Vì sao năm nay các công ty chấm dứt tổ chức tiệc tất niên?

LG, Samsung, và Hyundai Motors còn khuyến khích nhân viên tận dụng số ngày nghỉ phép còn lại để tận hưởng kỳ nghỉ cuối năm.
Long Vũ
Nguồn: Pexels

Nguồn: Pexels

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Kỳ nghỉ lễ cuối năm, các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai Motors, v.v. đều thông báo không tổ chức tiệc tất niên, theo thông tin từ The Korea Times.

Theo giả thuyết của The Korea Times, lý do có thể là vì văn hoá cân bằng giữa công việc và cuộc sống đã ngày càng phổ biến. Điều này đẩy quyết định tổ chức tiệc tùng năm mới về các chi nhánh nhỏ. Họ có thể mở tiệc dưới hình thức trực tuyến hoặc không tổ chức nữa, thay vào đó khuyến khích nhân viên sử dụng hết số ngày nghỉ phép để tận hưởng năm mới.

Nhưng lý do lớn hơn có lẽ là vì nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái và việc cắt giảm các buổi tiệc tất niên có thể giúp tiết kiệm ngân sách. Bên cạnh đó, sau 2 năm, tình hình dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp khiến các tập đoàn e dè với các sự kiện có tập trung đông người.

2. Thế còn các công ty của phương Tây thì sao?

Cũng trong dịp nghỉ lễ tháng 12 dương lịch năm 2022, các tập đoàn ở Mỹ và châu Âu lại thúc đẩy văn hoá tiệc tùng cuối năm như một cách để thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân viên.

Dưới tác động của Covid-19 trong những năm vừa qua cùng chính sách work-from-home, nhân sự của nhiều tập đoàn lớn không còn cơ hội làm việc và sinh hoạt chung, khiến cấu trúc của các đơn vị này lỏng lẻo.

"Làm mới" tiệc tất niên là một cách để nhân viên xích lại gần nhau hơn. Đồng thời, hiện tượng này cũng là minh chứng cho việc giao thoa văn hoá công sở ở các nước phương Tây, vốn dĩ trước đây đề cao quyết định cá nhân hơn hoạt động tập thể, đang xảy ra mạnh mẽ.

3. Vì sao có xu hướng đối lập này?

Từ quyết định tổ chức một kỳ nghỉ lễ cuối năm, có thể thấy tại phương Tây và Á Đông có xuất hiện các xu hướng chuyển dịch văn hoá tưởng như trái ngược, nhưng thực ra lại rất hợp lý trong hoàn cảnh toàn cầu hoá ngày nay.

Các tập đoàn châu Á vốn dĩ đề cao sự thắt chặt trong quan hệ giữa nhân viên và nhân viên, nhân viên và sếp, thì nay lại nới lỏng trên danh nghĩa "work-life balance." Một mặt, điều này chịu ảnh hưởng lớn từ quan niệm tôn trọng quyền lao động ở các quốc gia có truyền thống đấu tranh công đoàn lâu năm hơn. Mặt khác, dường như các xã hội châu Á đã "thích nghi" tốt hơn với hạ tầng mạng, nơi mọi quan hệ xã hội trực tiếp như trước đây có thể được thay thế bằng một đường link Zoom.

Về cơ bản, xu hướng này tạo ra sự thay đổi diện mạo môi trường lao động ở phía ngoài, nhưng chưa chắc đã tạo ra sự xê dịch ở vùng "lõi" - nơi các nguyên tắc lao động vẫn dựa trên kỷ luật thép chứ không phải quyền lợi con người.

Còn các công sở và công xưởng phương Tây vốn từ trước đến nay bị giới hoạt động xã hội phê phán là bóc lột, dưới áp lực của dịch Covid-19, các làn sóng đại nghỉ việc và suy thoái kinh tế, đang cố gắng cổ vũ tình đoàn kết và xoá bỏ khoảng cách giữa công nhân và giới chủ để giữ chân người lao động.

Tại các cuộc hội ngộ tập đoàn, nhân viên được quảng cáo là có thể gặp gỡ và tạo mối quan hệ với sếp của sếp của sếp của mình. Điều này không hẳn là gia tăng quyền lợi của người lao động nếu như thiếu các thoả thuận cụ thể được công đoàn và luật pháp bảo vệ.

4. Đâu là ý nghĩa đằng sau "tiệc tất niên" ở các công sở?

Nếu các bạn đã xem bộ phim tài liệu American Factory, đã giành giải Oscars cho hạng mục phim tài liệu xuất sắc nhất vào năm 2020, có một cảnh công nhân Mỹ ăn tất niên theo văn hoá của người Trung Quốc, với múa lân, pháo tép và các màn ngoại giao thường thấy của các vị sếp châu Á.

Hoạt động "ấm áp" này hoàn toàn trái ngược với cảnh tượng người công nhân bị ngăn cản thành lập công đoàn đại diện cho quyền lợi của mình. Nó đơn thuần chỉ đóng vai trò như một liều thuốc giảm đau giữa áp lực của người làm thuê trong một nền kinh tế ngày càng bấp bênh hơn.

Trong bộ phim, một chi nhánh của General Motors đã bị đóng cửa, được thuê lại bởi một tỷ phú sản xuất kính ô tô người Trung Hoa. Tưởng như sự đối xử với người làm thuê sẽ khác, khi ở trên truyền thông mọi xung đột giữa người làm và giới chủ đều xảy ra ở phương Tây, song các công nhân đã phải thất vọng vì hoá ra căng thẳng về quyền lợi này chỉ xảy ra dưới một lớp áo khoác khác.

Tiệc tất niên, hay bất cứ hình thức "gắn bó" công nhân nào khác ở các công sở, dù khiến nhân viên cảm thấy yêu quý và đoàn kết với nhau hơn, thì cũng không thể thay thế được các quy định về quyền lợi được thoả thuận giấy trắng mực đen trên giấy tờ.

Tôn trọng thời gian riêng tư của nhân viên dịp lễ tết là một điều tốt, và không nên chỉ dừng lại như một ngoại lệ của năm 2022.

5. Vì sao ngày nghỉ quan trọng thế?

Ngày nghỉ của nhân viên thực tế cũng quan trọng với các tập đoàn ngang với bản thân các nhân viên này. Lý do là bởi, các công ty sẽ muốn người làm thuê giữ vững được năng suất lao động của mình, và nghỉ ngơi điều độ đáp ứng được tiêu chí này.

Bên cạnh đó, là một nền kinh tế được xây dựng trên hoạt động tiêu thụ hàng hoá, việc người làm công ăn lương có ngày nghỉ cũng khiến cho họ mua sắm nhiều hơn các loại hàng hoá do chính họ và các đồng nghiệp khác sản xuất ra.

Vì vậy, ngay cả khi nghỉ lễ tết hoặc cuối tuần, chúng ra cũng... không thực sự nghỉ ngơi. Chúng ta vẫn tiêu thụ hàng hoá và thông tin, tạo ra thêm động lực năng sản cho nền kinh tế. Các công ty lớn thực ra vẫn hưởng lợi từ hoạt động này.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục