Bình cũ, rượu mới: JVevermind tái xuất trên YouTube!

Vẫn là phong cách làm vlog đơn giản như 10 năm trước, JVevermind nói câu chuyện mới về việc sản xuất và tiêu thụ văn hóa ngày nay.
Sơn Hoàng
Nguồn: YouTube JVevermind

Nguồn: YouTube JVevermind

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Chào mừng sự trở lại của nhà sáng tạo nội dung số 1 Việt Nam!

Cách đây một thập kỷ, khi mà những kênh YouTube nổi tiếng như Giang Ơi, Độ Mixi hay 1977 Vlog còn chưa ra đời, thì JVevermind là một kênh nổi tiếng với thế hệ 9x và một bộ phận Gen Z.

Thành công của JVevermind trong giai đoạn 2012-2015 tới từ sự sáng tạo trong kịch bản, hình thức video đơn giản nhưng hiệu quả, và cách nói chuyện cũng như biểu cảm rất có duyên của Trần Đức Việt - người sở hữu kênh YouTube.

Sau nhiều năm “ẩn cư” và ít xuất hiện trên mạng xã hội, JVevermind đã trở lại với một vlog mới có tựa đề Youtuber hết thời thử trở thành Tiktoker nổi tiếng trong 1 tuần. Đây chắc chắn là một tin mừng với nhiều bạn trẻ, và một tin dữ với nhiều YouTuber khác trên thị trường nội dung số Việt Nam.

2. Có gì trong video mới của JVevermind?

Đúng như tên gọi, video tường thuật lại quá trình xây dựng một “đế chế TikTok” từ con số 0 của một chàng Youtuber hết thời. Khởi đầu video là một mục tiêu rất tham vọng: tối thiểu 1 triệu view trong vòng 1 tuần tính từ thời điểm lập kênh TikTok.

Về cơ bản, video cho thấy những nỗ lực sáng tạo nội dung của JVevermind để có thể đạt đủ “chỉ tiêu” trước khi tới hạn: từ làm video thú cưng, kể chuyện giật gân, tới nội dung du lịch và thậm chí là cả… vũ đạo. Bên cạnh đó là những chia sẻ và lời tường thuật mang tính “tấu hài” theo phong cách rất riêng của Trần Đức Việt.

Với tư cách là người xem, chúng tôi sẽ dừng lại tại đây để không làm lộ nội dung trong video. Chỉ xin bật mí một điều cuối cùng: ở cuối vlog, JVevermind tiết lộ rằng anh sẽ quay trở lại mạng xã hội và sản xuất nội dung trên YouTube đều đặn hơn.

Đó là thông điệp kết thúc video, và có lẽ sẽ mở ra một chặng đường mới cho Trần Đức Việt cũng như những người đã đợi tới bạc cả đầu để lại được xem cái hài của anh.

3. Rút ra được gì từ vlog?

Bên cạnh việc bày tỏ sự ủng hộ và thích thú, nhiều người để lại một số suy tưởng về thông điệp mà họ nghĩ rằng JVevermind đang ẩn giấu sau khiếu hài hước và cách làm vlog của thập kỷ trước. Khó có thể nói rằng Trần Đức Việt có ẩn ý gì trong video đậm tính giải trí này, nhưng dựa vào nội dung, người xem có thể nhìn thấy toàn cảnh thị trường nội dung số tại Việt Nam.

Ngay từ đầu video, người xem sẽ tìm thấy mô tả cô đọng về sự thống trị của TikTok và hình thức nội dung kiểu TikTok: “đâu đâu cũng là Tiktoker, thậm chí lên YouTube Trending của Việt Nam mình cũng thấy toàn Shorts à.” Nhận định này cho thấy những ảnh hưởng trong cách sản xuất và phân phối nội dung của TikTok, tới mức khiến cho những đối thủ của nó cũng phải mô phỏng lại hình thức video ngắn.

Video cũng liệt kê những loại nội dung nổi bật nhất trên TikTok trong nước. Đó hoặc là những đề tài phù hợp để lôi kéo sự chú ý của chúng ta trong vài giây (thú cưng, các trào lưu nhảy,...), hoặc dùng sự giật gân để kích thích trí tò mò của người theo dõi.

Sau khi đã thử làm những đề tài đó, JVevermind cho ta thấy rằng thứ có thể thành công trên môi trường nội dung số là sự ủy mị. Đó là những video với những câu nói mùi mẫn, lúc đậm chất ngôn tình, khi lại sặc mùi self-help chữa lành, đồng thời xen kẽ cả việc khoe tài sản vật chất. Nhồi nhét thêm 20 cái hashtag chả liên quan gì tới nhau trong phần mô tả là tạm đủ để ta đu thuật toán, cưỡi xu hướng rồi.

4. Có công thức nổi tiếng trên TikTok hay không?

Để có thể kiếm đủ KPI 1 triệu view, JVevermind đã quan sát và mô phỏng lại những nội dung có nhiều người xem nhất. Đây có lẽ cũng là thao tác của phần lớn cộng đồng sản xuất nội dung số tại Việt Nam: bước theo dấu chân điện tử của người đi trước, rồi dần tạo ra “sự nguyên bản” của mình trên nền tảng công thức chung.

Gạt qua những tranh luận về việc bắt chước hay ăn theo, thì đây là một thao tác thực tiễn và khá thông minh để những người sáng tạo nội dung có thể đốt cháy giai đoạn và tiến tới thành công nhanh hơn. Vai trò của người sáng tạo ở đây là việc có nhận thức đúng về những nội dung và hình thức nội dung lành mạnh.

Khi đã nhận ra rằng có những công thức nhất định để tham gia vào trào lưu làm nội dung số, thì ngành sản xuất nội dung cũng ít nhiều mất đi sự thần thánh mà nó thường tạo dựng. Khi mà sự nổi tiếng trên mạng tuân thủ chặt chẽ theo thuật toán và những quy phạm sẵn có, thì tính nguyên bản của nhà sản xuất có lẽ chỉ còn đọng lại ở tên tài khoản TikTok họ đăng ký.

5. Làm vlog ngày xưa và bây giờ có khác nhau?

Không khó để nhận ra rằng có những khoảng cách rất lớn giữa các YouTuber của thập kỷ trước như JVevermind, Huyme, hay He Always Smiles so với các YouTuber nổi tiếng hiện nay. Khoảng cách này không nhất thiết là khoảng cách của trình độ, mà là khoảng cách của thẩm mỹ và phong cách sản xuất, tiêu thụ nội dung số giữa hai thời kỳ khác nhau.

Khác biệt dễ nhận thấy nhất có lẽ là ở hình thức nội dung. JVevermind và những người bạn của anh khi xưa hoàn toàn chỉ có bản thân và một chiếc máy quay. Phong cách dựng video đơn giản vô tình tạo ra cảm giác về sự “mộc mạc” khá tương đồng với cách các rapper vẫn gọi bản thân là “real.”

Trong khi đó, ngay cả những video đơn giản nhất của các Youtuber hiện nay cũng có những dấu hiệu của sự chải chuốt. Đó có thể là không gian ngăn nắp mà nhân vật lựa chọn để quay, là mức ánh sáng đôi khi hơi lóa của những chiếc đèn light ring, những hiệu ứng video bắt mắt, hay những hình thu nhỏ (thumbnail) rất cầu kỳ.

Ngoài ra còn có cả khoảng cách về mặt nội dung, với sự đào sâu và mở rộng đề tài của những YouTuber đương đại, dựa trên nền tảng mà những JVevermind hay Toàn Shinoda đã thực hiện. Các khoảng cách ấy thể hiện sự thay đổi của thị hiếu và thẩm mỹ, phản ánh bước chuyển trong đời sống văn hóa của chúng ta bên cạnh sự phát triển của các nền tảng truyền thông và mạng xã hội.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục