27 Thg 06, 2022BeautyNữ Công

Vì sao xã hội nên tôn vinh người đẹp?

Nếu sống ở một thế giới mà không có khái niệm đẹp - xấu thì thật nhàm chán! Người đẹp không chỉ để ngắm mà còn có những tác động không nhỏ lên đời sống xã hội.
Diệp Khoa
Nguồn: vnmedia

Nguồn: vnmedia

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Có nhiều ý kiến cho rằng các cuộc thi sắc đẹp đã trở nên lỗi thời và không cần thiết trong cuộc sống ngày nay. Một số ý kiến cho rằng việc đề cao cái đẹp khiến cho những người khác gặp phải mặc cảm ngoại hình.

Nhìn chung, nhan sắc luôn là chủ đề vừa được trầm trồ nhưng không kém phần tranh cãi trong lịch sử loài người. Đẹp vừa là một khái niệm nghiêng về cảm nhận cá nhân nhưng luôn bị ảnh hưởng, chi phối bởi quan niệm đời sống xã hội.

Tuy tiêu chuẩn về cái đẹp ở mỗi xã hội, thời kỳ có khác nhau nhưng điểm chung là sẽ luôn tồn tại hai bờ “đẹp” và “không đẹp.” Dostoyevsky từng viết “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” trong tiểu thuyết Thằng ngốc (1868). Đặt câu nói này trong năm 2022, chúng ta vẫn nhận thấy cái đẹp và cả người đẹp luôn có giá trị. Vì thế ta cần công nhận nỗ lực làm đẹp của mỗi người, dù không đánh đồng rằng xã hội chỉ có một cách duy nhất làm đẹp.

Trở nên đẹp hơn là một cố gắng đáng trân trọng

Rất nhiều người sở hữu gương mặt, thân hình đẹp bởi sự cố gắng không ngừng. Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam (HHHV Việt Nam) 2022, Á hậu 2 Thủy Tiên từng là một cô gái nặng đến 90kg. Hành trình trở thành Top 5 HHHV Thế giới của H’Hen Niê cũng là những cố gắng để sở hữu một thân hình khỏe mạnh dù trước đó cô ở thể trạng gầy.

Mỗi người sinh ra đều có những thử thách về cơ thể, và không ít người chọn những cuộc thi nhan sắc làm nơi để vượt khỏi vùng an toàn của mình.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc các cuộc thi phô diễn thân hình đẹp, những gương mặt lôi cuốn khiến số người khác áp lực. Tuy vậy, chúng ta dường như quên rằng việc cố gắng hoàn thiện bản thân (theo cách an toàn) của bất kì ai cũng đáng trân trọng.

Nếu phong trào My Body, My Choice ngày càng lan tỏa thì những quyết định “trở nên xinh đẹp và mong muốn thể hiện nó với thế giới” cũng nằm trong số đó. Sẽ là thiếu công bằng nếu lên án những thân hình đẹp được tạo ra bởi những buổi tập kiên trì, một chế độ ăn lành mạnh. “Body Shaming” vừa là chê một ai đó với một khiếm khuyết, vừa là cố tình lờ đi những cố gắng hoàn thiện.

Bên cạnh đó, yếu tố ngoại hình không phải là động lực duy nhất để các cô gái tham gia một cuộc thi hoa hậu. Theo BBC, một trong những lý do chính để một phụ nữ muốn cạnh tranh trong một cuộc thi sắc đẹp là họ muốn trốn thoát khỏi thực tại.

Đó có thể là những hủ tục về kết hôn sớm mà H’Hen Niê từng gặp phải, là thoát khỏi tuổi thơ cơ cực của hoa hậu Ngọc Châu… Vì lẽ đó, tuy là cuộc thi sắc đẹp, nhưng sự cố gắng của mỗi người thường vượt khỏi sự phô diễn hình thể. Các cô gái chẳng đến để hơn thua ngoại hình (dù điều đó là có thật), họ còn cố gắng hoàn thiện bản thân để có thêm tự do, quyền lực thay đổi cuộc sống của mình.

Thờ ơ nhan sắc… mất tỷ đô!

Một cuộc thi nhan sắc không chỉ tôn vinh cái đẹp mà đằng sau đó còn là một ngành công nghiệp đang rất phát triển. Dù các cuộc thi hoa hậu hiếm khi nào tạo ra một xu hướng làm đẹp nhưng thứ mà nó truyền đi rất dễ nhận ra: trang điểm, quần áo và giấc mơ hào quang. Đây vẫn luôn và mãi là nguyên liệu quan trọng để ngành công nghiệp làm đẹp được vận hành.

Khi tháp nhu cầu Maslow còn đúng với loài người, việc phô diễn nhan sắc, thể hiện bản thân sẽ không ngừng lại. Ngành công nghiệp làm đẹp ở Việt Nam năm 2021 có doanh thu đến 2.3 tỷ USD. Một cuộc thi hoa hậu tự nó có thể bị lên án là màu mè, xa xỉ hay nhàm chán về format.

Nhưng đó là góc nhìn từ phía người xem đơn thuần. Dưới góc nhìn của người trong ngành làm đẹp, đó là một cơ hội để tạo ra và duy trì rất nhiều giá trị.

Nếu một xã hội thờ ơ với nhan sắc, thì những người làm nghề trang điểm, làm tóc, stylist sẽ thất nghiệp và ngành công nghiệp mỹ phẩm cũng sẽ tàn lụi. Thử hình dung về số lượng việc làm, nghề nghiệp mất đi nếu như chúng ta sống trong một thế giới thiếu vắng nhan sắc.

Chúng ta có thể lên án cuộc thi nhưng khách quan mà nói, sự xuất hiện của chúng là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp làm đẹp đang vận hành tốt. Kéo theo đó là những lợi ích kinh tế, văn hóa cho xã hội mà chính chúng ta là người được hưởng.

Đơn cử như nếu thị trường làm đẹp tại Việt Nam không phát triển, có lẽ chúng ta chỉ có thể mua được những mỹ phẩm xách tay. Sẽ chẳng có thương hiệu làm đẹp chính hãng nào muốn có mặt ở một quốc gia ảm đạm về làm đẹp cả.

Mặt mộc hay trang điểm cũng là đa dạng nhan sắc

Sau cuộc thi HHHV Việt Nam, một số luồng dư luận cho rằng vì sao các cuộc thi hoa hậu vẫn không có vòng thi mặt mộc, vòng thi cơ thể không cần tập luyện.

Tuy vậy, đó sẽ không còn là một cuộc thi nữa mà trở thành đời sống thường ngày. Chúng ta nên xem xét tách rời hai bối cảnh và không cần áp tiêu chuẩn của cuộc thi sang đời sống và ngược lại.

Các cuộc thi là nơi có những tiêu chí vốn sinh ra để con người cố gắng với một thử thách nào đó. Hiện tại, các cuộc thi hoa hậu đang “thử thách” người thi thông qua việc hoàn thiện hình thể, tư duy và khả năng trình diễn. Với riêng HHHV Việt Nam, tiêu chí đề cao việc một cô gái thể hiện phiên bản đẹp nhất, lộng lẫy nhất của mình.

Nếu đã chọn theo đuổi đa dạng nhan sắc, phải chăng chúng ta cũng nên tôn trọng vẻ đẹp từ các cuộc thi hoa hậu? Ngày nay, sự đa dạng về ngoại hình, màu da, mái tóc có thể thấy khắp mọi nơi. Nếu vẫn nói các cuộc thi nhan sắc đang khuếch đại một khuôn mẫu nào đó thì có vẻ khập khiễng.

Chúng ta rõ ràng không cần phải chọn yêu thích mặt mộc hay trang điểm, cơ thể thừa mỡ hay sắc nét. Chúng ta có thể yêu và tử tế với tất cả bởi đó chính là định nghĩa đúng về đa dạng.

Vậy nên, yêu thích người đẹp cũng là một ví dụ tôn vinh sự đa dạng. Thậm chí, số người có da mộc còn khuyết điểm, cơ thể kém săn chắc còn nhiều hơn là những người đang cố gắng hoàn thiện.

Vậy nếu không có sự xuất hiện của những cơ thể đẹp, khỏe mạnh, những nét mặt được tôn lên nhờ trang điểm, làm sao chúng ta biết được sự thú vị hay thậm chí là tiềm năng của mình?

Có lẽ, chúng ta cần ngừng tập trung vào việc xem tôn vinh nhan sắc là một thứ gì đó tiêu cực. Trong khi đó, nó có thể đóng vai trò như một bước đệm cho việc lan truyền nhận thức về giáo dục, về môi trường hay các vấn đề xã hội như trầm cảm, cyber-bullying...

Trong một buổi Livestream, HHHV 2018 Catriona Gray lên tiếng về việc khác nhau giữa phản hồi và đánh giá gay gắt. Quan điểm của cô là một phần trong quá trình thay đổi nhận thức của xã hội về nạn bắt nạt. Đương kim hoa hậu hoàn vũ 2021 Harnaaz Kaur Sandhu nhiều lần thẳng thắng trả lời phỏng vấn khi bị body shaming về việc cô tăng cân.

Cuối cùng, nếu cuộc sống hằng ngày của bạn luôn có sự thiên vị đẹp - xấu thì chúng ta có thể tuyên bố “nhan sắc” vô tội trong những cuộc tranh cãi hay không?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục