nữ thủy thủ Jupiter. Cô được miêu tả ngoại hình cao lớn, tomboy và có phần hơi cộc cằn. Tuy nhiên cô còn là một người yêu nấu ăn và nội trợ. Trong một tập, nét tính cách nữ tính, e thẹn hiếm thấy của cô được thể hiện khi cô đem lòng thích một chàng trai khác.

Không chỉ nhấn mạnh sự đa dạng về tính cách của phái nữ, 10 thủy thủ còn là những người bạn đồng hành mà tất cả chúng ta mong có được.

Những nhân vật nam trong bộ chuyện cũng thường được miêu tả khác với truyền thống, điển hình là Tuxedo Mask. Thay vì xuất hiện theo kiểu anh hùng cứu mỹ nhân, ta thường bắt gặp Tuxedo sát cánh cùng chiến đấu với những nữ thủy thủ.

Thậm chí nhiều lúc, anh còn được nữ chính giải cứu khi bị kẻ địch bắt. Thay vì xấu hổ ngại ngùng, Tuxedo mask luôn thể hiện thái độ cảm kích, thẳng thắn bày tỏ nỗi lòng mình.

Cách xây dựng nhân vật vượt ra khỏi khuôn mẫu thường thấy ở truyền thông, cổ vũ cho những người trẻ không để những khuôn mẫu định hình tính cách mình.

Sự hóa thân đậm nét nữ tính

Vulture đã xếp cảnh biến hình trong Sailor Moon vào danh sách 100 phân cảnh gây ảnh hưởng trong lịch sử phim hoạt hình. Thậm chí đã có rất nhiều “homage” của cảnh phim này xuất hiện ở Iron Man cho đến series Shera the princess of power của Netflix.

Sự thành công của những màn biến hình đẹp lung linh này tới từ phiên bản anime của Sailor Moon, khi trong manga, tác giả chỉ miêu tả đơn thuần bằng một cái vung tay.

Hình ảnh anh hùng biến hình không thiếu trên màn ảnh bấy giờ, nhưng hiếm mà tìm được bộ phim nào có cảnh nữ anh hùng biến thân mang màu sắc nữ tính dịu dàng như Sailor Moon.

Không chỉ nằm ở việc thay đổi quần áo, những chi tiết nhỏ như móng tay được sơn, đôi môi được tô điểm và những đôi khuyên tai nhỏ cũng được chăm chút tới từng chi tiết. Và tất nhiên, cộng đồng fan hâm mộ phát cuồng vì điều này dù cho bao năm trôi qua. Có hẳn cả một bài viết dài để phân tích cảnh biến hình, hợp lý hóa tại sao nhân vật phản diện không lao vào đánh các cô thủy thủ này.

Cảnh biến hình huyền thoại cũng được đánh giá là một trong những phân cảnh được mong chờ nhất mỗi lần Sailor Moon phát hành một phiên bản mới.

Hành trình trưởng thành và sự ủng hộ nữ quyền

Hành trình trưởng thành học cách yêu thương sự nữ tính của nữ chính Usagi thể hiện rõ qua phân đoạn kết phim ở đầu và cuối series.

Sau 2 năm chiến đấu, không chỉ có sự thay đổi về nhận thức mà tính nữ quyền của Sailor Moon cũng được thể hiện rõ. Trong một cuộc phỏng vấn, tác giả Takeuchi Naoko đã chia sẻ rằng bà muốn tạo ra một tác phẩm dành cho những cô gái với góc nhìn nữ tính.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển thể anime, đa phần những nhân sự là nam thì nhãn quan nam giới vẫn xuất hiện. Trong nhiều phân cảnh anime, bộ váy thủy thủ, đại diện cho ngưỡng tuổi thanh xuân của thiếu nữ, được miêu tả như một fetish. Điều này đã làm chệch đi ý định ban đầu của tác giả.

Dù vậy, điều đó cũng không làm nhòa đi sự thật rằng tác phẩm này cổ vũ nữ quyền. Xuyên suốt Sailor Moon, từ vũ khí, nguồn năng lượng của nữ chiến binh đều xuất phát từ sự trong sáng và tính nữ của họ. Những cây quyền trượng lấp lánh tỏa ra ánh sáng cầu vồng nhưng không kém phần mạnh mẽ như những vũ khí và súng của những siêu anh hùng. Có thể nói tính nữ chính là vũ khí của những chiến binh này.

Thái độ của những chiến binh thủy thủ trong Sailor Moon khiến họ mạnh mẽ. Thay vì trông chờ một người đàn ông tới cứu, họ và những người chị em dựa vào nhau chiến đấu” - Tác giả chia sẻ.

Trong thời đại các bộ phim super sentai - siêu nhân - chiếm lĩnh thị trường cùng với sự gia tăng của lượng độc giả nam, sự ra đời của Sailor Moon đã cân bằng lại sự chiếm lĩnh của nhãn quan nam giới.

Cách miêu tả những cô gái trong cuộc sống đời thường với những bất ổn, lo lắng nhưng vẫn dũng cảm đứng lên vì bạn bè đã làm lay động nhiều độc giả nữ. Và mặc cho những phương thức marketing sai lầm, hướng tới nhãn quan nam giới thì vẫn không thể chối bỏ sự thật rằng bộ manga được vẽ dưới một góc nhìn đầy tính nữ.

Ngay cả những phân cảnh thể hiện tình cảm giữa nam và nữ chính cũng được tác giả miêu tả tinh tế dưới lăng kính ngại ngùng đầy ẩn dụ, khác xa với cách nhân vật nữ trong đa phần manga dành cho nam bị “tình dục hóa".

Sự phản đối cái nhìn nam giới và sự vật hóa phụ nữ đã tạo nên một tác phẩm mang đầy tính nữ quyền. Và chắc chắn thông điệp tích cực và không bao giờ cũ này vẫn sẽ tiếp tục được truyền đi cho những thế hệ độc giả tiếp theo, đúng như lời bài hát Moonlight Densetsu mở đầu bộ phim:

Fighting evil by moonlight. Winning love by daylight.

Never running from a real fight.

She is the one named Sailor Moon.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục