Vì sao lương chưa về mà ta đã lên “cơn” mua sắm? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
29 Thg 06, 2022

Vì sao lương chưa về mà ta đã lên “cơn” mua sắm?

Bạn thuộc team mua ngay cho “nóng” hay chờ lương về rồi mua cho yên tâm?
Vì sao lương chưa về mà ta đã lên “cơn” mua sắm?

Nguồn: Minh Phương @minhphuong.work cho Vietcetera

Nếu nhìn thấy một đôi giày đẹp, bạn sẽ mua luôn bằng thẻ tín dụng hay đợi tới ngày nhận lương để mua được thêm một chiếc túi nữa? Rất nhiều người sẽ có thiên hướng chọn cách thứ nhất, dù việc chờ lương rõ ràng sẽ mang lại cảm giác chắc chắn hơn về tiền bạc để mua được cả giày và túi.

Đây chính là biểu hiện điển hình của thiên kiến hiện tại (present bias) - một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến những quyết định mua sắm có phần cảm tính của chúng ta.

Thiên kiến hiện tại là gì?

Đây là hiện tượng xảy ra khi não bộ thiên vị những phần thưởng nhỏ và tức thì hơn là những phần thưởng ta phải chờ đợi để có được. Thời gian ta phải chờ đợi càng lâu, giá trị cảm nhận của phần thưởng càng đi xuống, dù giá trị thực tế của nó có thể khá lớn. Nó còn được biết đến dưới những cái tên khác như chiết khấu phần thưởng trì hoãn (delayed reward discounting) hoặc chiết khấu tạm thời (temporal discounting).

Tại sao não không thích chờ đợi để được thưởng nhiều hơn?

Có 4 lý do dẫn đến điều này:

Kế toán nhận thức sai lệch

Đây là hiện tượng người tiêu dùng đưa ra quyết định tài chính dựa trên các phán đoán và lập luận cảm tính, thường không có lợi cho bản thân song họ không nhận ra. Nói cách khác, họ gán các giá trị và ý nghĩa khác nhau cho một khoản tiền dựa trên cảm xúc tạm thời.

Ví dụ điển hình của kế toán nhận thức (Mental accounting) là mua cố thêm vài món đồ để được miễn phí giao hàng. Vì cảm thấy 30 nghìn là quá lớn cho mức phí giao hàng, bạn sẵn sàng mua thêm món đồ khác 70 nghìn để được miễn phí khoản này. Theo cảm tính của bạn, việc bỏ ra 70 nghìn mua đồ “đáng giá” hơn nhiều so với 30 nghìn phí giao hàng.

Nỗi sợ bỏ lỡ món hời

Khi nhìn thấy những thông báo giới hạn thời gian giảm giá, bạn sẽ có tâm lý “mua ngay bây giờ hoặc không bao giờ”. Vì lo sợ bỏ lỡ một cơ hội tốt khó xuất hiện lại trong tương lai, bạn đã không chần chừ mà quyết định mua luôn món hàng giảm giá, dù khoản chi này không nằm trong kế hoạch tài chính ban đầu.

29jun2022thienkienhientaiintext2jpg
Về bản chất, nỗi sợ bỏ lỡ món hời chính là một dạng FOMO. Nó được thúc đẩy bởi việc bạn sợ mình sẽ mất cơ hội mua hàng giá rẻ, chứ không phải bởi trải nghiệm bạn sẽ có nhờ việc mua món hàng đó.

Tác động của dopamine

Việc mua sắm đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có tác dụng trị liệu tinh thần. Bởi khi bạn có tâm trạng không tốt, việc tiêu tiền mang lại chút cảm giác kiểm soát với môi trường xung quanh, khiến bạn thấy thỏa mãn hơn.

Bên cạnh đó, mua sắm còn mang lại cảm giác thành công trong việc kiếm được tiền và tiêu nó vào những gì mình thích. Chính vì vậy, nó giúp sản sinh hormone hạnh phúc dopamine và endorphin. Và sự dễ dàng, tiện lợi đã biến mua sắm online thành cách dễ dàng và hữu hiệu nhất giúp bạn có được điều này.

Ảnh hưởng từ trải nghiệm quá khứ

Một số người có trải nghiệm tiêu cực liên quan đến khả năng trì hoãn sự thỏa mãn (delayed gratification) sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi thiên kiến hiện tại. Ví dụ điển hình của trường hợp này là Thí nghiệm Kẹo dẻo (The Marshmallow Experiment) - một nghiên cứu tâm lý nổi tiếng của Đại học Stanford được tiến hành từ năm 1972 đến 2020.

Trong thí nghiệm, những đứa trẻ từ 3-5 tuổi được đặt một miếng kẹo dẻo trước mặt và có hai lựa chọn: ăn nó luôn hoặc chờ 15 phút để được một miếng kẹo nữa. Nhiều năm sau khi những đứa trẻ này trưởng thành, tổ nghiên cứu tiếp tục khảo sát về tình trạng hiện tại của họ.

Hầu hết những đứa trẻ có thể trì hoãn việc ăn kẹo năm đó có chất lượng sống cao hơn (học trường tốt hơn, có công việc lương cao hơn, mối quan hệ chất lượng hơn). Tuy nhiên việc này không có nghĩa những đứa trẻ còn lại thiếu ý chí. Một số không nhỏ đã từng bị người lớn làm cho mất lòng tin (chẳng hạn hứa sẽ cho kẹo nếu chờ đợi, nhưng thực tế là không có gì).

Tương tự, nhiều người lớn lên trong chiến tranh, nghèo đói và bất ổn xã hội đã hình thành tư duy “sống cho bây giờ hoặc không bao giờ”. Bởi họ không thể chắc chắn rằng, việc trì hoãn và để dành hôm nay sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho tương lai của mình.

Rèn "kỷ luật" chi tiêu cho não như thế nào?

Áp dụng quy tắc 72 giờ

Theo nhà thần kinh học Viktor Frank, có một khoảng trống tinh thần giữa yếu tố kích thích mua sắm (đến từ người bán/sản phẩm) và phản ứng với nó (đến từ bạn). Và 72 giờ, tức 3 ngày là khoảng trống hợp lý để bạn phân tích các kích thích và tra cứu kỹ càng về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định có mua nó hay không.

Bạn có thể áp dụng quy tắc 72 giờ khi muốn mua sắm lúc tâm trạng không tốt, hoặc trong mùa sale khi các nhãn hàng tung ra loạt khuyến mãi để rút hầu bao của bạn.

29jun2022thienkienhientaiintext1jpg
72 giờ là khoảng trống hợp lý để bạn phân tích các kích thích và đưa ra quyết định mua sắm.

Cho bản thân nhiều lựa chọn khác nhau

Tâm lý sợ bỏ lỡ FOMO chính là điểm mấu chốt mà các nhà bán hàng đánh vào để khuyến khích bạn tiêu tiền. Bằng cách giới hạn thời gian khuyến mãi, các cửa tiệm khiến bạn cảm thấy bứt rứt không yên mà tiến nhanh đến bước thanh toán.

Nếu rơi vào trường hợp này, bạn hãy khảo giá sản phẩm trên nhiều sàn thương mại điện tử khác nhau trước khi quyết định. Khuyến mãi đó có thể giới hạn thời gian trên một sàn thương mại, nhưng có thể sẽ còn nhiều khuyến mãi khác dài hạn hơn ở những trang khác.

Bên cạnh đó, một mẹo nhỏ khác bạn có thể áp dụng là tìm thông tin về sản phẩm trên các hội nhóm trao đổi, mua bán đồ second hand. Biết đâu bạn sẽ tìm được món đồ giống hệt hoặc tương tự với mức giá rất thấp, thậm chí miễn phí.

Thường xuyên sử dụng tiền mặt

Thẻ tín dụng và các hình thức thanh toán điện tử khác hạn chế cảm giác hiện hữu của tiền, khiến bạn có cảm giác “tiêu mà như không tiêu”. Chính vì vậy, việc sử dụng tiền mặt thường xuyên sẽ giúp bạn chú ý kỹ hơn vào số tiền mình có ở thời điểm hiện tại, tránh việc “vung tay quá trán”.

Thường xuyên soạn lại đồ cũ

Thỉnh thoảng khi dọn nhà, bạn có thể phát hiện ra những món đồ không nhớ đã mua ở đâu, khi nào và với mục đích gì. Việc chú ý hơn vào những món đồ này sẽ giúp bạn nhận ra tác hại của việc mua sắm cho “thỏa mãn” hiện tại, từ đó suy nghĩ kỹ càng trước khi quyết định mua thêm món nào khác.

Tìm các cách sản sinh dopamine khác

Yếu tố khiến bạn muốn mua sắm lúc đang căng thẳng là nhu cầu về dopamine, vì mua sắm là cách dễ dàng nhất để cơ thể sản sinh hormone này. Chính vì vậy, nếu có thể tìm những nguồn dopamine khác thay thế, bạn sẽ phần nào tránh được việc mua sắm “quá tay” và cảm giác hối hận khi chốt đơn.

Thực hành chánh niệm, dành thời gian với người khác hoặc đi bộ một đoạn ngắn đều là các cách hữu hiệu giúp sản sinh dopamine. Tuy nhiên để tránh “phản tác dụng”, bạn nên tránh đi bộ qua những trung tâm thương mại hoặc trò chuyện về chủ đề mua sắm.