Body shaming là gì? Và ảnh hưởng của việc miệt thị ngoại hình
1. Body shaming là gì?
Body shaming /ˈbɒdi ʃeɪmiɪŋ/ (danh từ) là hành động, hoặc lời nói chê bai, miệt thị ngoại hình của người khác.
2. Nguồn gốc của body shaming?
Danh từ body shaming được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1997. Nhưng đây không phải là hiện tượng mới của xã hội hiện đại.
Quá trình công nghiệp hoá vào thế kỷ 19, 20 đã giúp nguồn cung thực phẩm dồi dào đến mức dư thừa. ‘Fat’ vì vậy không còn được xem là một biểu tượng của “giàu sang phú quý”, mà thay vào đó, trở thành một “khuyết điểm” thường xuyên bị đem ra trêu cười. (theo NCBI)
Năm 2011, một bức ảnh quảng cáo của dịch vụ mai mối Ashley Madison đăng trên tờ New York Metro đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. Nữ người mẫu trong quảng cáo, từ một người tự tin về hình thể, trở nên mặc cảm, vì ảnh cá nhân bị khai thác thành một trò đùa.
Cùng thời điểm này, động từ body shame được đưa vào sử dụng, ghi nhận sự phổ biến và tính nghiêm trọng của hành động miệt thị ngoại hình.
Đến khoảng năm 2016, body shaming mới xuất hiện trong hệ thống tìm kiếm Google của Việt Nam, sau loạt các nghệ sĩ Việt bị miệt thị ngoại hình. Nhưng khái niệm này rõ ràng không phải là điều mới.
3. Vì sao body shaming phổ biến?
Tính tập thể Á Đông khiến chúng ta có xu hướng để ý những thứ lệch chuẩn. Những môi trường tạo nên cuộc đụng độ giữa nhiều thế hệ, văn hoá (đi kèm quan điểm khác biệt về tiêu chuẩn sắc đẹp), như Tết, mạng xã hội, lại hình thành nên muôn hình vạn trạng của body shaming:
- Fat-shaming (Sinh con xong, lên cân nhiều nhỉ, hồi trước gầy như thế... Giảm cân tí cho đẹp.)
- Thin-shaming (Gầy nhỉ, sao ăn hoài không lớn thế con?)
- Fit-shaming (Xinh thế mà cũng thông minh nhỉ? Mặt V-line thế, có sửa gì không? )
Cách đối phó với body shaming không thiếu, nhưng hài hước, tự trào đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ Việt.
Thậm chí, họ thay thế từ body shaming nhàm tai bằng cách nói mới: body samsung, body xiaomi, body Samsmith... Việc cố ý sai chính tả này xảy ra tương tự trong meme “commit sudoku” - vẽ sudoku lên bụng khi làm xấu hổ gia đình (thay cho cách viết đúng “commit seppuku” - hình thức tự sát bằng mổ bụng của người Nhật xưa, khi bôi nhọ thanh danh dòng tộc).
Áp dụng chung công thức, Hòa Minzy nhiều lần tự dìm chiều cao của mình, trước khi bị ‘body shaming’.
Chị đẹp Bích Phương thì mặn mòi thừa nhận “sự thật nó vậy rồi đành chấp nhận chứ biết sao giờ”, khi bị chê “mỡ” trong một buổi biểu diễn vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, phản ứng với thái độ hài hước thôi không chấm dứt hoàn toàn được body shaming. Nhiều người chọn thay đổi hình ảnh bản thân để không phải nghe thêm lời đàm tiếu (như Miu Lê, Đức Phúc, Adele). Người thì chọn rút lui khỏi mạng xã hội (như Phương Vy, Selena Gomez). Người thì chọn đanh thép trả lời (như Hương Giang, Lynk Lee).
Giữa năm 2020, sau khi bị giễu cợt vì “phát tướng”, Billies Eilish đã tự mình gửi đi thông điệp: “bạn không thích tôi, đó không phải trách nhiệm của tôi”. Để miễn dịch với body shaming, đích đến cuối cùng vẫn là “bình thường hoá” các loại hình thể của con người.
4. Dùng body shaming như thế nào?
Tiếng Anh
A: Hey, long time no see! Still a fatso?
B: Oh my “cutie” homie! 500K for one ‘body shaming’, thanks!
Tiếng Việt
A: Lâu rồi không gặp! Vẫn béo thế nhỉ?
B: Ô, chào người anh em “duyên dáng”! 500 ngàn một lần chê nhé, cảm ơn.