4 Bí quyết cho cuộc sống độc thân nhưng vẫn vui

Những bí kíp giúp bạn nâng cao sức khỏe tinh thần khi sống một mình.
Hiền Lê
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hơn 10% người Việt Nam đang sống độc thân. Con số này có chiều hướng tăng nhanh, đặc biệt ở nhóm tuổi 20-30. Điều này cho thấy, ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn sống độc thân bởi sự tự do, thoải mái mà nó mang lại trong tư tưởng và sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên việc sống độc thân cũng có những hạn chế nhất định, chẳng hạn như chi phí sống cao hơn. Bên cạnh đó, theo chuyên trang Everyday Health, người sống một mình có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn 80% so với người ở cùng gia đình. Điều này thể hiện rõ nhất trong thời kỳ giãn cách xã hội, khi người độc thân bị cắt giảm nhiều mối kết nối với xã hội bên ngoài.

Dù vậy, sống một mình không có nghĩa là cô đơn. Nếu lựa chọn lối sống này, bạn có thể tham khảo một số bí quyết giúp đảm bảo sức khỏe tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tìm những người bạn chung chí hướng

Con người vốn là động vật xã hội. Vì vậy dù bạn chọn sống độc thân hay không, thì việc duy trì kết nối với những người xung quanh đều quan trọng. Thiếu đi những kết nối này, chúng ta dễ rơi vào trạng thái cô đơn và không còn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Đây chính là tiền đề dẫn đến chứng trầm cảm.

Ngoài lớp học và công sở, bạn có thể kết bạn qua việc tham gia các cộng đồng theo sở thích: phòng tập gym, lớp học tiếng, câu lạc bộ thể thao hoặc các hội đồng hương. Vì đã chia sẻ ít nhất một khía cạnh trong cuộc sống, bạn sẽ dễ dàng kết nối với những người ở đây hơn. Đây cũng là bí quyết “sống còn” giúp bạn nhanh chóng hòa nhập khi chuyển đến một thành phố mới.

Nếu không có điều kiện hoặc thời gian ra ngoài thường xuyên, bạn cũng có thể chọn cộng đồng sinh hoạt trực tuyến. Theo The Guardian, số lượng câu lạc bộ sách (book club) trực tuyến tăng lên đáng kể trong thời kỳ giãn cách do COVID-19. Các cộng đồng này hấp dẫn nhờ tính đơn giản, xuyên biên giới và miễn phí mà vẫn mang lại tương tác chất lượng.

Lựa chọn những sở thích “solo”

Sở thích là kênh kết bạn hiệu quả, đặc biệt nếu bạn chơi những môn thể thao đồng đội như bóng đá hay bóng rổ. Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng, những sở thích mang tính tập thể này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn nếu thời tiết xấu hay giãn cách xã hội, các bạn sẽ không thể gặp nhau và tập luyện.

Vì vậy dù là người hướng ngoại hay hướng nội, bạn nên có ít nhất một sở thích thực hiện được một mình mà không phụ thuộc vào ai. Có nhiều hoạt động bạn có thể lựa chọn: chơi nhạc cụ, làm thủ công, nấu ăn, đọc sách hay đi du lịch.

“Du lịch” không có nghĩa bạn phải đến một thành phố hay quốc gia khác. Bạn hoàn toàn có thể tự tham quan những viện bảo tàng, công viên hay quán cafe ít người biết trong thành phố của chính mình. Việc khám phá ra những “viên ngọc quý” này sẽ mang lại cho bạn lượng dopamine không hề nhỏ.

Thiết lập chế độ sinh hoạt hợp lý

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), người độc thân có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn 25% so với người kết hôn. Những người độc thân sau 50 tuổi cũng được ghi nhận có hệ miễn dịch kém và chất lượng giấc ngủ thấp hơn. Một phần nguyên nhân do người độc thân thường ăn uống và nghỉ ngơi không điều độ, đặc biệt nhóm tuổi 20-30.

Do đó, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ này bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để duy trì tinh thần phấn chấn và sảng khoái.

Việc sống khỏe không nhất thiết phải đi kèm một chế độ ăn kiêng hay tập luyện nghiêm ngặt. Bạn có thể bắt đầu đơn giản bằng cách tự nấu cơm mang đi làm thay vì gọi đồ ăn ngoài thường xuyên. Phương pháp này không những tiết kiệm, mà còn giúp bạn kiểm soát những gì mình đưa vào cơ thể và điều chỉnh khi cần thiết.

Về tập luyện, bạn tham khảo yoga, đi bộ hay chạy bộ - những bài tập đơn giản bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện. Dần dần, bạn sẽ hình thành thói quen lành mạnh giúp cơ thể sản sinh endorphin - một hormone giúp tinh thần phấn chấn. Và giấc ngủ cũng quan trọng không kém - bạn nên đảm bảo mình ngủ ít nhất 7 tiếng/ngày.

Lên kế hoạch sẵn cho những khi tâm trạng tồi tệ

Khi bạn gặp chuyện không như ý, tâm trạng tồi tệ có thể sẽ kéo dài từ một đến vài ngày, thậm chí lâu hơn. Đây là điều không thể tránh khỏi, và sẽ càng khó khăn nếu bạn sống một mình và không có ai cùng trò chuyện chia sẻ.

Nhưng thay vì phản ứng thụ động khi biến cố đến, bạn có thể chuẩn bị sẵn một checklist các phương pháp đối phó với nó. Việc này giúp bạn tăng khả năng kiểm soát tình huống, đồng thời tránh sa đà vào các cơ chế đối phó tiêu cực (nghiện rượu, hút thuốc hay ăn uống vô độ). Để chuẩn bị ứng phó với những ngày tồi tệ, bạn tham khảo một số “chiến lược” sau:

Tạo sẵn một playlist nhạc hoặc list phim để cày

Cày phim là điều nhiều người làm khi buồn và không biết làm gì. Nhưng khi thấy một rừng phim đủ thể loại trên Netflix, não dễ bị gánh nặng quyết định và cuối cùng chọn đại một bộ. Nếu đó là phim hài vui vẻ thì không sao; nhưng nếu là phim buồn hoặc u tối, nó có thể khiến tâm trạng bạn tệ thêm.

Vì vậy, cách tốt nhất là nghiên cứu và tạo sẵn một danh sách các phim có nội dung phù hợp để “cày” khi không vui. Tương tự, bạn có thể tạo list nhạc hoặc podcast cho những thời điểm trên.

Dành riêng một khoản tiền để xoa dịu cảm xúc

Việc xả stress bằng mua sắm hay ăn uống không sai, miễn là bạn không sa đà quá mức. Nhờ sự tiện lợi của thẻ tín dụng và các hình thức thanh toán điện tử, không ít người đã “vung tay quá trán” khi gặp chuyện không vui.

Giải pháp cho vấn đề này là bạn trích riêng một khoản trong thu nhập hàng tháng. Bạn có thể tiêu nó vào bất kỳ hoạt động nào khiến bạn cảm thấy tốt hơn, miễn là không trái pháp luật.

Luôn có điều gì đó để trông chờ

Người đang hẹn hò luôn có một điều để trông đợi, chẳng hạn như một buổi hẹn lãng mạn hay một chuyến đi xa cùng người thương. Người độc thân thiếu đi điều này, nhưng không vì thế mà cuộc đời họ thiếu đi những điều ý nghĩa.

Bạn có thể lên lịch cho một sự kiện mà bạn muốn tham gia, một chuyến đi chơi xa hay thậm chí một ngày “hẹn hò” riêng với bản thân. Có rất nhiều nhà hàng và quán cafe có khu vực riêng cho người đi một mình, nên bạn không cần quá ngại. Khi luôn có một điều để trông chờ, bạn sẽ bớt suy nghĩ tiêu cực và vượt qua cảm giác cô đơn khi sống một mình.

Lập danh sách liên lạc khẩn cấp

Đây là phương pháp nhiều chuyên gia áp dụng cho các bệnh nhân trầm cảm. Bởi khi tâm trạng xuống dốc, họ có thể có suy nghĩ tự hại. Trong những lúc này, điều họ cần nhất là được lắng nghe và tương tác với một người khác, dù chỉ qua giọng nói.

Vì vậy, mỗi bệnh nhân trầm cảm đều có một danh sách liên lạc khẩn cấp (emergency contact) để có thể “cầu cứu” họ bất kỳ lúc nào. Dù không bị trầm cảm, chúng ta cũng có thể làm điều tương tự, đặc biệt khi sống một mình. Bạn nên chọn ra ít nhất 2-3 người bạn tin tưởng (bạn bè, người thân) và thông báo trước với họ về vấn đề này.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục