Xem MV Việt, nhìn thấy psychedelia
MV mới nhất Hai phút hơn của Pháo Northside kết hợp với Tyga với những màu sắc ảo thị đã khiến cho nhiều khán giả không khỏi bất ngờ và khó hiểu.
Ca khúc Xích Thêm Chút ra mắt tháng tư vừa rồi của bộ ba RPT Groovie, TLinh, và RPT MCK có nhắc đến hai chất ảo giác đó là ecstasy (XTC) và LSD (“Lối Sống Đẹp I’m tripping”).
Gần đây nhất, album mới của ban nhạc đầu tiên của Việt Nam được tờ Pitchfork chấm điểm, Rắn Cạp Đuôi cũng đã nhận được nhiều lời bàn tán.
Những tác phẩm này có điểm gì chung?
Chúng đều mang chất liệu âm nhạc thể nghiệm không mấy bắt tai, bìa album mang yếu tố kỳ ảo màu sắc, khiến nhiều người đoán già đoán non về ý đồ của ban nhạc.
Phong cách lạ lùng này còn được gọi với cái tên psychedelia.
Psychedelia nghĩa là gì?
Psychedelia miêu tả những tác phẩm hướng đến những hình ảnh méo mó và theo chiều hướng siêu thực. "Psychedelic", tính từ của psychedelia có nghĩa đen là “hiển thị linh hồn”, hoặc ngắn gọn, “thức thần”. Tính chất được miêu tả bằng từ “trippy” - ảo.
Văn hóa psychedelia được phổ biến vào thập niên 1960 qua phong trào hippie, khi giới trẻ thế hệ baby boomer bắt đầu thử nghiệm với thiền định và các chất ảo giác để lấy cảm hứng nghệ thuật.
Kết hợp với phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, psychedelia được thể hiện qua việc giới trẻ thay đổi trong cách ăn mặc và lối sống tách biệt thế hệ trước. Họ mặc những chiếc áo tie-dye đầy màu sắc, quần ống loe. Họ đi biểu tình, gửi những lời yêu thương đến nhau, ngồi trên bãi cỏ sử dụng chất kích thích và chơi các bản nhạc phản văn hóa (counterculture).
Phong trào hippie kết thúc vào thập kỷ 1970, còn văn hóa psychedelia dần xuất hiện nhiều trong các dạng nghệ thuật khác nhau.
“Mối tình” giữa psychedelia và nghệ thuật
Psychedelia gắn liền đặc biệt với các phong trào âm nhạc, hội họa, cũng như điện ảnh.
Trong hội họa, Alex Grey là một ví dụ tiêu biểu cho dòng tranh lấy cảm hứng từ những trải nghiệm phiêu du. Qua sự nghiệp hơn 40 năm, ông đã tạo những tác phẩm nhắm tới những tư tưởng như tình yêu thương (love), hòa bình (peace) và sự kết nối (unity) với thiên nhiên. Dưới đây là một bức họa nổi tiếng của Alex Grey, mang tên gọi Net of Being.
Trong điện ảnh, nhiều phim đã được chỉnh sửa kỹ xảo với các màu sắc và ảo thị, chủ ý nhằm tái hiện lại trải nghiệm của các nhân vật với những loại thuốc khác nhau. Dưới đây là một trích đoạn trong phim Enter The Void của Gaspar Noé miêu tả nhân vật chính trải nghiệm với hợp chất DMT.
Âm nhạc + Psychedelia = ?
Psychedelia có mối liên hệ chặt chẽ với văn hóa âm nhạc kể từ khi psychedelic rock ra đời vào giữa thập niên 1960. Trong khoảng thời gian đó, các ban nhạc như Jefferson Airplane, Pink Floyd, và The Beatles bắt đầu thử nghiệm và áp dụng tư tưởng psychedelic trong các bản thu của mình.
Tư tưởng ở đây bao gồm (nhưng không giới hạn trong) những triết lý Phật giáo, đạo giáo còn xa lạ với văn hóa châu Âu. Việc đưa những tư tưởng này vào các tác phẩm phương Tây tạo nên một làn gió mới mẻ cho các khán giả đại chúng.
Kể từ thời điểm ấy, nghệ thuật psychedelia được phổ biến trong âm nhạc với nhiều thể loại ra đời như acid rock và acid rap. Điểm chung của dòng nhạc này là:
1. Tái hiện lại những trải nghiệm ảo giác và có phần chủ quan,
2. Đưa người nghe vào trạng thái khác của nhận thức,
3. Vẽ lên những câu truyện siêu thực trong phạm vi của bài hát.
Qua các thập niên, văn hóa psychedelia tạo ảnh hưởng lên hầu hết các thể loại và theo nhiều cách. Ví dụ như dòng nhạc techno trong các hộp đêm tại châu Âu những năm 1990 gắn liền với chất MDMA (một chất kích thích tổng hợp).
Ở các show diễn psytrance, house (và biến thể tại Việt Nam của nó là...vinahouse), EDM, sự kết hợp của nhạc với những tổ hợp màu sắc trên màn chiếu khuấy đảo những khán giả khi thưởng thức.
Tiêu biểu ở hip-hop hiện đại, có thể thấy psychedelia xuất hiện trong MV L$D của A$AP Rocky hay Cabin Fever của Jaden. Hoặc MV Locket dưới đây của nhóm Crumb đã sử dụng fisheye lens (ống kính mắt cá) cũng như các kỹ thuật làm méo mó các đồ vật. Chúng cũng được thay đổi kích thước để tạo nên một trải nghiệm “hướng thần” cho người xem.
Psychedelia tại thị trường âm nhạc Việt Nam
Tại Việt Nam, trào lưu nhạc thể nghiệm khởi sắc trong cộng đồng underground vào cuối những năm 2000. Từ đó, tư tưởng psychedelia đã len lỏi vào những tác phẩm mang chất liệu kỳ ảo.
Trong hip-hop, ekip thực hiện MV Không sao đâu của Cam đã nhận được nhiều phản ánh tích cực từ phía người nghe. MV này có màu sắc được lấy cảm hứng từ các phim của Vương Gia Vệ, đồng thời thêm vào đó những yếu tố ma mị, lối kể chuyện chủ quan (unreliable narrative). Hiếm có những MV nào trong âm nhạc Việt Nam nói chung và hip-hop nói riêng lại táo bạo thử nghiệm những yếu tố đó, cho đến nay.
Lời nhạc mang tính ẩn dụ và có phần khó hiểu hay thậm chí… vô nghĩa, là điều hoàn toàn bình thường trong các bài hát mang tính psychedelic. Ta thấy chất liệu psychedelia trong ca khúc Chuyển kênh của ban nhạc Ngọt. Cụ thể là ở các lyrics: “Trong chiếc TV, tôi thấy một người ngồi xem TV”. Ta có thể thấy yếu tố meta (tạm dịch: tự nhận thức) ở đoạn lời trên.
Trong bài nhạc Vũ Đinh Trọng Thắng đã tạo nên một không gian trừu tượng, mập mờ để người nghe đoán già đoán non về những ý nghĩa ẩn sau nó. Tại sao trong chiếc TV lại có một người nữa đang ngồi xem TV? Và trong chiếc TV đó, lại có một người...ngồi xem TV nữa?
Bài hát chủ ý tạo ra những tình huống vô lý để người nghe đặt ra những câu hỏi luẩn quẩn, có thể là để “bắt lú” người nghe trong trạng thái khác (như khi “say” hoặc khi “phê” các chất ảo giác).
Không rõ hướng đi sắp tới của psychedelia trong âm nhạc sẽ ra sao, nhưng càng ngày càng nhiều các nghệ sĩ nước nhà thử nghiệm với những chất liệu âm nhạc mới lạ và... trippy hơn.