3 Cấp độ của sự sợ hãi, nỗi sợ của bạn nằm ở đâu?

Nếu bạn cứ chờ đợi nỗi sợ tự động biến mất, vậy thì bạn sẽ phải đợi mãi mãi. Thay vào đó hãy hiểu về chúng để vượt qua.
Hoàng Nguyễn
Nguồn: Shutterstock

Nguồn: Shutterstock

Khi nỗi sợ ập tới, bạn thường làm gì?

Tưởng tượng bạn đang đứng trên bờ biển, nhìn những con sóng liên tiếp đập vào bờ. Bạn khát khao được đắm mình vào trong làn nước mát, nhưng nỗi sợ bị nhấn chìm trong cơn sóng lớn khiến đôi chân bạn ngần ngại.

Bạn có thể chọn đứng im ở đó, đợi cho tới khi sóng yên biển lặng. Nhưng thực tế là, biển sẽ không bao giờ hoàn toàn yên ả. Cơn sóng này qua, cơn sóng khác sẽ lại tới. Nỗi sợ cũng giống như những cơn sóng ấy. Nếu bạn đợi cho tới khi nỗi sợ biến mất, bạn sẽ phải đợi mãi mãi.

Nhưng nỗi sợ không xấu, chúng nằm trong mã gen của chúng ta như một cơ chế bảo vệ để gióng lên hồi chuông cảnh báo về những mối nguy hiểm tiềm tàng. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nơi những đe dọa sinh tồn đã không còn thường trực, nỗi sợ đôi khi lại trở thành rào cản, ngăn chúng ta đạt được những gì mình mong muốn.

Vậy chúng ta nên đối mặt với nỗi sợ như thế nào, và khi nào thì nên dừng lại việc đẩy bản thân về phía nỗi sợ? Chìa khóa giải quyết nằm ở việc tìm hiểu về nỗi sợ. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận diện được nỗi sợ của mình nằm ở cấp độ nào và cách thức tương ứng để đối mặt với chúng.

1. Nỗi sợ sinh tồn - Cấp độ bản năng

Đây là những nỗi sợ căn bản nhất của con người, xuất phát từ bản năng sinh tồn: sợ độ cao, sợ bóng tối, sợ bị tấn công, hay sợ mất đi những điều cần thiết để sống sót như thức ăn, nước uống và chỗ ở. Những nỗi sợ này hoàn toàn có cơ sở sinh học và xuất phát từ bản năng sinh tồn của con người.

Được gì nếu vượt qua nỗi sợ này?

Nếu vượt qua chúng bạn sẽ tự do và mạnh dạn hơn để khám phá thế giới. Thế nhưng nó cần được thực hiện trong điều kiện an toàn, có kiểm soát.

Chẳng hạn, nỗi sợ độ cao có thể giúp bạn tránh nguy cơ té ngã khi ở những nơi nguy hiểm nhưng sẽ cản trở bạn tham gia vào các hoạt động leo núi, khám phá thiên nhiên. Để vượt qua được nỗi sợ này, bạn có thể bắt đầu bằng việc tập leo núi trong nhà với các trang thiết bị đầy đủ và nâng dần độ khó sau mỗi lần tập luyện.

Khi nào nên dừng lại?

Câu trả lời nằm ở ngưỡng an toàn chịu đựng của cơ thể. Nếu việc đối diện với nỗi sợ này bắt đầu đặt bạn vào những tình huống nguy hiểm, bạn hoảng sợ, thở gấp, thậm chí ngất xỉu thì bạn cần chấp nhận giới hạn của bản thân và (tạm thời) dừng lại.

2. Nỗi sợ cá nhân và xã hội - Cấp độ phát triển

Tiếp theo là những nỗi sợ liên quan đến sự phát triển cá nhân và xã hội. Bạn có bao giờ sợ bị phán xét, sợ thất bại, hoặc sợ không đủ tốt trong mắt người khác? Đây là những nỗi sợ phổ biến trong cuộc sống hàng ngày vì chúng ta đều có nhu cầu muốn được công nhận và tôn trọng.

Được gì nếu vượt qua nỗi sợ này?

Nhưng nếu cứ bám víu vào nỗi sợ này bạn sẽ để vụt mất cơ hội. Bạn muốn được sếp đánh giá cao nhưng cũng chính vì kỳ vọng này mà bạn trở nên lo sợ khi phát biểu trong cuộc họp. Hàng loạt suy nghĩ nảy ra trong đầu bạn: "Nhỡ đâu ý kiến của mình nói ra ngớ ngẩn quá thì sao, biết đâu phương án của mình không thực hiện được, nếu vậy thì sếp sẽ nghĩ năng lực của mình tệ lắm!"

Vậy nên, nếu vượt qua được nỗi sợ này bạn sẽ mở rộng vùng an toàn của mình và khám phá ra những tiềm năng mà trước đây mình chưa từng nghĩ đến. Phương án mà bạn sợ bị đánh giá tệ biết đâu lại là tốt. Hoặc cho dù nó có tệ thật thì sếp cũng có thể đánh giá và giúp bạn cải thiện tốt hơn. Dù thế nào cũng tốt hơn là bạn im lặng và không nói gì.

Khi nào nên dừng lại?

Nếu việc liên tục đẩy bản thân vào những tình huống căng thẳng không còn mang lại giá trị tích cực mà khiến bạn ngày càng suy sụp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần. Đó là tín hiệu bạn cần lùi lại, nghỉ ngơi và tìm cách điều chỉnh. Hãy nhớ rằng sự phát triển không phải là cuộc chạy đua nước rút, mà là một cuộc chạy marathon.

3. Nỗi sợ tâm lý và tiềm thức - Cấp độ chuyển hóa

Đây là những nỗi sợ thầm kín nhất, nằm sâu trong tiềm thức dù chúng ta có thể không nhận thức được rõ ràng nhưng chúng lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi và tư duy hàng ngày. Những nỗi sợ này thường bắt nguồn từ lo âu, trầm cảm, hoặc những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ.

Thế nên, để đối diện với nỗi sợ ở cấp độ này không đơn giản. Bạn cần sự hỗ trợ của các chuyên gia có kinh nghiệm và phải đầu tư nhiều thời gian, công sức.

Được gì nếu vượt qua nỗi sợ này?

Một khi đã vượt qua, bạn sẽ có sự chuyển hóa tâm lý sâu sắc, giúp giải phóng bản thân khỏi những ám ảnh trong quá khứ và tiến tới một cuộc sống tự do, an yên hơn. Đây chính là quá trình mà nhiều người thường ví von là “sự lột xác”.

Nếu bạn lớn lên với một cuộc sống gia đình không mấy êm đẹp. Bố mẹ cãi nhau triền miên và cuộc hôn nhân đổ vỡ. Khi trưởng thành bạn thấy mình cũng mãi loay hoay với chuyện tình cảm, sợ cam kết, sợ việc tiến tới một mối quan hệ gắn bó hơn. Một khi bạn có thể gỡ bỏ được chướng ngại tâm lý trong mình, hiểu được rằng cuộc hôn nhân của bố mẹ bạn dừng lại không đồng nghĩa với việc hôn nhân trong tương lai của bạn cũng như vậy, bạn sẽ nhìn tình yêu theo một cách rất khác và trái tim sẽ rộng mở hơn để yêu và được yêu.

Khi nào nên dừng lại?

Khi việc đối diện với nỗi sợ trở nên quá cực đoan và bạn mất đi sự ổn định tâm lý, có lẽ bạn cần xem xét việc dừng lại, thôi không mổ xẻ phân tích nỗi đau căn nguyên đó nữa. Đôi khi chấp nhận sống chung với một số nỗi sợ không phải là thất bại, chúng vẫn ở đó nhưng ngủ yên và ta thì có thể tìm được sự bình an trong tim mình.

Suy nghĩ cuối

Về nỗi sợ cơ bản, mình vẫn còn sợ bơi - không phải là sợ nước, mà là sợ cảm giác nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Hơi kỳ lạ phải không, nhưng nó đến từ trải nghiệm tuổi thơ ở sông Hương, có dịp mình sẽ kể.

Về nỗi sợ cá nhân, mình vẫn còn sợ thể hiện giọng nói và xuất hiện trước camera - cái này đơn giản, mình nghĩ là sẽ vượt qua được vì với mục tiêu cá nhân của mình thì nó là điều bắt buộc.

Về nỗi sợ tâm lý, mình có nhiều nỗi sợ về mẹ, hầu như ai cũng sợ có chuyện xảy ra với người thân của mình đúng không. Sự chuyển hóa tâm thức để vượt qua được nỗi sợ này, có lẽ là nhờ tính không của đạo Phật - Không diệt không sinh đừng sợ hãi. Cái này khó, nhưng rồi cũng phải đối mặt thôi.

Còn bạn thì sao? Nỗi sợ của bạn là gì?

Mình nghĩ can đảm không phải là không biết sợ. Trái lại can đảm là dù sợ vẫn quyết định đối diện, và không để cảm giác sợ hãi kiểm soát mình. Nỗi sợ, thay vì là một rào cản, có thể trở thành người thầy dẫn dắt chúng ta đến với những thành tựu lớn hơn.

Và cuộc hành trình vượt qua nỗi sợ không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng có một điều chắc chắn mỗi bước tiến về phía trước bạn sẽ bớt sợ hơn một chút, hiểu thêm về bản thân hơn đôi chút. Đó là thứ làm nên vẻ đẹp của sự sợ hãi, khi bạn càng tiến gần về phía nó, nó lại càng mờ đi.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục