Bitcoin có thể trở thành đơn vị tiền tệ hợp pháp?

Lần đầu tiên trong lịch sử, Bitcoin đứng trước khả năng được công nhận là đơn vị tiền tệ hợp pháp.
Nguyễn Xuân Long
El Salvador sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán chính thống? | Nguồn: Getty Images

El Salvador sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán chính thống? | Nguồn: Getty Images

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 05/06 vừa qua, Tổng thống El Salvador Nayib Bukele thông báo rằng chính phủ của ông sẽ trình Quốc hội một dự luật cho phép Bitcoin trở thành đơn vị tiền tệ hợp pháp. Thông báo này được đưa ra tại Hội nghị Bitcoin 2021 ở Miami.

Nếu dự luật được thông qua, El Salvador sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng đồng tiền mã hóa Bitcoin như một phương tiện thanh toán chính thống.

2. Tại sao chính phủ El Salvador muốn thúc đẩy giao dịch tiền điện tử?

Quyết định đưa Bitcoin trở thành một đồng tiền chính thức được cho là nhằm giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế vào đồng Đô la Mỹ.

Trong nỗ lực giảm thiểu hậu quả kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng đáng kể nguồn cung Đô la Mỹ đang lưu hành. Quyết định này nhằm “bơm” thêm tiền cho các tổ chức tài chính và thị trường chứng khoán, giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi (Theo Forbes).

Tuy nhiên, nền kinh tế của El Salvador lại bị ảnh hưởng tiêu cực từ các chính sách tiền tệ đó của FED. Theo đó, nền kinh tế của El Salvador bị mất sức mua do lạm phát tiền tệ của Hoa Kỳ. Các ngân hàng của quốc gia này cũng không nhận được tiền “bơm” từ FED.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Bukele cho rằng nền kinh tế El Salvador đang bị tổn hại và chịu nhiều rủi ro. Vì thế, việc cho phép lưu hành một đơn vị tiền tệ khác theo ông là cần thiết để tăng sức mạnh cho nền kinh tế.

3. Nội dung dự luật là gì?

Dự luật do Tổng thống El Salvador Nayib Bukele vừa đề xuất trong sáng ngày 09/06 có những điều khoản chính sau:

  • Hàng hóa có thể được định giá bằng Bitcoin.
  • Thuế có thể được trả bằng Bitcoin.
  • Giao dịch Bitcoin sẽ không phải chịu thuế trên thặng dư vốn (capital gains tax).
  • Đồng Đô la Mỹ (USD) sẽ là đơn vị tiền tệ tham khảo cho giá Bitcoin.
  • Mọi đại diện trong mô hình kinh tế (economic agents) phải chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán.
  • Chính phủ sẽ cung cấp các hệ thống và công cụ giúp thúc đẩy giao dịch bằng tiền điện tử.

4. Chính phủ El Salvador dự định làm việc này như thế nào?

Trước mắt, dự luật do Tổng thống Bukele đề xuất cần được Quốc hội thông qua trước khi có hiệu lực. Với việc đảng New Ideas của ông đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội, khả năng dự luật này được thông qua là rất cao.

Để hiện thực hóa tham vọng, Tổng thống Bukele cho biết chính phủ nước này đã ký thoả thuận đối tác với công ty tài chính kỹ thuật số Strike (cnbc.com). Thỏa thuận này sẽ giúp El Salvador xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, nhằm thúc đẩy giao dịch thường ngày bằng Bitcoin.

Blockstream - một công ty về công nghệ blockchain cũng mong muốn giúp đỡ quốc gia này. Theo đó, Adam Back - CEO của Blockstream cho biết công ty có kế hoạch đóng góp các công nghệ như mạng lưới Liquid và cơ sở hạ tầng vệ tinh để giúp đỡ El Salvador trên tiến trình hợp pháp hóa tiền điện tử.

5. Sự kiện này ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tiền điện tử?

Tuy là sự kiện mang tính cột mốc, thị trường tiền điện tử không bị ảnh hưởng nhiều từ thông tin này. Giới chuyên gia cho rằng điều này là do quy mô kinh tế và dân số của El Salvador quá nhỏ (Theo coindesk.com).

Sau thông báo của Tổng thống Bukele, giá trị đồng Bitcoin vẫn kháng cự quanh mức 36 nghìn USD, kém xa so với mức cao nhất mọi thời đại đạt được vào giữa tháng 4 - gần 65 nghìn USD.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc sử dụng Bitcoin như một phương thức giao dịch hiện nay đang không hiệu quả. Đây cũng là một lý do cho sự ảm đạm của thị trường sau thông báo của Tổng thống Bukele.

6. Thái độ của chính phủ các nước với Bitcoin như thế nào?

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ quốc gia nào hợp pháp hóa Bitcoin như một đồng tiền chính thức. Tuy nhiên, đã có một số nước gián tiếp đồng ý cho việc sử dụng Bitcoin qua việc ban hành một số quy định để giám sát.

Tại Mỹ, các doanh nghiệp nổi tiếng như Dish Network, Microsoft Store hay Subway đã cho phép thanh toán bằng Bitcoin. Bitcoin cũng được Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) phân loại là tài sản được đánh thuế (investopedia.com).

Tại Canada và Australia, Bitcoin cũng được xem như một loại hàng hóa. Việc giao dịch Bitcoin vì thế phải chịu thuế theo quy định của Nhà nước.

Tại châu Âu, Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) năm 2015 đã ra phán quyết rằng việc mua và bán tiền điện tử được coi là cung cấp dịch vụ. Các giao dịch tiền điện tử vì thế sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) ở tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, vẫn có nhiều quốc gia chưa cho phép, thậm chí cấm hoàn toàn giao dịch tiền điện tử. Tiêu biểu là Trung Quốc, Nga, Bolivia, Columbia và Ecuador.

7. Còn tại Việt Nam thì sao?

Hiện nay, chính phủ Việt Nam không coi tiền điện tử là phương thức thanh toán hợp pháp. Việt Nam chưa có quy định pháp lý cho hoạt động phát hành, mua bán và trao đổi tiền điện tử.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo đã bước đầu triển khai công tác nghiên cứu về loại tài sản này. Tổ nghiên cứu cũng đồng thời tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu đề tài “Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Hiện tại, Bitcoin không phải là đơn vị tiền tệ được hỗ trợ bởi chính phủ Việt Nam. Chính vì vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng khi giao dịch và nắm giữ Bitcoin cũng như các loại tiền điện tử khác.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục