7 Phản ứng tâm lý phổ biến trước cái bóng của sang chấn | Vietcetera
Billboard banner

7 Phản ứng tâm lý phổ biến trước cái bóng của sang chấn

Nếu bạn thấy ai luôn “ăn mày quá khứ” hay không ngừng chiều lòng người khác, nhiều khả năng người đó đang trải qua một chấn thương tâm lý.
7 Phản ứng tâm lý phổ biến trước cái bóng của sang chấn

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Ta nhắc nhiều đến chấn thương tâm lý vì nó không phải là một tờ giấy có thể vo viên rồi ném đi. Cho dù là nạn nhân hay nhân chứng một vụ tai nạn, những tổn thương ấy vẫn lưu lại trong não, âm thầm thay đổi cách ta nhìn nhận thế giới.

Phản ứng với sang chấn cũng vậy. Nó không phải là thứ ta có thể điều chỉnh, cũng không chỉ có chiến hoặc chạy như tổ tiên ta ứng phó với thú dữ. Cách đối diện và ảnh hưởng hậu chấn ở mỗi người là khác nhau, song có 7 biểu hiện sau tương đối phổ biến:

Luôn bật chế độ cảnh giác

Một trải nghiệm đau thương kéo dài sẽ đưa người gặp sang chấn vào trạng thái căng thẳng kinh niên. Do lúc nào họ cũng phải gồng mình ứng phó, hệ thần kinh liên tục bị kích động và nhạy cảm hơn với các tín hiệu ngoại cảnh. Chỉ một chút bất thường cũng đủ để não coi là mối nguy, báo động cơ thể sẵn sàng phản ứng.

08jul2022intext2jpg
Người trải qua chấn thương tâm lý luôn ở trong trạng thái cảnh giác cao độ với người khác.

Người trải qua sang chấn đặc biệt phản ứng dữ dội khi sự kiện quá khứ thâm nhập và tái hiện. Chẳng hạn, họ hoảng loạn khi gặp những con người, địa điểm, vật dụng giống với ký ức khi xưa. Nhiều người dễ giật mình và quyết định cô lập khỏi thế giới đầy rẫy hiểm nguy. Cũng vì thế mà họ khó bước ra khỏi vùng an toàn, và coi mọi lời chỉ trích từ người khác là “báo động đỏ”.

Duy trì cái nhìn tiêu cực về thế giới

Một biểu hiện phổ biến của việc này là luôn nghĩ tới viễn cảnh xấu nhất: “Nếu như mối quan hệ này tan tành”, “nếu dự án này không bao giờ thành công” hay thậm chí “nếu như Trái Đất sụp đổ”. Lối tư duy này thường cản trở họ tìm ra cách giải quyết hiệu quả nhất cho các vấn đề trong công việc và cuộc sống.

Những suy nghĩ cực đoan như vậy thường xuất hiện khi hy vọng là thứ xa xỉ giữa một chuỗi đau thương. Sự kiện sang chấn như minh chứng cho thấy, điều tồi tệ nhất đã thực sự xảy ra và sau này sẽ còn nhiều điều như thế. Chính vì vậy, họ luôn nghĩ về một tương lai tăm tối để tránh “đi vào vết xe đổ”.

Tê liệt cảm xúc

Trong sang chấn, “tắt nguồn” cảm xúc như một cơ chế đối phó với căng thẳng tột độ. Các hormone gây stress tác động mạnh đến hệ thống limbic - nhóm cấu trúc kiểm soát cảm xúc và trí nhớ - khiến năng lượng cơ thể vơi cạn. Theo một nghiên cứu của Traci Kennedy và Rosario Ceballo năm 2016, những người bị bạo hành hồi nhỏ có xu hướng vô cảm khi trưởng thành.

Khi các tế bào mệt mỏi, người gặp sang chấn thường thấy trống rỗng, “phẳng lặng” đến mức không thể gọi tên cảm xúc. Lối sống trước kia dần bị dỡ bỏ, những hoạt động từng yêu thích trở nên tẻ nhạt, các mối quan hệ cũng dần xa rời. Vậy là họ tự chôn vùi mình trong tiêu cực và một thế giới không vui cũng chẳng buồn.

Khao khát cảm giác kiểm soát

Trong nhiều trường hợp, ám ảnh quá mức về sự kiện sang chấn khiến cảm giác bất lực lớn dần. Để phản kháng, nhiều người tìm mọi cách để kiểm soát và lấy lại trật tự trong cuộc sống.

08jul2022intext1jpg
Trong nhiều trường hợp, sự kiểm soát trở thành vũ khí giúp họ tìm lại cân bằng cuộc sống.

Những người mong muốn kiểm soát quản lý cuộc sống bằng việc đặt ra các ranh giới và quy định cứng nhắc. Đối với họ, hoàn hảo là trên hết, rủi ro và lỗi lầm là điều tối kỵ. Lời nói của họ cũng mang tính mệnh lệnh nhiều hơn những câu hỏi mở. Nhưng đằng sau khao khát kiểm soát ấy là nhiều nỗi sợ chồng chất như sợ bị bỏ lỡ (FOMO) hay sợ bị bỏ rơi. Trên hết, nỗi sợ lớn nhất của họ vẫn là sự tái diễn của những hồi ức không vui.

Không ngừng chiều lòng người khác

Ngoài cơ chế chiến, chạy hay đóng băng thì phản ứng chiều lòng người khác cũng thường xảy ra. Mối quan hệ độc hại trước đây đã vô hiệu hóa khả năng phản kháng của họ. Từng sống trong tình cảnh nhìn nét mặt người khác để được an toàn, họ tin “dĩ hòa vi quý” sẽ giúp tránh xung đột và được yêu thương.

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc phải đẩy lùi cảm quan cá nhân để ưu tiên người khác. Cho dù bản thân không hề ổn, nhưng họ vẫn cố nghĩ cách làm người khác bớt buồn, gật đầu trước những lời nhờ vả. Bất cứ chuyện gì đi chệch hướng đều khiến họ bận tâm, thậm chí là dằn vặt, kể cả khi vấn đề không xuất phát từ họ. Mối quan hệ phụ thuộc cũng từ đó mà đến, khi họ cảm thấy hạnh phúc của người khác là trách nhiệm của mình.

Mải mê tìm “lối thoát”

Ở lại đã đau đớn, chiến đấu còn đau đớn hơn thì tại sao không tìm “lối thoát”? Đôi khi, việc thoát ly thực tại là giải pháp duy nhất để một người cầm cự trong sang chấn. Tất cả những gì họ muốn là chấm dứt nỗi đau ngay tức khắc và vĩnh viễn.

Thời buổi hiện nay cũng cho ta nhiều lựa chọn để thoát khỏi một thế giới không như ý. Có người thì chơi điện tử, cày phim hay vùi đầu trong sách truyện. Có người thì xách ba lô lên và đi đến một nơi thật xa khỏi nơi ở hiện tại. Cũng có những người lại “ăn mày quá khứ”, chọn sống trong những ký ức tươi đẹp đã qua. Nhưng lối thoát ấy có thể tiêu cực hơn khi thứ họ dính vào là rượu hoặc chất kích thích.

08jul2022intext3jpg
Nếu ở lại đã đau đớn, chiến đấu còn đau đớn hơn thì đi tìm lối thoát trở thành giải pháp hữu hiệu nhất để thoát khỏi nỗi đau.

Hành xử bốc đồng, liều lĩnh

Hành động bốc đồng thường nhận về những cái tặc lưỡi, thở dài. Nhưng với người gặp sang chấn thì nó lại là cách để họ giải tỏa và đánh lạc hướng bản thân khỏi những tổn thương. Một số người thì muốn hành hạ chính mình như cái cách họ đã bị trong quá khứ. Bên cạnh đó, khi thùy trán bị căng thẳng làm gián đoạn hoạt động, khả năng suy nghĩ thấu đáo của con người cũng bị giảm đáng kể.

Hệ quả là họ lao vào hành động dại dột như đập phá đồ đạc, ăn uống mất kiểm soát, lạm dụng chất kích thích hay quan hệ tình dục không an toàn. Nghiêm trọng hơn, họ cố ý làm hại bản thân với hy vọng nỗi đau thể xác có thể đè nén nỗi đau tinh thần. Hoặc chí ít, nó khỏa lấp lỗ hổng cảm xúc trong họ và giành lại quyền kiểm soát cơ thể.

Cần làm gì khi nhận ra những dấu hiệu này?

Điều chỉnh lối sống: Để cân bằng lại cuộc sống, bạn có thể bắt đầu tập các thói quen lành mạnh như ăn uống điều độ, tập thể dục, tránh các chất độc hại, ngủ đủ giấc.

Tập trung vào bản thân: Trải qua những biến cố, người thiệt thòi nhất vẫn là bản thân bạn. Vì thế, hãy quan tâm đến chính mình nhiều hơn bằng cách làm những điều bạn thích, hoặc đối diện với cảm xúc qua viết nhật ký hay vẽ tranh.

Kết nối với người tin tưởng: Bạn có thể tâm sự với bạn bè, người thân hay bất kỳ ai bạn cảm thấy thoải mái khi ở bên. Không chỉ giảm bớt căng thẳng, việc này còn giúp bạn tìm lại niềm vui và hơi ấm của yêu thương.

Tìm đến chuyên gia tâm lý: Trị liệu có thể giúp một người xây dựng khả năng phục hồi, phát triển các kỹ năng đối phó và giải quyết những cảm xúc mắc kẹt. Vì thế, đây là phương pháp được khuyến khích nhất và nên tìm hiểu từ sớm.

Ngoài sự thay đổi chủ động từ người gặp sang chấn thì vai trò của những người xung quanh cũng rất quan trọng. Cụ thể, lòng thấu cảm cho những phản ứng tiêu cực và hỗ trợ họ điều trị cũng góp phần để vết thương tâm lý dần được chữa lành.