Bạo lực và bóc lột - Mặt trái của những thực tập sinh Việt tại Nhật
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Câu chuyện bắt đầu khi một thực tập sinh người Việt (41 tuổi), tố đồng nghiệp người Nhật của mình, đã liên tục hành hạ anh ta suốt 2 năm. Một đoạn video clip ghi hình vào năm 2020 cho thấy, anh này bị mắng chửi, đấm đá và đánh bằng chổi, chỉ vì không trả lời được chuẩn bằng tiếng Nhật.
Được biết, anh tới Nhật vào năm 2019 và làm việc ở công ty Six Create (Okayama). Thực tập sinh này đã luôn nhẫn nhịn vì sợ mất việc hoặc bị trả thù tại Nhật. Đến tháng 10/2020, thực tập sinh này đã quyết định nhờ sự giúp đỡ của đoàn lao động và đem câu chuyện ra ánh sáng.
Sau sự việc gây tranh cãi, tới tháng 02/2022, Cục Di trú và Bộ lao động Nhật Bản đã công bố hình phạt với công ty Six Create, cấm công ty này nhận thêm thực tập sinh kỹ thuật trong vòng 5 năm, đồng thời bồi thường cho nạn nhân.
2 .Chương trình thực tập sinh tại Nhật là gì?
Chương trình Học viên thực tập kỹ thuật (Technical Intern Training Program - TITP) là một chương trình được Nhật Bản thành lập vào năm 1993. Mục đích của TITP là để chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, đào tạo và chuyển giao kỹ năng cho các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines,... Bên cạnh đó, chương trình hợp tác này cũng sẽ giúp Nhật Bản giải quyết sự thiếu hụt trong nguồn nhân lực. Tính đến tháng 10/2021, dữ liệu cho thấy có tới 1.72 triệu lao động nước ngoài tại Nhật và Việt Nam chiếm nhiều nhất.
Chương trình này đã nhiều lần bị báo giới quốc tế phản đối và coi đây như một phương thức nhập khẩu lao động nước ngoài giá rẻ. Mặc dù mang cái mác “thực tập sinh" hay “tu nghiệp sinh", thực chất, những người này vẫn phải làm việc như những lao động nhập cư. Việc thay đổi cách gọi tên cũng đã giúp tránh những căng thẳng chính trị trong nội bộ Nhật Bản, tới từ những cử tri phản đối dân nhập cư.
3. Có câu chuyện nào tương tự không?
Năm 2018, 3 người lao động Việt Nam đã bị lừa sang Nhật dọn rác thải phóng xạ. Gần đây nhất vào năm 2021, cũng có một cựu thực tập sinh tại Nhật tố cáo mình đã từng bị quấy rối tình dục với đài NHK.
Theo như Koshida Maiko, phát ngôn viên của tổ chức hỗ trợ người nước ngoài sống ở Nhật, 10% cuộc gọi cô nhận được từ năm 2015 tới nay từ thực tập sinh, đa phần là tư vấn bạo lực và quấy rối tình dục. Cô tin rằng đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm.
Có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng chương trình thực tập sinh để đưa người lao động vào chiếc bẫy bóc lột. Các thực tập sinh cũng truyền tay nhau bản danh sách đen về những công ty có lịch sử lợi dụng, sỉ nhục và cả đánh đập người lao động.
4. Mặt trái của chương trình thực tập sinh là gì?
Nhiều người sau khi sang Nhật Bản mới bắt đầu vỡ mộng vì môi trường làm việc khắc nghiệt, thường xuyên phải làm quá giờ. Tuy nhiên, họ cũng không thể nào quay về, khi còn phải cố gắng làm việc để trả nợ cho số tiền họ bỏ ra để được đặt chân tới Nhật.
Theo một phóng sự ngắn của Asian Boss về thực tập sinh tại Nhật, có nhiều người sau khi tới nước này đã phải bỏ mạng vì làm việc quá nhiều, hay thậm chí tự tử vì áp lực. Độ tuổi của họ cũng rất trẻ chỉ ngoài 20. Tại đây có cả một ngôi chùa chuyên cầu nguyện cho những lao động nhập cư đã nằm lại nơi đất khách.
Những lao động ở đây chia sẻ rằng, bề ngoài của nước Nhật thì có vẻ tốt đẹp, nhưng khi sống ở đây, họ đã có những trải nghiệm khác. Một thực tập sinh trong video chia sẻ, họ thường xuyên phải đối mặt với những kỳ thị, như bị ném tàn thuốc và không được đối xử như con người. Những từ vựng họ học được cũng là những câu chửi rủa mà họ phải nghe mỗi ngày trong môi trường làm việc.
Theo phân tích dữ liệu chính phủ được The Japan Times đăng tải, tỷ lệ thực tập sinh nước ngoài chết vì làm việc quá sức cao gấp đôi tỷ lệ chung của Nhật Bản. Ngoài ra thì họ cũng chỉ được trả mức lương tối thiểu.
5. Người Nhật nghĩ gì về người nước ngoài?
Nhật Bản vốn là một quốc gia đồng nhất sắc tộc. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tỷ lệ người lao động nhập cư tăng cao khiến dân cư nước này trở nên tương đối đa dạng. Tuy nhiên thì theo ông Sasaki Shiro, lãnh đạo công đoàn Nhật Bản, nước này chưa bao giờ nghĩ về mình như một nước đa dạng sắc tộc và chấp nhận thay đổi. Ông cũng phê phán rằng Nhật Bản nên thẳng thắng mở cửa đón nhận người nhập cư thay vì “lừa" họ tới Nhật thông qua TITP.
Cách người Nhật nghĩ về quốc gia của họ như một dân tộc đồng nhất về sắc tộc, cũng góp phần làm căng thẳng mối quan hệ của người dân nước Nhật và người nhập cư. Xenophobia hay chứng bài ngoại vẫn luôn là vấn đề nóng của quốc đảo này.
Kikuko Nagayoshi, phó giáo sư tại Viện Khoa học Xã hội, đã có một nghiên cứu liên quan tới mối quan hệ của người Nhật Bản với người nhập cư. Theo cô thì người Nhật coi những người này như là khách ghé thăm. Sự cảm tính trong suy nghĩ có thể dẫn tới những thái độ cực đoan hơn, như muốn đuổi những người nhập cư đi, hay cho rằng họ không xứng đáng được hưởng phúc lợi xã hội. Nhiều người Nhật khi được khảo sát cũng lo sợ rằng dân nhập cư đã làm tăng tỉ lệ phạm tội ở nước họ.
Có thể thấy, các vụ án liên quan tới bạo lực và bóc lột thực tập sinh tới từ những định kiến ẩn mình. Bản thân Nagayoshi cũng cho rằng, sự phân biệt đối xử không xuất phát từ một cá nhân, mà đây là một vấn đề chung của xã hội.