Yayoi Kusama: Thắp lên ánh sáng trong bóng tối

Dù trải qua một tuổi thơ không mấy tươi sáng và phải đương đầu với những vấn đề tâm lý từ nhỏ, Yayoi Kusama vẫn là biểu tượng sống có nhiều đóng góp lớn cho nền nghệ thuật đương đại.
Nguyễn Hồng Nhung
Nguồn: Jeremy Sutton-Hibbert/Getty Images.

Nguồn: Jeremy Sutton-Hibbert/Getty Images.

Hơn 70 năm hoạt động nghệ thuật, Yayoi Kusama là nữ nghệ sĩ với sức sáng tạo phi thường, là biểu tượng sống có nhiều đóng góp lớn cho nền nghệ thuật đương đại. Sức ảnh hưởng của Kusama không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn lan tỏa tới ngành thời trang thế giới.

Vào tháng 1/2023, thương hiệu thời trang cao cấp Louis Vuitton cho ra mắt dự án hợp tác với Yayoi Kusama để mang đến những thiết kế hoa văn đầy màu sắc, có phần hỗn loạn đặc trưng của nữ nghệ sĩ. Tạo ra cơn lốc thị giác càn quét khắp các cửa hàng trên thế giới, cách Louis Vuitton giới thiệu bộ sưu tập này cũng độc đáo và đầy tính nghệ thuật như trí tưởng tượng vô hạn làm nên tên tuổi của Kusama.

Từ phủ đầy cửa hàng tại trung tâm thương mại cao cấp Harrods (London, Anh) bằng những hoạ tiết chấm bi (polka dots) gắn liền với cái tên "nữ hoàng chấm bi", cho đến mô hình bơm hơi khổng lồ của Kusama trên nóc nhà của cửa hàng Champs-Élysées (Paris, Pháp) và rô bốt Kusama với tỉ lệ như người thật đứng tô vẽ những viên chấm bi bên trong cửa kính trưng bày tại Fifth Avenue (New York, Mỹ). Bất cứ ai đi ngang qua cũng phải trầm trồ ngắm nhìn những sắp đặt nghệ thuật bắt mắt này.

Các buổi triển lãm của Kusama đều "cháy vé" trên toàn cầu. Người yêu nghệ thuật trên khắp thế giới hẳn không xa lạ gì với phong cách đầy siêu thực trong những tác phẩm lấy cảm hứng từ thiên nhiên hay các tác phẩm sắp đặt đa phương tiện như Phòng gương vô tận (Infinity Mirror Room) của nữ nghệ sĩ.

Tác phẩm Phòng gương vô tận được trưng bày suốt một năm tại khu triển lãm Tate Modern (London, Anh) đã nhanh chóng cháy vé chỉ trong vài phút mở bán. Và khi có thông báo kéo dài thời gian trưng bày thêm một năm nữa, ngay lập tức tình trạng cháy vé lại tiếp diễn. Năm 2018, Kusama đã mang phòng gương vô tận tới Bảo tàng The Broad (L.A, Mỹ) và bán được 90.000 vé trong một buổi chiều.

Nhân kỷ niệm một năm thành lập, bảo tàng M+ tại Hồng Kông đang tổ chức triển lãm "Yayoi Kusama: 1945 to Now" (Yayoi Kusama: 1945 đến nay). Đây là triển lãm hồi tưởng lớn nhất của nữ nghệ sĩ ngoài nước Nhật với hơn 200 tác phẩm ở nhiều loại hình nghệ thuật, kéo dài tháng 11/2022 đến tháng 5/2023.

Lấy nỗi đau làm động lực

Để hoạt động lâu dài và đạt được đến vị thế như hiện nay, nghệ thuật của Kusama bắt nguồn từ những mảnh ký ức tuổi thơ đen tối. Từ nhỏ, Kusama đã gặp phải những vấn đề tâm lý và phải dành cả đời để đối phó với chứng ảo giác và hành vi ám ảnh cưỡng chế. Lớn lên ở Nhật ở cả trước và trong thế chiến thứ 2, Kusama không có mối quan hệ tốt đẹp với mẹ bà. Với Kusama, nghệ thuật là cơ chế phòng thủ giúp bà vượt qua thời kỳ khủng hoảng này.

Kusama thích tạo ra những hoa văn mang tính lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm như là một cách để giải phóng bản thân khỏi tâm trạng bất an lo lắng. Chính tuổi thơ không mấy đẹp đẽ, cũng như nỗi ám ảnh với mẫu chấm bi và hình lưới là nguồn cảm hứng để Kusama tạo ra điểm nhấn nghệ thuật riêng biệt và được yêu mến trên toàn cầu. Không chỉ sáng tạo nghệ thuật, Kusama còn viết như một liệu pháp chữa lành và bà dùng các tác phẩm của mình để xoá đi sự kỳ thị của xã hội về sức khỏe tâm thần.

"Tôi phải chiến đấu với nỗi đau, sự bất an và nỗi sợ mỗi ngày, và phương pháp duy nhất giúp tôi xoa dịu căn bệnh của mình là tiếp tục sáng tạo nghệ thuật,"

"Tôi bám lấy cọng dây nghệ thuật và được dẫn lối đến nơi cho phép tôi được sống."

Từ góc độ nghệ thuật-lịch sử, Kusama có thể được xem là người tiên phong các phong trào nghệ thuật như Pop, Chủ nghĩa tối giản (Minimalism), nghệ thuật môi trường/sắp đặt, biểu diễn và nghệ thuật số (immersive art). Nhiều tác phẩm được bà sáng tác khi cuộc sống của bà lẫn của xã hội đang bất ổn, từ Chiến tranh Thái Bình Dương (1942-1945) đến thời gian bà sống và làm việc ở New York khi Chiến tranh Việt Nam và phong trào dân quyền ở đỉnh điểm. Những tác phẩm trong giai đoạn đấy của Kusama vẫn có sức ảnh hưởng cho đến ngày nay.

Để chữa lành và tĩnh lặng

Khi đại dịch ập đến, để lại hậu quả khôn lường đến sức khỏe thể chất và tinh thần, Kusama đã chứng minh rằng sáng tạo nghệ thuật là một hình thức tự chữa lành. Nghệ thuật được nhiều cơ sở chăm sóc sức khoẻ ứng dụng như một loại hình trị liệu. Khi đại dịch lên tới đỉnh điểm, internet và mạng xã hội mang đến giải pháp trung hoà những vấn đề của cuộc sống hàng ngày. Kusuma nói ra suy nghĩ của mình:

“Let us joyfully sing this song of a splendid future

Let’s go

Embraced in deep love and the efforts of people all over the world

Now is the time to overcome, to bring peace

We gathered for love, and I hope to fulfill that desire

The time has come to fight and overcome our unhappiness

To Covid-19 that stands in our way

I say Disappear from this earth

We shall fight

We shall fight this terrible monster

Now is the time for people all over the world to stand up

My deep gratitude goes to all those who are already fighting.”

Tạm dịch:

"Hân hoan vang ca hướng về tương lai rực rỡ

Nào cùng tiến bước

Hoà vào tình yêu và nỗ lực chung của nhân loại

Đến lúc phải vượt qua, và mang về bình yên

Chúng ta chung tay vì tình yêu, và tôi muốn khao khát ấy được trọn vẹn

Đã đến lúc ta phải chiến đấu và vượt qua nỗi bất hạnh của mình

Này Covid-19, thứ ngáng đường ta

Hãy biến ra khỏi Trái Đất này

Chúng ta phải chiến đấu

Đối mặt với thứ quái vật man rợ này

Đã đến lúc nhân loại phải cùng đứng lên

Lòng biết ơn này xin gửi đến những chiến sĩ đã và đang chiến đấu."

Thông điệp này được đi kèm với kiệt tác thị giác When Life Boundlessly Flares Up to the Universe (2014). Đối với Kusama, sáng tạo nghệ thuật và thể hiện trí tưởng tượng qua hình vẽ và màu sắc sẽ giúp mạng xã hội vượt qua cơn khủng hoảng của đại dịch.

Trong năm 2021, các tác phẩm của Kusama được trưng bày khắp nơi trên thế giới. Vườn Bách Thảo New York (New York Botanical Garden) đã tổ chức buổi triển lãm “Kusama: Cosmic Nature”, trưng bày các tác phẩm để đời của Kusama như Narcissus Garden (ra mắt lần đầu năm 1996), Ascension of Polka Dots on the Trees (lần đầu tiên ra mắt năm 2000), cũng như các tác phẩm sắp đặt gần đây. Ngoài ra, 2021 là lần đầu tiên Kusama có triển lãm hồi tưởng quy mô lớn tại Đức do Gropius Bau (Berlin) tổ chức.

Kusama muốn dùng nghệ thuật làm liều thuốc chữa lành cho cộng đồng và vết thương mà đại dịch để lại cho nhiều người. Và sự đón nhận nồng nhiệt công chúng khắp nơi trên thế giới chính là câu trả lời đáp trả rõ ràng nhất cho nỗ lực của nữ nghệ sĩ.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục