Tiểu Sương: “Thành công của mình là trẻ con tự hiểu được lời dặn trong tranh”

Vẻ trong trẻo, tốt bụng và ngố luôn hiện diện trong các bức vẽ của Tiểu Sương.

Zack Lê
88metco

Minh hoạ trong cuốn “Lên cao nào” của tổ chức Room to Read Vietnam, NXB Văn học, tác giả Trịnh Hà Giang

Cái tên 88metco trên Instagram của Tiểu Sương là một cái tên gây tò mò. Bạn kể cái tên này bắt nguồn từ một buổi nói chuyện với một người bạn. Lúc ấy phiên bản dài hơn của 88metco là “Trong lòng túi 88 mét cỏ xanh”. 

“Một cái tên vô nghĩa nhưng mình vẫn chọn và rút ngắn lại vì nó gắn liền với kỉ niệm”, Tiểu Sương nói về cái tên đặc biệt này.

Tiểu Sương là một họa sĩ minh họa sách tranh tại Sài Gòn. Bạn thường vẽ con nít, gia đình, cây cối, cảm xúc và những thứ rất đỗi bình thường bạn được quan sát trong cuộc sống.

Tranh của Tiểu Sương thường được nhận xét "trong trẻo, tốt bụng và ngố". Khi được hỏi về những tính từ này, bạn tự nhận chỉ đưa ra góc nhìn và thế giới của bản thân và cho người xem tự do thưởng thức, cảm nhận tác phẩm. 

Hiện Tiểu Sương còn là một trong 12 họa sĩ tham gia dự án “Hí Hoáy by Vietcetera”. Hãy nghe bạn kể về quá trình sáng tác của bản thân.

1. Tranh của bạn thường mang các cảm xúc gì? 

Người xem thường cảm thấy tranh mình tình cảm, tĩnh, dễ chịu nên khách hàng thường muốn mình vẽ kiểu này, dù mình cũng không chủ đích truyền tải điều đó.

Mình có nhiều sắc thái hơn khi vẽ cho bản thân, như hỗn loạn, buồn, chật vật, đanh đá, xấu tính,… Trong số đó, chắc sẽ thiếu một chút hai cảm xúc “mệt” và vui. Vì khi mệt mình sẽ không vẽ và khi vui thì mình đi chơi mất rồi (cười).

2. Vẽ cho bản thân thì khác như thế nào với vẽ cho khách hàng ?

Mình xem việc vẽ cho bản thân như một cuộc thử nghiệm vậy. Dù có hay không, mình vẫn có thể tiếp tục việc làm nghề. Thế nhưng, khi cầm bút lên vẽ cho chính bản thân như vậy mình cảm thấy rất hạnh phúc. 

Khi vẽ cho bản thân, mình không sợ ai đánh giá và mình cũng không phải suy nghĩ xem vẽ như này có vừa ý bất kì ai không.

Mình xem việc làm nghề như đi về chiều ngang, còn khi thử nghiệm mình đi vào chiều sâu để hiểu bản thân hơn. Kết hợp cả 2 sẽ giúp mình bớt đi vào lối mòn, trải nghiệm nhiều thứ mới hơn.

3. Bạn chuẩn bị điều gì đầu tiên khi vẽ?

Với mình, điều đầu tiên mình muốn có là định hướng. Concept sẽ được mình hình thành trong quá trình làm.

Mình quan tâm tới con người, cảm xúc và lối suy nghĩ của họ. Nên khi bắt đầu dự án mình luôn đi nghiên cứu về những người làm trong lĩnh vực liên quan, xem phim tài liệu, cách họ làm việc, tương tác, không gian làm việc…. Việc đặt bản thân trong thế giới của họ khiến mình tạo ra những kết nối cảm xúc để kể trong tranh.

4. Nếu được sống trong thế giới của một bức tranh bạn vẽ, đó sẽ là tác phẩm nào?

Mình sẽ đi vẽ một bức tranh nào mà trong đó mình là người giàu (cười).

5. Vẽ cho sách tranh thiếu nhi có gì khác biệt?

Vẽ cho sách tranh giống như vẽ một dòng chảy vậy. Mình không thể bắt đầu bằng một tranh lẻ được. Từng tranh phải có tính liên kết cao để có thể dẫn dắt được câu chuyện.

Sách tranh thường gồm 3 câu chuyện, của tác giả, của người họa sĩ và của người đọc. Phần hình của mình sẽ kể 50% câu chuyện nên vì vậy mình cần phải tưởng tượng được thế giới. Từ đó dắt người xem vào đó và chiêm ngưỡng.

6. Trong những bức tranh của bạn, bức nào có câu chuyện thú vị nhất?

Ở bất kì bức hình nào, mình cũng thường cố tình để những câu chuyện nhỏ vào.

Giống như hình trong cuốn Lên Cao Nào, mình muốn bảo tụi nhỏ rằng dù có đang chơi vui thì cũng phải cẩn thận tự bảo vệ bản thân. Đó là vì sao tụi thú vật trong tranh sau khi té đã đi kiếm đồ để làm nón bảo hiểm, kiếm rơm để lót ở dưới.

Khi mình bỏ những chi tiết này vào, mình cứ lo là tụi nhỏ sẽ không hiểu được. Thế nhưng sau đó, mình gặp được vài bé đã đọc qua cuốn sách và các em ấy đều bảo là thấy và hiểu hết những câu chuyện nhỏ đó.

7. Vẽ tranh cho trẻ nhỏ cần gì? 

Mình nghĩ điều quan trọng nhất khi làm minh họa sách tranh thiếu nhi là phải luôn giữ được đứa trẻ ở bên trong.

Chẳng hạn như khi mình vẽ cuốn Lên Cao Nào của tổ chức Room to Read Vietnam, mình có đề tài là một em bé tự chế đồ chơi xong tự chơi với các con vật trong nhà, không hề có người lớn. 

Để truyền tải được lớp nghĩa là muốn đứa nhỏ độc lập trong việc chơi và sáng tạo với những đồ vật xung quanh, mình đã phải thỏa mãn đứa trẻ của bản thân bằng cách đi nghiên cứu về cách chơi đùa của tụi nhỏ.

Trong quá trình đó, mình vô tình biết đến Think Playgrounds, mấy anh chị trong nhóm đi xây sân chơi làm từ đồ vật tái chế cho trẻ em ở những nơi khó khăn. Thế là, mình lấy cảm hứng từ đó và đưa nó vào tranh.

8. Đâu là khoảnh khắc bạn có thể tự tin gọi bản thân là một Illustrator?

Chắc là lúc mình hoàn thành cuốn sách tranh đầu tiên năm 2019. Lúc đó mình vẫn chưa biết gì hết, nhưng chị biên tập viên của Room to Read vẫn tin và cho mình cơ hội. Từ đó mình có duyên với làm sách.

9. Nếu bây giờ được tàng hình, bạn sẽ làm gì đầu tiên? 

Mình sẽ đi ngủ và trốn khỏi nhà, vì hiện tại mình muốn tự do mà còn vướng nhiều trách nhiệm quá.

10. Bạn đã vẽ tác phẩm nào có chủ đề "tăm tối" chưa?

Mình đã từng nhưng sau này mình không làm nữa. Khi vẽ những chủ đề đó mình thấy mệt và mình luôn muốn hướng tới những gì dễ chịu hơn cho bản thân.

Mình tin là khi vẽ, chúng ta sẽ giải phóng ra năng lượng. Nếu bản thân cứ vẽ những cái tối tăm, bản thân cũng sẽ thu hút lại năng lượng tương tự. Có nhiều bức hình buồn nhưng mình vẫn cố tìm cách kéo nó lên và cho nó một kết cục tươi sáng hơn cũng vì lí do đó.



"Hí Hoáy" by Vietcetera là một dự án hợp tác cùng 12 hoạ sĩ minh hoạ để hiện thực hoá hình tượng Vietcetera trong trí tưởng tượng của độc giả. Bộ sưu tập - bao gồm lịch để bàn, postcards, sticker và bao lì xì - là một món quà khép lại năm cũ, chào đón năm mới mà Vietcetera và 12 hoạ sĩ thương gửi đến những độc giả thân yêu.

Đặt mua tại Vietcetera Store 


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục