Trông rất quen, nhưng chúng… ra đời như thế nào nhỉ?

Có rất nhiều thứ chúng ta thấy quen thuộc hoặc trông đơn giản đến mức chẳng bao giờ thắc mắc “Nó được làm từ bao giờ và như thế nào nhỉ?”

Trà My
Máy pha cafe Moka pot (Nguồn: Shutterstock)

Máy pha cafe Moka pot (Nguồn: Shutterstock)

Có rất nhiều thứ chúng ta thấy quen thuộc hoặc trông đơn giản đến mức chẳng bao giờ thắc mắc “Nó được làm từ bao giờ và như thế nào nhỉ?”. Một vài thiết kế có tuổi đời nhiều gấp đôi số tuổi chúng ta bây giờ, và vẫn sẽ còn tồn tại rất lâu nữa nhờ vào thiết kế kinh điển không gì thay thế.

Máy pha café Moka Pot (1933)

Năm 1933, “Cầu Cổng vàng” ở San Francisco bắt đầu được khởi công xây dựng, Albert Einstein đặt chân đến Mỹ, bộ phim King Kong lần đầu tiên ra mắt và… Alfonso Bialetti, sau một ngày đi làm mệt mỏi, đã tìm thấy cảm hứng thiết kế nên chiếc máy pha café Moka pot sau khi quan sát vợ mình dùng hơi nước đun sôi từ bồn tắm, dẫn qua một ống nối để giặt ga trải giường. 

Thiết kế này nhanh chóng trở thành một biểu tượng của văn hóa café Ý, thay đổi hoàn toàn thói quen uống café của người Ý, và sau đó là toàn thế giới. Cho đến tận ngày nay, mỗi gia đình ở Ý đều có chiếc ấm pha café này vì nó quá đơn giản, tiện dụng, không khác gì việc bạn đổ nước sôi vào và đun lên. Hơn 300 triệu chiếc máy Moka Express đã được bán kể từ khi ra đời. 

Chiếc ấm bát giác này đã trở thành một trong những sản phẩm kinh điển của thiết kế công nghiệp, trải qua hơn 8 thập kỷ vẫn giữ nguyên thiết kế ban đầu, chỉ được thay đổi những chi tiết nhỏ và cải tiến về vật liệu. Tất nhiên, cũng không bất ngờ khi Bialetti quyết định an táng tro cốt của mình trong một chiếc quan tài đặc biệt chính từ thiết kế của chiếc Moka pot này.

Đèn Arco (1962)

Ở Ý, cứ 10 ngôi nhà thì chắc chắn sẽ có 1 chiếc đèn arco ở phòng khách. Ngày nay, không khó để bắt gặp những thiết kế đèn nội thất được lấy cảm hứng từ chiếc đèn sàn kinh điển Flos Arco. Chúng quen thuộc và phổ biến đến mức không mấy người nhớ tên gọi của chiếc đèn này, người ta đơn giản gọi nó là “đèn sàn”.

Chiếc đèn được thiết kế bởi hai anh em Achille và Pier Giacomo Castiglioni vào năm 1962, lấy cảm hứng từ những bóng đèn đường ở Paris và một lý do tưởng chừng như lười biếng nhưng rất hợp lý “Chúng tôi nghĩ đến một chiếc đèn chiếu sáng trên bàn. Đã có một vài cái rồi, nhưng chúng tôi phải liên tục xoay chúng. Để có khoảng trông xung quanh bàn, chân đế phải cách xa ít nhất 2m. Thế nên chúng tôi nảy ra ý tưởng cánh tay như cái mái vòm”. Với kết cấu hình vòng cung duyên dáng, chụp đèn là bóng nhôm lớn hình mái vòm treo ở phần cuối của một thân cây thép không gỉ, dưới cùng là một khối đá cẩm thạch trắng, ánh sáng có thể được tỏa ra và bao trùm không gian lớn.

Cho đến nay, mẫu thiết kế kinh điển này đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ và vẫn luôn là một trong những mẫu đèn nổi tiếng được yêu thích nhất, một sự pha trộn tuyệt hảo giữa vẻ thanh lịch, trang nhã nhưng vẫn toát lên sự uy quyền và kiêu hãnh.

Chiếc ghế nhẹ nhất thế giới (1957)

“La Superleggera” - Chiếc ghế gỗ nhẹ nhất thế giới được ra đời năm 1957. Gio Ponti – người khổng lồ, cha đẻ của thiết kế Ý hiện đại, đã mất tới 8 năm thiết kế và thử nghiệm độ bền và chịu lực của chiếc ghế này bằng cách liên tục… ném nó từ tầng cao xuống. Người ta nói vui rằng, khi bạn mua Superleggera, bạn không chỉ mua một chiếc ghế mà còn mua cả một thành tựu nghiên cứu khoa học.

Điều gì khiến cho chiếc ghế mỏng manh và đơn giản này được vinh danh là tuyệt tác? Đó chính là sự kết hợp hoàn hảo những tính toán chính xác tuyệt đối về kết cấu và phân bổ lực giữa các thanh gỗ, cùng vẻ thanh lịch, tao nhã được tạo nên từ chất liệu gỗ và sợi liễu gai. Mạnh mẽ mà vẫn tinh tế và thanh thoát, chiếc ghế vững chắc chỉ có trọng lượng 1,7kg (chỉ nặng hơn chiếc Macbook Air một chút) và dễ dàng được nhấc bổng lên chỉ bằng ngón tay út của một cậu bé.

Nếu như nghệ thuật thời Phục hưng mang lại cảm giác choáng ngợp bởi hàng ngàn chi tiết tỉ mỉ, cầu kỳ dưới bàn tay những kiến trúc sư bậc thầy, sang đến thế kỷ 20, những nhà thiết kế người Ý đã thổi một luồng gió mới hiện đại hơn vào những sản phẩm của mình. Mặc dù vậy, có một công thức chung mang lại giá trị trường tồn cho những thiết kế này, đó chính là sự kết hợp hoàn ảo giữa tính thẩm mỹ và tính ứng dụng. Người ta nói rằng ngày nay, thậm chí một số thợ thủ công lâu năm ở Florence vẫn còn dệt bằng những khung cửi theo thiết kế của… Leonardo da Vinci vài trăm năm trước.

Nghệ thuật và thiết kế không phải chỉ để ngắm nhìn và ngưỡng mộ, mà còn phải tạo ra sự tương tác và kết nối – điều đó làm nên sức sống trường tồn của những thiết kế “made in Italy”, cũng chính là tinh thần người Ý muốn gửi gắm thông qua những hoạt động quảng bá văn hóa, nghệ thuật của mình.

Mỗi năm, 100 “đại sứ” của thiết kế Ý từ mọi lĩnh vực: thời trang, thiết kế, kiến trúc, hội họa… có mặt tại 100 thành phố trên thế giới để truyền đi thông điệp sâu sắc đó trong chuỗi sự kiện “Italian Design Day – Ngày thiết kế Ý”. Diễn ra đồng thời tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Vẽ nên tương lai. Phát triển, Sáng tạo, Bền vững, Vẻ đẹp”, sự kiện “Ngày thiết kế Ý lần thứ 4” năm nay là nơi tôn vinh những thiết kế mang đậm dấu ấn văn hóa Ý, đồng thời cũng là diễn đàn để những ý tưởng, sáng kiến nghệ thuật và kiến trúc được trao đổi, chia sẻ và cất cánh.

Tham gia sự kiện tại: "Italian Design Day" webinar


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục