Sportswashing: Khi thể thao trở thành công cụ tẩy trắng
1. Sportswashing là gì?
Sportswashing, ghép từ “sport” (thể thao) và “washing” (rửa, giặt) là hiện tượng lợi dụng thể thao nói chung và các sự kiện thể thao nói riêng để thanh tẩy danh tiếng và che giấu những việc làm sai trái.
Nói cách khác, sportswashing là cách nhiều quốc gia hay tổ chức sử dụng thể thao làm tấm bình phong che đậy các vấn đề thực sự mà những quốc gia hay tổ chức đó mắc phải.
2. Nguồn gốc của Sportswashing?
Đây là một thuật ngữ tương đối mới, được sử dụng bởi một số đơn vị truyền thông ở châu Âu như tờ The Guardian và các tổ chức về quyền con người. Thuật ngữ này chưa có định nghĩa chính thức trong các từ điển tiếng Anh chính thống.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khái niệm này bắt đầu được nhiều người biết tới vào năm 2015 trong chiến dịch “Sports for Rights” để phản đối Đại hội Thể thao Châu Âu (European Games) tại Azerbaijan.
3. Tại sao sportswashing phổ biến?
“Thể thao có thể thay đổi thế giới, có năng lực truyền cảm hứng. Thể thao có thể liên kết mọi người theo cách riêng. Nó giao tiếp với người trẻ bằng thứ ngôn ngữ mà họ hiểu. Thể thao có thể tạo ra hy vọng trong sự tuyệt vọng.”
Đó là những gì Nelson Mandela đã nói vào năm 1995. Những khả thể tốt đẹp của thể thao như truyền cảm hứng, gắn kết cộng đồng và giới trẻ là lí do chúng ta thích xem và tham gia chơi thể thao. Nó như một thứ ngôn ngữ chung kéo các nền văn hóa lại gần nhau hơn trên danh nghĩa cạnh tranh lành mạnh vì tình đoàn kết và sức khỏe thể chất.
Nhưng cũng chính vì sức lan tỏa này, thể thao dần trở thành công cụ của các thế lực chính trị. Cụ thể, các chính quyền độc tài đã nhiều lần sử dụng các sự kiện thể thao để che giấu tội ác của mình.
Họ lợi dụng tầm ảnh hưởng và hình ảnh đoàn kết thường thấy trong các đại hội thể thao quốc tế để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề thực sự, đồng thời xây dựng hình ảnh một chính phủ thân thiện và thánh thiện.
Hai sự kiện sportwashing sớm nhất và nổi tiếng nhất là kỳ World Cup 1934 tại Ý, và Thế vận hội mùa hè 1936 tại Đức. Cả hai sự kiện này đều được tổ chức bởi những chính quyền phát xít và quốc xã.
Chúng được tổ chức không phải để tôn vinh thể thao cũng như sự cạnh tranh lành mạnh và đoàn kết giữa các quốc gia, mà để phục vụ cho mục đích chính trị, lan truyền tư tưởng độc tài, và che giấu những động cơ chính trị và quân sự của hai đế quốc.
Một lý do chính trị khác thúc đẩy các chính phủ tổ chức sự kiện thể thao là làn sóng yêu nước. Người dân của một nước cùng tập trung để cổ vũ cho đội tuyển quốc gia, và chiến thắng của đội tuyển biến thành chiến thắng chung của tổ quốc và những thường dân. Điều này tạo ra một sự gắn kết giả tạo giúp cho các chính quyền hợp nhất đại chúng.
Đây chính là điều đã xảy ra tại World Cup 1978 ở Argentina - khi ấy được điều hành bởi một chính quyền quân sự độc tài. Việc tổ chức World Cup và chức vô địch của chính đội tuyển Argentina trên quê hương đã đưa người dân vào một cơn mê, một thứ hy vọng hão huyền để đánh lạc hướng họ khỏi thực tại đầy tuyệt vọng.
Sự phổ biến của sportswashing cũng bắt nguồn từ quyền lực của các tổ chức thể thao, với FIFA là một ví dụ điển hình. Thấu hiểu sức ảnh hưởng của World Cup, một số chính quyền đã hối lộ các quan chức FIFA để đổi lấy quyền được tổ chức sự kiện, bản quyền truyền hình, và nhiều quyền lợi khác.
4. Cách dùng sportswashing
Tiếng Anh:
A: Remind me again why Qatar is allowed to host the World Cup despite all of its violations?
B: It’s because of sportswashing, so the whole thing is rigged.
Tiếng Việt
A: Nhắc lại lần nữa coi, tại sao Qatar nhiều sai phạm thế mà vẫn được tổ chức World Cup?
B: Vì tẩy trắng thể thao đấy, tất cả bị giật dây hết rồi.