Hiệu ứng Rashomon - Có bao nhiêu “sự thật” trong một sự việc? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
30 Thg 05, 2022
Tâm Lý Học

Hiệu ứng Rashomon - Có bao nhiêu “sự thật” trong một sự việc?

Điều gì khiến một sự việc được kể theo nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí “đá nhau chan chát”?
Hiệu ứng Rashomon - Có bao nhiêu “sự thật” trong một sự việc?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Những ngày gần đây, dư luận hướng sự chú ý về vụ việc bạo lực học đường xảy ra tại trường quốc tế ISHCMC-AA tại TP.HCM. Cụ thể vào ngày 27/05, chị T.H.T đăng tải 1 livestream khẳng định con mình là O. cùng 3 học sinh khác bị đánh ngay trong khuôn viên trường.

Đáng chú ý, có nhiều người liên quan đến vụ việc đưa ra những góc nhìn khác nhau. Bạn của K. (em học sinh bị cho là đánh con chị T.) khẳng định O. là người khiêu khích trước và K. chỉ đáp trả. Một người trong cuộc khác cũng cho rằng chị T. đã nói nhiều chi tiết không đúng sự thật trên livestream. Bên cạnh đó, cộng động mạng cho rằng trường ISHCMC-AA đã không xử lý triệt để bạo lực học đường, khiến nhiều học sinh và giáo viên khác của trường bị công kích dữ dội.

Vì sao lại có nhiều quan điểm khác nhau đến vậy xung quanh một sự kiện? Phải chăng trong những vụ tranh cãi, mỗi người chỉ nhìn thấy một sự thật cho riêng họ? Hiệu ứng Rashomon chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Hiệu ứng Rashomon là gì?

Hiệu ứng Rashomon là hiện tượng xảy ra khi một sự kiện được các cá nhân liên quan diễn giải theo nhiều cách khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Tên của hiệu ứng được đặt theo một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Nhật Bản Akiro Kurosawa năm 1950. Phim xoay quanh vụ án một samurai bị giết chết và lời khai báo của 4 người liên quan - vợ anh, tên cướp Tajomaru, người tiều phu qua đường và bản thân linh hồn người samurai hiện về qua phép lên đồng. Điểm tương đồng duy nhất trong lời khai của họ là người samurai đã chết và Tajomaru đã hãm hiếp vợ anh. Còn những chi tiết khác, đặc biệt vì sao samurai lại bị giết và tại sao Tajomaru lại cưỡng hiếp, thì mỗi người lại kể một kiểu.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, chúng ta có tích “thầy bói xem voi” cũng mang ngụ ý tương tự. Năm ông thầy bói mù đi xem voi nhưng lại chạm vào các bộ phận khác nhau, nên miêu tả con voi theo những cách khác nhau dẫn đến xích mích.

Vì sao hiệu ứng Rashomon xảy ra?

Ảnh hưởng của thiên kiến vị kỷ

Theo hai nhà tâm lý học Michael Ross và Fiore Sicoly, thiên kiến vị kỷ (egocentric bias) là xu hướng chúng ta đề cao quan điểm của bản thân hơn thực tế. Nó được hình thành từ trải nghiệm cá nhân và nhu cầu muốn thỏa mãn cái tôi của chúng ta, do đó ảnh hưởng lớn tới quá trình hình thành ký ức về một sự kiện trong quá khứ.

Nói cách khác, trong quá trình hồi tưởng lại sự kiện, chúng ta có xu hướng thuật lại nó dưới góc độ có lợi nhất cho mình. Trong nhiều trường hợp, ta kể lại sự việc dựa trên những gì mình biết hoặc chứng kiến, và điều đó không thể hiện bức tranh toàn cảnh của vấn đề.

Ảnh hưởng của áp lực xã hội

Theo chuyên gia giáo dục Sheila Orfano, hiệu ứng Rashomon thường xảy ra trong hai trường hợp: Thiếu bằng chứng xác nhận điều gì thực sự xảy ra, và có áp lực phải đưa đến kết luận cuối cùng. Vụ bạo lực học đường tại trường ISHCMC-AA thiên về trường hợp thứ hai, khi áp lực này đến từ cả nhà trường, phụ huynh và cộng đồng mạng.

Đặc biệt trong bối cảnh sự việc đi quá xa, não bộ có thể kích hoạt phản ứng chiến-hay-chạy (fight-or-flight mode). Điều này dễ khiến người ta tìm cách nói dối để giảm sự bất lợi cho mình xuống mức thấp nhất có thể, khiến sự việc trở nên phức tạp hơn.

Ứng dụng của hiệu ứng Rashomon

Trong phim ảnh và văn hóa đại chúng

Hiệu ứng Rashomon được nhiều nhà văn và biên kịch áp dụng trong xây dựng cốt truyện. Theo nhà làm phim Kyle DeGuzman chia sẻ trên Studio Binder, nó được thể hiện qua 3 yếu tố:

Thứ nhất, mâu thuẫn (conflict): Một câu chuyện được kể trên những góc nhìn trái ngược của những nhân vật khác nhau. Điều này giúp tạo ra mâu thuẫn, hoặc đẩy mâu thuẫn sẵn có lên cao trào.

Thứ hai, người kể chuyện không đáng tin (unreliable narrator): Ví dụ điển hình là kẻ gây tội ác và muốn che giấu sự việc, hoặc một người qua đường kể lại những gì họ nhìn thấy.

30may2022amydunnejpg
Trong Gone Girl, Amy giết chết bạn trai cũ Desi rồi bước ra với cơ thể đầy máu. Cô còn chỉnh camera an ninh của Desi khiến mọi người tưởng anh bắt cóc và hãm hiếp cô. | Nguồn: Gone Girl

Thứ ba, kết mở hoặc mơ hồ (ambiguous ending): Cái kết mở cho những câu chuyện “nhiều chiều” khiến khán giả phải tự suy ngẫm và chiêm nghiệm bộ phim theo cách của riêng mình. Điều này khác với những bộ phim được kể theo một góc nhìn, đưa đến một thông điệp chính xuyên suốt.

Những bộ phim đã áp dụng thành công hiệu ứng Rashomon gồm Hero (2002), Vantage Point (2008) và Gone Girl (2014).

Trong pháp luật - hình sự

Hiệu ứng Rashomon đã chỉ ra một “điểm mù” trong việc sử dụng nhân chứng ở các vụ án. Khó có thể đảm bảo nhân chứng khai đúng những gì họ thấy hoặc biết, mà không bị tác động bởi động cơ nào khác.

Thậm chí trong nhiều trường hợp, nhân chứng không muốn trục lợi cho bản thân hay bảo vệ cho kẻ tình nghi, nhưng họ muốn tránh những rắc rối có thể ảnh hưởng đến mình. Và điều này cũng có thể làm ảnh hưởng đến cách họ hồi tưởng và tường thuật sự việc.

Việc nhân chứng đưa ra cái nhìn không chính xác có thể dẫn đến kết tội oan người khác. Như trong phim Miracle in Cell no. 7 (2013), nhân vật Yong-gu khi cố gắng hô hấp nhân tạo cho bé gái vừa bị ngã đã bị một người qua đường hiểu nhầm là cưỡng hiếp, và bị kết án tử hình oan ức.

30may2022miracleincellno72jpg
Vì bị người qua đường hiểu nhầm là cưỡng hiếp, nhân vật Yong-gu đã bị kết án tử hình oan ức. | Nguồn: Miracle in Cell No. 7

Làm sao để giữ cho mình “một cái đầu lạnh” trước hiệu ứng Rashomon?

Trong thời đại của thông tin vô hạn mà internet cung cấp, ta rất dễ trở thành những “chiến binh công lý” hay “anh hùng bàn phím” mà không biết. Trước những sự việc như vậy, ta nên dành thời gian tìm hiểu nó một cách tổng quát và tự phản ánh trải nghiệm của chính mình.

Bằng cách này, ta có thể nhận ra ẩn ức trong mình để tránh bị “dắt mũi” theo bất kỳ luồng thông tin nào. Cuối cùng, trong mọi cuộc tranh luận, chúng ta chú ý giữ cho mình một cái đầu lạnh để tham gia bình luận một cách văn minh, khách quan nhất có thể.