Từ Bắt nạt đến Con chào mào: Khi thơ ca trở thành bao cát
"Con chào mào có hót “triu…uýt…huýt…tu hìu” đâu?", "Con chào mào làm sao có cái mũ màu đỏ?" Những câu hỏi như thế chợt rộ lên khi người ta chia sẻ bài thơ của Con chào mào ở Ngữ Văn 6 trong một cuộc trút giận tập thể vào sách giáo khoa. Nó nhanh chóng trở thành mũi dùi chĩa về phía tác giả bài thơ, một tên tuổi lớn của thi ca Việt Nam đương đại, Mai Văn Phấn.
Lời nói dối của thi ca
Tôi tưởng tượng nếu những người đó đọc bài thơ này của thi hào Federico García Lorca thì sao nhỉ?
"Mặt trăng nức nở kêu
“Ta muốn làm một trái cam”
Mi không thể — trăng của ta ơi —
dẫu mi hoá hồng
hay ngả màu vàng chanh
Buồn lắm!"
Hẳn họ sẽ chất vấn ông, mặt trăng nào biết nức nở? Mặt trăng nào nói nó muốn làm một trái cam? Mặt trăng có biết nói đâu? Toàn những điều phi lý.
Nhưng nói về trăng hình như cũng đi xa quá rồi. Thôi thì ta mời họ đọc câu thơ mà thi sĩ hàng đầu nước Anh trong thế kỷ 19 Gerard Manley Hopkins viết để tả tiếng kêu của con chim sơn ca rừng: “Teevo cheevo cheevio chee.” Con chim sơn ca rừng nào lại kêu như vậy? Hẳn là người ta cũng sẽ bảo Hopkins chỉ rặt bịa chuyện mà thôi.
Nhưng thơ là thế, và nếu quy tội “nói láo” cho bài thơ của Mai Văn Phấn, thì hẳn thơ ca phần nhiều trên đời cũng không thoát khỏi cái tội ấy.
Không ai bắt tất cả mọi người trên thế gian này phải hiểu cho thơ. Một trong những ông tổ của triết học phương Tây, Plato, là người thậm ghét thơ. Theo ông thì thơ ca chỉ là sự bắt chước cái bề mặt của sự vật và chỉ là một ảo ảnh của sự thật, nghĩa là thơ ca nói dối.
Nhưng khác với những người chỉ trích Mai Văn Phấn, Plato không ưa thơ nói chung vì bản chất dối gian của nó, còn những cá nhân kia vì không biết bản chất của thơ nên mới muốn một thứ thơ thẳng đuột, không dối gian, không tưởng tượng. Họ muốn một thứ đội lốt thơ chứ không phải là thơ.
Đến mức, người ta chế ra cả một bài tạm gọi là “thơ” giễu lại bài của Mai Văn Phấn thế này:
“Có con chim chào mào
Đậu trên cành cây cao
Thằng nhà thơ nói láo
Cho nên mới tả vào [...]”
Đó là một sáng tác thẳng đuột, “ưu điểm” là rất vần. Nhưng chớ nên cho rằng cứ vần thì là thơ. Mà cũng chớ cho rằng, thơ thì nhất định phải vần. Vần là một công cụ hữu dụng cho các nhà thơ, nhưng vần không phải bản chất của thơ ca.
Có những nhà thơ đơn giản là không thích sự vần vè, như John Milton, tác giả của tập trường thi Paradise Lost, cho rằng vần là “sự hạn chế việc biểu hiện nhiều điều theo cách khác”. Nhưng John Milton vẫn là nhà thơ, thậm chí được công nhận như một trong những nhà thơ lớn nhất trong lịch sử văn chương thế giới.
Thế nào là một bài thơ?
Hỏi thì hỏi vậy, nhưng rõ ràng không có định nghĩa chung nhất cho thi ca. Thi sĩ đại tài Emily Dickinson bảo rằng “Nếu tôi đọc một cuốn sách và nó khiến cả thân thể tôi lạnh cóng đến mức không ngọn lửa nào hơ ấm được, thì tôi biết rằng đó là thi ca.”
Hay thi gia Dylan Thomas nhé: “Tính thơ là những gì bên trong một bài thơ mà khiến bạn cười, khóc, rùng mình, im lặng, làm móng chân bạn sáng nhấp nhoáng, khiến bạn muốn làm điều này điều nọ hoặc không làm gì cả, khiến bạn biết rằng bạn vừa cô đơn vừa không cô đơn trong một thế giới xa lạ, rằng niềm hạnh phúc của bạn và nỗi đau của bạn vừa vĩnh viễn là của chung mọi người và cũng vĩnh viễn là của riêng bạn mà thôi.”
Và một người khổng lồ thi ca khác, Carl Sandburg: “Thơ là nhật ký của một sinh vật từ đại dương nhưng lại sống trên cạn và muốn bay lên không trung.”
Và còn vô vàn những định nghĩa khác nữa. Nhưng tựu chung, có thể thấy các nhà thơ nhất trí rằng thơ ca gợi cho chúng ta những cảm xúc, những rung động, những ước vọng, những nghĩ suy, những tâm thức đôi khi tách khỏi hiện thực vật chất của con người.
Sau Plato, triết gia Aristotle đã bảo vệ thơ ca bằng cách cho rằng tuy cái hư cấu của thơ ca không phải sự thực, nhưng theo cách nào đó nó lại đem tới những chân lý.
Tính theo cách nào thì bài thơ Con chào mào cũng là một bài thơ. Đẹp làm sao cách Mai Văn Phấn viết:
"Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi"
Cái mong muốn bất lực hòng níu kéo một con chim chào mào ở lại bằng chiếc lồng trong ý nghĩ chẳng phải cũng có sự hô ứng với những mong muốn rất thơ của Xuân Diệu xưa kia:
"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi"
Con chim chào mào của Mai Văn Phấn đâu chỉ là một con chim thực mà soi xét xem là tiếng hót có giống thật không, cái mũ trên đầu có giống thật không. Đó là một con chim biểu tượng, biểu tượng cho tự do, cho giấc mơ, cho tất cả những gì đẹp đẽ mau qua và không trở lại, nhưng vì là con người nên ta vẫn muốn níu kéo. Bài thơ theo cách ấy mở nghĩa ra vô tận trong những khoảng lặng của mình.
Đoạn sau của bài thơ, Mai Văn Phấn mường tượng ra con chim khi mà nó đã bay mất rồi:
"Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi"
Con người không giữ được con chim chào mào ở lại trong tay mình, nhưng vẫn giữ được con chim trong tâm trí. Liên tưởng rộng hơn, có rất nhiều thứ trên đời con người không giữ được: cảnh vật, thời gian, thanh xuân, những con người khác…
Nhưng chúng ta lại được trời phú cho khả năng lưu giữ những điều đã mất trong tâm tưởng. Tất nhiên, bài thơ của Mai Văn Phấn không phải thứ thơ ăn liền, đọc một lượt là nhận ra ý tứ. Đó là kiểu thi ca cần thời gian để chờ cái đẹp hiển lộ. Nhưng có lẽ, vì thế giới ngày nay là thế giới của tốc độ, nên có nhiều người chẳng có đủ thời gian để cảm bài thơ.
Khi thơ ca trở thành bao cát
Bài thơ Con chào mào không phải bài thơ đầu tiên được đưa vào sách giáo khoa và gây ra tranh cãi. Trước đó, bài thơ Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh đã hai lần bị đặt dấu chấm hỏi về giá trị thẩm mỹ.
Nếu như Con chào mào là một tác phẩm đạt tới độ chín của thi ca, một tác phẩm không chỉ xứng được gọi là thơ mà thậm chí phải xếp vào hàng thơ hay, thì Bắt nạt có nét hồn nhiên, học trò hơn, và đúng là có nhiều “sơ hở” để bị tấn công hơn.
Dẫu vậy, việc cho rằng bài thơ này tầm thường và vụng về nên không xứng đáng được đem dạy cho các em lớp 6 lại mang tính chủ quan rất cao của những người chỉ trích. Phải chăng trút giận với thơ ca là cách trút giận dễ nhất? Vì bản chất những tiêu chuẩn thơ ca vốn đã mong manh, nên ai muốn tung cước vào thơ ca chẳng được?
Hay phải chăng chúng ta đã quá quen với việc giáo dục theo kiểu, cứ tác phẩm nào ở trong sách giáo khoa thì nghiễm nhiên phải hoàn hảo, và các em cũng phải thấy chúng hoàn hảo, các em bắt buộc phải mê say chúng, phải ngợi ca chúng?
Phải chăng chúng ta đã quên mất rằng điều quan trọng, có lẽ là quan trọng nhất, mà nghệ thuật dạy cho ta, đó là nhận ra những cảm xúc thật của chính mình?
Tôi còn nhớ hồi đầu năm nay, khi được xem tác phẩm điện ảnh The Whale, một bộ phim xúc động và mang về cho Brendan Fraser tượng vàng Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc.
Trong bộ phim có đoạn anh giáo viên dạy văn tỏ ra yêu thích nhất là một bài viết về cuốn tiểu thuyết Moby Dick của chính cô con gái nổi loạn của anh.
Moby Dick là một tiểu thuyết kinh điển hàng đầu của văn chương Mỹ, nhưng thay vì ngợi ca nó lên mây cho phải đạo, cô con gái anh lại tỏ ý chán ngấy nó. Vị giáo viên dạy văn yêu thích bài luận vì nó thành thật với những gì người viết nghĩ, thay vì cố gắng bắt chước hay sao chép những phân tích có sẵn.
Tất nhiên cô bé trong phim khác với những người thật lực chê bài thơ của Mai Văn Phấn hay của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Cô cá nhân hoá những gì mà cô đọc được, rọi chiếu tác phẩm trong thế giới tâm tư của mình, và vì vậy dù đưa ra ý kiến trái chiều về tác phẩm, cô vẫn nhìn ra tâm hồn của tác phẩm với tất cả những bất toàn của nó, cũng như bất toàn của đời mình. Cô bé không hề ném đá tác phẩm và cũng không bị cuốn theo làn sóng chỉ trích nào.
Xét cho cùng, người ta không nhất thiết phải khen, phải yêu bài thơ của Mai Văn Phấn hay của Nguyễn Thế Hoàng Linh hay bất cứ một tác phẩm văn chương nào được đưa vào sách giáo khoa.
Nhưng dù khen hay chê, yêu hay ghét cũng nên đến từ một xúc cảm trong sáng, không cần thành thật với thực tế nhưng cần thành thật với tâm hồn. Đấy âu cũng chính là cách các thi sĩ chắt chiu ra những ý thơ vậy.