Hackathon là cuộc thi mà các lập trình viên cùng ngồi lại với nhau để tìm giải pháp cho vấn đề mà ban tổ chức đưa ra. Ban đầu, đây là sân chơi dành cho dân lập trình, về sau Hackathon dần mở rộng phạm vi và thu hút các nhân tài đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như kinh doanh, thiết kế hay Marketing.
Mặc dù học về Marketing và Phân tích thị trường, mình đã dấn thân vào kha khá các giải đấu Hackathon, đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng không ít thất bại. Một trong những giải pháp mình nghĩ ra khi tham gia Hackathon đã trở thành startup đầu tiên của mình và đến nay startup này vẫn hoạt động tốt.
Dưới đây là 6 bài học mình rút ra sau khi tham gia 7 cuộc thi Hackathon.
1. Bắt đầu từ “cơn đau” của người dùng
Trong cuộc thi, nhiều người chọn khởi đầu hành trình sáng tạo bằng một ý tưởng. Ý tưởng thành hình rồi mới nghĩ xem nó giải quyết được vấn đề gì. Vì thế, thành phẩm cuối có thể là một giải pháp miễn cưỡng, thiếu hiệu quả.
Mình cũng từng ở vị trí đó, là một kẻ lao vào các cuộc thi với “một bụng” ý tưởng, để rồi vô tình phớt lờ thứ quan trọng nhất - pain point (điểm đau) của khách hàng. Rút kinh nghiệm, khi tham gia các cuộc thi Hackathon về sau, mình thường bắt đầu từ pain point trước, rồi mới lần mò giải pháp.
Có lần, mình từng được giao đề bài “Tìm giải pháp phát triển ngành du lịch Việt Nam”. Sau khi khảo sát đầy đủ, đội nhóm của mình phát hiện ra một ngách nhỏ mà chưa nhiều người chạm đến: công cụ giúp du khách chủ động khám phá các di tích lịch sử.
Từ đó mình tạo ra Virelic - một ứng dụng tra cứu địa điểm du lịch dựa trên ảnh chụp. Chỉ cần du khách chụp lại một khung cảnh bất kỳ, hệ thống sẽ nhận diện và đưa ra thông tin về địa điểm đó. Virelic cũng chính là dự án giúp mình khởi nghiệp sau này.
2. Đừng đặt nặng tính nguyên bản
Thực tế thì, không dễ để cho ra lò ý tưởng nguyên bản. Khả năng cao những idea bạn nghĩ đến đều đã có ai đó nghĩ ra trước bạn rồi. Thay vì “vật lộn" với tính mới mẻ của sản phẩm, bạn có thể chọn cải tiến từ nền móng có sẵn hoặc đưa ra cách áp dụng độc đáo hơn. Đối với mình, một ý tưởng hay nên là một ý tưởng được cải tiến tốt.
Lần đó mình tham dự AI Hackathon “RESET 1010” - một cuộc thi diễn ra dưới sự bảo trợ của bộ Khoa Học và Công Nghệ. Nhóm mình xây dựng một ứng dụng nhận diện bệnh của cây trồng. Ứng dụng này không xa lạ với nhiều người, đặc biệt là người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhưng mình và đồng đội đã mở rộng giá trị của ứng dụng bằng cách đưa ra giải pháp giúp giảm thiểu chất thải nông nghiệp (phân bón, túi đựng phân bón, vỏ trái cây), bên cạnh việc gợi ý cách trị bệnh truyền thống. Dự án này giúp mình đoạt chức vô địch AI Hackathon “RESET 1010”.
3. Học cách gạn lọc và buông bỏ
Hành trình chọn lọc idea cũng lắm trắc trở. Thông thường mỗi team sẽ có ít nhất 3 người. Mỗi người lại nảy ra những ý tưởng khác nhau cho mỗi đề bài khác nhau. Bạn dắt túi 3 idea độc đáo, đồng đội cũng có đến 5 idea sáng giá. Lúc này, mỗi người phải học cách thu hẹp phạm vi, hay nói đúng hơn, học buông bỏ.
Đầu tiên mình sẽ chọn lọc ý tưởng giải quyết được nhiều đề bài nhất. Bạn có thể hình dung thế này, cuộc thi ra đề bài là sáng tạo sản phẩm AI thuộc các nhóm lĩnh vực: y tế, môi trường, nông nghiệp, đô thị. Nhóm mình sẽ ưu tiên sản phẩm “thanh toán” được ít nhất 2 lĩnh vực. Ví dụ, ứng dụng nhận diện bệnh trên cây trồng vừa giải quyết được vấn đề nông nghiệp, vừa có lợi cho môi trường. Ứng dụng này sẽ được đưa vào danh sách ưu tiên.
Đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức xong xuôi, mình đi đến bước hai: nhìn vào năng lực của đội nhóm. Nhóm mình gồm những ai? Mỗi người có thế mạnh gì? Nguồn nhân lực có đủ để hoàn thiện sản phẩm mẫu trong 48 giờ hay không? Tự hỏi mình những câu hỏi này và bạn sẽ tìm ra ý tưởng tương thích nhất.
4. Muốn chiêu mộ nhân tài, hãy “khoe khoang” một chút
Trước khi bắt đầu, Hackathon thường tổ chức các buổi networking để mọi người làm quen cũng như tìm đồng đội. Vì thời gian của các buổi này thường ngắn, bạn cần tập trung tìm những người phù hợp về tính cách lẫn chuyên môn, không nhất thiết là người giỏi nhất.
Để thuyết phục người khác về chung một nhà, bạn nên giới thiệu về bản thân trước, bạn là ai, chuyên môn là gì và bạn có thể hỗ trợ team thế nào. Một mẹo nhỏ là bạn nên chuẩn bị sẵn một vài ý tưởng (dù thô sơ) trong đầu và trình bày ngắn gọn ý tưởng đó với người khác. Điều này sẽ ít nhiều để lại ấn tượng. Đây cũng là cách để bạn ngầm nói rằng: Tôi có ý tưởng, tôi biết phải làm gì với cuộc thi này, hãy tin tôi.
Ngoài các buổi networking, một số cuộc thi còn mở các buổi training. Các cố vấn chuyên môn sẽ dạy các kỹ năng mềm như thuyết trình, hoặc cung cấp kiến thức về chủ đề được đưa ra. Hãy chú ý quan sát, rất nhiều cá nhân xuất chúng sẽ thể hiện mình trong vòng này.
Trong 2 năm trở lại, vì lý do dịch bệnh, các cuộc thi Hackathon đang dần dịch chuyển sang platform online, tạo điều kiện để người thi “khoe” về bản thân dễ dàng hơn. Bạn có thể trưng bày portfolio lên trang cá nhân để mọi người nắm được năng lực của bạn.
5. Hackathon không phải sàn đấu của riêng developer
Hầu hết các cuộc thi Hackathon đều cung cấp các trang thiết bị, phần mềm cần thiết. Ban tổ chức cũng có một đội ngũ mentor chất lượng để hỗ trợ bạn về chuyên môn. Bạn không cần quá lo lắng về cơ sở vật chất. Nguồn lực quan trọng trong cuộc thi này là nguồn lực về con người.
Một đội ngũ ăn ý trong Hackathon nên bao gồm: Business Guy, Developer, Designer, Expert.
Nhiều người vẫn nghĩ Hackathon là cuộc thi dành riêng cho lập trình viên hoặc người am hiểu công nghệ. Lẽ dĩ nhiên, các đội nhóm sẽ muốn “gom” càng nhiều developer càng tốt. Nhưng theo mình, một đội ngũ mạnh nên có cả 4 kiểu thành viên trên. Nếu đã hoạt động trong một dự án khởi nghiệp, bạn sẽ cảm thấy sự tương đồng, vì những vị trí này cũng chính là trụ cột cho các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu.
Một đội gồm lập trình viên giỏi có thể tạo ra sản phẩm giao diện xuất chúng, với các thao tác mượt mà, y như một ứng dụng hoàn chỉnh.
Một đội sở hữu thành viên có nền tảng kinh doanh, hay hoạt động xã hội, sẽ có ưu thế trong việc nhận diện điểm đau của người dùng. Với khả năng thuyết phục và giao tiếp, những người này cũng đóng vai trò then chốt trong buổi thuyết trình. Vì vậy, đừng ngại thử sức với Hackathon, chỉ vì bạn không có chuyên môn công nghệ.
6. Bài thuyết trình có thể định đoạt nhiều thứ
Sản phẩm cuối cùng khá quan trọng, nhưng cũng đừng đánh giá thấp phần thuyết trình. Trong nhiều tình huống, thuyết trình cũng có thể quyết định thắng bại của dự án. Khi trình bày ý kiến trước hội đồng chuyên môn, bạn nên tập trung trả lời hai câu hỏi: “Tầm nhìn của bạn về ý tưởng này là gì?” và “Tại sao chỉ có bạn và đội ngũ của bạn mới thực hiện được tầm nhìn ấy?”.
Trong giai đoạn thực hiện Virelic, mình đã mơ về một Việt Nam mà du khách trên khắp thế giới đều đổ về để tìm hiểu văn hóa và lịch sử, giống với cách Trung Quốc và Nhật Bản quảng bá vẻ đẹp đất nước họ. Các thành viên trong nhóm mình có hiểu biết về văn hóa, truyền thống Việt Nam. Chúng mình bám vào thế mạnh này và lồng ghép vào phần thuyết trình, để người nghe cảm được tiềm năng và sức ảnh hưởng của sản phẩm.
Ngoài ra, còn một tip nho nhỏ mình học được, đó là chuẩn bị và gửi kèm một bản kế hoạch kinh doanh cho ý tưởng của mình, mặc dù ban tổ chức có thể không yêu cầu.
Bản kế hoạch có thể điểm qua một vài yếu tố cơ bản như: nguồn tài chính, doanh thu, chi phí vận hành, chiến lược marketing. Sự chuẩn bị có thể giúp giám khảo có cái nhìn sâu sắc về tính thực tế của ý tưởng.