10 Câu chuyện được chú ý nhất trên Vietcetera 2022 | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
22 Thg 12, 2022
Truyền Thông

10 Câu chuyện được chú ý nhất trên Vietcetera 2022

Bây giờ là lúc nhìn lại những câu chuyện thú vị (cũng như chứa nhiều tâm huyết) của đội ngũ editor nhà Vietcetera.  
10 Câu chuyện được chú ý nhất trên Vietcetera 2022

Bạn yêu thích câu chuyện nào được kể trên Vietcetera trong năm vừa qua?

Mùa đông, khi ngoài phố lạnh dần, Mariah Carey đã kịp “rã đông” với All I Want for Christmas is You, các editor lại tất bật chuẩn bị sơ kết, tổng kết. Năm vừa qua Vietcetera đã cho ra đời nhiều series mới, với nhiều nội dung mới mẻ, hấp dẫn.

Đến hẹn lại lên, Vietcetera tiếp tục tìm ra 10 câu chuyện được các bạn quan tâm và tương tác cũng nhiều trên website trong năm 2022. Câu chuyện được quan tâm nhất có chủ đề gì, thuộc series nào? Cùng nhìn lại ngay dưới đây nhé!

1. Tỷ phú nắm mạng xã hội: Bảo vệ tự do ngôn luận hay thâu tóm quyền lực?

Elon Musk, ở một khía cạnh nào đó, chính là nhân vật của năm 2022. Bất kỳ hành động hay phát ngôn nào của ông chủ Tesla cũng đều trở thành tâm điểm chú ý, được bàn luận rôm rả. Đặc biệt nhất phải kể đến việc Musk mua lại Twitter và có những cải tổ gây tranh cãi sau đó.

alt
Nguồn: Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera.

Liệu mục tiêu mang lại tự do ngôn luận trên nền tảng Twitter dưới thời Elon Musk có thành hiện thực? Liệu tỷ phú này sẽ bảo vệ tự do ngôn luận (như đã nói) hay chỉ đang thâu tóm và gia tăng quyền lực? Đọc lại bài viết của cựu editor Minh Anh để có thêm góc nhìn cho vấn đề này.

Đọc trọn vẹn bài viết tại đây.

2. Chiến tranh: Kẻ yếu ra mặt trận vì lợi ích của kẻ mạnh

Mới đây, Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky được tạp chí TIME bình chọn là Nhân vật của năm. Điều này có liên quan đến chiến tranh Ukraine và Nga, một trong những sự kiện lớn nhất trong năm 2022.

alt
Nguồn: GettyImages.

Vietcetera đã giới thiệu 6 thuật ngữ giúp độc giả hiểu hơn về xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không ngừng đặt những câu hỏi xung quanh về chiến tranh và những cuộc chiến. Bài viết Chiến tranh: Kẻ yếu ra mặt trận vì lợi ích của kẻ mạnh là một góc nhìn khác của tác giả Người Kể Chuyện, cung cấp bức tranh rộng hơn về những người thiệt thòi nhất trong một cuộc chiến.

Đọc trọn vẹn bài viết tại đây.

3. "Người từng quấy rối tôi xuất hiện trên Forbes Under 30"

"Cách đây 2 năm, chúng tôi thật cô độc trong chặng đường tố cáo H.A. Nhưng giờ đây, dư luận có vẻ đã đổi chiều." - Cựu editor Mai Nguyễn viết, theo lời kể lại của một nạn nhân đã từng bị quấy rối tình dục. Và trớ trêu thay, người bị nạn nhân tố cáo lại lọt vào danh sách những anh tài trẻ tuổi: Forbes Under 30.

alt
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Xuyên suốt câu chuyện, chúng ta được dẫn vào một "mê cung" của ký ức, những lời trần thuật đau lòng của một nạn nhân bị quấy rối tình dục. Những dằn vặt và cô đơn cứ lớn dần qua từng lời kể, để tạo thành một tiếng nói mạnh mẽ chống lại tệ nạn này.

Trong thời đại truyền thông - tin tức nhanh chóng, câu chuyện này có thể đã bị lãng quên. Nhưng có lẽ trong lòng nhân vật, và người thực hiện bài viết vẫn chưa thể nào quên được. Nhắc lại câu chuyện này, cũng chính là lời nhắc nhở chúng ta luôn có tiếng nói riêng, và có thể đứng lên để bảo vệ chính mình trước mọi hoàn cảnh.

Đọc trọn vẹn bài viết tại đây.

4. Khi quyền bỏ thai không đồng nghĩa với quyền tự quyết cơ thể

Có thể nói, pha quay xe thế kỷ thuộc về Mỹ khi bãi bỏ quyền phá thai. Trong khi gần như cả thế giới đều đang đấu tranh cho các quyền lợi cơ bản như quyền phá thai thì Mỹ lại chọn đi ngược lại. Tòa án cho rằng phán quyết trong vụ kiện “Roe v. Wade" - sự kiện thay đổi quyền phá thai của Mỹ - là sai lầm vì Hiến pháp Mỹ vốn không đề cập cụ thể quyền phá thai.

alt
Nguồn: Unsplash.

Chuyện bỏ thai ở phương Tây được xem là trắng - đen rõ ràng, còn tại châu Á thì như thế nào? Sẽ ra sao khi quyền bỏ thai không đồng nghĩa với quyền tự quyết cơ thể? Viện iSEE mang đến một góc nhìn rộng hơn về vấn đề này, giúp bạn hiểu và có cách tiếp cận để nhìn thấy toàn cảnh của câu chuyện phá/bỏ thai.

Đọc trọn vẹn bài viết tại đây.

5. 5 Cách để “xả” nỗi lòng mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến người khác

Ai mà chẳng có nỗi niềm nhưng chia sẻ thế nào cho lành mạnh, có hiệu quả không phải điều dễ dàng. Việc phàn nàn quá nhiều (trauma dumping) có thể khiến người nghe thấy mệt mỏi, nên ta cứ cố kìm nén cảm xúc ở trong lòng?

alt
Minh Phương @minhphuong.work cho Vietcetera.

Liệu có cách nào khả dĩ để giải tỏa để ta nhẹ lòng mà người nghe nhẹ nhõm? Bài viết 5 cách để "xả" nỗi lòng mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến người khác của tác giả Hạnh Dung là "chìa khóa" cho vấn đề.

Đọc trọn vẹn bài viết tại đây.

6. Tôn trọng quyền được sai của người khác

Tác giả Hoàng Nguyễn, với kinh nghiệm làm coach (người huấn luyện) đã đưa ra gợi ý, đồng thời là bài học về "quyền được sai" của bất kỳ ai trong môi trường làm việc. Bằng cách trả lời câu hỏi cốt lõi vì sao chúng ta ngăn cản người khác mắc sai lầm, Hoàng Nguyễn khuyên rằng: cần tôn trọng quyền được sai của người khác.

alt
Nguồn: Pixels.

Và để biết lúc nào nên tiếp tục, lúc nào nên dừng lại hay điều gì giúp mình kiên trì, hãy ấn follow tác giả này trên Vietcetera.

Đọc trọn vẹn bài viết tại đây.

7. Cởi Mở: "Lần đầu" của con trai cũng quan trọng không thua gì con gái

"Nhiều người hay đùa rằng con trai thì làm gì có lần đầu. Hẳn ai nói câu này chưa biết gì về con trai và chuyện tình dục." - Editor Diệp Khoa mở đầu bài viết thuộc chuyên mục Cởi Mở, rồi đi sâu vào chuyện "lần đầu" hay trinh tiết của đàn ông.

alt
Nguồn: Unsplash.

Chuyện lần đầu của con trai thực ra chưa bao giờ được nhìn nhận một cách nghiêm túc cả. Bởi hình như việc con trai lớn lên biết quan hệ tình dục được cho là hiển nhiên, là thứ mặc định ở một người đàn ông.

Đọc trọn vẹn bài viết tại đây.

9. Với người nổi tiếng, come out là một ván cược

"Tham gia showbiz đủ lâu, sự nghiệp của chúng tôi đi kèm những lời đàm tiếu, thị phi về đời sống cá nhân, từ cả công chúng và đồng nghiệp trong ngành." - Nhưng come out, hay công khai xu hướng tính dục thực sự là một ván cược đối với người nổi tiếng (và có thể, với bất kỳ ai.)

alt
Nguồn: Unsplash.

Bài viết là câu chuyện được kể lại từ người trong cuộc, với những trăn trở, những nỗi sợ và nỗi đau khi quyết định công khai xu hướng tính dục. Come-out chưa bao giờ dễ dàng nhưng những bài viết như thế này, giúp ta hiểu thêm giá trị của những câu chuyện giấu kín, tạm giấu hay công khai của cộng đồng LGBT+.

Đọc trọn vẹn bài viết tại đây.

9. Nội dung nhảm, chê thế nhưng sao vẫn mê?

Bên cạnh fake news thì nội dung nhảm, nội dung bẩn cũng đang lan tràn khắp "cõi" mạng, từ YouTube qua Facebook, TikTok. Nhưng nội dung nhảm là gì? Và vì sao ta chê thế mà vẫn say mê "hóng" không sót một nội dung nào?

alt
Nguồn: Hình ảnh minh họa từ nguồn mở Streamline.

Bài viết "Nội dung nhảm, chê thế nhưng sao vẫn mê?" của tác giả Thư Thư sẽ giải đáp cho bạn những câu hỏi trên. Bằng việc đi vào phân tích các yếu tố "bánh cuốn" của nội dung nhảm, bài viết còn hé lộ cách não chúng ta hào hứng với các nội dung này như thế nào.

Quan trọng hơn, bài viết cũng mang đến 1 vài giải pháp để bạn "cai" nội dung nhảm.

Đọc trọn vẹn bài viết tại đây.

10. Hôm nay mình cần một cái ôm khẩn cấp

"Thương người như thể thương thân" là câu tục ngữ quen thuộc mà ta vẫn nghe suốt hành trình lớn lên và trưởng thành. Nhưng đã bao giờ chúng ta đặt thương thân, thương chính mình lên trước tiên? Chính ý tưởng này (trong nhiều ý tưởng khác nữa) đã dẫn đến việc Vietcetera cho ra đời series Thương Thân được các bạn yêu thích đón đọc trong 2 năm vừa qua.

alt
Nguồn: Uy Lê.

Thương Thân đôi khi đến từ những hành động rất nhỏ, một lời khích lệ, một nụ cười, một cái nắm tay... hay một cái ôm khẩn cấp. Như trong câu chuyện, "Hôm nay mình cần một cái ôm khẩn cấp,", nghệ sĩ hài độc thoại Uy Lê viết: "Bước ra khỏi cái ôm, mình nhìn anh lần nữa. Không có nét đáng sợ nào, chỉ là một người bình thường, trong một hoàn cảnh bất thường."

Hôm nay bạn cần một chiếc ôm khẩn cấp, hãy để Vietcetera vỗ về bạn nhé!

Đọc trọn vẹn bài viết tại đây.