Đang làm việc mà có ai nhìn, cớ sao ta lại “lúng túng như gà mắc tóc”? | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 06, 2022
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Đang làm việc mà có ai nhìn, cớ sao ta lại “lúng túng như gà mắc tóc”?

Việc chúng ta bị “khớp” khi phát hiện có người giám sát mình thực ra là một trò chơi khăm của não bộ.
Đang làm việc mà có ai nhìn, cớ sao ta lại “lúng túng như gà mắc tóc”?

Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Nếu là dân văn phòng, có lẽ bạn từng trải qua cảm giác đang làm việc hăng say thì sếp bất ngờ ghé thăm góc bàn của mình. Và ngay khi nhận ra điều đó, bạn lập tức không còn nhớ mình đang làm việc gì, hoặc làm rất lúng túng trước ánh nhìn của sếp.

Hoặc bạn đã chuẩn bị rất kỹ các ý tưởng cho buổi thuyết trình, nhưng khi đến slide của chính mình thì bạn trở nên ấp úng dù đã cầm sẵn note trên tay. Việc phải đứng trước mặt sếp, đồng nghiệp hay đối tác khiến bạn không còn tập trung được vào bài thuyết trình. Vậy não bộ đã làm ảo thuật gì để khiến bạn bị “khớp” trước những ánh nhìn của người khác?

Do vỏ não đỉnh hạ “tắt nguồn”

Theo một nghiên cứu của Đại học Sussex (Anh), não bộ có hẳn một hệ thống để “chơi khăm” chúng ta vào đúng những khoảnh khắc ta muốn tránh nó nhất.

Trong thí nghiệm, những người tham gia phải dùng lực nắm chặt một vật thể trong khi xem hai đoạn video ngắn, mỗi đoạn dài 30 giây. Ở lần xem thứ nhất, hai người trong video nhìn thẳng vào ống kính, tạo cho người tham gia cảm giác họ đang bị quan sát trực diện. Ở lần xem thứ hai, hai người trong video nhìn ra chỗ khác. Trong quá trình thí nghiệm diễn ra, lực nắm của họ được đo bằng máy và họ cũng được chụp cộng hưởng từ não.

Kết quả là hầu hết người tham gia lo lắng và căng thẳng hơn ở lần xem video đầu tiên, dẫn đến nắm vật thể chặt hơn. Kết quả chụp cộng hưởng từ cũng cho thấy, khu vực vỏ não đỉnh hạ (inferior parietal complex - IPC) của họ hoàn toàn không hoạt động. Bộ phận này kiểm soát các chức năng vận động nhạy cảm, và phối hợp với cơ thái dương phía sau vỏ não để tạo ra mạng lưới quan sát hành động (action observe network - AON).

Mạng lưới này sẽ dựa trên ánh mắt và biểu cảm của những người xung quanh để “đoán” xem họ đang nghĩ gì. Vì vậy nếu nhận ra những ánh mắt tò mò hay biểu cảm nghiêm trọng, nó sẽ khiến vỏ não đỉnh hạ “tắt nguồn”, khiến ta đột ngột quên sạch hoặc lúng túng với việc mình đang làm.

Ngược lại, nếu nhận được những tín hiệu tích cực như nụ cười hay ánh mắt trìu mến, ta có xu hướng hoàn thành tốt công việc hơn. Đây là lý do vì sao thời còn đi học, nếu có bạn bị run khi biểu diễn/thuyết trình trước lớp, chúng ta được khuyến khích vỗ tay để cổ vũ tinh thần bạn.

Do não bộ nhận diện tình huống nguy hiểm

Trong một số trường hợp, não bộ nhận định việc thuyết trình hay phỏng vấn là tình huống sống còn, vì kết quả của nó ảnh hưởng lớn đến công việc hay cuộc sống của ta.

10jun2022binhinint2jpg
Nhiều khi não bộ nhận định bài thuyết trình hay biểu diễn là tình huống sống còn.

Chẳng hạn đó là một buổi thuyết trình quan trọng với đối tác, mà bạn lo nếu không làm tốt bạn sẽ bị đuổi việc. Hoặc đó là một buổi biểu diễn lớn trước cả trường, nếu để xảy ra sai sót bạn sẽ thấy vô cùng xấu hổ.

Những yếu tố này có thể kích thích hạch hạnh nhân não, gây ra phản ứng chiến hay chạy (fight-or-flight mode) và tiết ra adrenaline. Hormone này vốn giúp bạn tăng cường thể lực để vượt qua căng thẳng. Nhưng nếu lượng adrenaline tiết ra quá lớn, nó có thể gây ra một số triệu chứng vật lý như tim đập mạnh hay toát mồ hôi, đồng thời làm bạn mất tập trung vào những gì cần làm.

Khi nào thì vấn đề này trở nên nghiêm trọng?

Nhìn chung, việc cảm thấy run, đãng trí và đôi khi bị “khớp” khi đang làm việc mà bị giám sát là phản ứng tâm lý bình thường. Vì thuyết trình, phỏng vấn hay bị sếp kiểm tra góc làm việc bất chợt là những điều hầu như ai cũng trải qua trong cuộc đời đi làm.

Tuy nhiên nếu thường xuyên căng thẳng, sợ hãi trong những tình huống trên dù có biết trước/ chuẩn bị trước, rất có thể bạn mắc phải chứng sợ sân khấu (stage fright). Theo chuyên trang Psychology Today, đây là một dạng rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder) ảnh hưởng tới khoảng 30% dân số toàn cầu.

Dù có tên như vậy, stage fright không chỉ xảy ra khi bạn biểu diễn hoặc thuyết trình trước đông người. Nhiều người bị căng thẳng ngay cả khi nói chuyện điện thoại (đặc biệt những người làm công tác chăm sóc khách hàng), vì họ ý thức được những gì mình nói ra đang bị đối phương để ý.

Trong nhiều trường hợp, người sợ sân khấu có thể quá lo lắng đến mức độ buồn nôn, nôn hay đau dạ dày. Nếu việc này thường xuyên xảy ra, bạn nên cân nhắc đi trị liệu chuyên nghiệp để giảm thiểu ảnh hưởng của nó lên cuộc sống và công việc.

Ngoài ra bạn có thể thử các mẹo nhỏ sau để cải thiện tâm trạng trước một buổi thuyết trình hay phỏng vấn quan trọng:

Thực hành các kỹ thuật điều hòa cảm xúc tức thời: Đây là mẹo hữu hiệu khi bạn bất ngờ rơi vào tình huống bị giám sát khi đang làm việc, dẫn đến căng thẳng. Các kỹ thuật “sơ cứu” như thở ô vuông, thư giãn cơ cấp tiến, dẫn dắt hình ảnh hay ôm kiểu bướm đều khá dễ thực hiện và không yêu cầu dụng cụ phức tạp.

10jun2022binhinint1jpg
Các kỹ thuật sơ cứu như tập thở hay thư giãn cơ bắp đều rất dễ thực hiện.

Sử dụng thần chú tích cực: Mẹo này giúp bạn tự nhắc nhở về khả năng của mình. Theo nhà tâm lý Ethan Kross, khi nói/viết ra những điều tích cực, bạn nên xưng tên của mình thay vì chỉ dùng chủ ngữ “tôi” vì nó tác động mạnh lên nhận thức của bản thân. Dần dần, bạn sẽ thấy tự tin hơn và rèn luyện được khả năng làm chủ trước những tình huống trên.

Bên cạnh đó, đừng quên tập luyện nhiều lần trước buổi thuyết trình để nắm bắt rõ nội dung bạn sẽ nói. Trong trường hợp bạn đã chuẩn bị kỹ nhưng vẫn run và “khớp” khi nói, có thể tham khảo 7 Cách giúp giảm căng thẳng khi nói trước đám đông để vượt qua nỗi sợ sân khấu.