Trịnh Sảng, Trương Hằng và scandal mang thai hộ
Tháng 1, lùm xùm không nhận nuôi con của Trịnh Sảng - sao Hoa Ngữ nổi tiếng qua loạt phim “Cùng Ngắm Mưa Sao Băng”, “Yêu Em Từ Cái Nhìn Đầu Tiên”... - từng khiến cộng đồng mạng tại Trung Quốc và Việt Nam bùng nổ.
Theo chia sẻ của Trương Hằng, hôn phu cũ của Trịnh Sảng, sau khi cả hai thỏa thuận và thuê người mang thai hộ tại Mỹ được 7 tháng, Trịnh Sảng lại đổi ý không nhận nuôi. Khi con được sinh ra, Trịnh Sảng không đồng ý ký giấy mình là mẹ của hai đứa trẻ, dẫn đến việc con không được cấp giấy về lại Trung Quốc.
Ngày 22/3 vừa rồi, Trịnh Sảng và Trương Hằng gặp nhau tại tòa án ở Mỹ để giành quyền nuôi con. Nếu bạn vẫn đang “hóng” chuyện gì xảy ra tiếp theo với cặp đôi này, đây là một số lý do bạn nên #KhôngQuanTâm.
Quá nhiều các vệ tinh thông tin xung quanh
Sau khi chia sẻ của Trương Hằng được lan truyền, dư luận chia làm hai phe: bênh vực Trịnh Sảng, chỉ trích Trương Hằng “bội bạc” hoặc ngược lại.
Các thông tin nhằm minh chứng cho việc “Trịnh Sảng ngoại tình dẫn đến chia tay Trương Hằng và bỏ rơi con” dần bùng nổ. Nạn nhân trực tiếp là Lee Jong Suk, bởi anh từng hợp tác với cô trong bộ phim Hàn - Trung “Người tình phỉ thúy”.
Những đoạn clip ghi âm và các bài báo nhận xét về nhân cách của Trịnh Sảng và Trương Hằng liên tục được đưa ra. Người được phỏng vấn thường giấu mặt, được xưng là “bạn thân của nhân vật”, nhưng không ai biết họ là ai.
Nhiều vệ tinh thông tin xung quanh với đủ các thể loại thực, hư không thể xác minh, đa phần đều chỉ là tin tức tiêu cực để hai phe chứng minh “người kia tệ hơn”.
Thiên kiến tiêu cực (Negativity Bias) khiến chúng ta có xu hướng chú ý đến các tin tức “gây sốc” trong vụ việc của Trịnh Sảng. Tuy nhiên, não bộ không nhận ra sự khác biệt về mặt cảm xúc giữa trải nghiệm sự kiện tiêu cực và suy nghĩ về sự kiện tiêu cực. Vậy nên càng theo dõi các tin tức này, cảm xúc tiêu cực của bạn sẽ càng gia tăng, dẫn đến việc dễ căng thẳng hơn bình thường.
Không quan tâm vì câu trả lời cho sự việc vẫn còn rất xa
Trong các yếu tố để xem xét ai giành được quyền nuôi con, tòa án Mỹ sẽ xác định:
- Các tài liệu chứng minh cha/mẹ có quan tâm đến con cái;
- Động cơ của việc giành quyền nuôi con;
- Sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính của cha mẹ;
Phiên tòa ngày 22/03 chỉ là khởi đầu, sắp tới, Trịnh Sảng và Trương Hằng vẫn còn phải gặp nhau tại tòa án thêm lần nữa. Vẫn còn một khoảng thời gian rất dài đến lúc tòa án tuyên bố ai được làm người giám hộ hợp pháp chính thức của hai đứa trẻ.
Trong buổi gặp nhau tại phiên tòa, Trịnh Sảng bày tỏ rằng mình cũng có ý định nhận nuôi con nhưng bị Trương Hằng ngăn cản. Chứng tỏ sự việc vẫn còn nhiều tầng lớp, và câu trả lời cuối cùng vẫn còn ở rất xa.
Không quan tâm vì rất nhiều người vẫn đang đấu tranh cho quyền được mang thai hộ
Có hai loại hình mang thai hộ:
- Vì mục đích nhân đạo: Người phụ nữ tự nguyện mang thai hộ cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể sinh được con.
- Vì mục đích thương mại: Người phụ nữ nhận mang thai hộ cho cặp vợ chồng để trao đổi tài chính.
Người mang thai hộ của Trịnh Sảng là vì mục đích thương mại. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại vì gặp nhiều trường hợp lạm dụng. Nhưng không phải vì thế mà việc mang thai hộ nói chung nên bị cấm đoán.
Một khảo sát tại The Center for Surrogate Parenting (Trung tâm hỗ trợ sinh sản) tại Mỹ cho biết có 31% người sử dụng dịch vụ mang thai hộ thuộc cộng đồng LGBT+, 69% còn lại là những cặp cha mẹ gặp vấn đề về sinh sản (cổ tử cung yếu, lớn tuổi…).
Những năm 2000, mang thai hộ được xem là bất hợp pháp tại Việt Nam. Nhưng từ 2014, chính phủ đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tháng 4 năm 2020, luật pháp tại New York, sau 3 thập kỉ cấm đoán, cũng đã cho phép xử lý những hồ sơ xin phép mang thai hộ.
Mang thai hộ, thực tế, đang là nguồn hy vọng của rất nhiều người.
Không quan tâm vì Việt Nam đã có ô tô điện
Ngày 24/03, VinFast công bố nhận đặt hàng mẫu ô tô điện VF e34, giá 690 triệu đồng/chiếc và mức phí đặt cọc chỉ 10 triệu đồng/xe. Xe dùng pin dung lượng 42kWh, có thể đi được quãng đường 300km, sạc nhanh 15 phút, đi được 180km.
VinFast triển khai mô hình cho thuê pin thay vì bán xe kèm pin thông thường, tổng chi phí thuê pin và sạc điện vào khoảng 1.482 đồng/km.
Với ưu điểm không tốn chi phí bảo dưỡng, bảo vệ môi trường, chi phí vận hành rẻ hơn, xe điện đang ngày càng được đón nhận trên thế giới. 54% thị trường xe hơi tại Na Uy được dẫn đầu bởi xe điện Tesla.
Với kế hoạch triển khai 40.000 cổng sạc ô tô điện phủ khắp 63 tỉnh thành của VinFast, Việt Nam có khả năng sẽ là đất nước tiếp theo thay thế xe hơi thông thường (tốn nhiên liệu và hại môi trường) bằng xe điện, một giải pháp cải tiến và mang tính lâu dài hơn.