The Idol, bộ phim vô cảm hay thế giới này vốn đã vô tình như thế?

Điều khiến chúng ta bận tâm không phải vì ‘The Idol’ quá nhiều cảnh tình dục mà chính ở sự vô nghĩa của những cảnh đó.
Phan Chung
Nguồn: The Idol/HBO

Nguồn: The Idol/HBO

Mặc làn sóng công kích của giới truyền thông và phê bình, The Idol vẫn thu hút một lượng lớn công chúng khi vừa lên sóng. Với 3,6 triệu lượt xem, phim vượt qua The White Lotus (2021, với 3 triệu lượt xem) và Euphoria (2019 với 3,3 triệu lượt xem) so với cùng thời điểm ra mắt để trở thành bộ phim mở màn ấn tượng của HBO.

Nhưng những con số “nóng hổi” này lại cho thấy sự “lạnh lẽo” của ngành công nghiệp giải trí và nhu cầu của khán giả; nơi “triệu view” và Top xu hướng trở thành mục đích tối thượng, thay vì những cái đẹp tiềm ẩn, cùng những sáng tạo có thể giúp cả nghệ sĩ lẫn công chúng hân hưởng điều tuyệt vời từ nghệ thuật.

Vực thẳm và hố sâu

The Idol bắt đầu bằng cảnh Jocelyn (Lily-Rose Depp đóng) đang chụp ảnh bìa sản phẩm âm nhạc mới nhất của cô. Như một con rối hoàn hảo, cô khoe thân và diễn tất thảy mọi thứ trước ống kính: ngây thơ, ỡm ờ, buồn thương, tan nát…

Ống kính bắt đầu lùi ra, cung cấp bối cảnh hậu trường buổi chụp ảnh một cách rõ nét; giới thiệu một bộ máy tạo nên nghệ thuật (âm nhạc) và sự nổi tiếng đang vận hành một cách bài bản. Đây là một cảnh quay đắt, gợi mở The Idol sẽ là một bộ phim ở “đằng sau” hơn là “đằng trước”, là hậu trường nhớp nhơ hơn là hào quang lóng lánh trước mặt mà công chúng vẫn thấy.

Nhưng phần “hậu trường” mà The Idol cố gắng phơi lộ chỉ là một sự lặp lại, được tái thiết kế một cách vụng về để phù hợp với khán giả trẻ ngày nay. Những yếu tố về tình dục, nữ quyền, sức khỏe tâm thần nhanh chóng được sử dụng, để “định nghĩa" nên những giá trị và các luồng tư tưởng xung quanh một nghệ sĩ giải trí, và con người ngày nay.

Jocelyn đang trên bờ vực của sự nghiệp. Cái chết của mẹ khiến sức khoẻ tinh thần của cô bị huỷ hoại. Cô căm ghét đứa con tinh thần do cô sáng tạo ra. Chính vào lúc đó, khi tâm hồn Jocelyn bị đục sâu và khoét rỗng nhất, một bức ảnh khiêu dâm của cô bị phát tán trên Internet.

Nó khởi đầu từ Reddit và lan rộng nhờ Twitter, và trong khi Jocelyn đang hoang mang và tan nát, cả một hệ thống giúp cô rơi vào hố sâu hơn nữa. Bằng mọi thủ đoạn, hãng âm nhạc tìm cách che đậy và tẩy trắng cho sự cố này bằng những thứ tiến bộ nhưng rất Woke, rằng bê bối có thể trở thành một chiến lược hoàn hảo: Khi revenge porn (trả thù bằng tung ảnh nóng lên mạng) thành Feminist (nữ quyền.)

Từ bà chủ hãng ghi âm đến người quản lý, từ bạn thân đến trợ lý đều cố gắng giúp đỡ Jocelyn. Nhưng chính hành động này lại đẩy cô sâu hơn vào hố thẳm. Bởi với Jocelyn, dù tài năng, vẫn chỉ là một cỗ máy tạo ra tiền bạc. Cô là vật chủ để những người khác ký sinh. Sự nghiệp, không phải thành tựu của Jocelyn, chính là thứ nuôi sống bộ máy đó.

Nói cách khác, Jocelyn thực sự là một nô lệ. Kể từ đó, nhân vật này là một biểu tượng của sự lạm dụng, dưới nhiều hình thức khác nhau. Mọi thứ có thể đem ra để trao đổi và mua bán, dựa trên xác thịt và nỗi đau của một con người dễ tổn thương như Jocelyn vậy.

Thừa tình dục, thiếu tình người

Jocelyn đầy thương tổn và bất lực, hứa hẹn sẽ mang đến sự thấu hiểu và đồng cảm ở thế giới của cô (trong bộ phim) và khán giả (ở đời thực.) Những tưởng The Idol sẽ mang đến một câu chuyện giàu nhân tính và con người hơn nhưng không, bộ phim tiếp tục bày ra sự bóc lột một cách thiếu tình người nhất.

Thực tình mà nói, bộ phim cũng có một vài yếu tố tình người. Nhưng chúng quá nhỏ bé và nhanh chóng tan biến như bọt biển ngoài khơi xa.

Hai tập đầu tiên (trong 6 tập) của The Idol có quá ít tình người trong đó; nó là một bức tranh mà mỗi mảnh ghép đều có thể bị bỏ đi, thay thế không thương tiếc. Một nữ ca sĩ hay một người quản lý, một vũ công hay một con người dễ tổn thương và cô đơn cũng có thể loại bỏ nếu không vừa vặn với việc xã hội đã “thiết kế" cho họ.

Trong khi đang dàn xếp một bối cảnh đầy bất ổn và đáng suy ngẫm, The Idol lại mang đến sự ngột ngạt bởi tiệc tùng, tình dục (rất nhiều tình dục) không cần thiết. Không một cảnh phim nào mà không có một ánh nhìn (gaze) tình dục đầy xấu hổ. Từ những góc máy mô phỏng quay lén từ xa, cho đến những cảnh tình dục thừa mứa cứ trôi nổi trên màn hình, từ cảnh này sang cảnh khác.

Hầu hết nhân vật trong phim đều có nhu cầu được làm tình với những mục đích khác nhau. Và nếu tình dục là một mã nhận biết của The Idol, nó cũng chẳng cung cấp thêm được cách tiếp cận để hiểu thêm nhân vật hay bộ phim một cách sâu sắc hơn.

Những cảnh nóng dàn trải trong phim, không mang đến sự hứng tình nhưng là sự phô phang và kiệt quệ. Thậm chí sự ham muốn tình dục trong phim chỉ làm đúng một điều, được thoả mãn chính ham muốn đó một cách đầy vô nghĩa.

Không phải vô lý khi cho rằng, The Idol giả vờ phơi bày sự bóc lột trong khi lại say sưa với nó. Phim là một “bữa tiệc” vô nghĩa đầy độc hại, khiêu dâm, bạo lực. Phim cố gắng chỉ ra mặt xấu của ngành công nghiệp âm nhạc nhưng lại không tạo được sự đồng cảm, cổ vũ mà xoáy sâu vào các nỗi đau, tệ nạn của giới nghệ sĩ.

Sau hai tập đầu tiên, The Idol có thể gợi mở trong người xem một câu hỏi xưa như trái đất: liệu đây chỉ là bộ phim vô cảm hay thế giới này vốn đã vô tình như thế? Đến hiện tại, bộ phim chẳng mang đến một gợi mở đáp án nào, ngoài việc triền miên trong sự vô cảm, vô tâm và vô tình như vốn thế.

Hy vọng nào ở "cảnh" tiếp theo

The Idol là một sự trông đợi lớn ngay từ khi phim chưa công chiếu chính thức, không phải bởi những ồn ào và phê phán mà bởi chính những con người làm nên nó. Sam Levinson quá hiểu để mang những tăm tối chuyển hoá thành nghệ thuật, với ánh nhìn vừa cay đắng vừa vị tha đầy cảm xúc trong Euphoria. The Weeknd (ngôi sao nhạc pop) cầm trịch sáng tạo, đạo diễn, và diễn xuất - người vốn am hiểu nền âm nhạc Pop hơn ai hết.

Phim có sự tham gia của cả Lily-Rose Depp trong vai nữ chính, The Weeknd trong vai trưởng giáo phái Tedros; và nhiều ngôi sao khác như Troye Sivan, Jennie Kim (BlackPink)...

Hơn ai hết, họ đều là những nghệ sĩ tài năng và xuất chúng trong thị trường nhạc pop hiện nay. Họ chính là thần tượng của giới trẻ, của hàng triệu người hâm mộ. Họ biết phải làm gì về một bộ phim khai thác về chính cuộc đời và lý tưởng của họ. Nhưng tất cả, có vẻ như là một sự uổng phí và hoài công.

Nếu là một người yêu thích nhạc pop, bạn có thể nhận ra được sự gia tăng câu chuyện cá nhân của các thần tượng đời thực được đưa vào phim. Đó là tài năng của The Weeknd, từ một nam nghệ sĩ nhạy cảm và dễ tan vỡ ở thời kỳ đầu, đến hình tượng một người tình độc hại ở những sản phẩm âm nhạc gần đây. Rất có lý khi có ý kiến cho rằng, The Idol là 50 Sắc Thái của The Weeknd.

Hay như đối với Jennie Kim (thành viên của Black Pink) hay Troye Sivan, ca nhạc sĩ người Úc cũng là những thần tượng âm nhạc của giới trẻ.

Những nhân vật của họ trong phim, chắc chắn tách biệt với đời thực, nhưng lại đang trong tiến trình “sáng chế" ra những hình tượng mới có thể ảnh hưởng đến đời thực. Vai diễn Dyanne bị chê bai và tẩy chay vì quá gợi cảm, nhưng liệu ai dám chắc đó không phải là khía cạnh mà Jennie muốn hướng đến trong ngành công nghiệp KPop vốn đã đầy rẫy định kiến?

Với những điều đã diễn ra ở hai tập đầu, liệu chúng ta có thể chờ đợi gì ở "cảnh" tiếp theo của The Idol? - Câu trả lời là có. Bởi khán giả vẫn mong chờ đáp án cho điều đáng bận tâm nhất của bộ phim: tô đậm sự tăm tối của phép màu nghệ thuật hay vượt thoát khỏi nó?

Và liệu rằng The Idol có thể trở thành bản tuyên ngôn đương thời của những nghệ sĩ pop, nói giùm những thần tượng đã không có cơ hội thổ lộ những nỗi đau giấu kín cho công chúng biết?

Đó chính là những câu hỏi khiến chúng ta chờ đợi đáp án hoặc những gợi mở ở bộ phim này; như lời một bài hát mà Lana Del Rey đã từng viết về Hollywood và nghệ thuật, “Dù nhớp nhơ nhưng đó chỉ là một cuộc chơi… Những gương mặt không giống nhau nhưng câu chuyện của họ đều kết thúc trong bi kịch.”


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục