Nội dung nhảm, chê thế nhưng sao vẫn mê? | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 07, 2022
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Nội dung nhảm, chê thế nhưng sao vẫn mê?

Những nội dung nhảm dù không mang lại thông điệp ý nghĩa nhưng lại đánh trúng tâm lý của chúng ta.
Nội dung nhảm, chê thế nhưng sao vẫn mê?

Hình ảnh minh họa từ nguồn mở Streamline

Múa quạt, “mèo méo meo”, “cầm 5k đi mua thịt” là những trào lưu đình đám trên TikTok. Nhưng chúng nổi tiếng vì một thứ mà người ta hay gọi là "nội dung nhảm". Nội dung nhảm thì cũng có này, có kia. Một là theo kiểu vô hại, hai là kiểu hại vô kể. Nhưng nhìn chung, chúng đều không mang đến những thông điệp có tính xây dựng.

Điều này khiến nhiều người tự hỏi “nổi tiếng dễ thế sao?”. Chỉ cần làm cái gì đó thật “ô dề”, thật vô bổ là sẽ thu về triệu view? Nhưng có người xem thì mới có người làm. Và thực ra, mong muốn xem những nội dung như thế lại xuất phát từ những nhu cầu rất đỗi con người.

Não cần giải trí với những nội dung “dễ xơi”

Do tính chất của công việc, học tập, mỗi ngày não của chúng ta phải tiếp nhận nhiều thông tin khó nhằn. Vì vậy, nó cần thứ gì đó “mua vui” nhằm giải tỏa căng thẳng.

Lúc này, những nội dung giải trí như các clip nhảy, biến hình hay trò chuyện hài hước sẽ đi vào ta theo cơ chế "phần thưởng". Nó kích thích não sản sinh dopamine, mang lại cảm giác phấn chấn. Và để phần thưởng không biến mất, ta sẽ vô thức lặp lại hành vi tìm kiếm thông tin nhảm, chẳng hạn như lướt “tóp tóp” nhiều giờ liền.

alt
Nội dung nhảm chính là "phần thưởng" cho não bộ sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Bên cạnh đó, niềm vui còn đến từ những tình tiết bất ngờ, khó đoán trong nội dung nhảm. Theo thuyết phi lý (incongruity theory), ta sẽ dễ bật cười khi trông chờ vào một điều gì đó thật cảm động nhưng nhận về cái kết “cảm lạnh”, chẳng hạn như “Đừng sợ xấu vì bạn… xấu thật!”.

Cái gì càng tiêu cực thì não càng thấy “cuốn”

Những màn khẩu chiến, đấu đá, chửi bới nhau đã không còn xa lạ trên mạng xã hội. Chúng bám trụ được cũng một phần bởi thiên kiến tiêu cực của ta. Thiên kiến này đã có từ xa xưa khi tổ tiên ta luôn phải đề phòng hiểm nguy để sinh tồn.

Một nghiên cứu năm 1998 nhận thấy, vỏ não (nơi liên hệ với cảm xúc và trí nhớ) có phản ứng dữ dội trước những thông tin tiêu cực. Đây là lý do ta thích “hóng phốt” và nhớ nó dai hơn. Lợi dụng điều này, một số người làm nội dung cố tình phát ngôn gây sốc, bới móc người nổi tiếng để “câu view”.

Nội dung nhảm nói hộ “tiếng lòng”

Không phải ngẫu nhiên mà mọi người cho rằng “Cái gì tốt quá thì không vui”. Bởi theo thuyết phản kháng (reactance theory), ta có tâm lý chống đối những mối đe dọa tới sự tự do của mình. Nhưng thay vì nổi loạn trực tiếp, ta mượn những nội dung đi ngược với khuôn khổ xã hội.

alt
Thay vì nổi loạn, ta mượn nội dung nhảm để nói hộ "tiếng lòng".

Dễ thấy nhất là trào lưu “thử thách 6 ngày 6 đêm” một thời phủ sóng TikTok. Những thử thách ngang ngược như “sếp trừ lương cũng không làm”, “mẹ chửi cũng không dọn”, “rớt môn cũng không học” đang nói thay nỗi lòng của bao người. Giống như một chuyến du lịch, ta tìm đến thế giới ảo để thoát ly (escapism) khỏi thế giới thực nhàm chán và cứng nhắc.

Một ưu điểm khác cũng thường thấy ở những video nhảm là tạo được sự gần gũi. Các cảnh quay “bình dân”, không kịch bản, ít chau chuốt dễ tạo nên cảm giác kết nối với người xem hơn.

Nội dung nhảm cho cảm giác “hơn người”

Những tai tiếng, yếu kém thể hiện trong nội dung nhảm cho người xem sự hả hê nhất định. Cảm giác thỏa mãn khi thấy người khác tổn thương còn được gọi là schadenfreude. Đặc biệt, trên không gian mạng, quyền bình phẩm, phán xét càng củng cố cảm giác “trên cơ” ấy.

Lấy ví dụ trường hợp Đạt Villa. Đây là một TikToker với khoảng 7 triệu người theo dõi nhưng đi lên từ nơi mà anh tự gọi là “dưới đáy xã hội”. Nếu vào kênh TikTok @datvilla94, bạn sẽ thấy vô số bình luận thiếu tế nhị hoặc đào bới lại những lùm xùm cũ của anh.

alt
Chỉ trích những nội dung "bẩn" khiến ta có cảm giác hơn người.

Không chỉ chênh lệch tầng lớp, người xem còn chú ý đến khiếm khuyết đạo đức như việc Trang Nemo bán sản phẩm peel da kém chất lượng hay những clip nhạy cảm của Thông Soái Ca và các cô gái. Nhưng trớ trêu thay, càng nhiều người chỉ trích thì độ nổi tiếng của họ càng tăng vọt.

Làm gì để đẩy lùi những nội dung độc hại?

  • “Lấy độc trị độc”: Ta sẽ áp dụng cách nội dung nhảm được yêu thích để xây dựng nội dung lành mạnh. Một số yếu tố như tính hài hước, bất ngờ hay sự gần gũi đời thực có thể đưa thông điệp bổ ích tới nhiều người hơn.
  • Thái độ cứng rắn của người xem: Thuật toán công nghệ thường làm một video ý nghĩa bị “flop” và đưa video nhảm nhí lên ngôi. Vì thế, trước những nội dung suy đồi, người xem nên nhanh chóng lướt qua, hoặc báo cáo và chặn thẳng tay.
  • Tìm hình thức “ít hại”: Như có nhắc ở đầu, không phải nội dung nhảm nào cũng xấu, ví dụ như bài hát đếm số của So Y Tiet hay mẹo dành cho người phức tạp của Khaby Lame. Vả lại, một số kích thích bạn nhận được từ nội dung nhảm cũng có thể tìm thấy qua việc vẽ tranh, ca hát, đi dạo, viết nhật ký, hoặc xem meme.