26 Thg 12, 2022ThươngNhật Ký

"Sao từ sáng giờ chả được ăn gì"

Có một câu nói về Alzheimer là người bệnh mất trí nhớ "lỏng," nhưng còn giữ trí nhớ "rắn."
Thư Vũ
Nguồn: Nguyễn Như Uyển Linh

Nguồn: Nguyễn Như Uyển Linh

Chiều không có gì làm, bà chộn rộn đi tìm bút. Khi biết bà tìm bút là để ký lại tên lên tranh thì sự đã rồi. Nhưng bà ký rất hào hứng, kẻ đi kẻ lại từng nét để chữ rõ hơn, rồi ngoắc tôi lia lịa bắt lại chiêm ngưỡng thành quả của bà.

"Cái tranh này bà quẹt nét phá cách nên mình phải ký phá cách như thế nhìn mới hợp, chữ cũ mờ quá. Đây là cảnh Đà Lạt này, nhưng thời đấy làm gì có ai mang toan lên cho mà vẽ, nên phải về thì mới vẽ được lại đấy chứ. Ở dưới này lung tung ông không thèm quan tâm, nhưng ông khen bà vẽ cái đám mây trên kia kìa, "couleur" chuyển động nhìn hài hòa."

Bà kể rành mạch vậy chứ không ai biết thật hay xạo. Nói xong vui vẻ đi cất bút và chào tạm biệt để đi tắm, tắm xong xuống lại xâu kim chỉ để thêu tên mình lên khăn cho khỏi ai lấy mất. Thêu xong thì lại háo hức đem khoe ông. Khoe xong rồi thì cất cái khăn quý vào ngăn đựng kim chỉ rồi, bảo đảm mai không tìm ra.

Ngồi rảnh, bà gõ cạch cạch hai bàn tay đeo nhẫn xuống mặt bàn kính theo nhịp Quốc ca (?), vừa gõ vừa cười tươi roi rói, gõ xong vẫy tôi: "Khen đi! Khen bà đánh nhịp cho Cún!"

"Em bé" Alzheimer này, thương quá. Mấy nữa chồng con bà sẽ mắng um vụ cái tranh, rồi bà sẽ bứt rứt hối lỗi mất cả ngủ trưa, vì không biết ai làm mà mình bị nghe mắng. Nhưng không phải bà không nhớ gì. Có một câu nói về Alzheimer là người bệnh mất trí nhớ "lỏng," nhưng còn giữ trí nhớ "rắn."

Nếu hỏi bà nhà "mình" mấy anh em, bà sẽ xòe tay đọc vanh vách: Tú, Vinh, Nguyệt, Bảng,... Ông Tài tên Tài vì bố mẹ không có mặt để đặt tên, nên bác sĩ gợi ý cho hợp với cụ ông tên Trí. Nhà bà ở đường Nguyễn Thái Học, gần trường Lý Thường Kiệt, bà học cấp I Lý Thường Kiệt với ông Trịnh Quốc Đạt, có cả "chị" Quỳnh đẹp như đầm lai, chơi thân như ruột thịt.

Đúng thật, vì tháng trước ông Đạt cũng vừa ghé thăm bà.

Rồi bà lên cấp II ở trường Thăng Long. Hiệu trưởng là thầy Bùi Ý, đứng cạnh Pháp phải đẹp hơn hẳn Pháp, thầy đi xe Sô-lếch mù. Có lần học trò nghịch ngợm giấu kính của thầy, bà kể và cười hihi rồi lại gõ cạch cạch hai cái nhẫn lên bàn kính.

Thi văn bà viết ào ào đến nỗi xin thêm giấy trong khi bạn bè xung quanh tắc tị. "Chúng nó cứ bảo dạy nó với, nhưng làm sao dạy được. Văn từ trong bụng mình ra mà."

Hỏi bạn thân bà là ai, bà đọc vanh vách Bích An, Kim Thái, Mỹ. Học mỹ thuật công nghiệp cùng nhau, thân lắm, bà bảo. Cùng hoàn cảnh mà, "mình" với "con" Kim Thái đều thiếu sự hướng dẫn của phụ huynh nên thân nhau lắm có gì bảo nhau.

Khoe bà ảnh Tô, bà nói thôi sợ mèo lắm, nó kêu lắm. Bà thích chó thôi. Ngày xưa nhà bà nuôi chó đấy, khôn lắm. Con Tô-pic. Nói gì nó hiểu hết.

Những chuyện trên đó, tôi không biết rõ đầu đuôi, toàn bà kể lại hết. Cái gì bà cũng nhớ, nhưng chỉ có cái cứ ăn trưa xong nằm xuống chợp mắt rồi ngồi dậy là lại bảo: Sao từ sáng giờ chả được ăn gì.

(Câu chuyện được chia sẻ từ cháu hoạ sĩ Nguyễn Thị Vinh)


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục