5 Kiểu chấn thương thơ ấu thầm lặng nhưng để lại hậu quả khôn lường | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 04, 2022
Tâm Lý Học

5 Kiểu chấn thương thơ ấu thầm lặng nhưng để lại hậu quả khôn lường

Chấn thương thời thơ ấu không chỉ đến từ đánh đập hay lạm dụng tình dục. Có những kiểu chấn thương tưởng chừng vô hình nhưng để lại hậu quả không thể xem nhẹ.
5 Kiểu chấn thương thơ ấu thầm lặng nhưng để lại hậu quả khôn lường

Nguồn: Puskar Rai @ Pexels

Nhắc đến chấn thương thời thơ ấu, chúng ta hay gắn liền nó với việc bị đánh đập, chửi mắng hoặc lạm dụng tình dục. Những năm gần đây, quan niệm “yêu cho roi cho vọt” cũng đang dần được nhìn nhận lại sau nhiều vụ bạo hành trẻ em nhân danh giáo dục.

Tuy nhiên có những kiểu chấn thương khác diễn ra theo cách thầm lặng hơn, mà chúng ta ít để ý hoặc cho rằng đó là điều bình thường. Chúng có thể để lại hệ quả trầm trọng khi trưởng thành, chẳng hạn những mối quan hệ không ổn định hoặc khả năng xã giao kém.

Theo chuyên gia tâm lý Lissette LaRue chia sẻ trên Thought Catalog, đây là 5 kiểu chấn thương thơ ấu “vô hình” mà chúng ta không nên xem nhẹ hậu quả chúng để lại.

1. Thiếu vắng tình cảm từ cha mẹ

Những người bị chấn thương dạng này có cha mẹ không hoặc hiếm khi thể hiện tình cảm với con cái. Họ không động viên, khích lệ dù con đạt thành tích tốt trong học tập.

Cũng có thể họ biểu dương con cái trước mặt người khác, nhưng sau đó lại mắng mỏ, lạnh lùng với con. Họ cũng không hỗ trợ hay an ủi khi con cần thiết, vì chính bản thân họ cũng không biết cách xử lý những cảm xúc tiêu cực. Ở trường hợp tệ hơn, họ thể hiện sự hắt hủi bằng cách nói rằng họ không cần hoặc sai lầm khi đã sinh ra con.

Hệ quả: Những người con lớn lên trong các gia đình này khó xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, do họ không biết thể hiện và điều chỉnh tình cảm cho phù hợp. Sự thiếu thốn tình cảm cũng khiến họ khao khát tình cảm từ người khác. Điều này khá nguy hiểm trong trường hợp họ bị bạo hành, vì họ dễ lầm tưởng đó là biểu hiện quan tâm và yêu thương.

2. Bị buộc phải trưởng thành quá sớm

Đây chính là hiện tượng “phụ huynh hóa” (parentification), xảy ra khi trẻ có cha mẹ mất sớm hoặc thiếu khả năng chăm sóc con cái (vì bệnh tật, nghiện ngập hoặc điều kiện kinh tế). Khi đó trẻ sẽ phải tự lo cho chính mình, cho các anh chị em hoặc đôi khi cho chính cha mẹ chúng.

Biểu hiện thường thấy là trẻ phải vừa đi học, vừa gánh vác việc nhà, nấu ăn cho cả gia đình. Trẻ cũng có thể phải sớm tham gia làm việc, kiếm tiền phụ giúp gia đình.

07apr2022aaaabtr1rfy4qnwf01uprfld1suvhcucjitxfv9bzcqtnzpgpnhsjgmaxdzji
Nhân vật Kotaro Sato trong phim Kotaro Lives Alone là một ví dụ “phụ huynh hóa” điển hình. | Nguồn: Netflix

Hệ quả: Trẻ thường có tinh thần trách nhiệm cao, kiên cường và giỏi chịu đựng khó khăn khi trưởng thành. Tuy nhiên do đã quen lo toan mọi việc, họ dễ có vấn đề về lòng tin, không yên tâm giao việc cho người khác. Hệ quả là họ ôm đồm quá nhiều việc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đồng nghiệp hoặc cấp dưới.

Bên cạnh đó, vì đã quen với cuộc sống nhiều trách nhiệm, họ cảm thấy khó khăn trong việc tìm niềm vui và tận hưởng cuộc sống. Điều này khiến họ khó kết bạn, hoặc dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tinh thần.

3. Bị bỏ mặc cho tự mình trưởng thành

Hiện tượng này cũng thường xảy ra trong gia đình có bố mẹ quá bận, ít khi để mắt đến con. Tuy nhiên nó khác với phụ huynh hóa ở chỗ, trẻ không bị giao những trách nhiệm “quá tuổi” như chăm sóc người khác.

Biểu hiện của những gia đình để con “tự lớn” là bố mẹ hiếm khi dành thời gian cho con. Họ để mặc con làm bạn với TV hay điện thoại thông minh cốt để không bị làm phiền. Họ cũng không đặt ra những quy định trong nhà, không quan tâm đến việc học hành và cuộc sống thường ngày của con. Nói cách khác, họ không can dự nhiều vào việc nuôi dạy con và để con “muốn làm gì thì làm”.

Hệ quả: Vì lớn lên trong môi trường không luật lệ, những đứa trẻ này thường không biết cách hành xử đúng đắn với người khác. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xây dựng các mối quan hệ lành mạnh trong cuộc sống. Bên cạnh đó, họ cũng dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội do thiếu đi sự định hướng, chỉ bảo từ cha mẹ.

4. Bị bỏ mặc về cảm xúc

Ở kiểu chấn thương này, con cái bị cha mẹ kiểm soát về mặt cảm xúc. Chúng không được phép có những cảm xúc tiêu cực như buồn hoặc nhớ nhung, đặc biệt nếu nó liên quan đến người cha/mẹ không ở cùng con (do ly dị). Đối với những bậc cha mẹ này, khóc lóc là phản ứng thái quá, thể hiện sự yếu đuối.

Cha mẹ nghiêm khắc quá mức cũng dễ khiến con bị bỏ mặc về cảm xúc. Cụ thể, họ không cho phép con thử điều gì mới, hoặc làm điều họ cho là ngoài tầm kiểm soát như đi chơi muộn hay yêu sớm. Họ cũng thường kiểm soát điện thoại, nhật ký hay sách vở của con. Phản ứng thái quá của vợ danh hài Xuân Bắc khi con trai xem phim “người lớn” là ví dụ điển hình.

07apr2022yellingjpg
Thay vì dạy con quản lý cảm xúc, các bậc phụ huynh này lại kiểm soát chúng và cho rằng khóc lóc là biểu hiện của yếu đuối. | Nguồn: TIE

Hệ quả: Trẻ khi trưởng thành có xu hướng kìm nén các cảm xúc tiêu cực, vì cho rằng chúng là điều đáng xấu hổ. Vì vậy, họ ngại tìm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Về lâu dài, điều này dễ gây căng thẳng, thậm chí dẫn đến các rối loạn tâm lý.

Ở trường hợp còn lại, những đứa trẻ bị kiểm soát thái quá dễ thiếu các kỹ năng xã giao cần thiết, dẫn đến khó hòa nhập. Họ cũng trở nên phụ thuộc quá mức vào bố mẹ và ngại rời khỏi vùng an toàn, cản trở quá trình phát triển bản thân.

5. Bị xúc phạm hoặc hạ thấp bằng lời nói

Ở trường hợp này, con cái bị gọi bằng những từ ngữ có ý hạ thấp nếu không may làm điều phật ý cha mẹ. Con cũng thường xuyên bị miệt thị về ngoại hình, kể cả khi các chỉ số cơ thể cân đối.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ này có xu hướng chê trách, nói về tính xấu của con trước mặt họ hàng hay bạn bè của con. Họ có thể làm vậy với mục đích giáo dục, nhưng lại không nghĩ đến hệ quả tâm lý nó để lại cho con.

Trong trường hợp cha mẹ ly dị, hạ thấp bằng lời nói thường thể hiện ở việc so sánh con với người còn lại theo hướng tiêu cực. Điều này biến đứa trẻ thành con tốt thí để gây thêm mâu thuẫn giữa 2 người.

Hệ quả: Dù ở bất kỳ hình thức nào, hạ thấp bằng lời nói luôn gây ra những hậu quả trầm trọng về tâm lý khi trưởng thành. Cụ thể, trẻ dễ trở nên thiếu tự tin và thiếu ý thức về giá trị bản thân, ảnh hưởng đến khả năng thành công trong cuộc sống. Việc thường xuyên bị chê trách công khai cũng dễ khiến trẻ luôn tìm cách làm vừa lòng người khác.

Bên cạnh đó, những lời miệt thị về ngoại hình có thể khiến trẻ ăn quá ít hoặc quá nhiều, gây ra các chứng rối loạn ăn uống và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Kết

Những tổn thương thời thơ ấu không bao giờ biến mất. Chúng luôn ẩn mình trong ta, và sẵn sàng hiện nguyên hình khi gặp kích thích phù hợp.

Dù không thể xóa nhòa chấn thương thơ ấu, chúng ta vẫn có thể vượt qua chúng bằng cách ghi nhận và tìm kiếm sự giúp đỡ sớm nhất có thể. Như vậy sẽ phần nào hạn chế những tác động tiêu cực của chúng lên cuộc sống trưởng thành.