Andy Teh: “Công nghệ AR đang phát triển và còn lâu mới thống trị thị trường”
Hành trình đầy quyết tâm và đam mê của Andy Teh, một AR Specialist (Chuyên gia Thực tế Tăng Cường) tại Shuttlerock Việt Nam đã giúp anh gặt hái nhiều thành công trong bối cảnh kỹ thuật số liên tục phát triển.
Sau khi đại dịch bùng phát, Andy gia nhập Shuttlerock, một công ty lớn trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số trên nền tảng mạng xã hội như TikTok và Facebook. Từ vị trí Junior Motion Designer rồi thăng tiến lên vị trí chuyên gia, anh thể hiện khả năng thích nghi ấn tượng với lĩnh vực AR đầy biến động.
Trò chuyện sẻ với Vietcetera, Andy chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong cách thức xử lý phản hồi khách hàng. Xa hơn, Andy cũng chia sẻ tầm nhìn về tương lai của AR trong lĩnh vực Marketing, dự đoán những xu hướng mới và tiềm năng phát triển của công nghệ này.
AI đã ảnh hưởng đến công việc của anh thế nào?
Hiện tại, công việc của mình vẫn chưa có nhiều hình bóng của AI lắm.
Theo mình thấy, AI chưa đủ khả năng thay thế con người trong các nhiệm vụ cốt lõi. Khả năng xử lý hình ảnh 3D của AI còn hạn chế, và có lẽ sẽ còn rất lâu AI mới được làm 'vai chính' trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, AI vẫn có thể hỗ trợ xử lý các tác vụ trước khi bắt đầu dự án rất tốt.
Nguyên tắc làm việc hiệu quả của anh là?
Linh hoạt và thích ứng nhanh với mọi tình huống.
Dù làm việc theo nhóm hay ở vị trí lãnh đạo, mình luôn tin tưởng vào năng lực đồng đội và tạo điều kiện cho họ phát huy tiềm năng của mình.
Đối với những người ít kinh nghiệm hơn, mình sẽ hướng dẫn trước và khuyến khích họ nhận thức điểm mạnh của bản thân. Khi thấy họ đã sẵn sàng hoặc "gần chín tới", mình sẽ để họ tự phụ trách một dự án phù hợp. Dù là một quyết định mạo hiểm, nhưng mình đặt cược vào mắt nhìn người của mình.
Điều gì khiến Shuttlerock khác biệt so với các studio còn lại?
Thay vì sử dụng những kiểu mẫu có sẵn, Shuttlerock tự tin tạo ra những thiết kế riêng, đặc trưng cho từng thương hiệu.
Chúng mình có thể hoàn thành sản phẩm nhanh gấp 2 lần so với agency khác và giúp khách hàng tiết kiệm được 67% chi phí. Toàn bộ quy trình đều được thực hiện bởi đội ngũ của Shuttlerock.
Trong lĩnh vực AR, Shuttlerock tiên phong cung cấp dịch vụ tăng cường tương tác giữa người dùng với thương hiệu. Đây là một dịch vụ chưa phổ biến tại Việt Nam.
Nhờ các công cụ độc quyền do đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) Shuttlerock phát triển, chúng mình có thể rút ngắn quá trình sáng tạo, quản lý quá trình nộp ý tưởng, và giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra thành phẩm.
Đặt ra mục tiêu nâng cao sức ảnh hưởng tại địa phương trong năm 2024, Shuttlerock hướng tới tạo ra môi trường làm việc sôi động, đồng thời mang đến nhiều cơ hội việc làm cho nhân tài Việt Nam.
Trên phạm vi toàn cầu, Shuttlerock Việt Nam đang khai thác công nghệ AI để cung cấp các giải pháp phù hợp với mục tiêu của khách hàng. Hơn nữa, chúng mình cũng đang thúc đẩy các chương trình hợp tác để mở rộng phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng của mình.
AR có vai trò gì với ngành Marketing trong tương lai?
Theo mình, tương lai của ngành Marketing sẽ gắn liền với sự phát triển của AR. Tuy nhiên, hiện tại công nghệ này vẫn đang phát triển và còn lâu mới đạt đến mức thống trị thị trường.
Hạn chế của AI nằm ở khả năng tiếp cận công nghệ của người dùng. Các trải nghiệm AI thường được tích hợp trên điện thoại hoặc máy tính bảng, nên những ai không có các thiết bị này sẽ bị "ra rìa".
Người dùng sẽ không thể trải nghiệm AR một cách trọn vẹn nếu thiếu thiết bị chuyên dụng. Các trang bị AR hay kính VR vẫn chưa phổ biến và có tính ứng dụng cao. Quá trình kết nối thiết bị AR với đồ gia dụng cũng gặp nhiều thách thức.
Một xu hướng khác cũng được ưa chuộng là tạo video có sử dụng CGI để giới thiệu sản phẩm. Xu hướng này có tác động nhất định, nhưng có thể chỉ là xu hướng nhất thời. Dù vậy, mình tin cách thức này sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài đến các chiến lược nhận diện thương hiệu trong tương lai.
Làm việc với khách hàng hẳn với đối mặt với nhiều feedback. Anh "chiều lòng" những feedback này như thế nào?
Độ khó của việc chỉnh sửa theo feedback sẽ phụ thuộc vào giai đoạn mà khách hàng yêu cầu. Thông thường, quy trình của chúng mình gồm 3 giai đoạn:
- Phân cảnh (Storyboard): Đây là giai đoạn đầu tiên và dễ chỉnh sửa nhất.
- Demo AR: Ở giai đoạn này, chúng mình trình bày các hoạt động chính của trải nghiệm AR. Dù hơi tốn công, nhưng đây là giai đoạn phù hợp nhất để chỉnh sửa hoặc thay đổi theo ý kiến khách hàng.
- Hoàn thiện: Đây là giai đoạn tạo ra sản phẩm AR hoàn chỉnh, không lỗi. Đây là giai đoạn khó chỉnh sửa nhất, thậm chí còn khó hơn bắt đầu lại từ đầu. Lý do là vì trải nghiệm AR là một chuỗi hành động logic phức tạp, chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình.
Chúng mình sẽ đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi và tính phù hợp của feedback, từ đó đưa ra giải pháp tối ưu cho cả hai bên. Phương châm hoạt động của chúng mình rất đơn giản: "Hãy cứ làm đi" (Just do it).
Đâu là "bí quyết" để thăng tiến từ vị trí Junior lên Senior?
Bước đầu tiên là nhìn nhận được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Bạn cũng cần giữ cho mình những suy nghĩ tích cực, nhưng phải biến nó thành hành động thiết thực.
Đồng thời, để thăng tiến trong sự nghiệp thì bạn nên lập ra lộ trình phát triển và đặt mốc thời gian cụ thể, chú trọng xây dựng thương hiệu cá nhân và nắm vững kỹ năng giao tiếp.
Ngoài ra, đừng quên giữ cho mình sự khiêm tốn. Ngay cả khi đã lên vị trí senior, đừng ngủ quên trên chiến thắng mà hãy luôn mở lòng học hỏi vì không ngừng phát triển mới là yếu tố bất biến của bất kỳ thành công nào.
Lời khuyên dành cho những người muốn gia nhập Shuttlerock hoặc phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực AR?
Mình chỉ muốn nhắn nhủ rằng: “Hãy đến và thay thế tôi.”
Ngành AR luôn rộng mở những cơ hội và Shuttlerock cũng vậy. Hãy cứ mạnh dạn thể hiện kỹ năng của bạn và có thể, chúng ta sẽ gặp nhau đâu đó trên hành trình sắp tới.
Chuyển ngữ bởi Thúy An