Tỏ Tiền: Các đội bóng đá kiếm tiền như thế nào?
“Ronaldo đến Real với giá 80 triệu bảng!”
Dòng tít bom tấn này từng một thời chạy đầy trên trang nhất các tờ báo giấy vào giữa năm 2009. Tại thời điểm đó, lần đầu tiên lịch sử bóng đá thế giới chứng kiến một thương vụ có giá trị cao như vậy.
Nhưng rồi kỷ lục cũng bị phá. Những năm sau đó, lần lượt những Gareth Bale, Paul Pogba, và đỉnh điểm là thương vụ Neymar cập bến Paris Saint-Germain từ Barcelona đã định hình lại cách dùng tiền của những đội bóng.
Thương vụ trị giá 198 triệu bảng (gần 6 nghìn tỷ VND) của Neymar cho thấy một điều: bóng đá giờ đây là một cỗ máy kiếm tiền thượng hạng.
Trong bài viết này, hãy cùng Vietcetera đi tìm hiểu những cách kiếm tiền của một đội bóng nhé!
Bán vé
Nguồn doanh thu truyền thống nhất của các câu lạc bộ luôn là từ việc bán vé. Tùy thuộc vào giá vé niêm yết, và quy mô sân vận động mà số tiền kiếm được của mỗi đội bóng sẽ khác nhau.
Ví dụ, dù sở hữu sân vận động lớn nhất châu Âu (99,354 chỗ ngồi), số tiền kiếm được từ bán vé của Barcelona lại ít hơn Arsenal - đội sở hữu sân Emirates với chỉ 60,260 chỗ ngồi. Lý do là vì giá vé của các đội bóng Anh luôn cao nhất châu Âu.
Nguồn thu này chiếm phần quan trọng trong miếng bánh doanh thu của các đội bóng. Hầu hết các đội bóng thuộc 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu có trung bình 10-30% doanh thu hàng năm đến từ việc bán vé.
Các hợp đồng tài trợ
Lượng người theo dõi đông đảo “môn thể thao vua” khiến các thương hiệu không ngần ngại bỏ tiền để được tài trợ cho các đội bóng. Hình thức tài trợ thì phong phú, từ áo đấu, phụ kiện, thiết bị cho đến… sân vận động.
Ngay từ năm 2011, hãng hàng không Etihad Airways đã gây tiếng vang khi ký hợp đồng tài trợ trị giá lên tới 400 triệu bảng với câu lạc bộ Manchester City. Bản hợp đồng kéo dài 10 năm, bao gồm điều khoản đổi tên sân vận động của đội bóng thành Etihad Stadium.
Khoản tiền các thương hiệu trả để được gắn tên lên áo đấu cũng là nguồn thu béo bở của các đội bóng. Theo báo cáo của KPMG, tổng giá trị tài trợ cho 5 giải vô địch quốc gia lớn nhất châu Âu vào năm 2020 là hơn 3,3 tỷ euro. Trong đó, khoản tài trợ để được xuất hiện trên áo đấu chiếm gần một phần ba con số này.
Bán áo đấu
Đương nhiên rồi, các thương hiệu trả tiền tài trợ là để quảng bá hình ảnh mà. Thương hiệu nào cũng muốn logo của mình được trưng bày khắp nơi, và người hâm mộ - những người mua áo đấu nghiễm nhiên trở thành đại sứ quảng bá cho họ.
Hoạt động bán áo đấu diễn ra liên tục. Doanh thu từ việc bán áo được chia cho cả đội bóng lẫn nhà tài trợ. Trong các mùa chuyển nhượng, nguồn thu này cũng thường cao hơn do câu lạc bộ ký hợp đồng với những cầu thủ mới.
Một ví dụ tiêu biểu là thương vụ Cristiano Ronaldo gia nhập Juventus vào năm 2018 với giá 99,2 triệu bảng. Trong vòng 24 giờ sau khi vụ chuyển nhượng được công bố, Adidas đã bán được hơn 500,000 chiếc áo đấu mang tên “Ronaldo”.
Chỉ riêng 24 giờ đó đã mang lại doanh thu trị giá hơn 48 triệu bảng Anh, bằng một nửa số tiền bỏ ra để mang Ronaldo về với “Bà đầm già”.
Mua - bán trên thị trường chuyển nhượng
Phí chuyển nhượng của một cầu thủ không chỉ được quyết định bởi giá trị chuyên môn, mà còn bởi giá trị thương mại, các điều khoản giải phóng hợp đồng, cũng như tài thương thuyết của những người đại diện và giới chủ.
Có hai kỳ chuyển nhượng mỗi năm, là kỳ tháng 1 và tháng 6 (hay còn gọi là kỳ mùa đông và mùa hè). Đây là khoảng thời gian thị trường chuyển nhượng nhộn nhịp với các hoạt động mua bán.
Chỉ trong năm 2019, báo cáo của FIFA cho biết các đội bóng trên toàn thế giới đã tiêu tới 5,6 tỷ bảng cho hoạt động chuyển nhượng.
Đối với những cầu thủ nổi tiếng, các đội bóng thường cố gắng “cài” điều khoản giải phóng hợp đồng cao (đôi khi đến mức lố bịch). Điều này nhằm đảm bảo rằng trong trường hợp cầu thủ tha thiết muốn rời đi, các đội bóng khác cũng phải trả số tiền lớn để mang về, mang lại lợi nhuận cho đội bóng chủ quản.
Và trước khi bạn nghĩ làm gì có ai sẽ trả khoản tiền lố bịch đó, hãy biết rằng Paris Saint-Germain từng trả đủ 198 triệu bảng phí giải phóng hợp đồng để đưa Neymar về đội.
Và đương nhiên Barcelona - câu lạc bộ chủ quản của anh chả thể làm gì để giữ chân nữa cả. Ai mà tin được có người thật sự trả bằng đấy tiền để phá vỡ hợp đồng đâu.
Bản quyền
Không phải ai cũng có điều kiện đến sân xem trực tiếp đội bóng mình yêu thích thi đấu. Đại đa số các cổ động viên trên toàn thế giới chọn cách ở nhà xem qua TV. Bản quyền vì thế trở thành nguồn thu đáng kể cho các câu lạc bộ.
Việc này hoạt động như sau: các giải đấu là đơn vị nắm bản quyền của các trận đấu. Các giải đấu sẽ bán bản quyền cho nhà đài nào trả phí cao nhất, cho phép nhà đài phát sóng độc quyền ở quốc gia của họ.
Sau đó, họ sẽ phân chia số tiền thu được cho các đội bóng tham gia (và đương nhiên giữ phần cho mình nữa!).
Việc phân chia tiền bản quyền thường dựa theo sức hút của mỗi đội bóng, vốn phụ thuộc vào độ nổi tiếng sẵn có, cùng với thành tích trên sân cỏ. Ví dụ, cùng thuộc giải Ngoại hạng Anh nhưng số người xem một trận đấu của Liverpool khả năng cao sẽ nhiều hơn số người xem một trận đấu của Watford.
Doanh thu từ bản quyền của mỗi đội bóng là rất lớn. Năm 2018, giải Ngoại hạng Anh đã bán bản quyền phát sóng với giá 1,66 tỷ bảng mỗi mùa trong giai đoạn 2019-2022.
Mùa giải 2019/2020, đội vô địch là Liverpool nhận tới 139,1 triệu bảng tiền bản quyền. Trong khi đó, đội xếp chót bảng là Norwich City cũng được nhận đến 92,7 triệu bảng.
Tiền thưởng từ các giải đấu
Tham dự một giải đấu, các đội bóng không chỉ chiến đấu để tìm kiếm vinh quang, mà còn để thu về những khoản tiền thưởng. Thông thường, đội nào đạt thành tích càng cao thì giải thưởng càng cao.
Ở 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu và Champions League, tiền thưởng cho đội vô địch dao động từ 30-40 triệu euro. Đội á quân cũng nhận được con số gần tương tự.
Các nguồn thu khác
Nguồn thu từ tận dụng cơ sở vật chất
Thông thường, các đội bóng chỉ đá từ 1-2 trận mỗi tuần. Sân để không thì rất phí, nên các câu lạc bộ thường cố gắng khai thác tối đa năng lực cơ sở vật chất để kiếm thêm doanh thu.
Một số đội bóng (đặc biệt là các đội bóng lớn) cung cấp nhiều gói dịch vụ. Những dịch vụ này có thể bao gồm tổ chức những sự kiện ca nhạc, các chuyến tham quan sân vận động và bảo tàng, hay thậm chí là làm đám cưới.
Một số đội bóng thậm chí còn cho phép người dân thuê sân để tổ chức thi đấu với bạn bè (dù giá thuê khá cao).
Tiền từ chủ sở hữu
Mỗi khi một đội bóng được sang tên đổi chủ, các triệu phú/tỷ phú tiếp quản sẽ bơm một số tiền đáng kể vào câu lạc bộ. Số tiền này thường để chi trả những khoản nợ, nâng cấp cơ sở vật chất và chi tiêu trên thị trường chuyển nhượng. Điều này diễn ra liên tục, cho đến khi đội bóng có thể tự chủ về mặt tài chính.
Trong nhiều trường hợp, những khoản tiền này phụ thuộc vào độ “chịu chơi” của các ông chủ. Nhiều chủ sở hữu coi đội bóng của mình hơn cả một thương vụ đầu tư sinh lời. Tiêu biểu là tỷ phú Roman Abramovich.
Kể từ khi hoàn tất mua lại vào năm 2003, ông đã biến Chelsea thành một trong những đội bóng thành công nhất nước Anh. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, vị tỷ phú này tiếp tục rót vào đội bóng của mình khoản tiền lên tới 440 triệu bảng trong vòng 5 năm qua.
Kết
Bóng đá là môn thể thao được yêu thích bậc nhất, đồng thời cũng là cỗ máy in tiền khổng lồ. Việc kiếm tiền vì thế luôn là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi đội bóng, bên cạnh việc cố gắng thi đấu để mang về thành tích cao.
Hai nhiệm vụ này luôn phải song hành cùng nhau. Một đội bóng không thể đảm bảo nguồn doanh thu tốt nếu không thể hiện tốt trên sân cỏ, và ngược lại. Điều này chính là động lực, khiến họ luôn phải nỗ lực hết mình trên sân đấu.
Và chính chúng ta cũng hưởng lợi từ chuyện này. Vì người hâm mộ nào cũng muốn xem những trận bóng hay.