Tương lai của ngành du lịch và lữ hành Việt Nam
Một vài quan điểm về tương lai sắp tới của ngành du lịch.
Bài viết được thực hiện bởi Hảo Trần, CEO tại Vietcetera Media. Anh thường xuyên đóng góp nội dung cho các chuyên mục về startup công nghệ, kinh doanh và du lịch.
Từ tuần trước, tôi đã quyết định từ bỏ thói quen tích lũy dặm bay và chi tiền vào các chương trình khách hàng du lịch thân thiết. Những ngày thường xuyên lên kế hoạch cho các chuyến bay quốc tế và đi chơi xa đã kết thúc. Vì sao lại thế?
Trong vòng sáu tuần qua, tôi đã bị “cấm túc” một cách thoải mái tại Sài Gòn. Thoải mái là vì tôi có thể tới văn phòng gần như mỗi ngày, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn và việc phong tỏa ở Việt Nam được thực hiện văn minh hơn bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Dưới đây là một vài quan điểm của tôi, sau khi đã ổn định cuộc sống tại nơi đây và có thêm thời gian để suy nghĩ về tương lai sắp tới của ngành du lịch.
1. Du lịch đường bộ trở thành xu hướng mới
Đường xá tại Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể đến Vũng Tàu (65km) và Hồ Tràm (85km) một cách nhanh chóng. Từ Hà Nội đến các địa điểm lân cận như vịnh Hạ Long cũng vậy. Với sự phát triển của các hãng sản xuất ô tô nội địa cũng như thu nhập của người dân được cải thiện, việc mua xe hơi hoặc thuê xe cho dịp đi chơi cuối tuần chưa bao giờ dễ dàng đến như vậy.
2. Hồi kết của các hãng hàng không giá rẻ. Vietnam Airlines phục hồi trở lại
Cuộc khủng hoảng là cơ hội để hãng hàng không Quốc gia Việt Nam tự làm mới mình. Đội tàu bay ngày càng hiện đại cùng với lợi thế là hãng hàng không nội địa sẽ giúp cho Vietnam Airlines củng cố vị thế là một dịch vụ hàng không thiết yếu và đáng tự hào.
Các hãng hàng không giá rẻ và mới nổi sẽ gặp khó khăn. Vé máy bay 0 đồng — thứ biến những chuyến du lịch cuối tuần đến các địa điểm xa xôi trở thành hiện thực — sẽ ít phổ biến hơn, khiến các chuyến đi chơi xa trở nên kém hấp dẫn hơn đối với khách du lịch thông thường.
Điều này không có nghĩa Vietnam Airlines sẽ bành trướng thêm hay đạt được vị thế độc quyền, nhưng họ sẽ giành được nhiều lợi thế trong “miếng bánh thị phần” đang ngày một thu hẹp.
3. Những chuyến xe sạch khuẩn
Xe khách sẽ vẫn là lựa chọn phổ biến cho khách du lịch nội địa có hầu bao chật hẹp, nhưng các vấn đề về vệ sinh diệt khuẩn sẽ được chú trọng hơn bao giờ hết. Liệu xu hướng vận tải đường bộ thân thiện với môi trường có trở nên phổ biến hơn trong tương lai?
4. Sự trỗi dậy của Luxstay, cạnh tranh với Airbnb
Dịch vụ Airbnb tại Việt Nam từ lâu đã dựa vào phương thức kinh doanh chênh lệch giá để cho khách du lịch phương Tây thuê dài hạn các tòa nhà cũ kỹ (nhưng được quảng cáo là cổ kính, theo phong cách vintage). Xu hướng này sẽ sớm kết thúc, và những chủ nhà đã bỏ ra hàng ngàn đô la để tân trang lại chúng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm người thuê dài hạn.
Thị trường home-sharing sẽ không thay đổi. Tuy nhiên miếng bánh thị phần sẽ được chia đều hơn cho các doanh nghiệp nội địa như Luxstay — những công ty có mối quan hệ tốt hơn với các cơ sở lưu trú trong nước, có các căn hộ hiện đại hơn và phục vụ chủ yếu cho khách nội địa.
5. Mở rộng thị trường ở những khu vực lân cận
Các công ty phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khách du lịch từ một thị trường duy nhất sẽ chứng kiến sự sụt giảm doanh thu rõ rệt trong tương lai gần. Với việc lượng khách du lịch tụt dốc tại tất cả các thị trường, các công ty du lịch nên đa dạng hóa chiến lược sales & marketing của mình để có thể thu được lợi nhuận từ nhiều thị trường khác nhau, tránh việc “bỏ hết trứng vào một giỏ”.
6. Du lịch nội địa sẽ được chú trọng hơn
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của phân khúc khách du lịch trong nước từ các thành phố lớn như Hồ Chí Minh đến các địa điểm gần như Đà Lạt hay Mũi Né, giúp cho các khách sạn tại đây đều chật kín phòng.
Đây là xu hướng sẽ còn tiếp diễn trong khoảng thời gian sắp tới. Các đơn vị kinh doanh du lịch sẽ cần phải bắt đầu marketing đến phân khúc này càng sớm càng tốt.
7. Xu hướng du lịch tiết kiệm nhường chỗ cho du lịch hạng sang
Xu hướng sáp nhập và tăng cường các biện pháp phòng dịch sẽ khiến cho các hãng hàng không tăng giá vé bay quốc tế. Lượng hành khách cũng sẽ giảm mạnh do suy thoái kinh tế toàn cầu. Vì vậy, phân khúc khách du lịch giá rẻ dành cho “backpackers” sẽ chứng kiến sự sụt giảm mạnh và có thể là không phục hồi trở lại.
Những người có thu nhập cao vẫn sẽ đến Việt Nam, vì vậy trong dài hạn chúng ta vẫn sẽ thấy nhu cầu tăng cao trong mảng du lịch 5 sao và boutique cho dòng khách hạng sang.
Các công ty du lịch thuộc phân khúc tầm trung, phục vụ cho khách hàng Millennial nhạy cảm về giá, có thể chịu sự sụt giảm lợi nhuận do phải gia tăng chi phí marketing. Tuy nhiên chi tiêu cho quảng cáo sẽ giảm bớt trong tương lai không xa.
8. Du lịch công vụ sẽ hồi phục đầu tiên
Có lẽ phân khúc hồi phục nhanh nhất là khách du lịch công vụ, cụ thể là những khách đến từ các thành phố trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Bangkok, Tokyo và Seoul.
Các công ty đến từ các nước phương Tây sẽ ưu tiên giữ nhân viên lại trong nước họ, trong khi các quốc gia trong khu vực lân cận sẽ tiếp tục cử nhân viên đến Việt Nam thường xuyên. Các doanh nghiệp lữ hành sẽ đặc biệt chú trọng đến phân khúc này, nhưng cũng cần đầu tư mạnh vào những nhóm sản phẩm đáp ứng nhu cầu của họ.
Bài viết được dịch bởi Sơn Đặng.
Xem thêm:
[Bài viết] Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2020: Sylvia Nguyễn, Giám đốc điều hành mảng Khách sạn, Alphanam Group
[Bài viết] 11 Khu nghỉ dưỡng lý tưởng cho kế hoạch giải toả ngột ngạt