5 Bài học sáng tạo và sự nghiệp từ phim The Playlist

Dù khá cliché nhưng ta khó mà chê bộ phim về đế chế Spotify vừa ra mắt trên Netflix.
Phan Chung
Nguồn: The Playlist/Netflix

Nguồn: The Playlist/Netflix

The Playlist là một mini series nửa tài liệu, nửa hư cấu về sự ra đời, thành công và những thách thức của Spotify. Lấy cảm hứng từ danh sách phát (playlist,) vốn là lợi điểm bán hàng độc nhất của Spotify, series có cấu trúc thành 6 tập phim. Mỗi tập, The Playlist đi sâu vào lột tả đam mê, điểm sáng, góc tối, đấu tranh…. từng nhân vật tạo nên dịch vụ nghe nhạc trực tuyến số 1 này.

Dù câu chuyện và cách kể chuyện của The Playlist khá cliché nhưng ta khó mà chê bộ phim này. Nó vừa mang nét chân thực của một phim tài liệu vừa có sự cài cắm của thể loại tiểu sử, hư cấu. Không có những drama động trời, cũng chẳng mấy tình tiết hồi hộp, The Playlist giống như một "danh sách phát" mà ta cứ xem tập này qua tập khác.

Trên tất cả, đây không phải là 1 bài review hay phân tích phim The Playlist, nhưng là điều tôi học được hay củng cố thêm niềm tin về nghề viết, sáng tạo, sự nghiệp trong quá trình làm việc.

Lưu ý: Phần dưới đây có thể tiết lộ nội dung phim. Cân nhắc trước khi đọc để có trải nghiệm xem phim tốt nhất.

1. Đột phá đến từ những điều nhỏ nhặt

Chúng ta là những đứa trẻ lớn lên trong thời đại Internet, khi MTV vẫn còn ảnh hưởng làng nhạc nhưng Pirate Bay và “thần chú” thí chủ có link Torrent không? trở nên phổ biến. Có lẽ tôi và bạn nằm trong đại đa số những người lên Pirate Bay để tải nhạc và phim thay vì tìm ra một ý tưởng để lan truyền các sản phẩm văn hóa đại chúng, đặc biệt là âm nhạc tiện lợi hơn.

Nhưng Daniel Ek (Edvin Endre), Co-Founder và CEO của Spotify thì khác. Trước khi bắt tay tạo nên Spotify, anh đã thay đổi những điều nhỏ nhặt trong thuật toán khiến nhà trường bực bội, Google “giận tím người.”

Tập 1, The Vision, cho ta thấy Daniel có niềm yêu thích âm nhạc và niềm đam mê công nghệ. Cùng với đó, anh còn có sự cảm nhận tốt về thời đại nhạc số sắp đến, dù nó chưa thực sự diễn ra. Từ đó, anh đã tạo ra một ý tưởng về trình phát nhạc trực tuyến và miễn phí, cách Pirate Bay làm “một nửa” trước đó.

Tất nhiên Spotify và Pirate Bay là hai thứ hoàn toàn khác biệt. Spotify đột phá bởi không phải tải về, không khó tìm kiếm, nguồn nhạc đa dạng và trải nghiệm tức thời. Nhưng nếu không có “nguồn cảm hứng” từ Pirate Bay, khó mà tưởng tưởng được Daniel Ek có thể tạo ra Spotify vào năm 2006 để rồi thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc như hiện nay.

Hay như ở tập 3, The Law, chỉ một thay đổi nhỏ trong cách tư duy về sắp xếp bài hát của Petra Hansson (Gizem Erdogan) đã có thể giúp Spotify chuyển bại thành thắng. Ý tưởng tạo ra playlist của riêng mình sau này trở thành một trong những selling-point (lợi điểm bán hàng độc nhất). Và ngạc nhiên chưa: Petra là một luật sư, người vốn quy củ và nguyên tắc lại có những sáng tạo độc đáo đến vậy.

Virgil Abloh, nhà thiết kế thời trang người Mỹ gốc Ghana từng nói, "thay đổi 3% là đủ để tạo sự khác biệt." Bộ phim The Playlist càng giúp chúng ta giúp củng cố niềm tin này.

Mọi sáng tạo, đột phá khác biệt có thể đến từ những việc rất nhỏ. Vì thế, thay vì đuổi theo những thứ "treo ngược cành cây", ta hãy bắt đầu sáng tạo từ những chất liệu gần gũi nhất.

2. Hãy làm phần việc được giao như là người giỏi nhất

Đúng như Daniel Ek từng nói rất nhiều lần trong suốt bộ phim, những người gầy dựng nên Spotify là những thiên tài. Ở mỗi tập, ta được biết về câu chuyện của một thiên tài trong số đó.

Daniel có tầm nhìn, Andreas là thiên tài về lập trình, Petra là “sát thủ” mảng luật/pháp chế, hay Martin Lorentzon giỏi kinh doanh và thương lượng...

Tuy nhiên, The Playlist không chỉ tập trung kiến tạo hay kể chuyện về những thiên tài vĩ đại, hay làm phim để vinh danh những đóng góp của họ. The Playlist cho chúng ta thấy một điều quan trọng, hãy làm việc mình được giao một cách giỏi nhất.

Ví dụ như ở tập 4, The Coder, câu chuyện xoay quanh lập trình viên thiên tài Andreas Ehn đã miêu tả ý tưởng này rõ nhất. Andreas luôn bị đẩy đến những tới hạn bắt buộc phải nhanh hơn, đột phá hơn, hiệu quả hơn. Anh làm việc mà anh giỏi nhất, đặt toàn bộ niềm tin và sự sáng tạo vào đó.

Nhà văn Neil Gaiman đã từng chia sẻ, ta được thuê làm 1 điều gì đó đơn giản là ta đã được thuê để làm. Ở Andreas, anh cũng hiểu rõ hơn ai hết về điều này. Anh làm việc mình giỏi nhất và cũng học được bài học làm tốt nhất những thứ được giao.

Cách Andreas tìm giải pháp, cân bằng và hiểu được vị trí (và vị thế) của mình trong bộ máy Spotify đã giúp anh đạt được thành công trong chính niềm đam mê của mình. Đó là một nền tảng trực tuyến nghe nhạc miễn phí mượt mà nhất, có thiết kế đẹp nhất, tối ưu nhất cho người dùng.

Và câu chuyện của Andreas Ehn dạy cho chúng ta, vẫn chưa dừng lại ở đó.

3. Hãy rời đi đúng lúc

Có thể tập 4, The Coder, đã dành nhiều hơn tình cảm của tôi; hoặc có thể, câu chuyện của Andreas Ehn đã thu hút nhiều sự quan tâm đến vậy. Và thêm một bài học nữa, tôi được Andreas Ehn chỉ dạy.

Andreas ta là một kẻ cô đơn, có phần kỳ cục. Chính anh ta cũng nhận ra điều đó từ rất sớm. Andreas biến nỗi cô đơn thành thế giới, nơi anh ấy tập trung vào lập trình, tạo nên những điều đẹp đẽ.

Cũng chính Andreas đã người theo đuổi lý tưởng đến cùng, và không chịu thỏa hiệp so với những người sáng lập nên Spotify. Anh ấy muốn tạo ra Spotify miễn phí và không bao giờ đánh mất lý tưởng này. Anh có thể cãi lại sếp, thù địch với đồng nghiệp, bởi anh không muốn và không thể đánh đổi.

Andreas miệt mài làm việc để đuổi theo lý tưởng của mình, thay vì một chức tước hay giàu sụ trên một đống của cải trù phú. Và ở cuối tập 4, Andreas đã chọn rời đi sau khi đọc lời nhắn của bạn gái. Anh đưa ra quyết định và anh lựa chọn bạn gái của mình. Andreas từ bỏ Spotify.

Cảnh phim Andreas và bạn gái ở sân bay chuẩn bị đi đến Singapore được làm mờ, với sự dịu dàng và âu yếm cho ta thấy một điều đẹp đẽ khác. Chọn rời đi không phải là thất bại hay mệt mỏi mà để đánh giá lại những ưu tiên trong đời mình.

Chúng ta cứ mãi đuổi theo một thứ nào đó trên con đường sự nghiệp, mà đôi khi vô tình bỏ quên những người thương yêu hay những bình dị đời thường?

Và ở tập 5 (The Partner) chúng ta chứng kiến một sự rời đi khác. Martin Lorentzon, đồng sáng lập của Spotify đã bị chính người tin tưởng nhất buộc rời bỏ. Martin có thể đau buốt và tiếc nuối nhưng chính anh cũng hiểu phận sự của mình đã xong, và đã đúng thời điểm để rời đi.

4. Có thể bị người khác hiểu nhầm, thù địch nhưng đừng từ bỏ lý tưởng

Một trong những cái hay của The Playlist là sự lặp lại của một số điểm mốc trong phim nhưng dưới nhiều góc nhìn nhân vật (POV) khác nhau. Nó không tạo ra hiệu ứng Rashomon, nhưng cho thấy quan điểm của từng nhân vật trong cùng 1 vấn đề hay câu chuyện.

Điều đó cũng cho ta thấy những va chạm, xung đột về quan điểm, lợi ích, lý tưởng giữa các nhân vật. Và từ đó, ta cũng nhận ra một bài học rất quý giá: Bị người khác hiểu nhầm, ghét bỏ, hay thù địch nhưng đừng từ bỏ lý tưởng của chính mình.

Lấy ví dụ như ở tập 3, The Law, Andreas Ehn kết tội luật sư Petra Hansson đã phá hỏng Spotify ngay tại tiệc ra mắt Spotify. Tuy không vừa lòng với quan điểm của Andreas nhưng có lẽ thẳm sâu Petra đã rất tự tin với những gì mình làm được.

Và Petra cũng hiểu rõ nhất, chính cô là người mở cánh cửa để Spotify chào thế giới chứ không chỉ với những người sáng lập ra nó gồm Daniel, Martin hay Andreas.

Xuyên suốt bộ phim, các nhân vật khác cũng phải vật lộn với điều này nhưng đều tìm cách trụ vững vì lý tưởng của bản thân. Daniel Ek là ví dụ tiêu biểu nhất. Anh bị “tấn công” bởi Per Sundin (Uld Stenberg đóng,) người làm nghề lâu năm ở một hãng ghi âm chưa chịu đổi mới. Anh bị người bạn thân, nữ nghệ sĩ Bobbi T thù địch. Anh phải điều trần trước các cáo buộc…

Cảnh cuối The Playlist còn cho thấy rằng, dù bị hiểu nhầm hay ghét bỏ, Daniel vẫn tin vào lý tưởng của mình. Daniel “sống chết” với Spotify bởi đó còn là động lực thúc đẩy anh ta đạt đến con người mà mình mong muốn.

5. Trên con đường đuổi theo lý tưởng, đôi lúc ta đánh mất chính mình (nhưng không sao cả)

Spotify bắt đầu từ một ý tưởng đột phá và “kết thúc” ở một mô hình kinh doanh. Ở đó, công nghệ trở thành “vũ khí quan trọng” để giành chiến thắng áp đảo trên thị trường. Trên con đường theo đuổi ý tưởng đó, đôi lúc những nhà lãnh đạo của Spotify đã “đánh mất” chính mình.

Mỗi nhân vật trong The Playlist đều dạy chúng về việc sáng tạo, đánh đổi, thỏa hiệp trên con đường sự nghiệp. Điều cuối cùng không phải là cái tôi chiến thắng mà là ý tưởng được hiện thực, và những mục tiêu mà ta hướng tới được hoàn thành.

Dù đôi lúc đánh mất mình, thì chính ý tưởng khiến ta khởi đầu chính là sao bắc đẩu dẫn lối ta vào hành trình tiếp theo.

Các "nhân vật lớn" của Spotify cũng dạy chúng ta về việc phát triển và thích ứng với thời cuộc, cũng như cân bằng các mối quan hệ trong môi trường làm việc. Một người cứng đầu như Daniel Ek đã chịu thỏa hiệp cho những mục đích lớn hơn. Anh cũng dạy chúng ta không có giá trị nào là bất biến duy chỉ ý tưởng ban đầu là vẫn luôn ở đó.

Nếu Andreas chọn rời đi thì Daniel Ek vẫn tiếp tục đến cùng. Anh ta có lúc đánh mất chính mình nhưng anh ta không rời bỏ Spotify. Như chính lời Daniel Ek đã nói với Bobbi ở cuối phim, mọi thứ đã có thể khác đi nhưng nó vốn đã là như thế. Dù sao đi nữa, anh cũng sẽ tiếp tục khiến Spotify phát triển.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục