Khủng hoảng tâm lý cá nhân xảy ra theo nhiều cách khác nhau, nhưng chúng luôn có một điểm chung: Sự mất mát. Năm sắp tốt nghiệp đại học, tôi chia tay người yêu sau ba năm bên nhau, tôi trượt vòng phỏng vấn cuối tại một công ty lớn. Tôi thấy nỗ lực của mình suốt những năm đi học chẳng là gì so với thế giới ngoài kia. Cái tôi bị bóp nát, tôi mất tự tin, mất động lực. Cú huých này khiến tôi thay đổi nhận thức căn bản của mình.
Tất cả chúng ta đều đã và sẽ trải qua thời điểm khủng hoảng tâm lý cá nhân. Khủng hoảng thường hay xảy ra khi bạn ít ngờ đến nhất, nhưng bạn có thể chọn cách đối mặt với nó.
Vậy tôi học được gì từ với khủng hoảng tâm lý cá nhân?
Chấp nhận cảm xúc
Khi gặp khủng hoảng, sự điềm nhiên thường ngày của bạn dường như tan biến, để lại bên trong là những cảm xúc hỗn độn. Cảm xúc khi khủng hoảng có thể tồn tại trong những hình thù xấu xí, bạn có thể thấy mặc cảm, chán ghét, và mệt mỏi vô chừng.
Bạn hoài nghi những điều bạn từng tin tưởng, bạn cảm thấy có lẽ mình phải xây dựng lại hệ thống giá trị bên trong, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Điều bạn nên làm: kiên nhẫn và chấp nhận mọi thứ đang diễn ra bên trong bạn.
Khi bạn ăn phải đồ hỏng, điều bạn cần làm đầu tiên là nôn ra, nếu không bạn sẽ bị ngộ độc. Cảm xúc của bạn cũng vậy. Khi chia tay người yêu, ngoài việc gọi điện cho đứa bạn thân để khóc, tôi còn hay có thói quen viết tất cả những gì đang diễn ra trong đầu mình ra giấy. Viết cũng là một cách “nôn” cảm xúc ra giấy rất hiệu quả.
Hãy cho phép bản thân làm những điều đó, “hoài phí” một chút thời gian trong giai đoạn này. Sau này nếu có đọc lại những đoạn mình đã từng viết mà rùng mình, thì tức là cảm xúc của bạn đã trưởng thành hơn rồi.
Chấp nhận sự kiện như nó vốn là
Sau khi “nôn” cảm xúc ra, bạn cần nhìn nhận sự việc như cách nó vốn là. Hãy khiêm tốn quan sát nó, cũng như cách bạn chấp nhận cảm xúc, hãy chấp nhận sự kiện này.
Cái tôi của chúng ta luôn cần một câu chuyện để hợp lí hóa mọi thứ, do vậy khi rơi vào khủng hoảng, chúng ta hay phòng vệ theo cách thôi miên sai sự thật. Vì tôi không đủ tài giỏi nên không xứng đáng có được công việc này, vì tôi khó tính nên không giữ được tình yêu. Khi bạn thôi miên bản thân bằng những ý nghĩa cố định, bạn sẽ bị chìm đắm vào những điều bạn không thể thay đổi.
Học được cách chấp nhận sự kiện, tôi hiểu rằng những điều không may mắn có thể xảy ra ngẫu nhiên. Chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, và là tiền đề cho quá trình học hỏi. Vì vậy bạn đừng đổ lỗi cho bản thân hoặc cho ai đó, và không nên gán ghép một ý nghĩa cố định nào cho nó cả.
Khoan dung với chính mình là một cơ chế phòng vệ trưởng thành, nó giúp bạn tự chữa lành một cách tự nhiên và lành mạnh nhất.
Chăm sóc cơ thể nhiều hơn
Khi sức đề kháng tinh thần yếu, thì cơ thể khỏe mạnh sẽ là một đồng minh đắc lực. Cơ thể bạn cần được yêu thương, nhất là khi bạn đang gặp khủng hoảng.
Thời điểm đầu giai đoạn khủng hoảng, tôi uống rất nhiều rượu, ăn rất nhiều snack và không hề dưỡng da. Cứ như vậy suốt một tháng, tôi luôn cảm thấy mệt mỏi và dễ cáu giận. Vì vậy mà mỗi ngày một chút, tôi bắt bản thân phải tẩy trang buổi tối, phải uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, và ăn nhiều trái cây.
Những điều này nghe thì đơn giản, nhưng khi bạn đang trong giai đoạn khủng hoảng thì lại rất khó khăn. Thế nhưng bạn chỉ cần nỗ lực 1% mỗi ngày, sau một tuần, sau một tháng, bỗng nhiên một hôm bạn sẽ cảm thấy nó trở thành một thói quen không thể thiếu. Bởi vì bạn đã chuyển hóa năng lượng đó đến việc chăm sóc bản thân rồi.
Giấc ngủ của bạn cũng vô cùng quan trọng. Bạn cần ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi ngày, vì theo Matthew Walker – Giám đốc Trung tâm Khoa học Giấc ngủ Con người (Human Sleep Science) thuộc Đại học UC Berkeley: nó giúp khôi phục hệ miễn dịch, chống lại các căn bệnh ác tính, phòng ngừa lây nhiễm, và tránh khỏi mọi loại bệnh tật.
Và cuối cùng, hãy tập hít thở sâu. Trong thời gian khủng hoảng, tôi xóa các ứng dụng mạng xã hội, chỉ chừa lại những thứ thiết yếu và dành ra 15 phút mỗi ngày để hít thở sâu. Thay vì chống lại suy nghĩ, tôi cho phép nó trôi qua, và chấp nhận nó. Thiền định và hít thở không chỉ giúp cơ thể bạn tiếp thu thêm oxy cho tế bào, mà còn giúp cơ thể đồng điệu hơn với tâm trí và cảm xúc.
Tập trung vào quá trình
Khủng hoảng đã dạy tôi rằng thất vọng về bản thân là vì còn chú tâm quá nhiều vào kết quả. Tôi ám ảnh bởi sự hoàn hảo nên chưa học được cách trân trọng quá trình. Thực tế, chúng ta không có khả năng kiểm soát được kết quả, không đoán trước được tương lai, nhưng có thể kiểm soát được quá trình diễn ra.
Khi bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc, có thể bạn sẽ hình dung ra cảnh kết hôn và sinh con. Thế nhưng bạn vẫn không nói trước được tương lai sẽ xảy ra điều gì. Kế hoạch luôn chỉ là kết hoạch, và bạn phải luôn chuẩn bị tâm thế ứng biến cho mọi thứ có thể diễn ra.
Hãy dồn năng lượng đó vào quá trình, vào hiện tại, dù đó là tình yêu, công việc hay những mục tiêu cá nhân. Hãy cam kết với quá trình thay vì kết quả.
Và cuối cùng, khủng hoảng chính là cơ hội
Học tập không bao giờ đến từ những thứ dễ chịu, và khủng hoảng thì như một viên thuốc đắng. Nó giúp bạn mạnh mẽ hơn khi bạn cho phép nó dạy bạn những bài học “khó nuốt” mà bạn sẽ luôn cần trong suốt quá trình trưởng thành.
Như nhà tâm lý học Viktor E. Frankl đã từng viết trong “Đi tìm lẽ sống”: “Khi chúng ta không còn khả năng thay đổi hoàn cảnh, nghĩa là chúng ta đang được thử thách để thay đổi chính mình.”
Bài viết được thực hiện bởi Hoài An Lê.