Voices of Vietcetera x Julia Đoàn: Kinh doanh qua Instagram

Là một trong những người đầu tiên tại Việt Nam sử dụng Instagram làm nền tảng khởi nghiệp, và sở hữu số lượng người theo dõi đông đảo (@floralpunk: 201k, @doanjulia: 122k), Julia sẽ chia sẻ với chúng ta những quan sát, bài học kinh nghiệm cô tích góp được với trang mạng xã hội này.

Minh Ng
Voices of Vietcetera x Julia Đoàn: Kinh doanh qua Instagram

Voices of Vietcetera x Julia Đoàn: Kinh doanh qua Instagram

Khác với các quốc gia khác trên thế giới, tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, việc kinh doanh qua mạng xã hội thậm chí đã bùng nổ trước cả khi làn sóng thương mại điện tử lên ngôi. Social commerce (S-Commerce) là loại hình thương mại điện tử sử dụng mạng xã hội là kênh để hỗ trợ việc mua và bán sản phẩm. Tại Việt Nam, việc mua sắm là 1 trong 5 lý do hàng đầu của việc sử dụng mạng xã hội (9,6%).

Theo báo cáo của Hootsuite và We are Social, tính đến tháng 1/2019, số lượng người Việt sử dụng Facebook đã cán mốc 61 triệu người dùng. Có thể nói, Facebook luôn luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều thương hiệu để tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Ngoài ra, Instagram và YouTube cũng là những nền tảng mạng xã hội được ưa chuộng khác tại Việt Nam. Mới đây nhất, là sự phát triển đáng kinh ngạc của mạng xã hội mới TikTok. Tuy nhiên, theo trang The Business of Fashion, việc kinh doanh qua TikTok vẫn chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm.

Tạm gác lại những con số tăng trưởng của mạng xã hội, trong bài viết của chuyên mục Voices of Vietceteta x Julia Đoàn lần này, chúng tôi và Julia sẽ chỉ tập trung vào Instagram, mạng xã hội “con cưng” của giới thời trang. Julia là một trong những người tiên phong tại Việt Nam sử dụng Instagram làm nền tảng khởi nghiệp, và hiện tại đang sở hữu số lượng người theo dõi vô cùng ấn tượng (@floralpunk: 201k, @doanjulia: 122k).

Làm thế nào để có thể đạt được những con số trên? Cùng chúng tôi lắng nghe Julia chia sẻ thêm về những bài học kinh nghiệm mà cô tích góp được với trang mạng xã hội này.

Tại sao Instagram là mảnh đất vàng của ngành thời trang?

Tại Việt Nam, Instagram là một trong 5 năm nền tảng có lượng người dùng thường xuyên nhất. Tổng số người dùng Instagram tính đến thời điểm tháng 1/2019 là 6,2 triệu người, và 59% số người dùng tương tác với quảng cáo trên mạng xã hội này là phụ nữ. Đặc biệt, với đối tượng trẻ, không phải Facebook mà chính Instagram mới là mạng xã hội họ yêu thích nhất. Điều đó cho thấy Instagram là nơi lý tưởng để các thương hiệu thời trang tiếp cận khách hàng tiềm năng, chủ yếu là người trẻ và phụ nữ.

“Instagram rất dễ sử dụng, dễ dàng tiếp cận người dùng và lại miễn phí, rất phù hợp cho những người muốn khởi nghiệp nhưng không có quá nhiều tiền để đầu tư vào kênh phân phối và marketing.” Julia chia sẻ. “Đó là chưa kể, thời trang là ngành công nghiệp quan trọng phần nhìn, mọi thứ bạn kinh doanh, đều là kinh doanh bằng hình ảnh. Đó là lý do vì sao Instagram nghiễm nhiên trở thành mạng xã hội được giới thời trang ưa chuộng hàng đầu.”

“Bạn có thể thỏa sức xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình với nhiều hình thức khác nhau, từ hình ảnh, video ngắn cho đến dài, vận dụng các tính năng như Instagram Stories, Instagram TV (IGTV),… Người dùng từ đó có thể nhận diện được cá tính và phong cách đặc trưng của thương hiệu. Sau đó quyết định bản thân mình có thích và phù hợp với thương hiệu đó hay không. Có thể nói, sự kết nối được tạo ra trong tích tắc.”

Mới đây, Instagram còn ra mắt tính năng “Checkout” cho phép người dùng mua sản phẩm trực tiếp từ bài đăng Instagram mà không cần phải thoát khỏi ứng dụng. Hiện tính năng này vẫn chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm trong lãnh thổ Hoa Kỳ.

Nếu tính năng “Checkout” được chính thức đưa vào sử dụng, nó hứa hẹn sẽ gây ra thay đổi lớn trong hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Không chỉ giúp việc mua hàng trở nên tinh giản mà còn giúp thương hiệu tiết kiệm thời gian trả lời khách hàng qua tin nhắn trực tiếp (Direct Messages) cũng như rút ngắn quy trình mua hàng trực tuyến, tăng tỉ lệ chuyển đổi (conversion rate) giữa khách thật sự mua hàng so với tổng số lượng khách hàng tiếp cận.

Khi mà Facebook đã ở trạng thái bão hòa, và các cơ chế chạy quảng cáo theo mục tiêu đang bị giới hạn lại, thì việc các thương hiệu chuyển hướng tập trung vào Instagram là điều hiển nhiên.

Sản xuất nội dung: Đẹp, đúng và đủ

“Khi Julia mới bắt đầu, mọi thứ tương đối dễ dàng vì lúc đó chưa có nhiều thương hiệu sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, đặc biệt là Instagram. Thế nhưng hiện tại, thị trường ngày càng trở nên cạnh tranh hơn vì có nhiều thương hiệu mới xuất hiện. Chính vì thế, để có thể nổi bật và tiếp cận nhiều người dùng hơn, bạn luôn luôn cần nội dung mới.”– Julia nói về tầm quan trọng của việc sáng tạo nội dung.

“Việc sản xuất nội dung cho mạng xã hội phải được đảm bảo thực hiện liên tục và đổi mới từng ngày. Bạn không chỉ chịu áp lực phải sản xuất nhiều nội dung để cạnh tranh, mà còn phải đảm bảo nội dung của mình thật sáng tạo, chất lượng và mang đến giá trị nhất định cho người xem.”

Công việc sản xuất nội dung không dành riêng cho một người mà là cả một đội ngũ. Yêu cầu đặt ra là truyền tải đúng và nhất quán hình ảnh thương hiệu, vì thế, bạn cần phải xây dựng một cẩm nang nhận diện hình ảnh (visual guideline).

Visual guideline là vô cùng cần thiết cho các doanh nghiệp thời trang. Hình ảnh phải nổi bật dù không theo xu hướng, vì đôi lúc xu hướng chỉ mang tính chất nhất thời. Muốn xây dựng hình ảnh thương hiệu nhất quán thì mọi thứ phải theo visual guideline. Sau đó là làm sao để người dùng biết đến nội dung của mình–đây là lúc marketing thật sự bắt đầu.”

Tiếp cận khách hàng: Trực tiếp và gián tiếp

“Có một lượng người theo dõi trang cá nhân trước khi thành lập thương hiệu riêng là một lợi thế, họ là những người hiểu được phong cách cá nhân của Julia, nên khi khởi nghiệp thì họ phần nào hiểu được tinh thần của Floralpunk. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là yếu tố quyết định sự thành công cho thương hiệu vì có rất nhiều trường hợp thành công mà không phụ thuộc vào mạng xã hội, hoặc vào mức độ nổi tiếng của người sáng lập.” – Julia chia sẻ.

“Sản phẩm là thứ quan trọng nhất và nó phải phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tiếp đến là đường hướng phát triển kinh doanh rõ ràng. Còn lại, chúng ta có rất nhiều cách để tiếp cận và tương tác với khách hàng.

Thông thường, Julia chia làm hai cách là trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là khi bạn chủ động kết nối với mọi người, tương tác với họ trên trang của bạn và của họ. Còn gián tiếp là khi bạn tiếp cận khách hàng mới qua sự trợ giúp của người khác, đó có thể là influencers hoặc từ chính khách hàng sẵn có.”

“Xây dựng mối quan hệ đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, Floralpunk hay sử dụng một hashtag là #wearfloralpunk để mọi người có thể chụp hình và gởi phản hồi về cho thương hiệu. Thông qua hashtag này, Floralpunk có thể tương tác với chính khách hàng của mình.”

Một vài lưu ý khác

  • Khách hàng ngày càng trở nên kỹ tính hơn. Hãy chắc chắn rằng hình ảnh của bạn đẹp và nội dung thì phải thật tinh tế, đầy đủ, và rõ ràng.
  • Direct Messages: là cách giải đáp kịp thời những thắc mắc của khách hàng. Họ không đủ kiên nhẫn để chờ đợi cả ngày. Bạn chỉ có một phút để phản hồi hoặc là họ sẽ không quan tâm đến sản phẩm của bạn nữa.
  • Có rất nhiều cộng đồng, nhóm nhỏ trên mạng xã hội, mỗi cộng đồng có một mối quan tâm nhất định. Bạn phải hiểu rõ đối tượng khách hàng tiềm năng của mình để tạo nội dung phù hợp.

Xem thêm:

[Bài viết] Voices of Vietcetera x Julia Đoàn: Đánh thức tinh thần khởi nghiệp

[Bài viết] Nghề lạ: Trở thành e-commerce buyer cùng anh Khôi Trần tại Leflair


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục