Vietcetera search icon

Góc nhìn của anh Giang Trần về khởi nghiệp trong lĩnh vực Proptech và Fintech

Anh Giang Trần, Director of Engineering tại RealStake, chia sẻ về sự nghiệp của mình cũng như những quan điểm của cá nhân anh về tốc độ phát triển của lĩnh vực proptech và fintech tại Việt Nam.
Minh Ng
Ask A Senior: Góc nhìn của anh Giang Trần về khởi nghiệp trong lĩnh vực Proptech và Fintech

Ask A Senior: Góc nhìn của anh Giang Trần về khởi nghiệp trong lĩnh vực Proptech và Fintech

Presented by RealStake V2

Trong hệ sinh thái Proptech tại Việt Nam hiện nay, RealStake là một trong những mô hình hiếm hoi khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực bất động sản và tài chính (Proptech và Fintech), đồng thời cũng là một phần của nền kinh tế chia sẻ. Vì thế, chúng tôi tin rằng, hơn ai hết, đội ngũ tại RealStake chính là những người có cái nhìn sát sao nhất về những diễn biến trong lĩnh vực Proptech và Fintech tại Việt Nam.

Vì thế, vào một ngày cuối năm, chúng tôi đã ngồi lại cùng anh Giang Trần, hiện đang là Director of Engineering tại RealStake, để nghe anh chia sẻ về sự nghiệp của mình cũng như những quan điểm của cá nhân anh về tốc độ phát triển của lĩnh vực Proptech và Fintech tại Việt Nam.

Tốt nghiệp Thạc Sĩ ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Viễn Thông Tokyo, Nhật Bản, anh Giang có thời gian làm kỹ sư phần mềm cho tập đoàn Yahoo Japan và công ty dịch vụ Internet ZIGExN. Khi trở về Việt Nam vào năm 2013, công việc chính của anh là xây dựng, và quản lý công ty ZIGExN VeNtura, chi nhánh phát triển hệ thống cho tập đoàn ZIGExN. Từ năm 2018, anh làm Head of Engineering cho công ty AnyMind Group của Singapore chuyên về Adtech và Martech. Đến tháng 6/2019, anh Giang chính thức gia nhập RealStake và đảm nhiệm việc xây dựng đội ngũ kỹ thuật và sản phẩm đầu tư cho RealStake.

Cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu thêm về tính chất công việc của những người làm trong lĩnh vực Proptech và Fintech, cũng như những xu hướng đáng chú ý trong năm tới đây.

Tại sao anh lại quyết định trở về Việt Nam và đầu quân cho RealStake?

Trong thời gian dài học tập và làm việc tại Nhật Bản, anh có nhiều cơ hội tiếp xúc với hạ tầng Internet hiện đại và các dịch vụ Internet rất tiện lợi. Vì thế, anh mong muốn được xây dựng và phát triển những dịch vụ Internet tương tự như vậy tại Việt Nam.

Theo quan điểm của anh, mọi sản phẩm hoặc dịch vụ xuất sắc luôn được tạo ra từ một đội ngũ xuất sắc. Vậy nên câu hỏi “Làm sao để xây dựng một đội ngũ xuất sắc có tư duy tốt và cùng hướng đến việc tạo ra giá trị tốt nhất cho khách hàng?” luôn là trăn trở của anh. Đó là lý do mà anh bị thuyết phục bởi sứ mệnh của RealStake và gia nhập đội ngũ cùng với anh James Vương–Founder & CEO của RealStake–một người anh nhiều kinh nghiệm và cực kỳ tâm huyết trong việc xây dựng sản phẩm mang lại giá trị thật cho người dùng.

Đối với anh, RealStake là nơi để anh có cơ hội xây dựng đội ngũ nhằm tạo ra bước đột phá cho thị trường đầu tư bất động sản, với một hướng tiếp cận mới tận dụng sức mạnh của công nghệ. Đây đồng thời cũng là cơ hội để anh có thể tham gia xây dựng một sản phẩm công nghệ ngay từ giai đoạn đầu và cải thiện sản phẩm dựa trên phản hồi từ phía khách hàng và thị trường.

Anh có thể chia sẻ về công việc hằng ngày của mình tại RealStake? Và các công việc trước đây hỗ trợ anh thế nào trong vai trò Engineering Director tại RealStake?

Trách nhiệm chính của anh là xây dựng đội ngũ phát triển sản phẩm cho nền tảng RealStake. Song song với đó là xây dựng quy trình quản lý đầu tư, giám sát việc vận hành quy trình tiếp nhận, quản lý và chăm sóc khách hàng. Thu thập phản hồi của khách hàng từ đội ngũ kinh doanh để có thể cải thiện tính năng và nội dung của sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ. Đồng thời anh cùng làm việc với CEO để định hướng chiến lược vận hành và cải tiến sản phẩm nhằm thích ứng với những thay đổi trên thị trường.

Do trước đây đã có thời gian xây dựng công ty từ giai đoạn đầu nên việc phải đảm nhiệm nhiều vai trò cùng lúc là điều hiển nhiên với anh. Vì vậy, khi gia nhập RealStake trong giai đoạn bắt đầu, anh không cảm thấy khó khăn lắm. Ngược lại, điều này còn giúp anh hiểu được mô hình doanh nghiệp nhanh hơn cũng như xây dựng sản phẩm sát với nhu cầu thị trường hơn. Một điều may mắn khác là các thành viên trong đội ngũ RealStake luôn ý thức được trách nhiệm của mình và sẵn lòng đảm nhận nhiều vai trò khác nhau.

Là người xây dựng đội ngũ, anh thường truyền đạt cho đội ngũ của mình những giá trị gì?

Điều thứ nhất là giữ cái tôi (ego) của mình thấp nhất có thể trong mọi hoàn cảnh. “” luôn là câu nói thường trực mà các anh em tại RealStake chia sẻ với nhau. Khi giữ được cái tôi thấp thì chúng ta mới có thể lắng nghe xung quanh, tiếp thu cái mới, từ đó mới có thể giải quyết vấn đề một cách khách quan và tốt nhất được. Điều này rất quan trọng trong việc xây dựng và vận hành đội ngũ, khi mọi người đều có cái tôi thấp, đội ngũ đó sẽ rất gắn kết và luôn bổ trợ cho nhau đi đến mục tiêu.

Tiếp đến, trong công việc, điều quan trọng không phải là “be perfect” mà là “get things done fast and improve continuously” (giải quyết vấn đề nhanh chóng và liên tục cải tiến thay vì cố gắng trở nên hoàn hảo). Tư duy này rất quan trọng đối với những công ty khởi nghiệp luôn có nhiều eo hẹp và hạn chế về mọi thứ. Điểm mạnh duy nhất của startup là Tốc độ (Speed) và liên tục thay đổi để cải tiến. Khi startup không tận dụng được thế mạnh này, sẽ hoàn toàn không cạnh tranh lại được các công ty lớn khác.

Yếu tố thứ ba là “focus on customer obsessively”–luôn luôn tập trung vào khách hàng, và tạo ra sản phẩm để mang lại giá trị thực cho khách hàng. Có ý nghĩa gì nếu chúng ta chỉ tập trung vào xây dựng một sản phẩm cực tốt, nhưng lại không phục vụ đúng nhu cầu, và không tạo ra giá trị mà khách hàng cần? Do đó, luôn phải tập trung vào khách hàng, hiểu được nhu cầu và thay đổi sản phẩm theo hướng đó. Có như vậy mới có thể tạo ra sản phẩm đúng nghĩa và có giá trị bền vững và được thị trường đón nhận.

Hoạt động trong lĩnh vực Proptech và Fintech, anh có thể chia sẻ một số quan sát của mình về các lĩnh vực này ở thời điểm hiện tại tại Việt Nam được không?

Bất động sản là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người (Ăn – Mặc – Ở), nên việc mua bán, sở hữu bất động sản luôn luôn là một nhu cầu không bao giờ kết thúc. Bằng chứng là các thông tin về bất động sản luôn thu hút sự quan tâm rất lớn từ thị trường.

Hiện tại, nếu chia thị trường bất động sản theo nhu cầu, chúng ta có thể chia thành 2 nhóm nhu cầu chính: Nhu cầu mua bất động sản để ở, sử dụng (như ông bà ta thường nói “An cư, lạc nghiệp”) và Nhu cầu mua bất động sản để đầu tư kiếm lợi nhuận ổn định lâu dài (mua cho thuê, mua đi bán lại).

Ngoài các chủ đầu tư và nhà phát triển dự án bất động sản, thì có thể phân các công ty Proptech ra thành các mảng như sau: Dịch vụ tìm kiếm thông tin bất động sản và tin tức mua bán bất động sản (Batdongsan.com.vn, Homedy, Chotot); Dịch vụ môi giới bất động sản (brokerage–Rever, Propzy); Dịch vụ chia sẻ không gian (co-working–Wework, Circo, Toong); Dịch vụ kết nối cho thuê (Luxstay); Dịch vụ quản lý bất động sản (Landsoft, Cyfeer); Dịch vụ đầu tư chung bất động sản (RealStake).

Theo đánh giá của cá nhân anh, thị trường Proptech ở Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu với các công ty chủ yếu tập trung vào việc sắp xếp và sàng lọc thông tin bất động sản nhằm kết nối cung cầu một cách tốt nhất trong khả năng. Còn lại việc đánh giá thông tin, trải nghiệm thực tế và kết quả như thế nào vẫn là do người dùng tự chịu trách nhiệm.

Yếu tố nào khiến Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho các startup trong lĩnh vực Fintech và Proptech? Và những khó khăn họ sẽ gặp khi xây dựng và phát triển tại thị trường Việt Nam là gì?

Với thế mạnh là thị trường có dân số hơn 90 triệu dân (đa phần là dân số trẻ đang ở giai đoạn bắt đầu ổn định công việc), nên nhu cầu nhà ở và đầu tư bất động sản ở Việt Nam vẫn sẽ phát triển trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, với các khó khăn vẫn đang hiện hữu như thị trường bất động sản vẫn ở mức sơ khai, thông tin về bất động sản chưa được minh bạch, rõ ràng. Hay kiến thức về bất động sản, đầu tư tài chính của người dân chưa được phổ cập, dễ mắc vào các bẫy lãi suất, bẫy vay nợ dẫn đến họ có cái nhìn không tốt với thị trường. Những điều này dẫn đến việc niềm tin của khách hàng về thị trường bất động sản chưa cao, nhất là đối với các mô hình tân tiến mới gia nhập thị trường.

Những yếu tố kể trên vừa là cơ hội, vừa là thử thách đối với các công ty khởi nghiệp Proptech gia nhập thị trường Việt Nam. Để có thể có ưu thế trong việc cạnh tranh, ngoài các giải pháp đột phá, cách tiếp cận mới và toàn diện hơn, các công ty Proptech–cho dù ở mảng lĩnh vực nào–cũng sẽ phải hướng từ việc chỉ cung cấp thông tin một chiều đến việc tạo ra cho người dùng một trải nghiệm tốt hơn, cung cấp nhiều giá trị thực cho người dùng ở những giai đoạn sau của quá trình.

Đối với nền tảng công nghệ mang tính ưu việt hơn các mô hình truyền thống như RealStake nói riêng, không chỉ gặp khó khăn trong việc phổ cập kiến thức bất động sản cho các nhà đầu tư, mà RealStake còn phải cố gắng để thay đổi quan niệm của họ về việc đầu tư bất động sản chung với số tiền nhỏ và linh hoạt thay vì phải đi vay nợ. Vốn dĩ điều này đi ngược lại hoàn toàn so với quan niệm đầu tư của người Việt Nam, tức là đầu tư bất động sản cần một số vốn lớn hoặc là cần phải vay nợ và phải sở hữu hoàn toàn một bất động sản.

Vậy RealStake làm gì để giải quyết các vấn đề kể trên?

Ngay từ thời gian đầu, RealStake luôn ý thức được rằng thay đổi suy nghĩ và quan niệm của khách hàng cần đến thời gian và sự kiên trì. Vì thế, việc trước tiên cần làm là xây dựng niềm tin nơi khách hàng bằng chính sự chân thành và trung thực.

RealStake luôn chọn lựa những sản phẩm đầu tư tốt từ các chủ đầu tư uy tín, cung cấp thông tin một cách chính xác và trung trực nhất đến với khách hàng, cũng như sẵn sàng tư vấn và giải thích cặn kẽ cho các thắc mắc của khách hàng. Ngoài ra, việc tham gia đầu tư với RealStake cũng có các cơ sở về pháp lý hoàn chỉnh và được ngân hàng bảo lãnh để đảm bảo an toàn cho khoản đầu tư của khách hàng.

Đối với RealStake, đó là những hành động thực tiễn để xây dựng niềm tin với khách hàng, giúp họ hiểu rằng việc đầu tư chung vào bất động sản với số tiền nhỏ không cần vay là hoàn toàn khả thi và là một cách tốt để đầu tư cho tương lai.

Trong năm tới đây, xu hướng Proptech hoặc Fintech nào sẽ đáng để chú ý tại Việt Nam?

Với dân số trẻ và năng động, xu hướng di động hóa và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng tiếp tục sẽ là một xu hướng phát triển chủ đạo trong những năm tới đây. Theo anh, các công ty Proptech và Fintech sẽ đi từ hướng cung cấp thông tin một chiều cho người dùng, đến việc thu nhận thông tin người dùng để cá nhân hóa trải nghiệm, nhằm mang đến cho người dùng nhiều giá trị hơn với dịch vụ của mình. Ngoài ra, các công ty sẽ cố gắng đa dạng sản phẩm hoặc liên kết với nhau để tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ, nhằm tối đa hoá giá trị cho người dùng.

Vậy những xu hướng đó sẽ thúc đẩy RealStake như thế nào?

Xu thế này sẽ cho RealStake định hướng để có thể phát triển sản phẩm phục vụ đúng nhu cầu của thị trường, cung cấp cho nhà đầu tư nhiều sản phẩm tốt nhất, giúp họ thành công về hiệu quả đầu tư trong thị trường bất động sản.

Đối với xu hướng cá nhân hoá trải nghiệm người dùng, RealStake sẽ chú trọng đến trải nghiệm đầu tư của khách hàng để có thể đưa ra lời khuyên và tư vấn những dự án bất động sản mới và tốt hơn, với mức lợi nhuận rõ ràng.

Về lâu dài, RealStake cũng đặt mục tiêu trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu trong việc đầu tư bên cạnh các kênh truyền thống, giúp khách hàng có thêm nhiều cơ hội đầu tư trong tương lai. Và để hiện thực hoá mục tiêu này, đội ngũ RealStake đang cố gắng mỗi ngày để có thể mang đến những sản phẩm công nghệ tiện lợi trên cả website lẫn ứng dụng di động, mang tính hai chiều để giúp khách hàng có thể tiếp cận và đánh giá các cơ hội đầu tư để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn cho mình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục