Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2020: Lời chia sẻ từ 5 chuyên gia
Với mong muốn gỡ rối một thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề, cùng lắng nghe những chia sẻ từ các cá nhân trong ngành về những xu hướng kinh tế năm nay.
Cập nhật về những thay đổi trong cuộc sống giữa Đại dịch COVID-19 tại đây.
Khắp thế giới, COVID-19 đang nhanh chóng vắt cạn nguồn lực của nhiều doanh nghiệp. Trong lúc nền kinh tế thế giới đang sục sôi, các nhà phân tích kinh tế đang hối hả tìm kiếm những giải pháp chiến lược mới để xoay chuyển bức tranh kinh tế hiện đang kém lạc quan của năm 2020.
Với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EU (EVFTA) vừa được phê chuẩn, kinh tế Việt Nam liệu có nhiều hi vọng hơn trong tương lai so với các nền kinh tế khác trong khu vực?
Cùng với nguyện vọng gỡ rối một thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề–dịch bệnh, biến đổi khí hậu và những cuộc chiến giao thương, Vietcetera đã kết nối với những cá nhân hiện là chủ doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành tại Việt Nam để nghe họ chia sẻ về những xu hướng cũng như thử thách sắp tới trong thị trường năm 2020.
Khoảnh khắc nổi bật nhất của thị trường nói chung và đội ngũ của anh/chị nói riêng trong năm 2019 là gì?
Mary Tarnowka chia sẻ rằng 2019 là một năm đáng nhớ khi bà chính thức gia nhập Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham VietNam – HCMC) với vai trò Giám đốc điều hành sau ba năm giữ cương vị Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vai trò này mang đến cho Mary cơ hội được ở lại Việt Nam — quốc gia mà bà yêu mến — để khôi phục AmCham, thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.
Đọc toàn bộ bài phỏng vấn với Mary Tarnowka .
Đối với anh James Vương, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành RealStake, điểm nhấn của năm 2019 chính là sự quan tâm to lớn mà các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như các nhà đầu tư thiên thần dành cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khúc giao giữa công nghệ bất động sản (proptech) và công nghệ tài chính (fintech) — cũng là phân khúc của RealStake.
Đọc toàn bộ bài phỏng vấn với James Vương .
Tại DTX Asia, anh Quang Thái, Giám đốc điều hành chia sẻ rằng trong năm vừa qua, anh và đội ngũ đã thử nghiệm nhiều hình thức phân phối sản phẩm khác nhau. Hiện tại, sau khi tìm ra đường hướng phát triển cụ thể và củng cố thành công đội ngũ nòng cốt, 2020 sẽ là năm mà anh tập trung mở rộng mô hình bán lẻ và phát triển thêm các dòng sản phẩm mới để phù hợp hơn với thị hiếu của đối tượng khách hàng mà công ty hướng tới.
Đọc toàn bộ bài phỏng vấn với Quang Thái .
Đối với Sylvia Nguyễn, Giám đốc điều hành mảng Khách sạn, Alphanam Group, điểm sáng trong năm qua không phải là một sự kiện nhất thời mà là quá trình tăng trưởng ổn định dài hạn trong mảng kinh doanh khách sạn của Alphanam Group. Các khách sạn đã đi vào hoạt động với 80% công suất và chúng tôi đã cung cấp cũng như đào tạo nghiệp vụ về du lịch cho rất nhiều sinh viên ngành dịch vụ, du lịch.
Đọc toàn bộ bài phỏng vấn với Sylvia Nguyễn .
Trước tình hình kinh tế ngược dòng như hiện tại, lĩnh vực của anh/chị sẽ cần điều chỉnh thế nào để thích nghi với những thay đổi của năm 2020?
Theo anh James, đây là thời điểm “ngủ đông” và mọi doanh nghiệp sẽ án binh bất động, trữ tiền mặt cũng như chuyển sang chế độ sinh tồn. Nhiều doanh nghiệp sẽ phải từ bỏ kế hoạch tăng trưởng vào năm 2020, và điều này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì tồn tại qua giai đoạn này đã là cả một thử thách.
Quang Thái cho rằng năm 2020 này, đối với các mô hình Online-to-Offline (O2O)–mô hình kinh doanh kết hợp bán lẻ ngoại tuyến và trực tuyến, quảng cáo trực tuyến vẫn sẽ là một công cụ đắc lực cho mô hình O2O. Sẽ cần rất nhiều tài nguyên và trí lực cho việc xây dựng nội dung để tạo ra một thương hiệu có tiếng nói và giá trị riêng.
AmCham, theo Mary Tarnowka cho biết, đã thực hiện một cuộc khảo sát để tìm ra những vấn đề cốt lỗi đang ảnh hưởng đến các thành viên, sau đó là chuẩn bị các cuộc gặp với Tổng Lãnh sự và các cơ sở sản xuất đầu ngành để bàn bạc về các thách thức trong chuỗi cung ứng, và chia sẻ các giải pháp tốt nhất trong buổi họp với các thành viên trong hội đồng.
Như các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi tình trạng trì trệ của nền kinh tế do đại dịch, các công ty dịch vụ nhà hàng & khách sạn sẽ phải vận hành một cách tinh giản nhất có thể, đào tạo liên phòng ban và hạn chế tối đa những nguồn lực dư thừa, Sylvia cho biết.
Hồ sơ khách hàng của doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh thế nào để phù hợp với tình hình hiện tại?
AmCham sẽ tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ 500 công ty và 1.500 doanh nhân đại diện trên toàn quốc, giúp đỡ họ thích nghi và thành công. Bà cũng tăng cường giúp đỡ các thành viên tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như khu vực miền Trung Việt Nam thông qua kế hoạch thành lập văn phòng tại Đà Nẵng của Hiệp hội.
Đối với các khách sạn, Sylvia cho rằng hồ sơ khách hàng của các khách sạn sẽ phải trở nên đa dạng hơn, bao gồm cả những nguồn thu từ khách du lịch địa phương. Bởi việc cấm đi lại giữa các nước đã chứng minh độ phụ thuộc của chúng ta đối với thị trường quốc tế.
Với RealStake, đối tượng khách hàng hướng tới và đối tượng khách hàng hiện có luôn là một–HENRYs (high earning, not rich yet), những người trẻ có thu nhập cao, chưa có tài sản và luôn bắt kịp công nghệ. Hồ sơ khách hàng của RealStake hiện chưa cần điều chỉnh, vì giá trị tuyên bố của thương hiệu (value proposition) sẽ tăng trưởng mạnh hơn khi tình hình kinh tế suy thoái.
Quang Thái cho rằng thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi rất quan tâm đến các vấn đề xã hội, từ tính bền vững và bình đẳng giới, đến sự đa dạng và, đương nhiên, đại dịch COVID-19. Họ hướng đến các hoạt động mang lại kết quả tích cực, và mong chờ các thương hiệu cũng sẽ làm điều tương tự. Anh hy vọng chúng ta sẽ được chứng kiến một bộ phận các nhãn hàng chứng minh rằng họ trung thực và mang các giá trị vị tha đối với cộng đồng, nhằm kết nối với thế hệ trẻ ở khía cạnh cảm xúc, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này.
Bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực của anh/chị trong năm 2020 sẽ là gì: tích cực, tích cực một cách cẩn trọng hay tiêu cực? Sau đại dịch, lĩnh vực này có khả năng vực dậy không?
Toàn cảnh của 2020 vẫn khá tích cực vì chúng ta vẫn đang kiểm soát được đại dịch, anh James cho biết. Giai đoạn hậu đại dịch thì quá trình phục hồi sẽ xảy ra dần theo thời gian thay vì tức khắc. Cảm tính của nhà đầu tư (investor sentiment) sẽ không thay đổi một sớm một chiều. Mọi người cần thời gian để cảm thấy an tâm và lạc quan trở lại.
“Tôi luôn là một người lạc quan nhưng cẩn trọng, dù là ở thời điểm nào đi nữa!” Sylvia nhấn mạnh. Ở cương vị một thành viên của hội đồng quản trị đồng thời là người trực tiếp điều hành, quản lý rủi ro là điều mà cô luôn phải làm, và sẽ không khuất phục trước những thách thức của 2020.
Mary Tarnowka đang rất lạc quan về khả năng hồi phục kinh tế của Việt Nam. Bà cho biết rất ấn tượng với các phương án phòng chống dịch bệnh dứt khoát và thực tế của Chính phủ Việt Nam, tận dụng tối đa nguồn lực để quản lý dịch bệnh và các nỗ lực giám sát, phát hiện, cách ly và kiểm tra những trường hợp có khả năng lây nhiễm.
Quang Thái cho rằng có một dấu hiệu khả quan là các doanh nghiệp đang có rất tích cực sáng tạo các kênh mua bán và nhiều công nghệ giúp đẩy nhanh việc phân phối sản phẩm trực tuyến. Từ khủng hoảng này, những bước cải tiến tưởng chừng như sẽ mất vài năm để nghiên cứu và phát triển, lại được áp dụng chỉ sau vài ngày. Rủi ro trong việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) thực tế sẽ cao hơn bất kỳ tính toán nào.
Từ đại dịch này, sẽ có những loại hình kinh doanh hay phong cách lãnh đạo nào khởi sinh?
Theo anh James, những giá trị như tinh gọn, thích nghi tốt và mang lại giá trị thực tiễn sẽ được đề cao. Các mô hình kinh doanh cần phải tinh giản, với đơn vị kinh tế tốt, thay vì đánh vào quy mô đại trà và tập trung vào lợi nhuận.
Theo anh Quang Thái, trong thời điểm nhạy cảm này, người tiêu dùng sẽ cảnh giác và đề cao các thương hiệu có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Vì vậy, những doanh nghiệp nhận ra điều này cần nắm lấy cơ hội để đóng góp và xây dựng lòng tin từ phía khách hàng của mình.
Mary Tarnowka nghĩ rằng các doanh nghiệp và nhà lãnh đạo xuất chúng là những cá nhân có khả năng giữ vững sứ mệnh cốt lõi của mình, đồng thời sử dụng các phương pháp mới để tạo ra giá trị. Bà cho biết rằng bà tự hào khi thấy nhiều thành viên trong Hiệp hội đang đóng góp để đẩy lùi COVID-19 tại Việt Nam thông qua những chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng như cá nhân họ.
Với Sylvia, những nhà lãnh đạo vươn lên từ khủng hoảng này sẽ là những người có tính tỉ mỉ, phong thái lạc quan nhưng cũng rất khiêm nhường. Khủng hoảng này sẽ buộc các lãnh đạo phải dốc toàn lực và hành động hết mình, cũng như đảm đương nhiều vai trò khác nhau. Sự trung thực và lòng trắc ẩn cũng sẽ được đề cao—đặc biệt là với cách lãnh đạo trong thời điểm này.
Xem thêm:
[Bài viết] Xu hướng thời trang Việt Nam 2020: Lời chia sẻ từ 4 chuyên gia
[Bài viết] Tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn sống tốt trước COVID-19?