Bạn đang sống bận rộn hay bận rộn để sống?

Vì sao bận rộn không đồng nghĩa với làm việc hiệu quả? Chúng ta thấy được người thành công thì bận rộn nhưng liệu người bận rộn có chắc đã thành công?

Uyển Nhi
Bạn đang sống bận rộn hay bận rộn để sống?

Bạn đang sống bận rộn hay bận rộn để sống?

Gửi những người trẻ đang lấy bận rộn làm “kim chỉ nam” cuộc sống: Bạn có đang đánh mất chiếc neo hạnh phúc của chính mình?

Trong ca khúc It’s Alright, Ma thuộc album Bringing It All Back Home phát hành năm 1965 của Bob Dylan, có một câu hát vô cùng nổi tiếng trở thành trích dẫn cho nhiều bộ phim, tác phẩm sau này: “That he not busy being born is busy dying” (Kẻ nào không bận sống thì bận chết). Bạn bận rộn với cuộc sống của mình thì mới đúng nghĩa là đang sống.

Tuy nhiên, bạn có nhận ra một nghịch lí vô cùng khó hiểu trong cuộc sống hiện đại? Khi chúng ta càng bận rộn vùi đầu vào những giờ làm thêm miên man, những ngày cuối tuần ôm laptop ra cafe gõ phím, những giây phút chạy sự kiện xuyên màn đêm… bạn càng cảm thấy cuộc sống trôi tuột khỏi tầm kiểm soát.

Và câu cửa miệng dành cho những trải nghiệm cuộc sống bên cạnh công việc bạn được mời gọi luôn luôn là “xin lỗi, tôi đang bận”.

Vậy thì, chúng ta đang sống lúc nào?

“Ảo tưởng” của sự bận rộn

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự bận rộn đang dần là thước đo của thành công. Với một doanh nhân mà nói, việc anh bỏ ra thêm 2-3 tiếng gặp gỡ khách hàng được cho là có thể giúp công ty anh tìm được một đối tác mới. Một nhân viên chịu khó OT (tăng ca) thêm vài tiếng mỗi đêm, có thể được vinh danh “Nhân Viên Xuất Sắc” của năm và cơ hội thăng quan tiến chức rộng mở. Hay một freelancer chịu khó “cày” vào cuối tuần, một lúc 2-3 jobs ôm đồm thì có khả năng bát cơm tháng sau coi như ấm êm không vướng bận.

Tuy nhiên, liệu sự bận rộn này có phải một chuỗi hoạt động có ý nghĩa? Một nghiên cứu của Harvard Business Review chỉ ra rằng hầu hết các nhân viên dành 80% ngày làm việc cho những hoạt động khiến họ trông bận rộn và vì thế không đủ thời gian để đánh giá xem chúng có thực sự ý nghĩa không. Liệu bạn đang bận rộn để tạo ra sự thành công mình mong mỏi hay đơn giản chỉ là lấp đầy 24 giờ mỗi ngày? Liệu có khi nào bạn tự ngẫm và băn khoăn: “Rốt cuộc mình bận rộn như thế để làm gì?”.

Dù chưa nhìn thấy thành công thật sự từ những người bận rộn xung quanh nhưng khi có quá nhiều người cuống cuồng lao vào cái guồng vận động này, chúng ta cũng bắt đầu tạo ra cho mình những công việc vô hình để khiến bản thân bận rộn. Và bạn đánh đồng bận rộn với một cuộc sống thành công.

Bận rộn có thật sự mang lại thành công?

“Bận rộn là một sự ngu ngốc mới.”- Ông Alain Goudsmet (CEO Mentally Fit) đã thẳng thắn phán một câu chắc nịch như thế.

Chúng ta thấy được người thành công thì bận rộn. Nhưng người bận rộn thì chưa chắc đã thành công!

Hãy thử nhìn lại xem 24 giờ trôi qua, bạn đã làm được những gì? Một người dành từ sáng đến tối cho những chiếc email hay những cuộc gọi tới tấp, ăn uống qua loa, thường xuyên bỏ lỡ các dịp gặp mặt gia đình và một người tuân thủ nguyên tắc “từ 9 đến 5”, dành ra 1 tiếng để ăn tối cùng gia đình, gặp gỡ bạn bè, 2 tiếng thư giãn cho bản thân và 30 phút để đọc thêm vài trang sách mới. Như vậy, ai mới là người bận rộn hiệu quả?

Quên sống bận đi, hãy bận sống thôi!

Cách nhanh nhất để thoát khỏi “ảo tưởng” bận rộn đó là tự hỏi bản thân: Liệu những gì khiến chúng ta đang bận rộn có thỏa mãn được mình? Bạn có thể bận ăn, bận chơi, bận gặp gỡ, bận trò chuyện, bận tìm hiểu những mối quan hệ mới, miễn là bạn luôn kiểm soát và cảm thấy hiệu quả với kế hoạch bận rộn của mình. Đó là lúc bạn bận rộn để sống và tận hưởng những bận rộn mà bạn đang có. Nhưng ngược lại, khi bạn bận nhưng lại không cảm thấy vui vẻ mấy, hoặc chỉ bận để cho người khác thấy, có lẽ đã đến lúc bạn nên suy nghĩ lại và vạch ra một kế hoạch “bận sống” cho chính mình.

Cuộc sống chính là một chuỗi những sự bận rộn có nghĩa. Hãy lập một danh sách những điều làm bạn muốn bận, theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới, và thiết lập thời gian cố định để thực hiện những việc bận này. Nhiều khi mọi thứ có thể diễn ra không như bạn đã lên kế hoạch sẵn, nhưng bạn sẽ hài lòng bởi ít nhất, bạn cũng đã vận hành mọi việc theo cách hiệu quả và khoa học hơn.

Điều quan trọng nhất là đừng bao giờ đánh giá sự bận rộn dựa trên thước đo là thời gian và tính chất của nó. Hãy cứ làm vì bạn cảm thấy muốn bận rộn, và bận rộn ấy mang lại cho bạn một ý nghĩa nhất định. Bạn có thể không bận hàng giờ đồng hồ OT, không nhận được khoản tiền tăng ca cuối tháng, nhưng bạn lại bận dành thời gian cho bạn bè, người thân, bạn hài lòng với điều đó và nhận lại những kết nối bền chặt từ bên ngoài. Chỉ cần bạn cảm thấy thỏa mãn, bạn sẽ tận hưởng sự bận rộn của mình theo cách tích cực và có nghĩa hơn nhiều lần.

Bài viết được thực hiện bởi Uyển Nhi.

Xem thêm:

[Bài viết] Ngưng bận sấp mặt với 5 thủ thuật quản lý thời gian này

[Bài viết] Làm gì khi nỗ lực rồi nhưng tương lai vẫn vô định?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục