Twenty Five, Twenty One: Xem phim thanh xuân, nghĩ về văn hóa
1. Twenty Five, Twenty One kể câu chuyện gì?
Twenty Five, Twenty One lấy bối cảnh năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính IMF ở Hàn Quốc khiến nhiều gia đình phải lâm vào cảnh nghèo đói. Baek Yi Jin - con trai của một gia đình tài phiệt đã bị tan cửa nát nhà bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng - phải tạm gác ước mơ của mình để lao động kiếm sống. Anh vô tình gặp được Na Hee Do, một nữ sinh với đam mê đấu kiếm phải chịu cảnh đội đấu kiếm trường trung học bị giải tán cũng vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng.
Hai người gặp nhau lần đầu khi họ 22 và 18 tuổi rồi yêu nhau khi họ gặp lại nhau ở tuổi 25 và 21.
Phim gồm 16 tập, hiện đã phát sóng trên Netflix đến tập 10 và vẫn luôn nằm trong top thịnh hành.
2. Dàn diễn viên làm nên thương hiệu “thanh xuân” của bộ phim là ai?
Nhân vật Na Hee Do do nữ diễn viên Kim Tae-ri thủ vai. Cô được công chúng biết đến qua các vai diễn trong The Handmaiden (Người hầu gái), Mr. Sunshine (Quý ngài ánh dương). Đồng hành cùng cô là nam chính Baek Yi Jin do Nam Joo-hyuk, diễn viên quen thuộc với các Weightlifting Fairy Kim Bok-joo hay Start-Up (Khởi nghiệp).
Ba mảnh ghép còn lại của dàn trai xinh gái đẹp F5 bao gồm đối thủ trên sàn đấu kiếm Ko Yu Rim đóng bởi nữ thần tượng Bona (WJSN), “trai đẹp lớp 7” Moon Ji Woong và cô bạn lớp trưởng nối khố Ji Seung Wan do hai diễn viên tân binh Choi Hyun-wook và Lee Joo-myung thủ vai.
3. Vì sao phim lại thu hút người xem
Lối kể chuyện song hành quá khứ - hiện tại
Twenty Five, Twenty One không kể chuyện theo một dòng thời gian thông thường mà xen kẽ giữa thì quá khứ của nữ chính Hee Do và thì hiện tại qua góc nhìn của con gái cô.
Kể chuyện theo lối song hành quá khứ - hiện tại không chỉ khiến khán giả thêm tò mò về những tình tiết trong quá khứ mà còn khơi gợi cảm giác hoài niệm mỗi khi chúng ta throwback về một kỉ niệm nào đó. Việc áp dụng lối kể chuyện này vào thể loại phim thanh xuân đã giúp phát huy tối đa tác dụng “gây thương nhớ” những khoảnh khắc tuổi học trò.
Thể loại phim thanh xuân vườn trường
Những bộ phim với nhân vật chính còn ngồi trên ghế nhà trường đã là một trong những bệ phóng vững mạnh giúp làn sóng Hallyu xâm nhập thị trường quốc tế, từ Boys Over Flowers đến Dream High.
Nhưng hiện tại, không còn tập trung vào những drama đấu đá, tình tay ba như mô típ cũ, các bộ phim thanh xuân hiện nay khai thác đa dạng khía cạnh: theo đuổi đam mê, sống hết mình, trăn trở của người trẻ với thời đại...
Bên cạnh đó, các nhân vật cũng không còn phải tranh giành tình yêu của nhau khi ai cũng đều có đôi có cặp, và khán giả cũng chọn được cho riêng mình OTP để “chèo thuyền”.
4. Đằng sau bộ phim thanh xuân là câu chuyện lớn về văn hóa
Năm 2019, thị trường điện ảnh Hàn Quốc ước tính đạt 5 tỷ USD với hơn 226 triệu lượt khán giả. Ước tính, người Hàn Quốc xem trung bình khoảng 4,37 phim trên đầu người, một trong những con số cao nhất trên thế giới, so với mức trung bình 3,51 phim của Hoa Kỳ.
Làn sóng Hallyu, mà phim ảnh là một trong những thành phần chủ lực đã tạo nên những ảnh hưởng lớn đến mức nó được gọi là "quyền lực mềm" - theo định nghĩa của Giáo sư Joseph Nye. Nó không chỉ giúp ích về mặt kinh tế, mà còn giúp quảng bá Hàn Quốc với thế giới và hỗ trợ lợi ích về chính trị.
Để có thể tạo ra những bộ phim không chỉ đơn thuần để giải trí, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra các chính sách về thương mại đối với ngành công nghiệp phim ảnh để đảm bảo có thể lồng ghép và truyền bá văn hoá của đất nước.
Cụ thể, trong các bộ phim cần lồng ghép nhiều yếu tố đặc trưng của Hàn Quốc. Từ các món ăn đặc thù như mì gói, bánh gạo cay, kim chi... đến văn hoá thần tượng đều xuất hiện nhiều lần trong các bộ phim như Twenty Five, Twenty One.
Để nền phim ảnh nội địa phát triển, chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra các hạn ngạch nhất định dành cho các nhà phát hành phim. Chẳng hạn, mỗi rạp chiếu phim của quốc gia này đều được quy định chiếu phim nội địa 73 ngày trong năm.
Để có thể xuất hiện liên tục mà không gây nhàm chán với khán giả, các nhà làm phim phải luôn bắt kịp thị hiếu. Ở Hàn, rất dễ nhận thấy thường có những "làn sóng" phim, như làn sóng về phim xuyên không giai đoạn 2012 (Hoàng Tử Gác Mái, Queen In Hyun's Man, Dr.Jin) hay các làn sóng phim y khoa. Và giờ, đã đến làn sóng phim kể về thanh xuân từ vị trí hiện tại, với khởi đầu là Our Beloved Summer.
Điều này có thể đến từ việc các hãng phim nghiên cứu thị hiếu dựa trên nhiều số liệu - như rating hay phản ứng khán giả trên mạng xã hội với các bộ phim ra đời trước - được theo dõi gắt gao để đề ra đường lối phát triển. Và các nội dung phim thường đi theo hướng "tổng tiến công", không chỉ để tranh thủ sự yêu thích của khán giả và còn tạo ra làn sóng nhất định, tiện cho hành trình xuất khẩu văn hóa.
5. Ngoài Twenty Five Twenty One, còn phim gì về thanh xuân cần xem?
- Itaewon Class: Park Sae Ro Yi sau khi mất cha và lâm vào cảnh tù tội đã nuôi khát vọng mở chuỗi quán nhậu nhượng quyền DanBam tại khu phố sầm uất Itaewon.
- Weightlifting Fairy Kim Bok-joo: Cô nữ sinh trong trường thể thao nằm trong đội tuyển cử tạ Kim Bok-joo tình cờ gặp chàng trai đội tuyển bơi lội Jung Kyung.
- Fight For My Way: Bộ phim kể về câu chuyện cuộc đời của bốn người bạn thân từ thời thơ ấu lớn lên bên nhau, rồi cùng rời xa quê hương để lập nghiệp
- Dream High: Câu chuyện xung quanh 6 bạn trẻ được đào tạo tại trường trung học nghệ thuật Kirin với quyết tâm trở thành ca sĩ.
- Series Reply 1997, 1994, 1988: Cũng đặt góc nhìn ở thì hiện tại, bộ phim kể về thời thanh xuân của các nhân vật, kèm theo nhiều câu chuyện về văn hóa ngay thời điểm ấy.