Scott Hodgetts, General Manager của Sheraton Saigon Hotel & Towers
Sheraton Saigon Hotel & Towers luôn biết cách để chứng minh vị thế người tiên phong của mình. Trước khi mô hình coworking space trở nên phổ biến như bây giờ, Sheraton đã ‘biến hoá' khu vực sản chờ của mình thành một không gian mở linh hoạt với nhiều bàn ghế và chốt cắm sạc, với mong muốn khuyến khích các vị khách sử dụng không gian chung của khách sạn để làm việc.
Trước khi trà sữa bắt đầu trở thành thức uống thời thượng, trưởng bộ phận F&B tại Sheraton cũng đã điền tên món uống này vào menu của mình. Và phải nhiều năm sau đó, trà sữa mới chính thức phổ biến với giới trẻ thị thành và thực sự bùng nổ nhờ mạng xã hội.
Vừa qua, chúng tôi vinh dự được trải nghiệm tour thăm quan độc quyền tại khách sạn Sheraton và Phòng Tổng Thống mới tại đây. Một sự kết hợp giữa không gian sống sang trọng, phòng họp VIP và những bữa tiệc xa hoa, mang đến trải nghiệm đẳng cấp, tái định nghĩa hoàn toàn về nhận định thiết kế dịch vụ phòng suite.
Và vị nhạc trưởng tài ba đằng sau những thay đổi thức thời này là ông Scott Hodgetts, hiện là General Manager của Sheraton Saigon Hotel & Towers, người chịu trách nhiệm vận hành khách sạn. Với thâm niên 30 năm trong nghề với nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, Scott đã có cơ hội vận hành rất nhiều khách sạn, cũng như cộng tác với những vị cố vấn tận tâm, để trở thành người điều hành của một trong những khách sạn hàng đầu thế giới.
Chúng tôi đã có một buổi trò chuyện cùng Scott, lắng nghe câu chuyện của ông cũng như tìm hiểu về chương trình thực tập sinh tại khách sạn Sheraton dành cho các bạn sinh viên đam mê ngành Hospitality.
Bắt đầu với lĩnh vực tài chính, cơ duyên nào đã dẫn ông đến với các vị trí vận hành trong lĩnh vực Hospitality?
Tôi bắt đầu hứng thú với Hospitality từ khi còn là một cậu thiếu niên ở Tasmania. Đó là những ngày hè nước Úc đầy nắng và gió, và tôi là một thành viên của câu lạc bộ Surf Life Saving.
Câu lạc bộ có quán bar ở tầng trên với một khu vực nhỏ để tổ chức tiệc. Khi còn nhỏ, tôi phụ trách công việc dọn dẹp mỗi tối, tới khi đủ tuổi thì được chính thức làm việc ở quán bar. Tôi đã bắt đầu như vậy đó.
Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp, tôi không làm trong ngành ngay mà đứng giữa ngã tư đường với rất nhiều lựa chọn. Mẹ tôi cũng động viên tôi thử sức với nhiều lĩnh vực, cuối cùng tôi làm việc cho một công ty dược phẩm, sau đó là một công ty tài chính.
Khi biết tin Sheraton tuyển dụng trước khi chính thức đi vào hoạt động, tôi đã ứng tuyển và được nhận vào vị trí Credit Manager. Về lý thuyết thì công việc này sẽ ngồi nhiều ở văn phòng, nhưng chỗ làm việc của tôi lại ngay phía sau quầy lễ tân, dần dần tôi đảm nhiệm nhiều hơn công việc của Duty Manager. Và đó là lúc sếp nhận ra tôi đã mất hứng thú với công việc (và sự thật là tôi còn nộp đơn ứng tuyển vị trí Duty Manager nữa kìa!), nhưng giải pháp của ông ấy lúc đó là để tôi tập trung vào công việc tài chính chứ không chuyển qua Operation.
Ông có thể chia sẻ về thời điểm mang tính quyết định trong sự nghiệp của mình được không?
Một năm sau khi tôi chính thức chuyển sang làm công việc tài chính, chúng tôi có tổ chức một buổi hội nghị tại khách sạn. Tôi được phân công làm “đại sứ chào mừng” Giám đốc Nhân sự vùng, Claudia. Sau khi hộ tống cô ấy về phòng, cô quay sang và hỏi: “Scott, anh vừa nói là anh phụ trách công việc gì nhỉ?” Và tôi trả lời, “Tôi là Giám đốc Tài Chính.” Claudia nói: “Ồ, tôi nghĩ trước khi đi, chúng ta cần nói chuyện.”
Tôi nghĩ là mình đã làm hỏng việc gì đó rồi. Sếp của tôi, Giám đốc Điều hành Greg, cũng tin chắc rằng tôi đã làm hỏng việc. Nhưng thực sự là Claudia đã có linh cảm gì đó. Cô ấy thấy tôi phù hợp làm Operation hơn là tài chính. Sau đó không lâu, với sự hỗ trợ của Greg, tôi đã phỏng vấn và được mời làm việc tại Sheraton Sài Gòn, trước khi khách sạn đi vào hoạt động.
Đó là một công việc “hai tay hai súng” giữa tài chính và Operation, tôi vừa phụ trách Room Division, vừa cố vấn cho Giám đốc Tài chính về những điểm cần lưu ý trước khi vận hành khách sạn. Vài năm sau đó, tôi được đề nghị vào vị trí Giám đốc Điều hành tại Indonesia.
Điểm chung của những người thành công trong ngành này là gì, thưa ông?
Tôi nghĩ đó là sự nỗ lực. Bạn phải nỗ lực không ngừng dù có bất kỳ điều gì xảy ra, cả trong thời điểm thịnh vượng lẫn giai đoạn xấu nhất. Chỉ cần bạn có niềm tin rằng cứ đi rồi sẽ đến. Tôi nhìn thấy điều đó ở tất cả những ai đã thành công, chứ không chỉ riêng ngành Hospitality.
Nhưng điểm đặc biệt của ngành Hospitality đó là bạn vừa yêu và vừa ghét nó. Công việc này không dành cho tất cả mọi người. Không giống như những công việc văn phòng khác, buổi tối được nghỉ ngơi, chúng tôi vận hành 24/7. Vì vậy, bạn luôn phải chuẩn bị sẵn sàng để làm nhiệm vụ.
Vì sao Sheraton Saigon Hotel & Towers lại giữ vị trí đặc biệt đối với ông?
Vợ tôi là người Sài Gòn, sau nhiều năm ở Indonesia, chúng tôi muốn chuyển về Việt Nam để gần hơn với gia đình cô ấy. Từ năm 2008 tới 2011, tôi làm Giám đốc Điều hành ở Sheraton Nha Trang. Nhưng sau đó, khi con trai tới tuổi đi học, tôi muốn con học tại Sài Gòn, vì vậy tôi đã nhận lời mời làm Giám đốc Điều hành tại Sheraton Sài Gòn.
Khi đó, khách sạn vừa hoàn thành một dự án cải tạo quy mô rộng, và chuyển đổi từ toà tháp căn hộ dịch vụ sang phòng khách sạn. Tôi phụ trách giám sát việc cải tạo các không gian chung, bao gồm Saigon Cafe, sảnh chờ và các phòng họp.
Vào cuối năm ngoái, chúng tôi đã hoàn thành việc cải tạo toà tháp chính. Với sự linh hoạt tối ưu trong hạng mục thiết kế, tôi tin rằng khách sạn đã thành công trong việc tái định nghĩa bản thân: chuyển đổi từ khách sạn điển hình sang mô hình gần gũi hơn với cộng đồng địa phương.
Nói về việc đổi mới, ông có thể chia sẻ cách để bản thân tự làm mới mình sau bấy nhiêu năm trong ngành được không?
Tôi nghĩ rằng đến một nơi mới cũng là cách để bạn làm mới chính mình. Nhưng trên hết, tôi dành thời gian đọc sách và đi du lịch (tiếc là dạo này thì không nhiều lắm!). Điều đó giúp tôi mở rộng tâm trí, có nhiều ý tưởng mới kết hợp với sáng kiến của các bạn trong team. Đôi khi các ý tưởng bị huỷ bỏ, được biến tấu hoặc thất bại, nhưng ít nhất là chúng tôi đã thử.
Chúng tôi cũng thảo luận những ý tưởng khác nhau với Giám đốc Điều hành Marriott của các khu vực khác. Chúng tôi quan sát lẫn nhau và chia sẻ, “tôi chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng tôi nghĩ điều này phù hợp với khách sạn của anh.”
Cá nhân tôi nghĩ khi có ý tưởng xuất chúng nhưng không thật sự phù hợp với DNA của thương hiệu, thì nên dành ý tưởng đó cho một thương hiệu khác của Marriott. Sheraton là nơi tụ hội của cả thế giới, mọi thứ chúng tôi làm đều gắn kết với định nghĩa này.
Lời khuyên của ông dành cho những bạn trẻ đam mê ngành Hospitality là gì? Họ phải bắt đầu từ đâu?
Năm ngoái, chúng tôi có buổi họp tại Hà Nội với tất cả các team như một phần của Marriott Business Council, với các nhà lãnh đạo Marriott cùng khách mời là đối tác trường học về nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam. Không ai trong chúng ta đi con đường giống nhau để chạm đến thành công. Tuy nhiên, có một điểm chung, đó là chúng ta đều bắt đầu từ vị trí cơ bản nhất và từng bước đi lên.
Tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, chúng tôi làm việc với 11 trường dạy về nhà hàng, khách sạn, và đang đào tạo 56 thực tập sinh vào thời điểm này. Sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn ứng tuyển vào vị trí toàn thời gian và thật tuyệt khi quan sát họ phát triển. Để ứng tuyển, bạn cần ít nhất 18 tuổi, thường là sinh viên năm nhất hoặc năm hai.
Lời khuyên của tôi đó là bạn hãy làm việc chăm chỉ và hết mình. Đến một ngày bạn sẽ được ghi nhận và khen thưởng xứng đáng. Tôi cũng chia sẻ với tất cả các quản lý có thâm niên rằng, đến một thời điểm trong sự nghiệp của các bạn, sẽ xuất hiện một người biết lắng nghe và có niềm tin tuyệt đối vào bạn. Nếu bạn làm việc tốt, đáng tin cậy và luôn vững tin với đạo đức nghề nghiệp của mình, người quản lý sẽ nhận ra điều đó.
Người lãnh đạo sẽ tìm đến thành viên đáng tin cậy nhất khi mọi thứ trở nên khó khăn, một người sẽ hoàn thành công việc mặc dù họ không có nhiều kinh nghiệm. Hãy luôn cư xử đúng mực, quản lý sẽ nhìn thấy tiềm năng của bạn, học cách nói “có” với bất kỳ thử thách nào và đừng nản lòng trước áp lực. Nếu bạn vượt qua bài kiểm tra đó, rồi sẽ có người ghi nhận và giúp bạn thăng tiến.
Nếu không làm việc trong lĩnh vực khách sạn hay tài chính, ông sẽ làm gì?
Ồ tôi sẽ ra khơi. Lênh đênh trên con thuyền của ông tôi, tận hưởng những ngày hè tuyệt vời tại Surf Life Saving là ước mơ từ nhỏ và tới bây giờ tôi vẫn thích sống ở biển.