Tình cảm và sự nghiệp: Có cách nào để không phải đánh đổi 1 trong 2?

Cách mình thay đổi góc nhìn và tìm được sự cân bằng phù hợp nhất với bản thân.
Chi Nguyễn (The Present Writer)
Nguồn: The Present Writer

Nguồn: The Present Writer

Bài viết lần này nói về một chủ đề mà mình nhận được rất nhiều chia sẻ của các bạn khán giả. Tiêu biểu có một bạn tâm sự với mình thế này: “Bạn bè và người nhà của em luôn cố gắng thuyết phục em rằng tình cảm và công việc không thể nào cân bằng được, buộc phải chọn một trong hai. Nhưng em không tin như vậy và em cũng không muốn như vậy.

Nhưng đôi khi hoàn cảnh lại khiến cho em nghĩ rằng người em yêu có phải là rào cản cho sự nghiệp của mình không? Em luôn tự hỏi mình rằng tại sao phải chọn một trong hai mà không thể chọn cả hai?”

Trong quá trình trưởng thành, mình từng nhận rất nhiều câu nói tương tự như thế rằng không thể có tất cả, phải hy sinh, phải từ bỏ, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nhưng dần dần mình cũng hình thành nên những suy nghĩ riêng để tự tin theo đuổi điều mình muốn.

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ về cách nhìn nhận lại vấn đề của bản thân và làm sao để bạn cũng tìm được sự cân bằng phù hợp nhất cho chính mình.

1. Vượt qua định kiến: Tình cảm và sự nghiệp không phải mối quan hệ đối địch

“Tình cảm và sự nghiệp, phải chọn một trong hai” là quan niệm tạo ra những áp lực không nhỏ cho cả hai giới. Với nam giới, họ thường phải gánh vác trách nhiệm kinh tế, tăng ca làm thêm việc mà không có thời gian nghỉ ngơi, được ở bên cạnh vợ con.

Với nữ giới, đặc biệt ở Việt Nam, sự ràng buộc của quan niệm này còn có phần gắt gao hơn. Phụ nữ phải biết lui về vun vén cho gia đình, con gái học nhiều làm gì, quan trọng là kiếm được tấm chồng…

Không chỉ chịu sức ép từ xã hội, chính phụ nữ còn có khi tự mâu thuẫn trong tâm tưởng. Có hẳn một từ miêu tả cho cảm giác này, đó là sự tội lỗi của người làm mẹ (mom guilt). Mình muốn theo đuổi sự nghiệp nhưng mình lại lo không có thời gian cho con, không thể chăm sóc con tốt…

Thế nên, quay trở lại với vấn đề nhắc tới ban đầu tình cảm và sự nghiệp có thực sự là một mối quan hệ đối địch bắt buộc phải chọn một trong hai không? Hay đây thực chất là những định kiến giới đang tồn tại, gò ép mỗi bên vào những vai trò bắt buộc đàn ông phải có sự nghiệp, đàn bà phải biết chăm lo gia đình.

Nếu mở rộng góc nhìn và vượt qua những khuôn mẫu giới đó, bạn sẽ nhìn ra con đường và thấy cân bằng giữa tình yêu với sự nghiệp không phải là điều bất khả thi.

2. Lựa chọn thông minh khi tìm kiếm bạn đời đồng hành

Bạn nên chọn bạn đời giống như là bạn chọn đối tác làm ăn lâu dài. Bạn phải biết hai bên có chung tầm nhìn để đi cùng nhau hay không.

Nếu bạn là người muốn phát triển song song sự nghiệp và gia đình thì bạn phải chắc chắn người bạn đời có sự tôn trọng và thấu hiểu với mong muốn đó. Đồng thời, vấn đề này nên được trao đổi ngay từ khi bắt đầu hẹn hò để đến khi mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn, đôi bên không gặp phải bất đồng gì nữa.

Kế đến là kết nối hài hòa những điểm mạnh yếu giữa hai người. Trong đó có một điểm đặc biệt cần lưu ý là chúng ta nên tập trung tăng cường điểm mạnh, chứ không phải chỉ cải thiện điểm yếu. Giữa vợ chồng mình, mình có là người có thế mạnh trong việc sắp xếp cuộc sống, dự tính trước cho tương lai. Chồng mình lại rất hay có những sáng kiến không ngờ tới.

Thế nên, mình không ép chồng mình phải biết sắp xếp cuộc sống, hoạch định cho tương lai. Công việc đó chủ đạo sẽ là mình vì mình có khả năng làm tốt. Còn chồng mình sẽ phụ trách những buổi đi chơi thư giãn, những chuyến du lịch cho cả gia đình hoặc đóng góp ý tưởng cho việc sáng tạo nội dung của mình.

Tại sao việc tập trung vào thế mạnh lại quan trọng? Bởi vì mọi người hay xoáy vào những điểm yếu của nhau, và mong muốn đối phương thay đổi. Nhưng chuyện đó sẽ khiến cả hai cảm thấy rất ngột ngạt.

Còn khi được phát huy những thế mạnh của mình, cả hai sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn. Nhờ vậy không chỉ mối quan hệ trong gia đình êm ấm hơn mà nó còn có thể giúp hai người tự tin phát huy thế mạnh trong cả sự nghiệp và ngày càng phát triển thêm.

3. Biến rào cản thành động lực

Ngày trước mình hay nhận được những bình luận như “có con đi rồi biết không thể nào sống tối giản được đâu, có con đi rồi biết làm gì còn thời gian cho việc viết lách, có con đi rồi…” Đến lúc mình thật sự có con rồi và mình vẫn làm được tất cả những việc trên thì lại có những bình luận mới: “chẳng qua bạn chỉ mới có một đứa con thôi, đợi có đứa thứ 2, thứ 3 đi rồi biết”.

Điều mình biết là mình nghĩ như thế nào, mình sẽ hành động theo như thế. Nếu mình càng nghĩ về việc có chồng, có con, là rào cản, là dấu mốc từ đó sự nghiệp của mình sẽ đi xuống thì bản thân mình sẽ tự biến những điều đấy trở thành rào cản thực sự.

Nhưng mình chọn suy nghĩ ngược lại. Mình nghĩ là có chồng con cuộc sống của mình chắc chắn sẽ bận rộn hơn nhưng đồng thời cũng tiếp thêm cho mình nhiều động lực hơn.

Khi mình bắt đầu có bầu, giai đoạn đấy mình có một khoản nợ lớn và gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Nhưng nó trở thành một cái cớ thôi thúc mình tìm hiểu về tài chính cá nhân và xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh nhiều hơn. Nhờ đó mình không chỉ có kiến thức mà còn có thêm ý tưởng để viết blog một cách chăm chỉ và cho ra nhiều bài viết hơn.

4. Linh hoạt và biến chuyển theo “mùa” trong cuộc sống

Sự cân bằng giữa tình yêu và sự nghiệp không phải lúc nào cũng phân bổ thời gian đều chằn chặn mà sẽ có sự biến chuyển, luân phiên thứ tự ưu tiên. Trong cuốn sách mình rất là thích có tên là 7 Chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc của Jim Rohn, tác giả đã đề cập tới khái niệm 4 mùa của cuộc sống:

  • Mùa xuân: Thời điểm mọi điều kiện đều thuận lợi, xuôi chèo mát mái thì mình nên tận dụng giai đoạn này để làm làm những điều mình muốn.
  • Mùa hè: Mùa hè là cái mùa rất là dễ bị sâu bệnh, nắng gắt hay gió bão, rất dễ gây ảnh hưởng đến thành quả tươi đẹp của mùa xuân. Khi đó, mình nên dành thời gian để chăm bẵm, bảo vệ những thành quả của mình.
  • Mùa thu: Đến mùa thu này mình sẽ được thu hoạch những gì đã dày công vun trồng từ mùa xuân, và nỗ lực bảo vệ qua mùa hè.
  • Mùa đông: Đây là giai đoạn khó khăn nhất, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị cho mùa xuân tiếp theo.

Khi mà mùa xuân cơ hội đến với mình, mình sẽ đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn cho sự nghiệp. Đến mùa thu khi công việc đi vào guồng quay ổn định và chậm hơn vào mùa đông mình sẽ dần chuyển hướng trở lại với gia đình nhiều hơn.

Tư tưởng này cũng khá là gần với học thuyết 4 lò lửa mình từng chia sẻ. 4 lò lửa tượng trưng cho lò gia đình, lò bạn bè, lò công việc, lò sức khỏe. Nếu lúc nào bạn cũng bật cả 4 lò phừng phừng sẽ rất mệt mỏi. Theo học thuyết này nếu bạn muốn thành công thì sẽ phải tắt đi ít nhất là 2 lò và chỉ bật lên từ 1 đến 2 lò thôi.

Lúc làm việc thì mình sẽ hoàn toàn tập trung, bật lò công việc cháy sáng nhất. Đến khi về nhà, mình sẽ tắt lò công việc hoàn toàn và bật lò gia đình lên. Tới lúc con của mình đi ngủ, mình sẽ chuyển sang bật lò sức khỏe. Mình chăm sóc bản thân, dưỡng da, ngồi thiền... Rồi đến cuối tuần mình sẽ bật lên lò bạn bè.

Việc thay đổi linh hoạt như vậy vừa giảm bớt áp lực và mình không có cái cảm giác phải hy sinh, phải từ bỏ, lại vừa lành mạnh hơn, phát triển đồng đều các khía cạnh trong cuộc sống.

5. Đo lường hành trình của bản thân

Để biết chính xác hơn bạn có đang dành rất nhiều thời gian cho công việc mà bỏ bê gia đình không, hay thực chất bạn vẫn dành thời gian cho gia đình, bạn nên có sự đo lường cụ thể.

Trong cuốn sổ cá nhân, mình có một mục nhật ký biết ơn, trước khi bắt đầu một ngày mới mình sẽ viết một dòng ngắn về những điều mình biết ơn ngày hôm nay, đến cuối ngày mình đánh giá từng công việc đã thực hiện, rồi chốt lại bằng một vài dòng cái cảm nghĩ về ngày hôm đó.

Đến cuối tuần mình sẽ kiểm định những thông số lớn hơn cả tuần vừa rồi mình cảm thấy như thế nào? Mảng nào mình cảm thấy tự hào nhất? Cuộc sống tuần này có đạt được sự cân bằng như mình mong muốn không? Nếu mình đang ở trong giai đoạn đánh đổi thì mình sẽ đánh đổi bao lâu nữa?

Mình cần ý thức và đánh giá đúng được tình trạng hiện tại, mình đang ở mùa nào trong năm, mình đang ở giai đoạn mình bật lên lò lửa nào. Khi mình thường xuyên đo lường và đánh giá như thế mình sẽ biết khi nào cán cân quá lệch để điều chỉnh lại về trạng thái cân bằng. Đồng thời mình có cơ sở để giữ vững lập trường và không dễ bị xao động bởi những lời nói xung quanh.

Kết

Mình chỉ mong bạn nhớ rằng cân bằng không phải là cố gắng chia đều thời gian cho mọi thứ, mà là lần lượt dành thời gian phù hợp cho từng lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống. Mình tin khi bạn có sự thấu hiểu với mong muốn của chính bản thân và tìm kiếm được một người bạn đời đồng hành sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, hai bạn hoàn toàn có thể vun đắp cả tình yêu và sự nghiệp, cùng nhau tạo nên một cuộc sống viên mãn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục