“Ăn nhậu cũng là một khoản đầu tư”
Trong khi nhiều đứa trẻ đồng trang lứa thu hút bởi hoạt hình, Thái Phan lúc ấy lại có cho mình tình yêu đặc biệt đến phim Hồng Kông về… chủ đề chứng khoán. Từ đây, sở thích thuở nhỏ lớn dần và trở thành một trong những động lực phát triển sự nghiệp của Thái Phan phiên bản “đa nhiệm” hiện tại.
Sau nhiều vị trí chuyên viên, quản lý thuộc lĩnh vực ngân hàng và vận tải, anh Thái Phan hiện đang giữ vị trí Country Launcher cho Xendit (một công ty về fintech) tại thị trường Việt Nam; đồng thời, là cây bút mảng kinh tế sắc bén ở nhiều trang thông tin chuyên ngành trong nước.
Nhìn lại hành trình đã qua và rộng hơn là chặng đường sắp tới, anh Thái Phan cho rằng, yếu tố giúp mình luôn hạnh phúc trên hành trình dài đi qua là vì công việc yêu thích (may mắn) liên quan nhiều đến tiền và giúp mình kiếm tiền. Nhờ đó, sự mưu sinh với anh không phải là chạy hối hả theo những mục đích phù phiếm mà là quá trình làm việc bằng chính đam mê của mình.
Suy nghĩ thú vị này được anh Thái Phan chia sẻ đến Vietcetera vào một buổi trò chuyện cùng The Money Date đầu tháng 12.
1. Một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống mà trường học không dạy?
Đó chính là kỹ năng "thoát vỏ" dành cho người hướng nội trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Anh vốn là một người sống khá nội tâm (introvert), do đó khi đặt trong bối cảnh công việc yêu cầu nhiều sự tương tác để giải quyết vấn đề như ngân hàng - môi trường làm việc đầu tiên và cũng đáng nhớ nhất với anh, anh buộc phải “thoát vỏ” và năng động hơn.
Cụ thể, anh bén duyên với Citibank 2 lần, một lần khi bắt đầu vị trí phát triển nhân tài vào năm 2012 và một lần làm chính thức vào năm 2017. Mỗi giai đoạn tại đây lại cho anh nhiều kinh nghiệm "thoát vỏ" khác nhau.
Với giai đoạn thực tập, đó là những sự va chạm và trải nghiệm của một “tân binh” đầy bỡ ngỡ bước vào nghề. Thời gian này cũng giúp anh hiểu hơn các thiếu sót của bản thân về việc giao tiếp như phải tạo mối quan hệ ra sao, giao tiếp cần gì để luôn thu hút... Gọi chung là các kinh nghiệm “thực chiến” trong giao tiếp - với đồng nghiệp và cả đối tác. Mỗi lần điều chỉnh tốt hơn, anh càng thêm sự sẵn sàng, tự tin.
Còn ý nghĩa của giai đoạn 4 năm rưỡi làm việc chính thức lại nằm ở việc đánh dấu bước chuyển hoá từ người sống nội tâm sang người nội tâm "linh hoạt" - có lai thêm tuýp người hướng ngoại. Lúc này, mọi chuyện không đơn giản là "đề bài" giao tiếp với nhiều người như hồi thực tập nữa.
Ở vị trí mới với nhiệm vụ lên ý tưởng và tổ chức các chương trình kinh doanh, anh còn phải học cách khơi gợi được sự giúp đỡ từ những mối quan hệ đó; đồng thời, học tập tối đa những chia sẻ, kinh nghiệm từ họ để kết quả công việc đang làm được trọn vẹn nhất.
2. Mức lương đầu tiên anh nhận được là bao nhiêu?
Với công việc đầu tiên, anh nhận được khoảng 25 triệu/tháng với chương trình phát triển nhân tài tại ngân hàng Citibank - tính vào thời điểm cách đây gần 10 năm (2012). Đây là mức lương khá phổ biến ở thời điểm đó nếu bạn là người làm việc trong ngành ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng quốc tế.
3. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau thì anh sẽ làm nghề gì?
Anh nghĩ mình vẫn sẽ chọn lĩnh vực mà mình chọn bắt đầu - ngân hàng. Đơn giản vì nó làm anh thích, vừa 'match' với mình, lại có đủ thử thách cho anh.
Thường anh sẽ đánh giá tiền lương theo 3 khía cạnh: lưu lượng công việc (scope of work, load of work), thời gian làm việc và chính sách chăm sóc (của công ty). Tất cả nhân tố này với anh đều ổn ở ngành ngân hàng cho dù mức lương thế nào đi nữa.
Cụ thể, anh không phải là người quen mưu cầu nhiều nên chỉ quan trọng nhất khối lượng việc và yếu thời gian. Tuy nhiên, bản thân chuyện làm ngoài giờ (OT) cũng đã trở thành đặc thù của ngành nên cũng không ảnh hưởng mình nhiều lắm. Cuối cùng là khối lượng việc, dù đúng là có những ngày việc khá nhiều nhưng anh nghĩ đó là do mình chưa quen tay hoặc nhiều tình huống bất ngờ nên cần thêm thời gian, do vậy những thách thức nếu có cũng không thành gánh nặng.
Với anh, thứ có thể ảnh hưởng đến việc thay đổi công việc nếu có, chỉ có thể là đam mê hoặc sở thích bản thân. Những công việc anh chọn, cả quá khứ lẫn hiện tại, đều yêu cầu sức bền và sự lạc quan nhất định trước mọi vấn đề - những thứ anh nghĩ sẽ không chán để thử hết sức mình. Chuyện lương bổng - vì thế, chỉ cần đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cơ bản và giúp anh có một khoản nhỏ tiết kiệm thì đã là lý tưởng.
4. Tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi, anh có đồng ý với quan điểm này không?
Anh không nghĩ vậy vì anh nghĩ nó còn phụ thuộc nhiều vào cách mỗi người sử dụng đồng tiền ra sao nữa. Theo anh, cách làm chú đồng tiền tốt nhất là hiểu chính mình cần gì và đừng cố gắng ghép mình vào một khuôn mẫu cụ thể.
Ví dụ có nhiều người bảo rằng ăn nhậu là vô bổ, là khoản chi phí phạm nhưng anh nghĩ đây là khoản đầu tư chính đáng - nếu bạn xác định đi với ai, để làm gì, thậm chí là câu hỏi: có làm mình vui không?
Anh thường đi ăn uống với bạn bè, nhất là những anh em từ thời đầu lập nghiệp hoặc đồng môn (cấp 3, đại học...), vì những người bạn này đem lại những sẽ chia về tình cảm, cuộc sống và cả công việc chân thành nhất, khó có được nhất. Còn với đồng nghiệp hay đối tác, những buổi ăn uống vui vẻ không chỉ giúp mọi người “xả” căng thẳng mà còn giúp những câu chuyện, những khúc mắc trở nên cởi mở hơn, nhờ đó những trao đổi về công việc hay ý tưởng kinh doanh cũng dễ dàng truyền tải, phát kiến hơn.
Nhưng cũng cần lưu ý là mọi thứ phải trong giới hạn. Nếu nói ăn nhậu mà xả láng quá thì lại thành hại. Nói chung cứ biết mình biết ta thì không lo “nhậu” kém “bổ”.
5. Trên thang điểm từ 1-10, việc tiết kiệm quan trọng ở mức nào? Vì sao?
Trên thang điểm từ 1-10 thì anh đánh giá việc tiết kiệm nằm ở mức 6 - chủ yếu dành cho gửi tiết kiệm và các khoản đầu tư sinh lời khác.
Nhiều người sẽ nghĩ đây là mức tiết kiệm khá khiêm tốn nhưng với anh là phù hợp. Lý do một phần vì anh có nhiều khoản chi hơn khi là người đã có gia đình nhỏ, mặt khác vì anh tin rằng, việc dùng tiền để thụ hưởng các nhu cầu sống hay chăm sóc gia đình bản thân cũng là một khoản đầu tư - dù nó hiện diện với hình thức chi tiêu.
Cuộc sống thoải mái hơn sẽ đem đến một tinh thần tốt hơn, gia đình hạnh phúc sẽ tạo sự yên tâm và từ đó, anh sẽ tự tin làm việc nhiều hơn mà không thấy mệt mỏi. Đơn cử như công việc hiện tại, được làm việc linh hoạt và gần gia đình hơn nên dù khối lượng việc có phần vất vả anh vẫn vui khi thấy vợ con mình vui.
6. Nếu giả sử có 100 tỷ, anh sẽ làm gì?
Vì không phải là người mưu cầu vật chất nhiều nên nếu có số tiền này, anh sẽ “mua” thời gian cho bản thân mình.
Cụ thể, 100 tỷ sẽ dành cho việc đầu tư bất động sản và chứng khoán. Tiếp đó, một phần sẽ dành cho việc mở quán Texas BBQ đúng kiểu Mỹ trong nước. Đây là ước mơ nhưng cũng là khao khát khi anh đã trải nghiệm hương vị này tại Mỹ nhưng chưa tìm được hương vị đủ sức “thoả mãn” tương tự tại Việt Nam.
Sau khi đã sắp xếp các công việc đầu tư, anh sẽ dành tổng thời gian “mua được” du lịch cho đã. Đó là 1-2 tháng “ở lì” một quốc gia nào đó để có thể trải nghiệm trọn vẹn nét đẹp đời sống của nước bạn.
7. Trong một thế giới hoàn hảo, anh sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?
Anh nghĩ là khoảng 60 tuổi. Nhiều người thích nghỉ hưu sớm vì thích “tự do tự tại nhưng anh lại khác.
Một phần vì anh thích làm việc, phần khác là vì anh luôn muốn có sự thách thức (mentally challenging). Nên nếu ở không mà không làm gì anh nghĩ sẽ rất áy náy với bản thân. Kể cả khi đã về hưu, nếu điều kiện sức khoẻ và tài chính cho phép, anh cũng hy vọng mình trở thành tay chơi chứng khoán (trader) “toàn thời gian” để có thể gắn kết với những con số, kiếm thêm thu nhập về già.
8. Nếu được hỏi Thần Đèn 1 câu bất kỳ về tiền thì anh sẽ hỏi gì?
Chắc hẳn sẽ là: ”Liệu crypto có thể thay thế hệ thống tài chính truyền thống được hay không?”. Lý do là vì anh là dân tài chính, lại đang làm việc cho một công ty fintech nên nếu câu hỏi này được trả lời sẽ vừa giúp mình có được các định hướng đầu tư cho cá nhân, đồng thời có những bước chuẩn bị cho công ty mình đang làm đứng vững những “làn sóng” tiền ảo sắp tới; đơn cử như việc các chính phủ sẽ ra mắt đồng tiền kỹ thuật số...