Bạn đang có sẵn những loại tài sản nào?

Nếu xem mọi thứ là tài sản bạn, sẽ hình thành thói quen tôn trọng những tài sản vô hình của bản thân cũng như những người xung quanh.
Hoàng Nguyễn
Nguồn: Unplash

Nguồn: Unplash

Tôi thường thấy khó hiểu khi nghe người giàu nói: “Tiền không mua được hạnh phúc, tiền cũng không phải là tất cả.” Có nhiều lý do để nghi ngờ mệnh đề này, ví dụ như suy nghĩ: “Chẳng qua họ giàu thì họ mới nói thế". Tới giờ, tôi vẫn thường đùa như vậy với bạn bè mỗi khi ai đó nhắc lại ý này.

Nhưng đây sẽ là bài viết để nói rằng có thể họ không sai. Có thể tiền thực sự không phải là thứ tài sản chi phối mọi thứ.

3 Loại tài sản phổ biến

Tài sản là những gì ta sở hữu và có thể sử dụng cho mục đích cá nhân. Quản lý tài sản là việc làm sao có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả, để đem lại một cuộc sống thoải mái.

Tuy vậy, khi nhắc tới tài sản ta thường chỉ nghĩ tới tài sản vật chất hoặc tinh thần. Trong khi vật chất phải nỗ lực rất nhiều mới có, thì tinh thần lại thường là những thứ thường cần vật chất mới dễ nhận được.

Ví dụ muốn hạnh phúc phải vững kinh tế, muốn có nhiều trải nghiệm thì công việc phải tự do mà vẫn thu nhập cao. Thế nhưng, ta nên kiếm thật nhiều vật chất rồi mới lo tinh thần, hay chỉ cần ưu tiên cho tinh thần, còn vật chất không quan trọng?

Khái niệm tài sản cá nhân không nên dừng lại ở đấy. Nếu xem mọi thứ xung quanh ta đều là tài sản, thì sẽ có 3 loại:

  • Tài sản kinh tế: Tiền, đất đai, xe cộ, sổ tiết kiệm,... Tất cả những thứ có thể quy ra thành tiền.
  • Tài sản con người: Thời gian, kiến thức, kỹ năng, thói quen, sức khỏe, sắc đẹp... Tất cả những thứ mang tính cá nhân của riêng người đó.
  • Tài sản xã hội: Gia đình, bạn bè, đối tác, các mối quan hệ,... Tất cả những thứ thuộc về bên ngoài, có liên quan tới những cá nhân khác.

Việc phân biệt được rõ ràng các loại tài sản sẽ cho ta nhiều hơn những lựa chọn trong các tình huống cụ thể.

Nếu chỉ phân chia rạch ròi vật chất và tinh thần, sẽ khó khăn hơn khi cần cân nhắc đưa ra các quyết định, dễ bị lãng phí những tài sản khó kiếm hơn, như việc mượn tiền của bạn rồi không trả. Đó là cách ta vừa dùng tài sản xã hội để đổi lấy tài sản kinh tế.

Hay một việc gì đó vì tiếc tiền mà nhờ người quen giúp đỡ rồi mang một món nợ ơn nghĩa. Có thể người giúp cũng không cần được nhớ ơn, nhưng người mang ơn thì dễ mang hoài. Vì thế nên người ta nói “Những thứ mua được bằng tiền thì rất rẻ”.

Mỗi tài sản sẽ có những thời điểm đầu tư hiệu quả trong đời

Cất giữ tài sản kinh tế thì dễ rồi, ta có ngân hàng, két sắt để làm việc đó. Nhưng còn tài sản con người và xã hội? Hay có thói quen tốt nào vì bận rộn kiếm tiền mà bỏ quên? Hoặc có người bạn nào từng sẵn sàng ở bên cạnh mình khi khó khăn vì thời gian mà nhạt dần?

Hãy xem đây là những sự lãng phí tài sản để bạn có sự nghiêm túc cân nhắc và có cách để bảo vệ những loại tài sản vô hình này.

Khi kiến thức và kỹ năng còn thiếu, dành hết thời gian để kiếm tiền thì chỉ kiếm được số tiền ít ỏi. Đồng thời, vị trí và năng lực cũng sẽ quyết định mất cân bằng giữa các mối quan hệ công việc - xã hội. Nếu kinh tế và thời gian không nhiều, đầu tư nhiều cho trải nghiệm dễ đưa bản thân vào tình huống bấp bênh.

Đây sẽ là một cách để bạn đặt thêm các giá trị vào thang giá trị của bản thân, giúp tư duy phần nào mạch lạc hơn khi phải đưa ra quyết định hàng ngày. Hơn nữa, nếu xem mọi thứ là tài sản, bạn sẽ hình thành thói quen tôn trọng những tài sản vô hình của bản thân cũng như những người xung quanh.

Đấy cũng là cách giúp chúng ta đỡ phần nào áp lực khi thấy ai đó “giàu” hơn mình trong một loại tài sản nào đó, vì mình không cần phải so sánh với họ. Bởi vì, chúng ta có thể lương không cao, nhưng vui vẻ với công việc đang làm. Chúng ta có thể thiếu kỹ năng, nhưng vẫn được đồng nghiệp yêu quý.

Chiến lược đầu tư vào tài sản bản thân như thế nào cho tốt?

Khi biết tôn trọng những gì mình có, chúng ta nhận ra có đôi lúc mình rất giàu có. Sau đó là dành thời gian ra để nghĩ chiến lược đầu tư cho bản thân.

Ở thời điểm đầu tiên bắt đầu xây dựng sự nghiệp, hãy thử liệt kê các khía cạnh tài sản bạn quan tâm, ví dụ như:

  • Tài sản kinh tế: Có lương đủ ăn uống là được
  • Tài sản con người: Có kiến thức và được làm dự án thật là được
  • Tài sản xã hội: Không có nhiều quan hệ cũng không sao

Như vậy, trong 5 năm đầu tiên đi làm, chúng ta có thể không quan tâm tới vấn đề sức khỏe, các mối quan hệ hay sợ bị lừa lọc, chấp nhận những sai lầm và học cách tha thứ cho bản thân.

Khi năng lực bắt đầu được khẳng định, chúng ta sẽ có cơ hội được tiếp xúc và làm việc với những người giỏi hơn. Từ đó, được lắng nghe, học hỏi tư duy và cách họ làm việc. Năng lực tốt đi kèm với nhiều mối quan hệ xã hội, việc tạo ra tài sản kinh tế cũng ổn định hơn rất nhiều.

Ở thời điểm này, hãy đầu tư hơn vào các mối quan hệ nhiều giá trị về trải nghiệm và những kiến thức xã hội. Dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, gia đình, học thêm những kỹ năng mình thích lúc còn trẻ.

Sử dụng tài sản để phát triển thay vì đi kiếm thêm

Việc xem mọi thứ là tài sản để cẩn thận sử dụng sẽ giúp chúng ta dễ có được sự phát triển bền vững, thay vì chỉ xem chúng là công cụ để kiếm thêm tài sản, bởi vì:

  • Xem tiền là công cụ để đạt được địa vị, bạn sẽ chạy theo đồng tiền và danh vọng
  • Xem các mối quan hệ là công cụ để kiếm tiền, bạn sẽ mất đi những người tốt bụng
  • Xem kiến thức là công cụ để làm việc, bạn sẽ mất động lực học hỏi khi công việc ổn định.

Cuối cùng, có được cuộc sống thoải mái chưa chắc đến từ việc chúng ta làm giàu hết các loại tài sản. Song song với việc làm giàu, còn cần học được ý nghĩa của việc “thấy đủ là được đủ”.

Nhưng có lẽ, con đường để thật sự đạt được trạng thái đó rất dài và chẳng dễ dàng gì. Nên trước khi biết đủ, ta cần học được cách làm đầy chúng đã.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục