Khi quyền bỏ thai không đồng nghĩa với quyền tự quyết cơ thể | Vietcetera
Billboard banner

Khi quyền bỏ thai không đồng nghĩa với quyền tự quyết cơ thể

Quyền bỏ thai thường được gắn với sự tự quyết của phụ nữ lên cơ thể, nhưng đôi khi lại không phải vậy.
Khi quyền bỏ thai không đồng nghĩa với quyền tự quyết cơ thể

Nguồn: Unsplash

Sau phán quyết không còn xem bỏ thai là một quyền hiến định ở Mỹ, tại Châu Á và Việt Nam, nhiều người thở phào vì phụ nữ vẫn có quyền bỏ thai và tiếp cận dịch vụ này một cách an toàn, hợp pháp.

Nhưng ở hầu hết các nước Châu Á, vấn đề bỏ thai trong khoảng một thế kỷ nay lại ít nằm trong khuôn khổ của diễn ngôn ủng hộ sự sống của bào thai hay ủng hộ lựa chọn của phụ nữ. Thay vào đó, nó đi cùng với những vấn đề mang đậm văn hóa bản địa nơi đây: kế hoạch hóa dân số và lựa chọn giới tính.

Nếu bỏ thai ở phương Tây là vấn đề mang tính “trắng đen” thì bỏ thai ở Châu Á và Việt Nam lại là một bức tranh nhiều màu, nhiều lớp. Nó hé lộ thêm một góc nhìn mà ít người nói đến: quyền bỏ thai là lựa chọn tới từ việc phụ nữ không thể toàn quyền quyết định về cơ thể của họ.

alt
Quyền bỏ thai là lựa chọn tới từ việc phụ nữ không thể toàn quyền quyết định về cơ thể của họ | Nguồn: Pexels

Bỏ thai như một phần của kế hoạch hóa gia đình

Tại Mỹ vào đầu thế kỷ 20, Margaret Sanger là người khởi đầu phong trào tránh thai để thúc đẩy tự do thân thể và quyền sinh sản của phụ nữ. Còn ở những nước như Việt Nam, Trung Quốc thì chính sách kiểm soát quy mô dân số được coi là cốt yếu để xóa đói giảm nghèo và tiết kiệm chi tiêu dịch vụ xã hội. Mỗi thập niên, Việt Nam hạn chế tăng thêm hơn 20 triệu người, tức bằng dân số của hàng chục tỉnh có dân số trung bình.

Bên cạnh đó, trong suốt lịch sử của công tác dân số hiện đại, phụ nữ vẫn là người mang trên mình trách nhiệm chính cho việc thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình. Quan niệm chọn con dựa trên giới tính, con giáp vẫn còn tồn tại.

Từ đầu những năm 80, các biện pháp tránh thai và bỏ thai được tuyên truyền và phổ biến rộng rãi, miễn phí. Năm 1981, nhà nước khuyến khích “mỗi gia đình chỉ nên có 1 đến 2 con,” và chính thức hóa quy định này vào năm 1988.

alt
Mỗi gia đình chỉ nên có 1 hay 2 con | Nguồn: Unsplash

Trong thời kỳ này, các cụm từ như “quản lý sinh đẻ”, “thôi đẻ”, “tránh thai, tránh đẻ” đi vào đời sống thường nhật của từng gia đình Việt Nam. Luật Hôn nhân và gia đình 1986 cũng quy định “vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện sinh đẻ có kế hoạch,” đồng thời cũng không còn cấm người “bất lực hoàn toàn về sinh lý” kết hôn như luật năm 1960.

Số lượng con liên quan mật thiết tới nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ về giá thuê nhà, đất, nhập cư, hộ khẩu, trách nhiệm đóng góp lẫn cơ hội thăng tiến, thu nhập. Người thắt ống dẫn tinh, thắt ống dẫn trứng được khen thưởng sau khi đã “hoàn thành kế hoạch.”

Việc phụ nữ đã kết hôn bỏ thai vì lý do kế hoạch hóa bắt đầu được chấp nhận rộng rãi về cả đạo đức lẫn pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp phụ nữ tiếp cận dịch vụ bỏ thai mà không lo sợ bị đánh giá, phán xét.

Bên cạnh đó, bấy giờ tỉ lệ sử dụng bao cao su còn thấp và nhiều người e ngại việc dùng thuốc ảnh hưởng tới cơ thể. Trách nhiệm tránh thai đè nặng lên người phụ nữ khiến họ phụ thuộc lớn vào vòng tránh thai (IUD), phương pháp vốn có tỷ lệ thất bại cao.

Kết quả là bỏ thai vẫn là lựa chọn kiểm soát sinh phổ biến. Năm 1999, Viện Alan Guttmacher báo cáo rằng Việt Nam có tỉ lệ bỏ thai cao nhất thế giới, ước tính gần 2 triệu ca mỗi năm, nếu tính cả hệ thống tư nhân.

Tới năm 1993, “Chiến lược Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình tới năm 2000” được ban hành, đã giúp tuyên truyền, vận động và cung cấp các phương tiện tránh thai.

Quyết định số 4620 ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” quy định tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.

Từ cuối những năm 2010, công tác dân số không đặt ra vấn đề giảm sinh mà tiếp tục thực hiện cuộc vận động giảm sinh ở những vùng có mức sinh cao (trung du miền núi phía Bắc) và sinh đủ 2 con ở vùng có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế (Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long). Chính sách khuyến sinh được thảo luận sau nhiều thập niên không phải là ưu tiên.

Quyền tự quyết bỏ thai tới từ lựa chọn giới tính

Lựa chọn giới tính không những gây áp lực lên việc phụ nữ phải quyết định bỏ thai có “giới tính ngoài ý muốn,” khiến hàng triệu bé gái đã không được sinh ra đời.

alt
Có hàng triệu bé gái không được ra đời | Nguồn: Pexels

Mặt khác, tình trạng dư thừa nam giới sẽ dẫn tới việc thiếu hụt “cô dâu” mà nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đang trải qua. Điều ngạc nhiên là dù cũng thiếu nữ giới, Việt Nam vẫn là điểm đến của những thanh niên đang khó khăn tìm vợ tại các quốc gia trên.

Một nghịch lý khác là dù được “săn lùng” như vậy, phụ nữ Việt Nam vẫn trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, buôn bán người ở nước ngoài. Những hệ lụy này đều tới từ việc lựa chọn giới tính cho bào thai trong bụng của người phụ nữ.

Tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 của Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái, cá biệt có những tỉnh lên tới 118,2 bé trai/100 bé gái. Tỉ lệ này vượt xa mức cân bằng tự nhiên, chứng tỏ có sự can thiệp của con người.

Nguyên nhân được lý giải là do tâm lý ưa thích con trai, những chuẩn mực về con trai nối dõi, thờ cúng và thái độ đánh giá thấp giá trị của nữ giới khiến người phụ nữ mong muốn có con trai để hoàn thành nghĩa vụ người vợ, con dâu. Năm 2020, việc tiết lộ giới tính thai nhi bị nghiêm cấm tại các cơ sở y tế, dù khả năng thực thi trên thực tế không được bảo đảm.

Chính sách hai con trong thời gian dài, tư tưởng trọng nam khinh nữ, sự đơn giản của công nghệ siêu âm, và việc hợp pháp, dễ tiếp cận của bỏ thai khiến tình trạng lựa chọn giới tính trở nên khó kiểm soát.

Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 quy định rất rộng rãi “phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng.” Đến Pháp lệnh dân số năm 2003 thì quy định cấm việc “loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai.”

Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định mức phạt thấp nhất cho hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính là 3 triệu đồng, người nào dùng vũ lực ép buộc phụ nữ phải bỏ thai vì lý do lựa chọn giới tính bị phạt từ 10 triệu đồng.

Quyền bỏ thai trong một xã hội mà vị thế nữ giới không ngừng được nâng cao được xem là một biểu hiện của quyền tự quyết cơ thể. Tuy nhiên nếu những giá trị bình đẳng giới thực chất chưa hình thành rõ ràng, chưa được thực thi thì quyền bỏ thai rất dễ trở thành công cụ đơn giản, hợp pháp, bị lợi dụng cho những mục đích phản bình đẳng giới như lựa chọn giới tính thai nhi.

Ở đó, phụ nữ, trẻ em gái tiếp tục trở thành nạn nhân của bất công và bạo lực giới.

Cơ thể của phụ nữ, chiến trường của quan điểm

Dù hợp pháp hóa bỏ thai hay không, các quốc gia đều hướng tới việc kéo giảm số lượng mang thai ngoài ý muốn và tỉ lệ bỏ thai. Lý do tới từ những hệ lụy của nó lên sức khỏe thể chất, tinh thần, xã hội của phụ nữ.

alt
Cơ thể và tâm trí của người phụ nữ bị ảnh hưởng sau phá thai | Nguồn: Unsplash

Tuy nhiên, ngăn cấm bỏ thai hay đặt ra nhiều điều kiện khó khăn cho việc bỏ thai không đồng nghĩa sẽ giúp giảm tỉ lệ bỏ thai. Tại Châu Á, chỉ có 3 quốc gia nghiêm cấm hoàn toàn việc bỏ thai vì bất kỳ lý do nào là Iraq, Lào và Philippines. Nhưng tại Philippines, tỉ lệ bỏ thai vẫn ở hàng cao trong khu vực, nghĩa là việc bỏ thai đều diễn ra bất hợp pháp, trong những cơ sở không đảm bảo an toàn.

Trong bối cảnh đó, quyền bỏ thai không nhất thiết thúc đẩy quyền phụ nữ. Bởi lẽ, nó như chưa đảm bảo được sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong việc đưa ra các quyết định liên quan tới quy mô gia đình, giới tính con cái cũng như xây dựng chính sách pháp luật liên quan tới quyền tình dục, sinh sản của mình.

Tạm kết

Động thái quay lại xu thế bảo thủ hơn của Mỹ hay nhiều nước phương Tây trong vấn đề quyền phụ nữ dù có thể không trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng ngay lập tức xem xét lại quy định pháp luật liên quan đến bỏ thai, nhưng sẽ tạo thêm một tầng bối cảnh phức tạp, kém thuận lợi hơn cho công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam và trong khu vực.

Cơ thể và phẩm giá phụ nữ vẫn tiếp tục là mặt trận của những ý thức hệ, quan điểm trái ngược trong thời gian dài nữa.