Arrival và ngôn ngữ bí ẩn khai mở tương lai
Arrival giới thiệu thứ ngôn ngữ cho phép chúng ta thấu hiểu cả cuộc đời mình - thấu hiểu chúng ta của hiện tại và cả chúng ta của sau này.
Không giống bất cứ bộ phim khoa học viễn tưởng nào có chung đề tài, Arrival (2016) của đạo diễn Denis Villeneuve dạy cho chúng ta những khái niệm quý giá về ngôn ngữ, mối quan hệ giữa ngôn ngữ với thực tại để vẽ nên bức tranh con người giữa những huyền bí của vũ trụ và kiếp nhân sinh.
Nhận được 11 đề cử Oscar, trong đó có giải Phim xuất sắc, Arrival là một trong những bộ phim khoa học viễn tưởng ám ảnh tôi nhất trong thập niên vừa qua. Đây cũng là có lẽ là bộ phim khiến tôi nể phục đạo diễn Denis Villeneuve, cho thấy sự linh hoạt của ông trong cách làm phim và thể loại mà ông theo đuổi. 5 năm kể từ khi Arrival ra mắt, tới ngày hôm nay, khi xem lại thước phim này, tôi vẫn cảm thấy mình được khai sáng như thuở ban đầu.
Với tôi, Arrival không chỉ là một phim điện ảnh mà còn là một sự kích thích, một hệ kiến thức phức tạp, khai mở những suy ngẫm về vạn vật, về con người và khiến cho tôi không ngừng suy nghĩ về trải nghiệm của nhân vật chính.
Được chuyển thể từ truyện ngắn Story of Your Life của nhà văn Ted Chiang, Arrival là câu chuyện về một nhà ngôn ngữ học và hành trình lĩnh hội một ngôn ngữ mới khi 12 phi thuyền lạ đổ bộ xuống Trái Đất.
Cuộc sống của Louise Bank (Amy Adams) thay đổi hoàn toàn khi nhân loại lâm vào trạng thái hoang mang trước những “vị khách lạ” này. Họ từ đâu tới? Họ đến Trái Đất với mục đích gì? Liệu họ đang có kế hoạch xâm lăng hay một lời tuyên chiến? Vì sao họ không có động tĩnh gì?
Sự bất di bất dịch của những phi thuyền dấy lên một mong muốn nơi loài người: mong muốn được tìm hiểu và mong muốn được hiểu. Là một nhà ngôn ngữ học xuất chúng, Louise trở thành một trong những cái tên được chính phủ tìm đến để làm cầu nối quan trọng giữa hai giống loài chưa tìm được “ngôn ngữ chung”.
Ted Chiang đã chắp bút một câu chuyện cực kỳ hướng nội, với cách hành văn phức tạp và thiên về những học thuyết, những suy ngẫm triết học và những kiến thức chuyên môn cao. Villeneuve đã xuất sắc dàn trải truyện ngắn của Chiang lên một loại hình nghệ thuật mới: điện ảnh. Trong tác phẩm của Villeneuve, những thứ tưởng như trừu tượng và hóc búa ấy lại được kể một cách hấp dẫn và sống động qua những khung hình, song vẫn tôn trọng cấu trúc để không phá đi ý tưởng gốc và concept mà Story of Your Life đã truyền tải.
Đúng vậy. Dù là trên trang sách hay trên màn ảnh, Arrival chưa bao giờ là một bộ phim về người ngoài hành tinh, về những đề tài cũ kỹ lấy sự xâm lược làm trọng tâm. Dùng từ “arrival”, phim mang nghĩa “cuộc đổ bộ” của chủng loài bí ẩn. Nhưng nếu xét theo nghĩa “sự chạm ngưỡng”, phim chuyển trọng tâm về hành trình khám phá ngôn ngữ mới của Louise, bởi đối với nhân vật chính, đó chính là trải nghiệm tỉnh thức thay đổi cuộc đời cô hoàn toàn.
Louise Banks và niềm tin vào sức mạnh của ngôn ngữ
Theo bước tiến sĩ Louise Bank, người xem không những lần giở sự thật về cuộc đổ bộ bí ẩn của những phi thuyền ngoài trái đất, mà còn bị cuốn vào câu chuyện thu hút xoay quanh mục đích thực sự của chúng.
Cách kể chuyện của phim vẽ cho người xem bức chân dung một Louise sống hướng nội trong căn nhà trống trải. Nhưng khi đề cập đến chuyên môn ngôn ngữ học, Louise hiện lên là một nhân vật đầy sự kiên nhẫn, bền bỉ, một nhà khoa học có đạo đức và sẵn sàng đứng lên đấu tranh cho công việc của mình. Ở đây là công việc giải mã ngôn ngữ của các sinh vật Heptapod bên trong các phi thuyền.
Để những kiến thức về ngôn ngữ của Louise được đưa ra một cách chắc chắn và thuyết phục, Denis Villeneuve đưa vào phim hai nhân vật với hai chức năng đối đầu và ủng hộ những gì cô theo đuổi: đại tá Weber (Forest Whitaker) và tiến sĩ Ian Donnelly (Jeremy Renner).
Khi cuộc đổ bộ vừa diễn ra, Weber đã cân nhắc việc chọn giữa Louise và một tiến sĩ ở Berkeley để tham gia vào nhiệm vụ nghiên cứu ngôn ngữ mới này. Với một cuộc gặp gỡ mang tính quyết định đến lịch sử nhân loại, Weber đã chọn Louise.
Cô đã cho viên đại tá hiểu rằng ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là chìa khoá để giải mã văn hoá và cách đối phương nhìn nhận về thế giới. Phim đưa ra ví dụ về từ gavishti, một từ tiếng Phạn có thể hiểu là chiến tranh và bất đồng. Nhưng ở góc nhìn của Louise, gavishti đơn giản có nghĩa là “mong muốn có thêm bò”. Bởi trong văn hoá của người Ấn cổ, bò là một tài sản nhiều cộng đồng người mong muốn có được.
Từ ví dụ này, khán giả hiểu được rằng trong giao tiếp, tìm hiểu về văn hoá của nhau là yếu tố tối quan trọng. Nếu không phải là một con người thấu đáo và khách quan của khoa học, cuộc giao tiếp giữa hai chủng loài với hai ngôn ngữ khác nhau có thể bị hiểu lệch đi và dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Khi bắt đầu tiếp xúc với những Heptapod, Louise dần nhận ra những sinh vật này có khả năng giao tiếp bằng một thứ ngôn ngữ viết kỳ lạ. Chúng là những biểu tượng hình tròn giống nhau về khuôn mẫu chung nhưng khác nhau về đường nét và các chi tiết.
Việc nghiên cứu và bắt đầu trao đổi ngôn ngữ viết của Louise với hai Heptapod (có biệt danh Abbott và Costello) khiến đại tá Weber cảm thấy khó chịu. Trong mắt của một kẻ ngoại đạo, điều duy nhất Weber muốn biết suy cho cùng cũng chỉ quay về câu hỏi mà ông tưởng là quá đơn giản với một nhà ngôn ngữ học: “mục đích của bạn khi đến nơi này là gì?”.
Để thuyết phục Weber về công việc mình đang làm, Louise đã cho khán giả thấy được bản chất phức tạp của ngôn ngữ bằng việc giải thích từng thành phần trong câu hỏi tưởng chừng đơn giản trên. Vì các Heptapod không chung hệ ngôn ngữ với Trái Đất, Louise cần phải đảm bảo họ biết khái niệm “câu hỏi” là gì, và liệu nền văn hoá của họ có một ký hiệu nào tương đương với dấu chấm hỏi hay không.
Sau đó, cần phải dạy họ để họ biết “bạn” trong câu trên ám chỉ “các bạn”, một đại từ nhân xưng mang tính tập thể. Vì rõ ràng, chúng ta cần biết cả chủng loài của họ và 12 phi thuyền đến Trái Đất vì mục đích gì chứ không chỉ mỗi cá nhân Abbott hay Costello. Cuối cùng, việc nghiên cứu đường dài của Louise còn là để thu thập đầy đủ vốn từ vựng để hiểu được ngôn ngữ của họ, cho phép những cuộc hội thoại có thể phát triển toàn diện hơn.
Nếu Weber đại diện cho chướng ngại vật với Louise, tiến sĩ Ian Donnelly lại là nguồn động viên, khích lệ cô. Cả hai tìm được sự tương thông tương ý về quan điểm dù đứng trên hai chiến tuyến khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Cũng chính nhờ Ian, người xem được tiếp xúc với một giả thuyết quan trọng, cũng là gốc rễ cho ý tưởng của cả câu chuyện: giả thuyết Sapir-Whorf.
Giả thuyết Sapir-Whorf và bí ẩn ngôn ngữ viết Heptapod
Trong quá trình tìm cách để thấu hiểu ngôn ngữ viết của của Heptapod, Ian và Louise đã bàn đến một giả thuyết có tên là giả thuyết Sapir-Whorf. Được đề xuất bởi nhà ngôn ngữ - nhân chủng học Edward Sapir và học trò của mình, Benjamin Whorf. Giả thuyết này còn có tên là giả thuyết tương đối về ngôn ngữ.
Cụ thể, cả hai cho rằng ngôn ngữ có khả năng hình thành nên nhận thức, thế giới quan và tư duy của người dùng về thực tại họ đang sinh sống. Có nghĩa là việc một người nói ngôn ngữ nào là điều kiện tiên quyết để hình thành nên cách nhìn của họ về thế giới.
Đây là một giả thuyết được nhiều nhà nghiên cứu về khoa học hành vi cân nhắc vào những năm 1970. Tuy nhiên, sau nhiều đánh giá và suy xét, giả thuyết này được xem là có nhiều lỗ hổng và chưa có tính thực nghiệm trong khoa học. Với Ted Chiang và Denis Villeneuve, Arrival là câu hỏi lớn theo cấu trúc “what if?”: sẽ ra sao nếu những gì Sapir và Whorf nghiên cứu là sự thật?
Nếu một ngày nào đó, con người được tiếp xúc với một ngôn ngữ chưa từng thấy trước đây, liệu ngôn ngữ đó cho tái lập trình lại cách chúng ta nhìn nhận hiện thực của mình? Và liệu điều đó có khiến chúng ta có tư duy của những người sử dụng được ngôn ngữ đó hay không?
Chính giả thuyết Sapir-Whorf đã làm tiền đề cho bước ngoặt lớn nhất của bộ phim, thể hiện cách kể chuyện tài tình của cả Chiang và Villeneuve. Từ phần mở đầu của bộ phim, những cảnh quay Louise và con gái của mình cứ thế trôi qua nhẹ nhàng trên nền phần thuyết minh giàu xúc cảm của chính Louise đã đánh lừa chúng ta rằng đó là những cảnh phim của quá khứ (flashback).
Đó là bởi vì chúng ta (người xem) đã tư duy theo hướng thông thường nhất của loài người: tư duy tuyến tính. Ta đã nghĩ đó là điểm khởi đầu của câu chuyện, nhưng chính Louise Banks đã đánh lừa chúng ta ngay từ đầu với câu nói: “chúng ta đã quá bị ràng buộc bởi thời gian và trình tự”.
Những hình ảnh về Louise và con gái mình liên tục chen ngang trong quá trình giải mã ngôn ngữ Heptapod của cô càng khiến người xem tin rằng những gì Louise nhìn thấy là các mảnh ghép của quá khứ. Giây phút Louise nắm được ý nghĩa của ngôn ngữ này cũng là lúc cô nhận ra chúng là những mảnh ghép của tương lai.
Các cảnh phim về cô và con gái mình là những điều chưa xảy ra.
Khán giả đã xem một bộ phim có trình tự ngược với sự tuyến tính về thời gian thường thấy trong các cách kể chuyện truyền thống.
Để giải thích cho năng lực nhìn thấy tương lai của Louise, người xem cần phải tập trung vào các khái niệm xuyên suốt quá trình giải mã ngôn ngữ Heptapod, đặc biệt là hai khái niệm ideogram (ký tự biểu tượng) và nonlinear orthography (chính tả phi tuyến tính).
Bản chất ngôn ngữ của chúng ta, như Louise đã nói, luôn bị ràng buộc bởi thời gian và trình tự. Tức khi chúng ta đặt bút viết hay mở miệng nói, chúng ta đang tạo nên một đường thẳng có điểm đầu và điểm kết thúc (sequential), và mọi từ ngữ được sử dụng đều có mối quan hệ nhân quả lẫn nhau (cause and effect).
Liệu tư duy của con người có thể cùng lúc hiện hữu ở hiện tại và tương lai và có thứ ngôn ngữ nào cho phép chúng ta nằm ngoài sự tuyến tính của thời gian? Liệu có cách nào để viết nên một ý niệm, một suy nghĩ phức tạp có điểm đầu và điểm kết thúc xảy ra cùng lúc, và gặp nhau tại điểm giữa? (Hãy tưởng tượng bạn đang tư duy ở cả ba thì quá khứ - hiện tại - tương lai cùng một lúc)
Ngôn ngữ của các Heptapod chính là câu trả lời cho những câu hỏi trên. Chủng loài này có khả năng biểu đạt những suy nghĩ phức tạp chỉ bằng một hệ các ký tự hình tròn, không có điểm khởi đầu và kết thúc. Louise không chỉ nắm được quy luật của ngôn ngữ này. Cô đã tạo điều kiện cho bản thân mình trở thành một người sử dụng nó thành thạo ở mức độ tư duy. Điều này đã khai mở năng lực trải nghiệm dòng thời gian một cách phi thường. Theo cách Ted Chiang đã viết, đây gọi là ý thức đồng hiện (simultaneous consciousness).
Trái với cách hiểu đơn giản, rằng ngôn ngữ viết của Heptapod giúp Louise nhìn thấy tương lai, Louise không chỉ đơn giản là “nhìn thấy”, mà cô đã được sống tương lai đó một cách song song với hiện tại. Ý thức của Louise tồn tại cùng lúc giữa hai thời điểm, cho phép Louise làm cầu nối giữa hiện tại và tương lai của chính mình (nghĩa là tương lai trở thành quá khứ của hiện tại, rồi hiện tại lại trở thành quá khứ của tương lai - một vòng tròn không có điểm bắt đầu hay kết thúc).
Tỉnh thức về cuộc đời và quyết định của Louise
Câu chuyện của tiến sĩ Louise Bank được kể một cách phi tuyến tính. Điều này thể hiện cho sự tỉnh thức của cô về cuộc đời khi chính cô đã nói: “Mẹ không còn chắc chắn gì về khởi đầu hay kết thúc nữa, bởi có những khoảnh khắc vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta sẽ giúp chúng ta viết nên câu chuyện của đời mình”.
Dưới vai trò là người xem, chúng ta luôn cố gắng sắp xếp mọi sự kiện theo trình tự để hiểu được mọi thứ. Khác với Louise, chúng ta vẫn bị “ràng buộc bởi thời gian”. Và vì không còn tin vào khởi đầu và kết thúc, Louise nằm ngoài cách hiểu đơn giản của chúng ta về “tự do ý chí” (free will) hay “tất định” (determinism).
Louise trải nghiệm từng giây phút trong cuộc đời mình theo cách ngôn ngữ Heptapod vận hành. Mỗi giây phút trong cuộc đời Louise giờ đây sẽ đi cùng với một kết quả đã được cô trải nghiệm trước ở tương lai. Từ đó dấy lên câu hỏi về tự do ý chí của con người, và liệu chúng ta có thay đổi số phận nếu đã biết trước kết cục của chính mình?
Arrival gây xúc động nơi người xem bởi khi những cảnh phim cuối cùng hiện lên trên màn ảnh, mọi thứ trở thành một vòng tròn khép kín. Bộ phim mở đầu với hình ảnh hai mẹ con Louise và kết thúc cũng với hai mẹ con cô. Sự trải lòng của Louise về quyết định có con dẫu đã biết trước kết cục, về cuộc hôn nhân rồi cũng sẽ đổ vỡ giữa cô và Ian Donnelly và tâm thế trân trọng từng giây phút của cuộc sống đã nâng tầm Arrival lên một tác phẩm đầy tính hiện sinh, thoát khỏi mọi hướng đi trước đó của các bộ phim có chung đề tài.