A Quiet Place: Day One - Bộ phim làm bạn thót tim bằng sự im lặng
A Quiet Place: Day One (Vùng đất câm lặng: Ngày một) là tiền truyện, đồng thời cũng là phần thứ ba của thương hiệu điện ảnh A Quiet Place. Phim xoay quanh nhân vật Sam (Lupita Nyong'o) - người phụ nữ mắc bệnh ung thư đang chán chường, bất mãn với cuộc đời.
Trong một lần xuống trung tâm New York để xem kịch rối cùng các bệnh nhân ở viện điều dưỡng, Sam chứng kiến cơn mưa thiên thạch rơi xuống phá hủy thành phố, kéo theo bầy đàn quái vật ghê rợn ăn thịt con mồi trong tích tắc mỗi khi nghe thấy tiếng động.
Cùng với chú mèo trị liệu và người bạn đồng hành Eric (Joseph Quinn), Sam tìm cách vượt qua bầy đàn quái vật để thực hiện ước mơ trước khi qua đời - ăn pizza tại cửa hàng nhiều kỷ niệm, ghi dấu ký ức của cô với người cha quá cố.
A Quiet Place: Day One phát huy những thế mạnh sẵn có từ thương hiệu nổi tiếng, nhưng vẫn để lại ấn tượng riêng nhờ cách xử lý khéo léo của đạo diễn Michael Sarnoski, người đứng sau thành công của Pig, và mới đây nhất là IF (Imaginary Friends).
Tại Việt Nam, phim được giới thiệu với tựa đề Giữ miệng giữ mạng và đang được chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.
Im lặng hay là chết?
A Quiet Place: Day One đưa người xem vào hành trình khám phá nỗi sợ hãi của con người bằng sự im lặng gần như tuyệt đối. Phim không và cũng không cần lạm dụng jump-scare (hù doạ bất ngờ), vì mỗi bước đi, hơi thở… của nhân vật đều mang đến cảm giác hồi hộp.
Trong thời đại công nghệ phát triển hiện đại, việc tạo ra những sinh vật siêu nhiên hay quái vật kinh tởm không còn là điều khó khăn. Song, làm sao để mang những sinh vật này lên phim và tận dụng hiệu quả mới là bài toán thách thức.
Giống như hai phần trước, đám quái vật khát máu trong bộ phim của đạo diễn Michael Sarnoski vẫn sở hữu tạo hình to lớn, gớm ghiếc, cùng khả năng truy đuổi con mồi đáng sợ. Mỗi lần ăn thịt con mồi của chúng là những lần gieo rắc nỗi kinh hoàng trên màn ảnh.
Bộ phim vẫn dùng sự im lặng làm yếu tố dẫn dắt chủ đạo trong câu chuyện, nhưng phim còn lồng ghép khéo léo những phân đoạn các nhân vật trò chuyện với nhau dưới màn mưa, trong tầng hầm… Các phần thoại này mang tới sự cân bằng cho nhịp phim, khiến khán giả được “thở ra” sau khi kìm nén vì căng thẳng trong quá trình các nhân vật im lặng chạy trốn kẻ thù.
Bên cạnh đó, việc các nhân vật trong phim không được trang bị trước những kỹ năng chiến đấu với quái vật như gia đình nhà Abbott trong hai phần phim đầu khiến khán giả tò mò. Liệu trong hoàn cảnh sinh tồn khắc nghiệt, Sam và cộng sự có thể tìm được những phương án thông minh để bảo toàn sinh mạng?
Tình yêu thăng hoa giữa thảm kịch
Trong bối cảnh hoang tàn của thành phố New York, ta thấy những con người nhỏ bé, đáng thương không chỉ phải vật lộn với đám quái vật khát máu (yếu tố bên ngoài) mà còn có những cuộc chiến bên trong với chính mình.
Hiểu theo một cách nào đó, đám quái vật cũng tượng trưng cho sự khắc nghiệt, khó khăn của cuộc sống thường nhật, nơi con người luôn có những nỗi đau, áp lực không thể tránh khỏi. Với Sam, đó là căn bệnh ung thư hành hạ, là nỗi nhớ cha khôn nguôi, là ước mơ đơn giản được ăn pizza tại cửa hàng yêu thích nhưng hoá ra lại rất khó thực hiện.
Tuy nhiên, giữa hoàn cảnh thảm khốc, sự kết nối của Sam và Eric trở thành ngọn lửa ấm áp, giúp cả hai tìm thấy hy vọng. Để rồi, sau hành trình gian nan ấy, Sam từ một người luôn cau có với mọi thứ xung quanh trở thành cô gái biết trân trọng những gì mình đang có.
Cô học được cách mở lòng, quan tâm tới người khác, và thậm chí học được cả thái độ bình thản khi đối diện với cái chết. Như cái cách cô ung dung đi giữa con đường hiu quạnh với chiếc radio bật bài hát yêu thích, miệng cô lẩm nhẩm hát, ánh mắt cô toát lên sự vui vẻ, hân hoan, bất chấp đằng sau lưng là quái vật chờ đợi.
Nếu như ở hai phần trước, tình cảm gia đình là điều phim nhấn mạnh, thì sang đến phần này, tình bạn bè, đồng chí và (có thể) là cả tình yêu trở thành yếu tố quan trọng giúp A Quiet Place: Day One có chiều sâu, vượt ra khỏi một tác phẩm giải trí đơn thuần.
Phim truyền tải thông điệp: Tình yêu thương giữa con người với con người vẫn luôn là sợi dây kết nối, là liều thuốc chữa lành, là thứ vitamin cảm xúc và năng lượng nhất, giúp mỗi chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc đời.
Màn trình diễn của tượng vàng Oscar Lupita Nyong'o
Điểm nhấn diễn xuất của A Quiet Place: Day One thuộc về chủ nhân tượng vàng Oscar 2014 Lupita Nyong'o. Trong vai một người phụ nữ trẻ mắc căn bệnh ung thư, chẳng cần hé lộ nhiều về quá khứ nhân vật, nữ diễn viên vẫn cho ta thấy nỗi khổ đau, sự chán chường, tuyệt vọng của một người biết mình sắp chết trong giai đoạn đầu.
Bằng chất giọng điềm tĩnh của Lupita Nyong'o, ta thấy Sam hiện lên là một người giàu nghị lực, có sự thông minh, nhạy bén, biết cách dẫn dắt các nhân vật khác. Nhưng ẩn sau bên trong, cô có một quá khứ nhiều tổn thương, lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm sau cái chết của người cha mình thương yêu nhất.
Tuy nhiên, sự nổi bật của nữ diễn viên cũng là nguyên nhân khiến các nhân vật phụ khác trở nên mờ nhạt. Kể cả Eric, anh cũng không được giới thiệu rõ ràng về hoàn cảnh xuất thân, quan điểm sống, hay lý do thực sự muốn đồng hành cùng Sam.
Nhìn chung, A Quiet Place: Day One là phần tiền truyện sáng giá, giữ vững tinh thần thương hiệu, cũng như đem tới chiều sâu trong thông điệp gửi gắm. Với cái kết mở, thương hiệu này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được khai thác trên màn ảnh và đem tới cho khán giả toàn thế giới nhiều điều hứa hẹn.