TikTok đang trở thành mạng xã hội được đông đảo Gen Z sử dụng với nhiều mục đích khác nhau và dần tạo ra nhiều tác động thay đổi hành vi của thế hệ này. Theo một khảo sát của Adobe, 64% Gen Z và 49% Millennials sử dụng TikTok như một công cụ tìm kiếm. Và trong 10 người trẻ sẽ có đâu đó 1 người đánh giá rằng tìm kiếm trên TikTok đôi khi còn hiệu quả hơn cả Google.
Cộng thêm, sự sáng tạo từ phía người dùng cũng mang đến nhiều sự bất ngờ trong cách thức sử dụng mạng xã hội. LinkedIn đã trở thành kho hồ sơ uy tín tìm người yêu, còn nền tảng TikTok đang được biến tấu trở thành công cụ hữu hiệu để người lao động và nhà tuyển dụng tìm thấy nhau.
Có những xu hướng nhân sự mới nào đã được khởi xướng trên TikTok, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
“Điểm tập kết” mới cho những chiếc CV mùa tìm việc
#Careertok (77k posts)
Lohanny Santos, một TikToker ở New York vừa qua đã ghi lại câu chuyện tìm việc đáng buồn của mình. Trong video được đăng tải, cô cầm CV đi qua một loạt con phố để ứng tuyển cho những việc làm có mức lương tối thiểu trên thị trường.
Lohanny đã bật khóc khi chia sẻ rằng “đây không phải điều mà tôi tưởng tượng". Cô tốt nghiệp 2 bằng cử nhân và biết nói 3 ngôn ngữ nhưng giờ lại phải nhận lời từ chối từ những công việc phổ thông nhất mà ai cũng có thể làm được.
Video đã tạo ra cơn sốt trên mạng xã hội khi thu về hơn 25 triệu lượt xem. Lohanny Santos sau đó không chỉ nhận được rất nhiều bình luận đồng cảm, động viên mà còn giúp nữ TikToker được các nhà tuyển dụng biết đến và ngỏ ý tuyển dụng. Video trên cũng giúp Lohanny có được hơn 100.000 người theo dõi mới và là tiền đề mở ra series “Job hunt” trên kênh của cô.
Ở Việt Nam, tình kinh tế ảm đạm và thị trường lao động nhiều biến động bao trùm lên tất cả mọi người, khiến cho tinh thần chung chùng xuống. Lúc này những video “nhả vía" có công việc trong mơ nổi lên như những tia sáng hy vọng, tạo ra ảnh hưởng tích cực đến giới trẻ.
Một số bạn trẻ thì mạnh dạn đăng hẳn CV của mình lên nền tảng. Thay vì tuân thủ quy trình tuyển dụng thông thường, hay phải đi rải CV xa xôi ở các trang tuyển dụng. Hành động này thể hiện sự sáng tạo cũng như cá tính của những bạn trẻ trong quá trình tìm kiếm công việc mới.
Các bạn đã tận dụng ngay “sân nhà” của chính mình, nơi có sẵn rất nhiều video thể hiện được kỹ năng và khả năng cá nhân để tăng mức độ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Hoặc đơn giản là có thể nhận được những lời khuyên để cải thiện hồ sơ của mình và kết nối với những bạn trẻ khác cùng đồng hành giúp đỡ lẫn nhau.
Theo nghiên cứu xuất bản bởi Emerald, việc cập nhật những thăng tiến trong sự nghiệp hay các CV quá khủng như vậy sẽ dễ tạo thành áp lực đồng trang lứa nhưng cũng có thể là một sự cảnh tỉnh cho những người đang đi làm, thôi thúc họ tìm kiếm công việc tốt hơn.
Nơi nhà tuyển dụng tìm kiếm anh tài
#dilamcogivui (70.8k posts)
Không chỉ người lao động mà cả nhà tuyển dụng cũng sử dụng TikTok như một công cụ để kết nối hai bên với nhau. Một số công ty đã mang khâu tuyển dụng lên TikTok nhằm tiếp cận đến nhóm ứng viên trong độ tuổi sắp hoặc mới ra trường, đúng độ tuổi những người dùng năng nổ nhất trên nền tảng này.
Garrett Lord, một doanh nhân từng xuất hiện trên bảng bầu chọn Forbes: Under 30 đã thành lập một nền tảng tìm việc có tên Handshake sở hữu giao diện gần giống với TikTok để kết nối các ứng viên GenZ một cách gần gũi hơn. Anh cho rằng thế hệ này rất khác biệt và để thu hút được sự chú ý của họ, nhà tuyển dụng phải chủ động thích ứng với các xu thế được Gen Z ưa chuộng.
Những hashtag như #careertok hay #worktok có tới hơn 200.000 bài đăng. Nhận thấy được tiềm năng của mạng xã hội này, có không ít các doanh nghiệp bao gồm cả những tập đoàn lớn như Unilever hay VNG đã lập kênh TikTok, đào tạo nhân viên trở thành những TikToker để quảng bá cho môi trường làm việc của công ty.
Những bài đăng không chỉ giới hạn về công ty, nó có thể ở dạng vlog gần gũi “một ngày làm việc…” hoặc chia sẻ những kinh nghiệm cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Một điểm lợi của hình thức này là nếu văn hoá công ty của bạn thật sự tốt và có nhân viên hoạt ngôn, duyên dáng thì những bài đăng sẽ đáng tin và dễ trở nên viral, lan tỏa được hình ảnh của công ty mà không tốn nhiều chi phí.
Diễn đàn mở để người lao động lên tiếng bảo vệ quyền lợi
Ai trong chúng ta chắc hẳn cũng từng có những trải nghiệm đi làm không mấy tích cực. Một số người chia sẻ điều đó cho đồng nghiệp, sếp, người thân. Số khác đã chọn kể lại câu chuyện của mình trên TikTok.
Câu chuyện sa thải hàng loạt đã không còn lạ với những người đi làm hiện nay. Brittany Pietsch, cựu nhân viên tại Cloudflare là một trong số những người không may phải hứng chịu làn sóng này.
Cô đã livestream cuộc họp bị sa thải với một người phụ nữ ở bộ phận HR và một người hoàn toàn xa lạ trong ban giám đốc. Cả hai đưa ra đánh giá rằng cô không thể hiện tốt trong thời gian qua và đã quyết định cắt hợp đồng, trong khi Brittany nỗ lực đính chính rằng cô hoàn toàn được sếp của mình đánh giá cao.
Video này đã nhanh chóng thu hút hơn 2 triệu lượt xem và phần nào tạo ra sức ép khiến vị CEO của công ty là Matthew Prince phải lên tiếng thừa nhận về sự thiếu sót trong khâu nhân sự và cho rằng những người ở vị trí quản lý trực tiếp nên có mặt trong những trường hợp như thế này.
Thế nhưng, cho dù đòi quyền lợi thành công, hành động của Brittany vẫn nhận về không ít ý kiến trái chiều khi nhiều người cho rằng cô sẽ khó tìm được công việc mới với một “chiến tích” như thế này.
Trong khi đó, chương trình The View của đài ABC thể hiện lập trường ủng hộ quyết định của cô. Bản thân Brittany cũng đáp trả những bình luận tiêu cực bằng một bài viết trên LinkedIn và nhận được hơn 10.000 lượt thích.
Trong series “Job hunt” của Lohanny được nhắc tới ở trên cũng có một câu chuyện tạo ra nhiều thảo luận xoay quanh. Lohanny chia sẻ về một quán cà phê hứa hẹn là chỗ làm tiềm năng mà cô đã ứng tuyển.
Cửa hàng này hứa sẽ cho cô trở thành nhân viên toàn thời gian với điều kiện phải hoàn thành 18 tiếng làm việc đào tạo không lương. Rất nhiều bình luận đã lên tiếng khuyên can cô không nên bỏ sức không công như vậy, thay vào đó hãy đi tìm kiếm một công việc xứng đáng hơn.
Trong thời điểm người lao động dễ gặp nhiều rủi ro và bất lợi như bây giờ. TikTok cùng với các mạng xã hội khác giống như một diễn đàn mở trao cho mọi người cơ hội được lên tiếng, bàn luận và giúp đỡ lẫn nhau.
Và cuộc chơi không chỉ có TikTok
Ngoài TikTok, người trẻ cũng sử dụng những mạng xã hội khác để tìm việc và cùng nhau trao đổi về những vấn đề và quyền lợi khi đi làm. Trong đó có Threads là một cái tên đang rất hút CV, và là cầu nối của nhiều cuộc bắt tay thành công.
Những nội dung đi thẳng vào vấn đề, đưa ra giải pháp và lời khuyên hữu ích luôn được đón nhận nồng nhiệt bởi cộng đồng người dùng Threads. Không dừng lại ở đó, những bài chia sẻ thẳng thắn về mức lương nhận được rất nhiều tương tác, qua đó thể hiện nhu cầu minh bạch về lương của người trẻ.
Có thể thấy, cho dù là nền tảng nào, được tạo ra hướng tới mục đích gì, cách người dùng sử dụng chúng vẫn luôn xoay quanh chuyện giải quyết những nhu cầu và vấn đề đang gặp phải.
Mà đối với một người trẻ nhu cầu tìm kiếm việc làm, trao đổi về những câu chuyện thường trực như khủng hoảng một phần tư cuộc đời, lập nghiệp và phát triển sự nghiệp như thế nào vẫn đang và sẽ luôn là những đề tài nóng hổi.
Ở Việt Nam, kênh TikTok của Bamboo Careers với nội dung phỏng vấn ngắn về lương được nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn sắp ra trường hoặc đang tìm kiếm công việc mới quan tâm là vì thế.
Với ứng dụng tra cứu lương Bamboo Careers, bạn sẽ tìm thấy những thông tin về mức lương, quyền lợi cơ bản cho người đi làm. Đồng thời, chức năng soạn thảo văn bản bằng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng sẽ giúp bạn mở lời những câu chuyện khó nói với sếp như xem xét đánh giá và tăng lương cho mình.
Bài viết được thực hiện bởi Tường Nguyễn.