Woke là gì mà nên cẩn thận khi dùng? | Vietcetera
Billboard banner

Woke là gì mà nên cẩn thận khi dùng?

Đến ngay cả các hãng lớn như Gillette, Nike, Pepsi cũng nhận được bài học lớn về cách sử dụng “woke” trong các chiến dịch quảng cáo của mình.
Woke là gì mà nên cẩn thận khi dùng?

Nguồn: Mason Kimbarovsky/ Unsplash. Thiết kế bởi Hà Trâm cho Vietcetera.

1. Woke là gì?

Từ điển Cambridge định nghĩa woke là tính từ, chỉ trạng thái “thức tỉnh”, nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề chính trị - xã hội đương thời, chẳng hạn như quyền LGBTQ+, nạn phân biệt chủng tộc… 

Ngoài ra, theo Urban Dictionary, woke còn được dùng với lớp nghĩa mỉa mai: chỉ những người nhạy cảm với các bất bình xã hội, nhưng thực chất lại “rỗng tuếch”, không có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về thời cuộc. 

Cách dùng thứ hai này tuy không chính thống, nhưng đang dần trở nên phổ biến, và gây khá nhiều tranh cãi trên các nền tảng xã hội. Vậy nên khi thấy ai đó dùng woke, bạn đừng vội dùng theo, mà hãy cân nhắc bối cảnh cuộc hội thoại.    

2. Nguồn gốc của woke?

Woke là biệt ngữ của cộng đồng người Mỹ gốc Phi, được cho là xuất hiện lần đầu tiên trên truyền thông vào năm 1962, qua bài viết “If You’re Woke You Dig It” (tạm dịch: Nếu bạn woke, bạn sẽ hiểu) của tờ New York Times. 

Tuy nhiên, tác giả bài viết này chỉ sử dụng woke trong tiêu đề mà không giải thích thêm ý nghĩa của từ. Vì vậy, nhiều người sau này cho rằng nữ nhạc sĩ Erykah Badu mới là người chính thức đưa woke vào văn hoá đại chúng. 

Trong ca khúc Master Teacher phát hành vào năm 2008 của cô có sử dụng lời nhạc như sau: 

  • Even when the preacher tell you some lies/ And cheatin on ya mama, you stay woke
  • Even though you go through struggle and strife/ To keep a healthy life, I stay woke 

3. Vì sao woke trở nên phổ biến?

Woke trở nên phổ biến từ phong trào Black Lives Matter (2014), sau sự kiện Michael Brown, một thanh niên da đen 18 tuổi, bị cảnh sát da trắng bắn chết ở thành phố Ferguson.

Woke, và đặc biệt là cụm từ “stay woke”, từ đây được sử dụng thường xuyên trong các bối cảnh chính trị, và thậm chí trở thành chủ đề trong nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong đó có bộ phim kinh dị đầu tay nổi tiếng Get Out của đạo diễn Jordan Peele.

Một đoàn biểu tình cho quyền nữ tại Canada.
Một đoàn biểu tình cho quyền nữ tại Canada - "Stay woke" đã được sử dụng vượt khỏi giới hạn cộng đồng người Mỹ gốc Phi. | Nguồn: JMacPherson

Tại Việt Nam, khái niệm woke thể hiện gần gũi hơn thông qua các chiến dịch quảng cáo của các nhãn hàng lớn như Nike, Coca-Cola... Điểm chung là chúng đều truyền đi một thông điệp truyền cảm hứng về một vấn đề xã hội đang diễn ra, từ đó xây dựng hình ảnh thương hiệu “nhạy bén, nắm bắt xu hướng thời đại”.

Tuy nhiên, đứng trước sự bùng nổ của woke, nhà văn Chloé Valdary đưa lời cảnh giác rằng ý niệm về woke có thể là “con dao hai lưỡi”. Nó nhắc nhở mọi người về sự bất công bằng trong hệ thống xã hội, nhưng đồng thời có thể khiến người ta trở nên nhạy cảm hoặc hung hăng một cách không cần thiết. 

Một bộ phận tự nhận mình là woke, hay kêu gọi người khác “stay woke” chỉ theo phong trào, chứ không thực sự thấu hiểu cốt lõi của vấn đề hay có hành động thực tiễn tạo được thay đổi trong hệ thống.

Meme: Woke là mở mắt hay nhắm mắt?
Bức ảnh meme phản ánh góc nhìn mỉa mai về ý nghĩa của woke: Nhạy bén có thể biến thành nhạy cảm thái quá, khiến ta nhìn thời cuộc thiếu khách quan. | Nguồn: imgflip.com

Chiến dịch quảng cáo “The Best Man Can Be” của Gillette vào năm 2019 đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội, thậm chí là kêu gọi tẩy chay từ cộng đồng. Đoạn quảng cáo ngắn đưa ra các ví dụ về “tính nam độc hại”, từ đó gửi gắm thông điệp: "Chúng tôi tin vào những phẩm chất tốt đẹp nhất của đàn ông. Hãy nói điều nên nói và làm điều đúng đắn".

Từ ngữ được sử dụng có vẻ rất tích cực, tuy nhiên, một bộ phận lớn khán giả cho rằng nhà sản xuất đang “ăn theo” phong trào #MeToo, và quy chụp đàn ông. Cách truyền thông điệp của Gillette khiến họ cảm giác rằng dùng sản phẩm của hãng là thừa nhận mình có “tính nam độc hại”.

Sau nhiều trường hợp tương tự trong kinh doanh, và cả chính trị, cư dân mạng bắt đầu dùng “woke” để chế nhạo những nhà hoạt động xã hội “nông cạn”, hoặc cực đoan. Ví dụ điển hình là đoạn parody video từ Saturday Night Live.

 

Qua quá trình tiếp xúc với đại chúng, woke đã đi rất xa so với nghĩa ban đầu. Dù vậy, bạn vẫn có thể sử dụng woke với ý tích cực, chỉ lưu ý là hãy cẩn thận đến ngữ cảnh nhé.

4. Cách dùng woke?

Tiếng Anh

A: Mrs. June tells that kind of dirty joke way too much at work. Is it sexual harassment? 

B: You woke, dude! 

Tiếng Việt

A: Đi làm mà chị June kể cái chuyện hài “phản cảm” đó nhiều quá. Có tính là quấy rối tình dục không?

B: “Nhạy” thế bạn tôi!